Vận dụng mô hình lớp học đảo ngược cho các trường đại học ở Việt Nam

TS. Phạm Thị Vân
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết giới thiệu mô hình lớp học đảo ngược với nhiều ưu điểm vượt trội, giúp thúc đẩy sự tích cực, chủ động và tối đa hóa năng lực của người học. Qua thực tiễn công tác và tham vấn nhà quản lý, giảng viên các trường đại học, bài viết cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế khi thực hiện mô hình lớp học này, đồng thời đề xuất vận dụng mô hình phù hợp để từng bước thực hiện hiệu quả lớp học đảo ngược trong các trường đại học ở Việt Nam.
Đặt vấn đề

Đổi mới phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm được đề ra và thực hiện hơn 20 năm qua đã thúc đẩy các phương pháp học tập tích cực và hợp tác hơn. Ngành sư phạm trở nên với các phương pháp thảo luận nhóm, bài tập nhận thức, dạy học dự án, đóng vai, tranh luận… Các phương pháp này đã góp phần làm tăng tính tích cực, chủ động của người học trong các lớp học truyền thống. Tuy nhiên, có một khó khăn chung khi áp dụng các phương pháp này là không thể phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân người học trong sự giới hạn về thời gian và không gian của lớp học truyền thống. Sự phát triển công nghệ thông tin đã có những tác động tích cực đối với công nghệ dạy học. Thời đại kỹ thuật số giúp người học có thể truy cập nhiều tài nguyên học tập miễn phí từ môi trường mạng. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của một mô hình học tập mới – lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin đã giải quyết được những giới hạn mà lớp học truyền thống còn vướng mắc.

Khái niệm lớp học đảo ngược

Những ý tưởng đầu tiên về lớp học đảo ngược xuất phát từ ý tưởng của hai giáo viên người Mỹ Jonathan Bergmann và Aaron Sams1, Giáo viên hóa học Trường Trung học Woodland Park, Colorado, Mỹ vào năm 2007,khi họ tìm cách giảng lại bài cho những học sinh vắng mặt thông qua việc ghi âm, chú thích bài giảng và đăng tảilên mạng để học trò có thể xem lại2. Từ kết quả phản hồi tích cực của học sinh, Bergmann và Sams nhận ra cơ hội để thay đổi cách sử dụng thời gian trên lớp. Họ thiết kế các lớp học đảo ngược quy trình truyền thống với ý tưởng cốt lõi là thông qua các video và bài học tương tác do giáo viên tạo ra, học sinh có thể truy cập và thực hiện các hướng dẫn, yêu cầu của giáo viên trước giờ lên lớp.

Đến nay, có khá nhiều quan niệm về lớp học đảo ngược (flipped classroom), với các hình thức tổ chức lớp học đa dạng cả online (trực tuyến), offline (trực diện) và blended (kết hợp). Phần lớn các quan niệm gắn lớp học đảo ngược với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Theo đó, lớp học đảo ngược là một phương pháp đào tạo mới trong đó cung cấp nội dung học tập cho người học học tập trước khi vào lớp. Với hình thức đào tạo online, tài liệu học tập được giảng viên cung cấp trên hệ thống eLearning. Người học sẽ học tập ở hai không gian trong và ngoài phạm vi lớp học làm tăng thời lượng và hiệu quả học tập3. Và “đảo ngược” là sự thay đổi với các dụng ý và chiến lược sư phạm thể hiện ở cách triển khai các nội dung, mục tiêu dạy học và các hoạt động dạy học khác với cách truyền thống trước đây của người dạy và người học4.

Từ tổng quan về mô hình lớp học đảo ngược, tác giả cho rằng: Mô hình lớp học đảo ngược là mô hình học tập kết hợp, lớp học có sự đảo lại về quy trình “dạy – học” so với lớp học truyền thống. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người học chủ động, tích cực nghiên cứu bài giảng và thực hiện các nhiệm vụ học tập dưới sự hướng dẫn của người dạy trước khi đến lớp. Lớp học trở thành nơi thông qua kiến thức cơ bản; đào sâu, nâng cao kiến thức; thảo luận, giải đáp những vấn đề chưa rõ, những tình huống thực tế…

Về ưu điểm của lớp học đảo ngược

So với lớp học truyền thống, lớp học đảo ngược có một số điểm nổi bật sau:

(1) Giúp người học dễ dàng tiếp cận các nguồn học liệu có định hướng: các học liệu do người dạy cung cấp cùng với các yêu cầu, hướng dẫn người học và các tiêu chí đánh giá trước giờ lên lớp giúp cho việc tự học được dễ dàng, có chủ đích.

