Tạo nguồn và tuyển dụng công chức cấp xã tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên

ThS. Trần Thị Mai
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển đội ngũ công chức cấp xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của khu vực Tây Nguyên. Những năm qua, hoạt động tạo nguồn tuyển dụng đội ngũ công chức cấp xã tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đạt được những kết quả quan trọng, số lượng công chức cấp xã đã được tăng lên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, các hoạt động này hiện nay vẫn còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Ảnh minh họa (internet).

Hiện tại toàn vùng Tây Nguyên có 719 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 102 đơn vị (gồm 85 xã, 10 phường và 7 thị trấn); tỉnh Gia Lai: 220 đơn vị (24 phường, 12 thị trấn và 184 xã); tỉnh Đắk Lắk: 184 đơn vị (20 phường, 12 thị trấn và 152 xã); tỉnh Đắk Nông: 71 đơn vị (6 phường, 5 thị trấn và 60 xã) và tỉnh Lâm Đồng: 147 đơn vị (18 phường, 13 thị trấn và 111 xã)1. Tổng số công chức cấp xã đang công tác tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên (không tính chỉ huy trưởng quân sự cấp xã) là 6.620 người2.

Xác định tầm quan trọng của đội ngũ công chức cấp xã trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách từng bước phát triển đội ngũ này, nhờ vậy, đội ngũ công chức cấp xã tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên dần bảo đảm về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Tuy nhiên, xét về tổng thể trong mối tương quan với yêu cầu của công tác quản lý nhà nước ở cấp xã tại các tỉnh trong khu vực trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ công chức cấp xã vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Thực trạng hoạt động tạo nguồn công chức cấp xã tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Từ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ và thực tiễn công tác thu hút, tạo nguồn công chức cấp xã tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn 2018 – 2022 cho thấy, những hoạt động này đã được các địa phương quan tâm, triển khai tương đối đồng bộ. Đặc biệt, với đặc thù là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tạo nguồn công chức nhằm bổ sung đội ngũ công chức là người dân tộc thiểu số cho chính quyền cấp xã đã được các tỉnh trong khu vực chú trọng, triển khai, lấp đầy những thiếu hụt về số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ công chức cấp xã.

Đối tượng tạo nguồn công chức cấp xã tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên thường là học sinh trung học phổ thông, người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn; sinh viên đã tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học đáp ứng yêu cầu chuyên ngành, phù hợp với các chức danh chuyên môn của cấp xã; cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã đang hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước (như phó chỉ huy trưởng quân sự; cán bộ đài truyền thanh – quản lý nhà văn hoá; cán bộ văn phòng đảng ủy; thủ quỹ – văn thư  – lưu trữ; các tổ chức chính trị – xã hội).

Thực hiện chính sách đối với người dân tộc thiểu số, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã tích cực triển khai hệ đào tạo học sinh dân tộc nội trú, hệ cử tuyển đại học các chuyên ngành địa phương đang có nhu cầu, mục đích là tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Hằng năm, các tỉnh đều cử học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số tham gia học tập theo hệ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đặc biệt, từ năm 2011 – 2017, các tỉnh đã cử 173 học sinh trung học phổ thông tham gia học lớp đại học “hành chính học” hệ cử tuyển tập trung tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên3, cung cấp cho chính quyền cơ sở các tỉnh đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ đại học chuyên ngành hành chính được đào tạo chính quy, bài bản.

Bên cạnh đó, việc thu hút thanh thiếu niên, học sinh, lao động trẻ người dân tộc thiểu số đang cư trú, học tập, làm việc tại địa phương vào sinh hoạt trong các tổ chức quần chúng cũng đã tạo ra nguồn lực đông đảo, là điều kiện thuận lợi cho các chi bộ, các đoàn thể chính trị – xã hội, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, định hướng con đường phấn đấu, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ cho đối tượng, tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường đào tạo, dạy nghề và cán bộ người dân tộc thiểu số đã công tác ở nơi khác cũng là nguồn lực rất quan trọng, việc thu hút vào công tác trong hệ thống chính trị cơ sở thực hiện thông qua công tác tuyên truyền, động viên, phát huy ý thức dân tộc, gắn bó với quê hương; chính sách khuyến khích vật chất, tinh thần; ưu tiên tuyển dụng, hỗ trợ bảo đảm đời sống ban đầu; bố trí vào công việc phù hợp cũng là những biện pháp được triển khai ở một số địa phương. Đối với một số cán bộ, cán bộ không chuyên trách, nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp sắp xếp, bố trí, thay đổi vị trí công việc hằng năm, một mặt, giúp họ tiếp cận với nhiều lĩnh vực khác nhau, rèn luyện bản lĩnh, am hiểu hơn về địa phương, tính chất công việc, tự đào tạo qua quá trình công tác; mặt khác, giúp cấp ủy, chính quyền cấp xã phát hiện, khẳng định thêm phẩm chất, năng lực, sở trường của mỗi cá nhân để có phương án tuyển dụng, bố trí công việc khi cần.

Để xem xét, đánh giá về kết quả thực hiện hoạt động tạo nguồn và tuyển dụng đội ngũ công chức cấp xã tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tác giả đã tiến hành phát phiếu điều tra khảo sát đối với nhóm đối tượng là công chức quản lý, sử dụng công chức cấp xã gồm nhóm công chức Phòng Nội vụ cấp huyện; chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã (thu về được 294 phiếu) và nhóm đối tượng là công chức cấp xã (thu về được 381 phiếu). Trong đó, câu hỏi chứa đựng nội dung đánh giá, chấm điểm với các mệnh đề được sử dụng thang đo likert (thang đo đơn chiều được sử dụng để thu thập thái độ và ý kiến của người trả lời), với 5 mức độ là: yếu, kém, trung bình, tốt, rất tốt.

Kết quả khảo sát cho thấy, điểm trung bình đánh giá các hoạt động là không đồng đều. Trong đó, cao nhất là việc lựa chọn đối tượng được tạo nguồn với 4,15/5 (do công chức cấp xã đánh giá) và 3,79/5 (do công chức Phòng Nội vụ, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã đánh giá). Nội dung được đánh giá thấp nhất là khả năng đáp ứng kỳ vọng thực tiễn của địa phương với điểm tương ứng với hai nhóm đối tượng là 2,88/5 và 2,02/5. Bên cạnh đó, có sự chênh lệch đáng kể giữa đánh giá của cán bộ quản lý và sử dụng công chức cấp xã với đánh giá của công chức cấp xã (xem Bảng 1).

Thực trạng hoạt động tuyển dụng công chức cấp xã tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Mặc dù chưa có chính sách thu hút cụ thể đối với đối tượng là công chức cấp xã, nhưng qua việc triển khai các văn bản của trung ương về tuyển dụng công chức cấp xã, cụ thể các quy định ưu tiên trong tuyển dụng nhằm khuyến khích, thu hút nguồn công chức cấp xã theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong quá trình tuyển dụng công chức cấp xã, hầu hết các huyện của các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều áp dụng ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức cấp xã đối với các đối tượng: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B; người dân tộc thiểu số, sỹ quan quân đội, sỹ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyên ngành, con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động; người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng xét và áp dụng quy định về các trường hợp đặc biệt không cần qua thi tuyển đối với người tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi ở trong nước hoặc đạt loại khá trở lên ở nước ngoài, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng; người có trình độ từ đại học trở lên có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có ít nhất 5 năm công tác trong lĩnh vực cần tuyển dụng đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn dự thi tuyển công chức cấp xã. Qua đó, trong quá trình thi tuyển công chức, các huyện đều có các đối tượng ưu tiên và đối tượng thuộc trường hợp đặc biệt không qua thi tuyển, từ đó, tạo điều kiện và thu hút được nhiều công chức có chuyên môn cao, có kinh nghiệm, tâm huyết với địa phương.

Đối với công tác tuyển dụng công chức cấp xã, ngoài các quy định của trung ương, các tỉnh cũng đã ban hành quy chế tuyển dụng nhằm hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai hoạt động tuyển dụng một cách thống nhất, đúng quy định, điển hình ở các tỉnh, như:

Tại tỉnh Đắk Lắk: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 về ban hành Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND ngày 16/7/2021 quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức làm việc tại các xã miền núi, vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 26/4/2021 về số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tại tỉnh Đắk Nông: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 23/5/2023 ban hành Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Tại tỉnh Gia Lai: UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 12/7/2013; Quyết định số 19/2021/QĐ-UBND ngày 05/8/2021 ban hành quy định chi tiết một số điều, khoản, điểm và biện pháp thi hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tỉnh Kom Tum: Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 05/10/2020 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế tuyển dụng công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2020, thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013.

