Thừa Thiên Huế thực hiện cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu thực tiễn

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Với mục tiêu Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung cao cho công tác cải cách hành chính nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính góp phần thúc đầy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong đó, tăng cường và triển khai các giải pháp nhằm xây dựng một chính quyền phục vụ, một đô thị thông minh và trở thành đơn vị dẫn đầu về phát triển điện tử cấp tỉnh.
Ảnh minh hoạ: huecity.gov.vn.

Một số kết quả công tác cải cách hành chính đạt được trong quý III/2023

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 với nhiệm vụ trọng tâm là: “Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, hợp hiến, hợp pháp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, địa phương; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”. Trong quý III/2023, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; tổ chức thực hiện rà soát, phân tích kết quả thực hiện các nội dung cải cách hành chính, kết quả hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ.

Đã có nhiều sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính được triển khai, như: (1) UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 13/7/2023 về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2023; theo đó, sẽ triển khai đánh giá công tác cải cách hành chính vào tháng 10/2023; (2) Các cơ quan, đơn vị đã chủ động, kịp thời tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ đề ra (đến nay, đã thực hiện được 20/34 nhiệm vụ trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh); (3) Công tác kiểm tra cải cách hành chính luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo; đặc biệt công tác tự kiểm tra cải cách hành chính của sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục được nâng cao; (4) Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính được tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng; trong đó, UBND tỉnh đã duy trì đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức tại chuyên trang, chuyên mục “Trao đổi và tháo gỡ”, “Chính quyền với người dân” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh nhằm giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn; đồng thời tổ chức Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác cải cách hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức năm 2023.

Thứ hai, về cải cách thể chế.

Trong quý III/2023, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh đã ban hành 35 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó 11 nghị quyết của HĐND tỉnh và 24 quyết định của UBND tỉnh) là các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ đầu tư, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham gia góp ý 53 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 168 dự thảo văn bản do cơ quan trung ương và các sở, ngành, địa phương trưng cầu; thực hiện thẩm 41/41 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thời gian và chất lượng.  

Đối với công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: UBND tỉnh tự kiểm tra 24/24 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành. Thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 1 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các huyện, thị xã và thành phố gửi đến. Qua tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền không phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật.

Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính.

Công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng và giải quyết tốt các giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Các cơ quan quản lý nhà nước đã thường xuyên rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống hóa bộ thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành các quyết định công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc chức năng quản lý chuyên ngành ở các cấp, các ngành.

Trong quý III/2023, UBND tỉnh đã ban hành 32 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính và 2 quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh. Đến nay, đã cập nhật, công khai thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia 956 thủ tục hành chính và bãi bỏ 71 thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính sau khi được UBND tỉnh công bố ban hành đã được các sở, ban, ngành cập nhật vào hệ thống thông tin thủ tục hành chính của tỉnh theo đúng quy định và công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị và niêm yết đầy đủ, công khai và đúng quy định đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại bộ phận một cửa các cấp.

Hiện nay, danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết trên địa bàn tỉnh có 2.106 thủ tục hành chính (trong đó 2.088 thủ tục hành chính do cơ quan trung ương quy định, 18 thủ tục hành chính đặc thù của địa phương). 100% thủ tục hành chính được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 9 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và 141 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã (đạt 100% theo quy định). Trong quý III/2023, UBND tỉnh đã ban hành 38 quyết định phê duyệt bổ sung 548 quy trình nội bộ để cấu hình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Hệ thống xử lý một cửa tập trung tỉnh. Hiện nay, đã hoàn thành phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.

Việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, công dân tại Bộ phận Một cửa các cấp được thực hiện nghiêm túc, là địa chỉ thân thiện, quen thuộc của các công dân, tổ chức khi cần giải quyết các thủ tục hành chính. Với phương châm “Thân thiện – Đúng hẹn – Đơn giản”, thể hiện được khoảng cách giữa chính quyền và người dân ngày càng được thu hẹp. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đăng tải công khai các thông tin về địa chỉ, email, số điện thoại của cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Trong quý III/2023, tỉnh nhận được và đang giải quyết 38 phản ánh, kiến nghị về hành vi hành chính, quy định hành chính liên quan đến lĩnh vực: đất đai, hộ tịch, việc làm, tư pháp… và đã xử lý xong; đồng thời công khai trên hệ thống phản ánh, kiến nghị của Chính phủ. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%. Thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp để xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân.

Thứ tư, cải cách tổ chức bộ máy.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung xây dựng phương án tổ chức lại các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ. Trong quý III/2023, UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định quy định lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức cho các sở, ban, ngành và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong quý III/2023, đã thực hiện chi trả chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP cho 10 công chức, viên chức. Biên chế công chức năm 2023 của tỉnh là 1.979 biên chế, giảm 13 biên chế công chức, giảm 0,7% so với năm 2022. Tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh năm 2023 là 23.369 người, so với số giao của Ban Tổ chức Trung ương cuối năm là 23.675 người, giảm 306 người, đạt tỷ lệ 1,29%.

Thứ năm, về cải cách chế độ công vụ.

Căn cứ nghị định của Chính phủ và các thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng Đề án vị trí việc làm để làm cơ sở cho việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Hiện nay, sau khi các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn, các đơn vị đã chủ động xây dựng Đề án vị trí việc làm, gửi Sở Nội vụ thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Thứ sáu, về cải cách tài chính công.

Việc ban hành các văn bản quy định về quản lý, sử dụng tài sản công từ trung ương đến địa phương trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tác động tích cực đến việc quản lý, sử dụng tài sản công. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ngày càng tốt hơn, đi vào nề nếp, hiệu quả. Trách nhiệm và quyền hạn của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản công được nâng cao, quy định phân cấp rõ ràng, cụ thể, hạn chế việc sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Các đơn vị đã tự xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo các quy định hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và thực hiện công khai tài sản theo quy định.

UBND tỉnh đã triển khai xây dựng cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch về tài chính tại các đơn vị ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kiểm tra, giám sát, góp phần hạn chế các vi phạm về chế độ quản lý tài chính và sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách của Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ bảy, xây dựng và phát triển chính quyền số.

Tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, công văn chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành trung ương, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương. Tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 489/KH-UBND ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 theo Đề án “Chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. UBND tỉnh, huyện tiếp tục kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số các sở, huyện. Có đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện đã bố trí cán bộ chuyên trách, phụ trách chuyển đổi số.

Đến nay, đã triển khai IPv6 cho 261 trang thông tin điện tử, website, phần mềm, ứng dụng; quy hoạch và cấp IPv6 cho 451 đơn vị với hơn 7.755 cán bộ, công chức, viên chức đăng ký sử dụng. Đến nay, có 463 cơ quan, đơn vị (đạt 100%) cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai kết nối mạng MetroNet, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ, internet tập trung. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2980/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 về phê duyệt cấp độ an toàn thông tin “Hệ thống Cơ sở hạ tầng thông tin tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế” bao gồm 14 hệ thống thông tin thành phần.

Tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối liên thông, chia sẻ với hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp. Về số hóa dữ liệu: đã số hoá 700 bảng cơ sở dữ liệu: du lịch, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, giáo dục, y tế,… và đưa vào vận hành trên nền tảng số hóa dùng chung toàn tỉnh. Về dữ liệu mở: hoàn thiện cổng dữ liệu mở theo hướng dễ tiếp cận. Đã cung cấp 103 dữ liệu mở, 11 cơ quan, đơn vị tham gia được đăng tải trên cổng dữ liệu mở của tỉnh. 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp công cụ cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua môi trường mạng. Đến nay đã có hơn 949.284 tài khoản công dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Toàn tỉnh có 2.106 thủ tục hành chính, trong đó có 1.859 thủ tục hành chính được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến (chiếm tỷ lệ 88,27%) gồm: 787 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.072 dịch vụ công trực tuyến một phần.

Nhìn chung, trong quý III/2023, công tác cải cách hành chính được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, các văn bản chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính được ban hành kịp thời. UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, việc triển khai cải cách hành chính trong thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế:

(1) Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao; các hệ thống liên thông chưa kịp thời, dữ liệu quản lý các ngành số hóa chưa đầy đủ; các dịch vụ thanh toán trực tuyến còn gặp nhiều bất cập, chưa khuyến khích được nhiều người dân sử dụng.

(2) Hiện còn nhiều phần mềm do bộ, ngành trung ương triển khai để giải quyết thủ tục hành chính nhưng hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tỉnh không kết nối được gây khó khăn, mất thời gian trong việc tiếp nhận, khi phải nhập thông tin hồ sơ đối với một số thủ tục hành chính vào cả hai phần mềm quản lý (hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ban ngành) và việc thống kê số liệu hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh ở nhiều phần mềm khác nhau.

(3) Một số bộ, ngành trung ương chưa hoàn thành việc số hóa, làm sạch và chia sẻ, kết nối dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là dữ liệu về nhà ở, đất đai, hộ tịch… Do vậy, quá trình giải thủ tục hành chính có liên quan đến các loại dữ liệu trên phải mất thời gian xác minh nên chưa đăng ký rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính triệt để.

(4) Việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế, giải quyết vấn đề dôi dư và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau khi sắp xếp, tổ chức lại là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người, do vậy không thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

(5) Tồn tại nhiều nền tảng phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia, do đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện kết nối, quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn thông tin cho nhiều kết nối. Việc này dẫn đến sự chồng lấn trong triển khai kết nối, khó khăn trong quản lý trên quy mô quốc gia, không tối ưu về mạng lưới, về nguồn lực triển khai, gây bối rối cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

Một số phương hướng, nhiệm vụ thực hiện cải cách hành chính quý IV/2023

Thừa Thiên Huế đề ra và đang tích cực chỉ đạo thực hiện một số phương hướng, nhiệm vụ thực hiện cải cách hành chính, gồm:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ hai, thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ phận, đầu mối trực thuộc sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thể chế, thực hiện tốt quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành và kiểm tra, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ tư, tập trung nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, công chức. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các trung tâm hành chính công.

Thứ năm, tăng cường tiếp nhận, giao trả trực tuyến thủ tục hành chính; tạo lập hồ sơ, tài khoản trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan; tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường số, theo mục tiêu “Làm việc không giấy tờ; hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt”.

Thứ sáu, nâng cấp Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh theo hướng bổ sung công nghệ mới; hoàn thiện nền tảng dùng chung cho các trung tâm giám sát, điều hành ngành, lĩnh vực; tạo nền tảng quan trọng cho Trung tâm Giám sát, điều hành UBND tỉnh; liên thông với Trung tâm điều hành của Chính phủ, các bộ và các địa phương. Hoàn thiện hệ thống camera tại các vùng trọng điểm ngập lụt và một số tuyến quan trọng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hoàn thiện nền tảng số, hoàn thiện và phát triển dịch vụ đô thị thông minh các lĩnh vực ưu tiên: giáo dục, y tế, du lịch, văn hóa, giao thông và môi trường.

Thứ bảy, duy trì và triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn; tiếp tục cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp thông qua cơ chế đối thoại. Triển khai điều tra, khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 423/BC-UBND ngày 19/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện cải cách hành chính quý III/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý IV/2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế.