Hoạt động bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ di cư trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam – thực trạng và một số khuyến nghị

TS. Lê Hồng Việt
Học viện Phụ nữ Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) –  Di cư ở Việt Nam có xu hướng tăng liên tục trong những năm gần đây và phụ nữ di cư để tìm kiếm cơ hội việc làm ngày càng chiếm tỷ trọng cao theo nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, việc được tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ di cư hiện nay còn nhiều vấn đề. Bài viết phân tích thực trạng hoạt động bảo vệ và hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ di cư,  kết quả khảo sát cho thấy phụ nữ di cư đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là việc cấp và sử dụng bảo hiểm y tế tại nơi đến, nhiều chị em do chủ quan về tình hình sức khỏe, cũng như do thủ tục và các yếu tố khác đã khiến việc bảo vệ, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe với đối tượng này còn nhiều hạn chế.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Di cư là sự tất yếu tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bản thân người lao động. Tuy nhiên, việc di cư sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy và phụ nữ di cư thì còn gặp nhiều khó khăn hơn. Lao động nữ di cư thường dễ bị tổn thương do công việc không ổn định, cường độ lao động cao, đồng thời gặp rào cản khi tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe1.

Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước “Cơ cở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện. Đề tài tiến hành khảo sát và điều tra thực địa từ tháng 8 – 11/2020 tại 8 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Đắk Lắk, đại diện cho các vùng nông thôn và thành thị với 3 nhóm phụ nữ đặc thù là phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ cao tuổi. Trong đó, khảo sát 755 phụ nữ di cư từ 18 tuổi trở lên theo Điều 20 của Bộ luật Dân sự năm 2015; nhóm nghiên cứu lựa chọn 2 xã/phường tại 1 quận và 1 huyện tiêu biểu được lựa chọn để tiến hành khảo sát của 5 tỉnh/thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, nơi có lao động di cư nổi bật, được quan tâm tại địa phương. Đề tài tiến hành khảo sát định tính với 5 nhóm khách thể, gồm: lao động nữ di cư, chồng của họ, đại diện chính quyền địa phương nơi đến về tình hình sử dụng dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh cho thấy, việc chăm sóc sức khỏe với phụ nữ di cư còn nhiều hạn chế, bất cập.

Thực trạng thăm khám sức khỏe của phụ nữ di cư

Theo kết quả khảo sát, phần lớn phụ nữ di cư tự tin vào sức khỏe của mình khi có khoảng 79,9% người tham gia khảo sát đánh giá sức khỏe từ bình thường trở lên chỉ có gần 20,1% đánh giá sức khỏe chưa tốt.

Khi đau ốm, thông thường những người phụ nữ di cư tự mua thuốc về để điều trị (khoảng 17,8% số người trả lời) hoặc không quan tâm đến việc khám, điều trị (33,8%) do nghĩ rằng bệnh tật của mình chỉ là bệnh vặt, chưa đến mức phải điều trị (71,9%) hoặc do không đủ tiền điều trị (26,1%), hay do nhiều nguyên nhân khác, như: không có người đưa đón, chăm sóc, không có phương tiện đi lại, không rõ cần phải điều trị ở đâu hoặc do nơi điều trị quá xa, do không tin tưởng nơi điều trị, lo sợ rằng đến nơi điều trị lại lo sợ mắc bệnh Covid-19 (khoảng 16%). Phỏng vấn sâu một số phụ nữ di cư cũng cho thấy, thông thường với các loại bệnh nhẹ, họ thường tự mua thuốc điều trị.

Tất cả các lý do đó được đưa ra để họ trì hoãn việc đến thăm khám bệnh khi đau ốm. Chỉ có khoảng 17,6% số người trả lời khảo sát đến các bệnh viện trung ương, 39,1% đến các bệnh viện tỉnh/ ngành và 34,5% đến khám, chữa bệnh tại các trung tâm y tế huyện. Số lượng đến với các bệnh viện, phòng khám và các cơ sở y tế tư nhân rất thấp, chỉ từ 3,2% – 10,6%. Điều này cũng dễ hiểu, bởi các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thường thu phí cao, chất lượng cũng chưa được tin cậy như đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.

