Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên tại Học viện Hành chính Quốc gia

ThS. Hoàng Thị Kim Chi
Học viện Hành chính Quốc gia  
(Quanlynhanuoc) – Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Nội vụ; là trung tâm Quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính… Trong bối cảnh số lượng giảng viên tăng thêm sau khi sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đồng thời, nâng cao vị thế, uy tín của Học viện Hành chính Quốc gia.
Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức nhiều hội thảo khoa học từ cấp khoa, cấp Học viện đến các hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế.
Vai trò hoạt động nghiên cứu khoa học đối với giảng viên

Hiện nay, Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện) thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước, đồng thời, đào tạo cử nhân, đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành theo Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Học viện, hoạt động nghiên cứu khoa học cần đề cao, chú trọng là nhiệm vụ thường xuyên và cũng là tiêu chuẩn bắt buộc đánh giá năng lực nghiên cứu của giảng viên gắn với nội dung về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Học viện.

Giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học sẽ củng cố, nghiên cứu sâu kiến thức chuyên môn, ngoài ra, còn mở rộng thêm kiến thức từ các chuyên ngành khác. Quá trình tham gia nghiên cứu khoa học sẽ góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức, cập nhật các kiến thức mới, công nghệ mới và các phương pháp nghiên cứu khoa học, đồng thời, hình thành ở giảng viên những phẩm chất của nhà nghiên cứu. Hơn nữa, quá trình thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học là cơ hội để giảng viên có môi trường bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các thành tựu gặt hái được trong nghiên cứu khoa học sẽ là yếu tố quan trọng nâng cao uy tín của giảng viên, đồng thời, nâng cao vị thế của Học viện với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Năng lực của giảng viên được thể hiện chủ yếu thông qua giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Không thể nói, một giảng viên được đánh giá là có năng lực chuyên môn tốt nhưng hằng năm lại không có công trình nghiên cứu khoa học nào. Đánh giá xếp hạng cơ sở giáo dục đại học đều có tiêu chí đánh giá về hoạt động nghiên cứu khoa học, bên cạnh các tiêu chí về số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy… Vì vậy, mỗi bài viết tham gia hội thảo được đánh giá cao, công trình nghiên cứu khoa học ở các cấp, bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành gắn với tên giảng viên của Học viện sẽ khẳng định “thương hiệu” của Học viện. Danh tiếng của Học viện có sự đóng góp của hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học từ nhiều thế hệ giảng viên trong hơn 64 năm xây dựng và phát triển.

Thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện

Hằng năm, Học viện tổ chức nhiều hội thảo khoa học từ cấp khoa, cấp Học viện đến các hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, các tọa đàm khoa học, các xê-mi-na có sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng thường xuyên được tổ chức. Đây là điều kiện thuận lợi để các giảng viên tại Học viện tham dự, học hỏi và viết bài tham luận.

Học viện cũng đã dành kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học được phân bổ về các khoa, mặc dù phần kinh phí này còn khá hạn hẹp. Các giảng viên có thể đăng ký đề án, đề tài khoa học trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu theo khoa. Đây là cơ hội để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên gắn với chuyên môn giảng dạy. Bên cạnh đó, các bài báo khoa học đăng tạp chí chuyên ngành của giảng viên được quy đổi thành sản phẩm nghiên cứu khoa học. Học viện có quy định cụ thể về số sản phẩm nghiên cứu khoa học hằng năm mà giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp phải hoàn thành, đưa vào tiêu chí đánh giá cuối năm. Đây cũng là động lực để các giảng viên nỗ lực nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, Tạp chí Quản lý nhà nước – cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của Học viện Hành chính Quốc gia có 3 ấn phẩm là tạp chí in tiếng Việt, tạp chí in tiếng Anh và tạp chí điện tử, là nơi giảng viên của Học viện và các nhà nghiên cứu ngoài Học viện đăng bài viết chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm cũng như nghiên cứu, trao đổi trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Viện Nghiên cứu khoa học Hành chính cũng mở hệ thống quản trị trực tuyến tại địa chỉ: https://ias-napa.vn, đã triển khai cấp tài khoản và mật khẩu cho các giảng viên trong Học viện để đăng nhập, cập nhật thông tin về lý lịch khoa học, các bài báo, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học. Đây là hoạt động tích cực nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học của Học viện.

Học viện đã ban hành Quyết định số 939/QĐ-HVHC ngày 11/4/2023 về Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia, trong đó, nội dung hoạt động khoa học của Học viện bao gồm: (1) Các hoạt động nghiên cứu liên quan trong phạm vi, lĩnh vực chuyên môn mà Học viện được giao theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền; (2) Cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn về lĩnh vực trong phạm vi chuyên môn của Học viện, phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhằm cập nhật, nâng cao chất lượng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước; (3) Hợp tác quốc tế trong hoạt động khoa học theo chức năng, nhiệm vụ của Học viện; ưu tiên hợp tác về lĩnh vực khoa học hành chính, quản lý nhà nước và chính sách công; tổ chức dịch, biên tập và phát hành các bản tin, ấn phẩm khoa học, tài liệu khoa học về lĩnh vực trong phạm vi chuyên môn của Học viện; (4) Đề xuất xây dựng các chương trình, đề tài, đề án, dự án trong phạm vi chuyên môn mà Học viện được giao theo quy định và khi được cấp có thẩm quyền giao; (5) Cung ứng các dịch vụ khoa học theo nhu cầu xã hội, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Học viện.

Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ cũng quy định việc triển khai phần mềm đánh giá mức độ tương đồng (chỉ số tương đồng –  similarity index) của các đề tài nghiên cứu khoa học tại Học viện. Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy các nghiên cứu mới có tính sáng tạo, thay cho tìm cách sao chép công trình nghiên cứu đã có. Tuy nhiên, nếu chỉ so sánh mức độ tương đồng với các đề tài trong cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học của Học viện thì chưa đủ vì có thể đề tài đó là mới với Học viện nhưng chưa hẳn là mới với các cơ sở giáo dục đại học hay viện nghiên cứu khác.

Học viện cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho giảng viên Học viện đăng ký tham gia các hoạt động khoa học theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của cơ quan, đơn vị bên ngoài Học viện, giảng viên phải chứng minh năng lực nghiên cứu khoa học và phải tham gia đấu thầu.

Hiện nay, Học viện đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quy định về tổ chức và hoạt động của Nhóm nghiên cứu mạnh. Mục đích phát triển nhóm nghiên cứu mạnh nhằm xây dựng môi trường năng động thúc đẩy, phát huy hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thực hiện sứ mạng, tầm nhìn và chiến lược phát triển Học viện; phát huy tối đa năng lực nghiên cứu của các cá nhân và tập thể, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao; gắn kết với các đối tác lớn trong nước và ngoài nước để cùng giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học vàcông nghệ; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để tạo ra những sản phẩm khoa học và công nghệ có chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, tăng số lượng và chất lượng các kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Học viện

Thứ nhất, hoàn thiện Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, xây dựng và ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện.

Cần nghiên cứu kỹ để sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện theo hướng cân bằng hơn giữa hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học. Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đối với giảng viên phải vừa tạo ra áp lực, vừa tạo cơ hội, vừa có cơ chế, chính sách để động viên giảng viên của Học viện, đặc biệt là các giảng viên trẻ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Điều 38 – Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện quy định về khen thưởng khi có nhiều thành tích đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, bao gồm cả trường hợp cá nhân đăng từ 2 bài báo khoa học trên các tạp chí nằm trong danh mục ISI/SCOPUS, tuy nhiên, Quy chế cần bổ sung thêm quy định về khen thưởng và chính sách hỗ trợ đối với cá nhân, tập thể đấu thầu và thực hiện thành công các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cơ quan, tổ chức bên ngoài Học viện.

Thứ hai, về kinh phí phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học.

Học viện cần nỗ lực tìm kiếm, huy động thêm các nguồn kinh phí khác từ hoạt động hợp tác, tài trợ của cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, ngoài nguồn giao dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp của Học viện để khuyến khích, hỗ trợ đội ngũ giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiệm vụ này do Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính đảm nhiệm chính, tuy nhiên, để huy động được tối đa nguồn tài chính dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học cần có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc và của Lãnh đạo các khoa, ban trong Học viện.

Thứ ba, đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học.

Thực hiện nghiêm túc trong việc đánh giá, nghiệm thu thông qua các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ của đơn vị, cá nhân. Tránh hiện tượng nể nang, dễ dãi trong đánh giá, nghiệm thu. Gắn với kết quả nghiên cứu của từng đơn vị, cá nhân theo nhiệm vụ được giao, cần có hình thức khen thưởng hoặc xử phạt đúng mức.

Học viện cần bổ sung, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học nhưng cũng cần triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu khác. Đặc biệt, có quy định cụ thể, phù hợp cho phép giảng viên trong và ngoài Học viện truy cập, khai thác các cơ sở dữ liệu kết nối này phục vụ nghiên cứu.

Theo khoản 2 Điều 8 Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện, yêu cầu đối với nhiệm vụ khoa học: “Học viện sử dụng phần mềm kiểm tra tài liệu (chống sao chép) bắt buộc đối với các sản phẩm nghiên cứu của Học viện”. Quy định này phù hợp với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng và tính mới trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nếu triển khai sử dụng phần mềm, Học viện nên truy vấn các cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học có sự kết nối với cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu khác như đề xuất ở trên, chứ không chỉ hạn chế việc truy vấn, so sánh tính tương đồng trên cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học của riêng Học viện. Hơn nữa, Học viện có thể hỗ trợ, tạo điều kiện để các giảng viên được cấp quyền truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.

Nghiên cứu khoa học vừa là quyền lợi vừa trách nhiệm của mỗi giảng viên tại Học viện. Vì vậy, tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học sẽ góp phần nâng cao năng lực tư duy, khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn, nâng cao uy tín của người giảng viên. Đây cũng là cơ sở để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, để Học viện hoàn thành sứ mệnh là trung tâm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng, phát triển năng lực về hành chính, lãnh đạo, quản lý cho nền công vụ Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ.
2. Quyết định số 939/QĐ-HVHC ngày 11/4/2023 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia.