Kinh nghiệm tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp

Cao Thanh Mỹ, Lê Huỳnh Trường An, Lý Xuân Trường
Trường Đại học An ninh nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Giám sát và phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội. Thực tế công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã đạt nhiều hiệu quả tích cực, bảo đảm đúng theo quy định pháp luật; nội dung giám sát và phản biện xã hội sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Bài viết nghiên cứu thực tiễn kinh nghiệm hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại tỉnh Đồng Tháp. 
Giám sát và phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đặt vấn đề

Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm định hướng, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Với chủ trương thực hiện tốt giám sát, phản biện xã hội, Đảng ta cho thấy rõ giá trị dân chủ đích thực thông qua việc người dân tham gia ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách phát triển đất nước. Cùng với đó, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, người dân thấy rõ hơn quyền và trách nhiệm công dân tham gia xây dựng chính quyền, góp phần gia tăng tính dân chủ trong việc quản lý xã hội, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”2.

Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nêu: “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội hướng đến xây dựng ý thức, khơi dậy tinh thần chăm chỉ – tự lực – hợp tác trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong tỉnh; chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Thông qua mô hình, phong trào thi đua nhằm tập hợp rộng rãi Nhân dân tham gia vào các tổ chức tự quản ở cộng đồng dân cư; khơi dậy, mở rộng tính liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh của người dân, tạo cho người dân khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”3.

Thực tiễn tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp

(1) Về hoạt động giám sát.

Kết quả giai đoạn từ năm 2013-2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Đồng Tháp đã phát huy hiệu quả 4 hình thức giám sát: giám sát theo chuyên đề, giám sát đột xuất; thông qua các cuộc giám sát đã phát huy được vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; ban thẩm tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn đã tham gia giám sát 8.321 cuộc4.

Một là, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên.

Thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội chủ động xây dựng kế hoạch giám sát thường xuyên đối với về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, giám sát các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.

Hai là, giám sát việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và giải quyết một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp ban hành các kế hoạch, quyết định thành lập các đoàn giám sát trực tiếp đối với đơn vị Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố. Tìm hiểu việc bố trí nơi tiếp công dân, bảo đảm không gian, trang bị các thiết bị, cơ sở vật chất và các điều kiện khác theo quy định; thực hiện niêm yết nội quy, công khai lịch tiếp công dân, tổ chức và tiếp công dân định kỳ theo luật định. Kết quả, công tác tiếp công dân luôn được chủ tịch UBND các huyện, thành phố quan tâm thực hiện đúng quy định pháp luật về tiếp công dân. Ngoài việc tiếp dân theo định kỳ 02 lần/tháng và thực hiện tiếp công dân đột xuất theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Luật Tiếp công dân năm 2013, hàng tuần đều có lịch tiếp dân hoặc đối thoại với công dân. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tiếp dân theo định kỳ hàng tuần và thực hiện tiếp công dân đột xuất theo quy định tại Điều 15 Luật Tiếp công dân năm 2013.

Ba là, giám sát việc quản lý, sử dụng đất công.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành các kế hoạch về khảo sát việc quản lý, sử dụng đất công mà trước đây người dân hiến, cho mượn để xây dựng trường học, trạm y tế, phục vụ các mục đích công cộng… đến nay không sử dụng đối với 12/12 UBND các huyện, thành phố, mỗi huyện, thành phố khảo sát từ 1-2 xã, phường, thị trấn. Thực hiện Kế hoạch số 178/KH-MTTQ-UB, Đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát trực tiếp UBND 12/12 huyện, thành phố (gọi tắt cấp huyện); mỗi huyện, thành phố khảo sát từ 1-2 xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã). Sau khảo sát, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành chủ trương xử lý một số khó khăn, vướng mắc các huyện, thành phố trong quản lý, sử dụng đất công; chỉ đạo các cấp ủy trong lãnh đạo quản lý sử dụng đất công.

Bốn là, giám sát các vấn đề xã hội ở cấp huyện, cấp xã.