Bên cạnh đó, phần lớn lao động nữ di cư là những người có thu nhập thấp, chi phí khám, chữa bệnh là do tự chi trả (chiếm tới 48,7%). Do vậy, họ thường cố gắng để không phải vay mượn để chi trả cho các khoản khám, chữa bệnh.

Phần lớn lao động nữ di cư đều tự cố gắng thu xếp để tự chi trả các khoản chi phí khám, chữa bệnh của bản thân nhằm giảm sự phụ thuộc vào những người thân trong gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 9,4% lựa chọn phương án sẽ vay tiền để chữa bệnh cho mình trong khi có đến 85,1% lựa chọn không vay tiền để chữa bệnh. Họ là đối tượng dễ bị tổn thương do không được bảo đảm các quyền lợi tại nơi đến và sự phân biệt giới tính; đặc biệt, nhóm phụ nữ di cư lao động ở khu vực phi chính thức, việc tiếp cận dịch vụ y tế công của họ bị hạn chế khi không có thẻ Bảo hiểm y tế. Nếu bản thân có thẻ Bảo hiểm y tế thì tỷ lệ sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh cũng chỉ đạt 48,9%, đa số chỉ sử dụng dưới 3 lần/năm (đạt khoảng 62%).

Những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ y tế của lao động nữ di cư

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (International Organization for Migration – IOM) và Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization – WHO), có nhiều rào cản đối với chăm sóc sức khỏe đứng dưới góc độ tiếp cận của người di cư, bao gồm: các rào cản về cấu trúc, rào cản về tài chính, về nhận thức và hỗ trợ xã hội2. Phần lớn do thiếu các chương trình truyền thông về sức khỏe, thủ tục hành chính trong hệ thống sổ hộ khẩu cũng như sử dụng Bảo hiểm y tế; thời gian chờ đợi để khám theo Bảo hiểm y tế mất nhiều thời gian, khiến cho lao động nữ di cư cảm thấy nản lòng. Mặc dù có thẻ Bảo hiểm y tế nhưng theo quy định có nhiều khoản Bảo hiểm y tế không chi trả và là gánh nặng cho nhiều người; vì vậy, họ thực sự không muốn sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong quá trình khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhận thức về lợi ích của Bảo hiểm y tế cũng như sự hỗ trợ của xã hội là rào cản trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế của lao động nữ di cư. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, các vấn đề này cũng khá tương đồng, khi hầu hết những khó khăn đều tập trung trong cách tiếp cận đối với dịch vụ và sự hỗ trợ từ phía chính quyền cũng như xã hội.

(1) Khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe của lao động nữ di cư.

Kinh phí đi khám, chữa bệnh là khó khăn đầu tiên đối với lao động nữ di cư; phần lớn lao động nữ di cư đều cố gắng thu xếp để tự trả chi phí khám, chữa bệnh để giảm sự phụ thuộc vào người thân trong gia đình (số liệu thống kê được thể hiện ở Bảng 1). Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì đa số họ cho rằng, họ ít khi ốm nên không có nhu cầu cần sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế, tiếp đến là thủ tục chuyển Bảo hiểm y tế cũng như thời gian phải chờ đợi khi khám Bảo hiểm y tế đã khiến họ không mặn mà sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. Ngoài ra, chất lượng khám theo Bảo hiểm y tế cũng chưa được lao động nữ di cư yên tâm.

(2) Quy định từ chính sách nhà nước.

Hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng đã có điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi và bình đẳng hơn cho nhóm đối tượng lao động di cư nữ, một trong những nhóm đối tượng yếu thế, cần được quan tâm hỗ trợ. Trong hệ thống chính sách, pháp luật, nhóm lao động di cư nói chung đã được đưa vào đối tượng điều chỉnh của một số luật, như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ luật Lao động năm 20193 nhằm bảo đảm cho họ có quyền tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Sự thay đổi và điều chỉnh trong Luật Bảo hiểm y tế năm 2021 mặc dù không đề cập trực tiếp, song cũng đã có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ di cư nói riêng và lao động di cư nói chung khi sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trái tuyến. Tuy nhiên, quy trình về sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trái tuyến vẫn phức tạp, khiến cho lao động nữ di cư và gia đình họ cảm thấy khó tiếp cận.

(3) Hoạt động hỗ trợ của nơi di trú đến đối với lao động nữ di cư tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Theo thống kê, có tới 67,3% số người trả lời không được hỗ trợ gì từ nơi di cư đến và 19,4% lao động di cư không có nhu cầu được hỗ trợ từ phía chính quyền nơi di cư đến. Phần lớn các hoạt động chăm sóc sức khỏe của lao động nữ di cư đều do bản thân họ và gia đình tự thu xếp, việc nhận được hỗ trợ từ các cơ quan, đoàn thể và chính quyền địa phương nơi đến còn nhiều hạn chế. Từ kết quả khảo sát cho thấy, 67,6% số lao động nữ di cư trả lời có mua Bảo hiểm y tế, trong đó phần lớn là họ tự trả chi phí hoặc nhờ sự hỗ trợ từ phía gia đình (64,9%), một số ít nhờ vào sự hỗ trợ từ phía các cơ quan, đoàn thể tại địa phương (30,5%).

Tỷ lệ lao động nữ di cư được nhận hỗ trợ về các dịch vụ y tế còn thấp, 35,7% nhận được hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ, trong đó phần lớn nguồn hỗ trợ là từ gia đình (khoảng 70,1%), các cơ quan đoàn thể (39,3%). 23,8% lao động nữ di cư nhận được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó có khoảng 56,1% là từ các cơ quan, đoàn thể, chính quyền sở tại. Tỷ lệ lao động nữ di cư được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em, được cung cấp các biện pháp và dụng cụ tránh thai cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục còn khá thấp, chỉ khoảng hơn 30% và có sự hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể cũng chỉ ở mức khoảng 30%.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận, thụ hưởng chính sách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế của lao động nữ di cư

Thứ nhất, yếu tố từ địa bàn di cư. Một số nơi tập trung lao động nữ di cư lớn do có nhiều khu công nghiệp, như: Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh có độ tuổi từ 18 – 35. Do thời gian làm việc dài, vất vả nên họ chỉ quan tâm đến công việc và nghỉ ngơi để lấy sức làm việc tiếp. Với những địa bàn khác, lao động nữ di cư thường làm các công việc không cố định, như: bán hàng rong, giúp việc, rửa bát thuê… nên việc tuyên truyền thông tin về chăm sóc sức khỏe đối với họ và gia đình họ cũng gặp nhiều khó khăn. Sự phức tạp từ địa bàn dân cư cũng khiến cho khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ gặp khó khăn; môi trường cư trú không bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho phụ nữ di cư. Ngoài ra, tình hình quản lý và tiếp cận đối với những lao động nữ di cư cũng khó khăn do tính chất “di chuyển” của họ.

Thứ hai, yếu tố từ phía bản thân lao động nữ di cư. Lao động nữ di cư thường chỉ đăng ký tạm trú ở nơi đến, được coi là diện ít ổn định, không được xem là thành viên chính thức trong cộng đồng, không nằm trong diện bình xét hộ nghèo để tham gia các chương trình hỗ trợ của địa phương4. Qua khảo sát cũng cho thấy, nhiều lao động nữ di cư không quan tâm nhiều đến vấn đề khai báo để được hỗ trợ về pháp lý khi cần thiết, họ thường chỉ sinh sống và làm việc tạm thời, không có sự gắn bó lâu dài với nơi họ đến. Do vậy, họ thường không có thái độ hợp tác hay ý thức xây dựng cộng đồng dân cư nơi tạm trú. Chính điều này dẫn đến việc trợ giúp về chính sách an sinh xã hội cho họ không đạt được nhiều hiệu quả.

