Thành lập Thanh tra sở theo Luật Thanh tra năm 2022 – Một số vấn đề cần khắc phục

ThS. Lê Ngọc Hưng
Học viện Hành chính Quốc gia

 (Quanlynhanuoc.vn) – Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Tuy vậy, việc thành lập Thanh tra sở theo Luật Thanh tra năm 2022 vẫn còn có một số vấn đề cần khắc phục.
Ảnh minh họa
Tổ chức Thanh tra Sở

Thanh tra sở, cấp cơ quan thanh tra được thành lập trực thuộc cơ quan cấp sở, thực hiện vai trò thanh tra. Những năm qua, Thanh tra sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác thanh tra tại địa phương, đặc biệt gắn với hoạt động thanh tra chuyên ngành, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành Thanh tra. Tuy nhiên, cơ cấu, tổ chức và quy định về Thanh tra sở còn nhiều bất cập, như: tổ chức dàn trải khó phát huy hiệu quả, khó phân định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính trong thực hiện hoạt động thanh tra cấp sở

Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều quy định mới, khắc phục được những vướng mắc, khó khăn, lỗ hổng của Luật Thanh tra năm 2010. Trong đó, nổi lên những điểm mới có tính đột phá cao là Luật quy định giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở. Cụ thể tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022 quy định Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp: (1) Theo quy định của luật; (2) Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; (3) Tại sở do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Khoản 3 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022 còn quy định: tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quy định như trên là phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, khắc phục tình trạng dàn đều biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở, dẫn đến thực trạng nhiều nơi Thanh tra sở chỉ bố trí được 2 – 3 người nên hoạt động khó bảo đảm hiệu quả.

Tuy nhiên, việc phân quyền hoàn toàn cho UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở có thể phát sinh một số vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện quy định trên.

 Khó khăn trong việc thực hiện quy định thành lập Thanh tra sở hiện nay

Thứ nhất, việc Luật Thanh tra năm 2022 quy định giao UBND cấp tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc thành lập Thanh tra sở như hiện nay thể hiện quyết tâm chủ trương phân quyền mạnh cho địa phương của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời tạo điều kiện để địa phương chủ động trong việc xây dựng bộ máy chính quyền địa phương chuyên nghiệp và phù hợp với thực tiễn địa phương.

Tuy nhiên, Thanh tra sở là có vị trí đặc thù là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Việc chưa có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Thanh tra sở có thể làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, hạn chế năng lực thanh tra, kiểm tra trong chu trình quản lý nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực có phạm vi quản lý chuyên ngành rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật, như: đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, tài chính, giáo dục,… nếu địa phương không quyết định thành lập thanh tra sở.

Thứ hai, những nơi không thành lập Thanh tra sở (như: nội dung quy định tại khoản 3, Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022). Quy định này đặt ra hai vấn đề thách thức, gồm:

(1) Trong quy định chưa xác định được, giao cho ai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành của Sở. Điều này tạo ra khoảng trống lớn trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, đặc biệt ở cấp sở.

(2) Việc giao cho đơn vị nào thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Trong thực tiễn, khi thực hiện việc sắp xếp chức năng, nhiệm vụ như trường hợp này có thực trạng mỗi đơn vị, địa phương sẽ căn cứ thực tế của đơn vị, địa phương của mình ghép việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này vào một bộ phận khác nhau, phổ biến là ghép vào bộ phận tổ chức hoặc văn phòng. Điều này gây ra những khó khăn khi thống nhất triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trên thực tế.

Thứ ba, quy định chế độ thanh tra viên, người thực hiện chức năng thanh tra theo quy định tại trường hợp này chưa được làm rõ. Cần làm rõ, tại các đơn vị không tổ chức Thanh tra sở không phải không có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra mà quy mô, số lượng, tính chất công tác thanh tra không đủ nhiều để thành lập Thanh tra sở. Vì vậy, vẫn cần thiết chế độ, nhân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra tại các đơn vị này phù hợp với điều kiện tổ chức của địa phương. Như vậy, cần có quy định về chế độ thanh tra viên, người thực hiện chức năng thanh tra cho nhân sự thực hiện nhiệm quyền hạn thanh tra tại trường hợp này.

Một số kiến nghị, đề xuất

Một là, sớm hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Thanh tra sở bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; có thể cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật để phù hợp với cơ chế linh hoạt. Việc thành lập phản ánh nhu cầu cần thiết của địa phương, có sự thống nhất với mục tiêu phát triển và cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, ngăn chặn nguy cơ phình to về tổ chức bộ máy và nhân sự – biên chế.

Hai là, ở các đơn vị không thành lập Thanh tra sở cũng cần thống nhất mô hình sắp xếp, bố trí ghép các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Hạn chế tình trạng mỗi địa phương, đơn vị tổ chức một kiểu, gây khó khăn cho thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn cũng như quản lý của cấp trên.

Ba là, ban hành quy định chế độ cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện công tác của chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra tại các đơn vị không thành lập Thanh tra sở. Hoàn thiện quy định chuyển ngạch với đội ngũ thanh tra viên đang làm việc tại các đơn vị có tổ chức Thanh tra sở sang làm việc tại các đơn vị không tổ chức Thanh tra sở mà vẫn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra do yêu cầu của tổ chức.

Việc trao quyền thành lập Thanh tra sở cho UBND cấp tỉnh là quy định tích cực, thể hiện chủ trương phân quyền mạnh cho địa phương của trung ương, là cơ sở phát huy tính chủ động của địa phương. Tuy nhiên, để quy định này phát huy hiệu quả cần hoàn thiện quy định và thống nhất thực hiện trong thực tiễn.

Tài liệu tham khảo:
1. Dự thảo lần 1 Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. https://thuvienphapluat.vn, truy cập ngày 08/10/2023.
2. Học viện Hành chính Quốc gia. Giáo trình Lý luận pháp luật về thanh tra. H. NXB Bách khoa Hà Nội, năm 2020.
3. Luật Thanh tra năm 2010.
4. Luật Thanh tra năm 2022.