Đối với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện chủ trì giám sát được 176 cuộc tập trung vào các nội dung giám sát tình hình quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”; công tác quản lý, sử dụng, khai thác đất do Nhà nước quản lý; việc chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và thực hiện nếp sống văn minh đô thị; công tác hòa giải cơ sở; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo; việc quản lý, sử dụng các vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội;… Đối với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì tổ chức giám sát được 1.116 cuộc5. Trong đó, tập trung vào các nội dung giám sát công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ chủ chốt do Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã bầu cử; giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,… trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.

(2) Đối với hoạt động phản biện xã hội.

Từ năm 2013 – 2022, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức phản biện xã hội được 5.016 cuộc với 352 văn bản (Mặt trận Tổ quốc tỉnh: 201, cấp huyện: 151) với các hình thức tổ chức đa dạng, phong phú như: hội nghị đóng góp ý kiến trực tiếp, góp ý bằng văn bản, tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của Nhân dân6.

Một là, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động tham gia đóng góp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND. Điển hình như: Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp (nhiệm kỳ 2015-2020), tổng hợp ý kiến, kiến nghị về dự thảo Hiến pháp năm 2013; lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi)… Qua đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đầy đủ ý kiến phản biện xã hội gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Đề án trước khi trình HĐND tỉnh Đồng Tháp thông qua. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao; trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Hai là, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp quan tâm nghiên cứu nâng cao chất lượng góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Ban Thường trực đã góp ý hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo. Các văn bản góp ý của Ban Thường trực chủ yếu liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; đến dân chủ, đồng thuận xã hội. Trên cơ sở đó, nhiều nội dung góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, ghi nhận, tiếp tục ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình góp ý và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Ba là, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã tập trung góp ý, phản biện xã hội 363 các dự thảo nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, kế hoạch về phát triển kinh tế – xã hội của UBND cùng cấp, các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân ở địa phương. Điển hình như: (1) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cao Lãnh tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị thành phố Cao Lãnh đến năm 2030 theo yêu cầu của UBND thành phố Cao Lãnh; (2) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồng Ngự tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự thảo Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công của UBND thành phố năm 2022; (3) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lấp Vò tổ chức hội nghị phản biện dự thảo chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn huyện…

Một số kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp

Thứ nhất, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự chủ động, thống nhất của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức thành viên; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên các hội đồng tư vấn, ban tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các tôn giáo, chuyên gia trên các lĩnh vực.

Thứ hai, phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc tổng hợp, xác định nội dung giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội  kịp thời báo cáo, xin ý kiến thống nhất của cấp ủy cùng cấp. Trao đổi, thống nhất với Thường trực HĐND, Thanh tra, Ủy ban Kiểm tra và các cơ quan có liên quan cùng cấp để tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

Thứ ba, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, những vấn đề mà xã hội và Nhân dân đang quan tâm để báo cáo với cấp ủy, thống nhất với chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện.

Thứ tư, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cần phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của trung ương. Đồng thời phải có cách làm, phương thức tiến hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện về nhân lực, kinh phí, đặc điểm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương.

Thứ năm, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải khách quan, trung thực, đầy đủ nhưng có sự chắt lọc kỹ càng, bảo đảm căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp, kiến nghị đưa ra phải bảo đảm hiệu quả, tính khả thi. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị sau giám sát, phản biện xã hội và góp ý. Kịp thời phát hiện, biểu dương và khen thưởng các cá nhân, tổ chức có mô hình, cách làm hay, thực hiện có hiệu quả.

Việc tiếp cận tìm hiểu, nghiên cứu bước đầu về kết quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và nêu lên các bài học kinh nghiệm cơ bản, góp phần định hướng các giải pháp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.

Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 76, 83.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đồng Tháp, 2020.
4,5,6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp. Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động giám sát và phản biện hội giai đoạn 2013 – 2021, Đồng Tháp, 2022.