Tại tỉnh Lâm Đồng: UBND ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-UBND ngày 21/3/2023 ban hành Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Các văn bản trên là cơ sở quan trọng giúp các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong khu vực triển khai hoạt động tuyển dụng công chức cấp xã trên địa bàn.

Từ năm 2018 – 2022, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã triển khai các đợt thi tuyển công chức cấp xã, cơ bản bảo đảm số lượng công chức theo quy định. Đồng thời, nhờ việc tuyển dụng được triển khai chặt chẽ, chuyên nghiệp (nhiều địa phương phối hợp với các cơ sở sát hạch có uy tín và chuyên môn cao để trực tiếp thực hiện các hoạt động tuyển dụng công chức cấp xã) nên chất lượng của đội ngũ công chức cấp xã được tuyển dụng ngày càng cao. Hình thức thi tuyển cũng được đổi mới, nhiều huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thi vòng 1 trực tiếp trên máy tính, giảm bớt môn thi tin học. Tuy nhiên, hoạt động tuyển dụng công chức cấp xã nói chung, tuyển dụng công chức cấp xã trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng vẫn còn một số bất cập như nội dung thi chủ yếu nặng về học thuộc luật, chưa chú trọng khả năng tư duy, giải quyết tình huống thực tiễn, chưa đưa các nội dung mang tính đặc thù của khu vực vào trong công tác tuyển dụng.

Qua kết quả khảo sát về hoạt động tuyển dụng cho thấy, điểm trung bình đánh giá các hoạt động cũng có sự chênh lệch. Trong đó, cao nhất là sự bảo đảm các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng với 4,49/5 (do công chức cấp xã đánh giá) và 4,74/5 (do công chức phòng Nội vụ, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã đánh giá). Nội dung được đánh giá thấp nhất là nội dung câu hỏi sử dụng trong tuyển dụng công chức cấp xã với điểm tương ứng với hai nhóm đối tượng là 2,22/5 và 2,59/5 (xem Bảng 2).

Kiến nghị, giải pháp

Tạo nguồn, tuyển dụng đội ngũ công chức cấp xã là nhiệm vụ quan trọng, được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách, văn bản điều chỉnh. Trong thời gian qua, hoạt động này đã được các tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai tương đối đồng bộ, góp phần quan trọng trong bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu công chức cấp xã trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế, như: hầu hết các hoạt động được triển khai chưa gắn với đặc thù của địa phương, đặc thù của đội ngũ công chức cấp xã nên hiệu quả thực tế của các hoạt động chưa thực sự cao, chưa gắn với nhu cầu thực tiễn của địa phương; trong quá trình triển khai chưa thu hút được sự tham gia của nhiều chủ thể có liên quan. Do vậy, cần triển khai giải pháp sau:

Một là, nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù về thu hút, tạo nguồn, tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Tây Nguyên là khu vực đặc thù về tự nhiên, văn hóa, phong tục, tập quán, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Các yếu tố này đang tác động và quy định sự phát triển của cả khu vực, đòi hỏi trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội khu vực phải có những tư duy mới, cách làm mới để khai thác những lợi thế, khắc phục những bất lợi của vùng. Những năm gần đây, vấn đề xây dựng các chính sách đặc thù phát triển Tây Nguyên được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực tại chỗ – yếu tố mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội bền vững của khu vực trong thời gian tới. Đối với tạo nguồn, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tại khu vực có nhiều yếu tố đặc thù như Tây Nguyên, hoạt động này cần được nghiên cứu để đề xuất cơ chế, chính sách riêng, phù hợp hơn với tình hình thực tế các địa phương trong khu vực.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương quan trọng của Đảng cần được triển khai một cách có hệ thống, phù hợp với yêu cầu của địa phương. Trong đó cần chú trọng đến chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức – những chủ thể quan trọng, quyết định sự thành công chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong khu vực. Các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, trên cơ sở những yêu cầu, chiến lược chung, cần nghiên cứu, ban hành những chiến lược, chính sách và cơ chế có tính đặc thù riêng trong tạo nguồn, tuyển dụng đội ngũ công chức cấp xã phù hợp với đặc điểm của đội ngũ hiện tại, phù hợp với các điều kiện của khu vực cũng như đặc thù của địa phương nhằm tạo tính chủ động và bảo đảm thực thi chính sách hiệu quả tại địa phương.

Các chính sách, cơ chế đặc thù ưu tiên hơn đối với một số đối tượng công chức đặc biệt, như: công chức là người dân tộc thiểu số, công chức công tác ở những vùng khó khăn, công chức công tác ở khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công chức công tác ở khu vực đa tôn giáo.

Hai là, xây dựng và triển khai đồng bộ các hoạt động thu hút, tạo nguồn, tuyển dụng công chức cấp xã gắn với yêu cầu của địa phương.

Đối với hoạt động thu hút, tạo nguồn: các tỉnh trong khu vực cần chủ động thực hiện có hiệu quả các chính sách của trung ương nhằm thu hút và tạo nguồn công chức phù hợp với nhu cầu của địa phương, tránh trường hợp thu hút, tạo nguồn không đúng đối tượng, không thống nhất giữa chủ thể thu hút, tạo nguồn với cơ quan tiếp nhận. Bên cạnh đó, các tỉnh cần chủ động ban hành kế hoạch thu hút, tạo nguồn công chức cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để chủ động nguồn công chức bảo đảm các tiêu chuẩn khi cần thiết.

Đối với công tác tuyển dụng: ngoài việc đổi mới cách thức tổ chức tuyển dụng công chức, các tỉnh cần nghiên cứu đổi mới nội dung đề tuyển dụng theo hướng tăng cường dung lượng các câu hỏi mang tính tư duy, giải quyết tình huống. Trong triển khai tuyển dụng công chức cần quan tâm đến công tác phổ biến thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất về địa điểm, thời gian tổ chức để thu hút thí sinh tham gia dự thi, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và tính mở trong tuyển dụng.

Hoạt động công vụ của công chức không chỉ là hoạt động mang tính chất sự vụ, giấy tờ mà còn bao gồm nhiều kỹ năng khác, như: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng phân tích, giải quyết tình huống, kỹ năng vận động, tuyên truyền. Vì vậy, trong tuyển dụng nên ưu tiên sử dụng hình thức phỏng vấn bởi thông qua hình thức này, cơ quan tuyển dụng sẽ dễ dàng nhận biết, lựa chọn được ứng viên có phẩm chất, năng lực, kỹ năng trong quan hệ giao tiếp, ứng xử phù hợp nhất cho vị trí việc làm cần tuyển dụng, từ đó góp phần nâng cao khả năng thực thi công vụ của công chức khi được tuyển dụng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển công chức cấp xã giúp bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, nâng cao tính minh bạch trong tuyển dụng. Thông qua hoạt động này công tác kiểm soát quá trình tổ chức, chống tiêu cực trong thi cử được tăng cường. Thí sinh dự thi được biết kết quả ngay sau khi thi mà không còn băn khoăn vào khâu ra đề cũng như chấm thi như trước đây; từ đó tạo niềm tin cho thí sinh cũng như giúp tiết kiệm thời gian chi phí, đơn giản hóa nhiều thủ tục, hồ sơ, giấy tờ trong hoạt động tuyển dụng. Tuy vậy, để hình thức thi tuyển này được triển khai hiệu quả, khách quan, các tỉnh cần quan tâm hỗ trợ thêm cho cấp huyện về máy móc, trang thiết bị, phần mềm phục vụ các kỳ thi tuyển dụng công chức.

Chú thích:
1. Theo tổng hợp của tác giả trên cơ sở số liệu báo cáo của sở Nội vụ các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
2. Số liệu từ kết quả tổng hợp của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố.
2. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Đoàn Văn Trai. Thực hiện chính sách phát triển công chức văn hóa – xã hội cấp xã ở vùng Tây Nam Bộ. Luận án tiến sỹ, mã số 934.04.02, năm 2021.
4. Trương Thị Bạch Yến. Tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay. Luận án tiến sỹ, mã số 62.31.23.01, năm 2014.
5. Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở các tỉnh Tây Nguyên. http://www.xaydungdang.org.vn, truy cập ngày 12/10/2023.