(2) Thúc đẩy người học chủ động, tích cực và tương tác thuận tiện trong môi trường học tập đa phương tiện: với nguồn học liệu mở, bài giảng có sẵn, người học có thể lựa chọn thời gian, tốc độ và phong cách học tập của riêng mình. Nhờ các video bài giảng có sẵn, học sinh nghỉ học vì các lý do bất khả kháng cũng có thể chủ động học để bắt kịp tiến độ học tập của lớp học. Môi trường mạng, đa phương tiện, giúp người học dễ dàng tương tác, thảo luận với bạn bè, thầy, cô cả trước và sau mỗi giờ lên lớp.

(3) Phát huy tối đa năng lực nhận thức của mỗi cá nhân người học: ở lớp học truyền thống, phần lớn thời gian trên lớp được sử dụng truyền tải kiến thức mới cho người học ở các bậc nhân thức thấp như nhớ, hiểu. Thời gian hạn chế của lớp học truyền thống khiến người dạy dành được rất ít thời gian cho các bậc nhận thức cao hơn (áp dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo). Ở lớp học đảo ngược, người học có thể đạt được các thang bậc nhận thức thấp (nhớ, hiểu) thông qua các bài giảng/video, bài tập trước giờ lên lớp. Phần lớn thời gian trong lớp học được người dạy tổ chức để chia sẻ, giải đáp vướng mắc, tình huống thực tế. Vì vậy, người học có nhiều cơ hội đạt được các thang bậc nhận thức cao hơn.

(4) Lớp học đảo ngược có thể áp dụng cho nhiều cấp học, bậc học và học tập suốt đời ở nhiều lĩnh vực khác nhau (tự nhiên, xã hội, khoa học, kỹ thuật)5. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra, mô hình này phù hợp hơn với những nội dung kiến thức khó đòi hỏi người học nghiên cứu trước hoặc các nội dung đòi hỏi có sự thực hành.

(5) Lớp học đảo ngược góp phần đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với kỷ nguyên công nghệ số: trong lớp học đảo ngược, sử dụng công nghệ thông tin vừa là yêu cầu, vừa là yếu tố hỗ trợ tích cực trong hoạt động giảng dạy, giúp bài giảng hiệu quả hơn. Người học sẽ sử dụng các phương tiện công nghệ khác nhau trong các hoạt động học tập một cách độc lập, trong khi giảng viên sẽ sử dụng các phương tiện công nghệ khác nhau trong hoạt động giảng dạy của họ. Qua đó, cả người dạy và người học đều phải dần thích ứng để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ số.

Hạn chế của lớp học đảo ngược

(1) Lớp học đảo ngược đòi hỏi người dạy phải nỗ lực học hỏi, ứng dụng công nghệ dạy học, đầu tư nhiều thời gian, công sức: bên cạnh các nhiệm vụ chuẩn bị nội dung bài giảng truyền thống, người dạy phải chuẩn bị các bài giảng trên nền tảng công nghệ để thu hút người học như các slides với các sơ đồ, hình ảnh; các videos, podcasts… thiết kế môi trường tương tác trên nền tảng công nghệ. Điều này đòi hỏi người dạy phải sử dụng được một số công nghệ quay video, phần mềm chỉnh hình ảnh, âm thanh và các phần mềm tương tác. Công việc này cũng chiếm nhiều thời gian, công sức của người dạy cho công tác chuẩn bị.

(2) Lớp học đảo ngược đòi hỏi người học tích cực, chủ động và trung thực: trong lớp học đảo ngược, việc chủ động học tập, hoàn thành các nhiệm vụ học tập ở các bậc nhận thức thấp, đặt ra các vấn đề, tình huống… cần giải quyết được coi là yếu tố then chốt để lớp học diễn ra thành công. Hay nói cách khác, nếu người học chưa tự học hay chưa trung thực hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trước giờ lên lớp thì bản thân người học sẽ khó tiếp thu và bắt kịp các vấn đề ở cấp cao hơn khi lên lớp và người dạy sẽ không thực hiện được đúng ý đồ giảng dạy.

(3) Lớp học đảo ngược yêu cầu sự đầy đủ về thiết bị công nghệ và mạng internet: điện thoại thông minh/máy tính bảng/máy tính là những yêu cầu bắt buộc, tối thiểu đối với người học tham gia mô hình lớp học đảo ngược. Tiếp cận được mạng internet cũng là yêu cầu cần thiết để người học có thể thực hiện các nhiệm vụ học tập ngoài lớp học. Ngoài ra, nếu lớp học được tổ chức theo hình thức online thì mạng internet ổn định cũng là điều kiện để cho lớp học diễn ra thành công và hiệu quả. Những yêu cầu về thiết bị công nghệ và mạng internet chưa phù hợp với mọi đối tượng người học, đặc biệt là người học ở những vùng sâu, vùng xa.

Mô hình tổng thể lớp học đảo ngược

Có nhiều quan điểm khác nhau trong sự phân loại các mô hình lớp học đảo ngược. Theo Bergmann & Sams (2012), đã phát triển mô hình lớp học đảo ngược truyền thống với các video, bản ghi âm bài giảng được gửi cho học sinh xem trước vào mỗi tối trước ngày học thành hệ thống bài giảng mà người học có thể chủ động học theo thời gian và tốc độ của riêng mình. Từ câu chuyện thực tế về phát triển lớp học đảo ngược của bản thân và các đồng nghiệp ông cho rằng không có mô hình đơn nhất, không có bản hướng dẫn và phương pháp cứng để triển khai mô hình này. Mỗi giáo viên đều có cách khác nhau trong đảo ngược lớp học của mình theo nguyên tắc chung chuyển sự tập trung vào hoạt động của người học6.

Ngày nay, các nhà giáo dục đã phát triển lớp học đảo ngược ngày càng hoàn chỉnh với nhiều tiêu chí liên quan đến môi trường lớp học linh hoạt, đa dạng hóa nền tảng; nội dung bài giảng có chủ ý; nhà giáo dục chuyên nghiệp; văn hóa hóa học tập chủ động, trải nghiệm hấp dẫn… Với các yêu cầu đó, lớp học đảo ngược được thiết kế, vận hành và quản lý trên hệ thống quản lý học tập. Chen (2014) đã mô tả trong lớp học đảo ngược hoàn chỉnh, sinh viên có thể đăng nhập vào hệ thống, xem trước bài giảng, đánh giá bài giảng, đưa ra câu hỏi… tham dự các buổi học đồng bộ, thảo luận nội dung khóa học với người hướng dẫn và bạn bè cùng lớp; các hoạt động đều được ghi lại trong nhật ký hệ thống của nền tảng; các bài giảng và tài liệu phải được kiểm định; các lớp học có thể được tổ chức linh hoạt đồng bộ hoặc không đồng bộ dưới sự hướng dẫn của giảng viên7.

Từ các nghiên cứu về mô hình lớp học đảo ngược, tác giả khái quát mô hình tổng thể của lớp học đảo ngược dựa trên quy trình dạy học và hoạt động chính của người dạy và người học.