Mặc dù tại nhiều nơi, các Hội Liên hiệp phụ nữ địa phương cũng đã tạo nhiều điều kiện hỗ trợ cho lao động nữ di cư có thể đăng ký tạm trú, tạm vắng, tạo điều kiện mua Bảo hiểm y tế, tuy nhiên do cuộc sống mưu sinh nên họ bị hạn chế cả về trình độ và thời gian. Đa số lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng không biết nơi cung cấp các thông tin và nơi tư vấn về lao động và Bảo hiểm xã hội cho mình. Thêm vào đó, công việc của lao động nữ di cư thường bấp bênh, không ổn định, các cơ sở lao động cũng không quan tâm đến việc mua Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động, dẫn tới tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế trong các tổ chức, doanh nghiệp đối với lao động nữ di cư thường thấp. Trong khi chi phí để tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện thường cao, dẫn đến tình trạng nhiều chị em ngại mua các loại bảo hiểm để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình.

Thứ ba, yếu tố từ phía chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Theo Luật Cư trú năm 2020, Việt Nam đã bãi bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 01/7/2020; theo Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, các công dân Việt Nam được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp với mã số định danh quốc gia. Điều này cũng đã góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu các khó khăn về đăng ký cư trú, tạo điều kiện cho lao động nữ di cư nói riêng và lao động di cư nói chung tiếp cận được với các dịch vụ cho người di cư được thuận lợi hơn5. Luật Bảo hiểm y tế năm 2021 quy định, nếu có thẻ Bảo hiểm y tế thì người bệnh đi khám, chữa bệnh trái tuyến ở tuyến tỉnh, nếu điều trị nội trú thì cũng được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% (trước đây là 60%) chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của loại thẻ Bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước. Nhưng điều này chỉ áp dụng đối với trường hợp điều trị nội trú, không áp dụng đối với trường hợp điều trị ngoại trú.

Quy trình về cấp Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội phức tạp cũng gây ra những khó khăn, ngần ngại cho lao động nữ di cư và gia đình họ trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Thứ tư, yếu tố từ phía chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể tại địa phương. Việc tuyên truyền từ các tổ chức xã hội, hội phụ nữ, đoàn thanh niên tại địa phương rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao ý thức cũng như hiểu biết của người dân địa phương nói chung và phụ nữ di cư nói riêng về chăm sóc sức khỏe, các quy định của Nhà nước trong việc tự chăm sóc, bảo vệ chính bản thân. Sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong phường, xã cũng là những yếu tố quan trọng, giúp các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng phụ nữ di cư, bảo đảm hiệu quả trong các công tác tuyên truyền.

Khuyến nghị nhằm bảo vệ và hỗ trợ lao động nữ di cư trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, góp phần phát triển toàn diện cho phụ nữ ở Việt Nam

Theo kết quả khảo sát, lao động nữ di cư mong muốn được sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế tại nơi đăng ký tạm trú cũng như được hỗ trợ kinh phí mua Bảo hiểm y tế, giảm thiểu thủ tục và thời gian khám, chữa bệnh. Ngoài ra, họ cũng có nguyện vọng được cung cấp nước sạch để giảm thiểu các bệnh phụ nữ. Chính vì vậy, chính quyền địa phương nơi di trú đến cần quan tâm giải quyết các vấn đề như sau:

Một là, cải thiện môi trường sống tại nơi di cư. Môi trường nơi đến có tầm quan trọng đối với lao động nữ di cư khi họ thường xuyên sinh sống tại đó. Chính vì vậy, cần có những biện pháp để cung cấp nước sạch, vệ sinh an toàn nơi ở, phân loại rác thải, giảm thiểu các tác động về môi trường đến cuộc sống và sức khỏe của người dân nói chung và của lao động nữ di cư nói riêng.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế tại địa phương.Các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tại địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe cũng như hỗ trợ cho lao động nữ di cư tham gia vào các câu lạc bộ về chăm sóc sức khỏe hoặc giới thiệu các kênh cung cấp kiến thức, kỹ năng sống khỏe, sống lành mạnh.

Hiện nay, đa số lao động nữ di cư có sử dụng điện thoại thông minh có thể truy cập vào các trang thông tin để tìm kiếm các thông tin. Chính vì vậy, việc tham gia các nhóm online hoặc các kênh thông tin trực tuyến của các tổ chức đoàn thể cần được đẩy mạnh và áp dụng. Tăng cường mở rộng các mô hình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ di cư cũng như các mô hình sử dụng điểm cung cấp thông tin tại nơi di trú.

Ba là, khuyến nghị về chính sách để hỗ trợ việc tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội đối với lao động nữ di cư. Cần điều chỉnh Bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp với lao động nữ di cư; liên kết giữa nơi ở và nơi đến về pháp lý, quản lý chặt chẽ, đồng bộ. Tăng cường hỗ trợ lao động nữ di cư đăng ký tạm trú, tạm vắng và hỗ trợ họ trong việc mua Bảo hiểm y tế, đây cũng là mong muốn lớn nhất của lao động nữ di cư trong thời điểm hiện nay.

Việc thay đổi quy định về Bảo hiểm y tế phần nào đã tạo ra sự thuận lợi cho lao động nữ di cư, song vẫn còn hạn chế về mặt thông tin cũng như các thủ tục hành chính. Vì vậy, cần tăng công tác tuyên truyền để lao động nữ di cư có thể hiểu được các quyền lợi của mình và tham gia Bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, việc tăng cường trách nhiệm của các tổ chức và địa phương, gắn kết giữa các điểm đi và điểm đến cũng sẽ góp phần giải quyết nhiều khó khăn về thủ tục cho phụ nữ di cư nói riêng và lao động di cư nói chung trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, an sinh xã hội từ cộng đồng nơi đến.

Bốn là, đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình hỗ trợ lao động nữ di cư. Cần tăng cường sự kết nối giữa lao động nữ di cư và cộng đồng. Các mô hình hỗ trợ cần phải được triển khai theo đặc trưng của từng địa phương để có thể thu hút lao động nữ di cư tham gia một cách có hiệu quả nhất và phù hợp với điều kiện của chị em.

Kết luận

Lao động nữ di cư là những người đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của nơi họ đến làm việc, lao động. Tuy nhiên, họ lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn về điều kiện sinh sống, về khác biệt văn hóa, về kiến thức cũng như tiếp cận các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế. Để bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ di cư trong y tế, chăm sóc sức khỏe cần có sự tham gia của các đoàn thể, các cấp chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng để lao động nữ di cư cải thiện cuộc sống, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

Chú thích:
1. Rào cản trong chăm sóc sức khỏe đối với người di cư. https://www.bienphong.com.vn, ngày 05/9/2020.
2, 5. Phân tích thực trạng sức khỏe người di cư tại Việt Nam. Tài trợ bởi Tổ chức Di cư Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nippon thông qua Quỹ hỗ trợ Sasakawa, 2020.
3, 4. Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ, thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với lao động nữ di cư từ nông thôn ra đô thị. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 01/12/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Vương Mai Lan, Trần Thị Mai Oanh và Nguyễn Hoàng Long. Thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của một số nhóm dân cư và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế. Tạp chí Y học thực hành (876) – số 7/2013.
2. Luật Bảo hiểm Y tế năm 2021 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018).
3. Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ: Về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
4. UNFPA và Bộ Y tế. Những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam. Hà Nội, 2017.