Một số khuyến nghị lựa chọn mô hình áp dụng

Mặc dù có nguồn gốc từ giáo dục trung học cơ sở, mô hình lớp học đảo ngược nhanh chóng được áp dụng phổ biến ở nhiều đại học tại Mỹ, châu Âu… bởi khả năng tự học của nhóm đối tượng này tốt hơn các nhóm khác. Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều trường đại học đã áp dụng mô hình này ở những mức độ khác nhau. Tiêu biểu cho mô hình hoàn chỉnh với môi trường học tập tương tác đa phương tiện và hệ thống quản lý học tập đồng bộ là các trường đại học lớn, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học FPT…

Từ thực tiễn đó, giảng viên và các cơ sở giáo dục đại học có thể điều chỉnh linh hoạt phù hợp với nguồn lực và từng giai đoạn phát triển. Các mô hình kết hợp tùy chọn có thể sẽ rất linh hoạt căn cứ vào mức độ ứng dụng công nghệ vào quá trình dạy học và quản lý. Mức độ yêu cầu người học tự học, tự nghiên cứu trước giờ lên lớp và mức độ đầy đủ của thiết bị, công nghệ và mạng internet. Do đó, đề xuất khuyến nghị khi lựa chọn các mô hình này như sau:

Thứ nhất, đối với các cơ sở giáo dục đại học.

(1) Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng mô hình lớp học đảo ngược ở các mức độ khác nhau. Từng bước thiết kế, vận hành các hệ thống LMS, LCMS không chỉ tạo nên sự đa dạng về hình thức đào tạo mà còn tạo điều kiện để giảng viên có thể ứng dụng các mô hình lớp học hiệu quả.

(2) Tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng giảng viên về công nghệ và phương pháp dạy học hiện đại. Đây là giải pháp quan trọng cần được ưu tiên để có thể xây dựng nguồn bài giảng và học liệu mở.

(3) Có chính sách khuyến khích giảng viên đổi mới phương pháp và công nghệ dạy học. Việc thiết kế bài giảng và học liệu phục vụ cho việc tự nghiên cứu của sinh viên đòi hỏi người dạy phải đầu tư nhiều thời gian, công sức tỉ mỉ. Tuy nhiên, hạn chế này có thể dần được giải quyết khi người dạy đã thành thạo công nghệ và các bài giảng được tái sử dụng. Chính sách tài chính của cơ sở đào tạo cũng là nguồn động viên, khích lệ giúp các giảng viên đầu tư vào bài giảng.

Thứ hai, đối với giảng viên đại học.

(1) Chủ động học hỏi và ứng dụng công nghệ dạy học có sẵn. Trong khi chưa có các hệ thống quản lý học tập đồng bộ của nhà trường, mỗi giảng viên/ người dạy có thể sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ dạy học ở mức độ đơn giản như các phần mềm để thiết kế các videos bài giảng; các phần mềm, website, blog,.. tạo môi trường lớp học tương tác qua Facebook, Youtube, Instagram, Twitter; Zoom cloud meeting; Googe Meet; Microsoft Teams; Phần mềm LMS Moodle; Phần mềm LCMS Canvas…

(2) Từng bước chuyên nghiệp hóa trong đảo ngược lớp học của mình. Để khắc phục được những hạn chế từ phía người học, tăng cường tính tích cực, chủ động của người học trong lớp học đảo ngược, giảng viên cần lưu ý: thiết kế các videos/ bài giảng chuyên nghiệp và lôi cuốn người học, tạo môi trường tương tác thông minh thuận tiện; đưa ra các nhiệm vụ rõ ràng, kèm theo hướng dẫn và tiêu chí đánh giá (ruburics) cho từng nhiệm vụ học tập, từng bài học và toàn bộ môn học/học phần; đánh giá, kiểm soát kết quả của người học trước và sau mỗi giờ học; kết hợp với giờ học trực diện để có thể kiểm soát sự trung thực của người học và bảo đảm tối đa hóa hiệu quả bài giảng; quan sát và hỗ trợ kịp thời đối với người học gặp khó khăn.

Kết luận

Giáo dục đại học đang trải qua những thay đổi sâu sắc cả về nội dung, hình thức và phương pháp giảng dạy để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, hội nhập trong kỷ nguyên số. Do vậy, hiện nay, lớp học đảo ngược đã trở thành một trong những công nghệ mới nổi trong giáo dục và nhanh chóng phổ biến trong đào tạo bậc đại học ở nhiều quốc gia trên thế giới như là một giải pháp để tăng tính tích cực, chủ động của người học, đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất độc lập, chủ động sáng tạo và cộng tác trong môi trường làm việc năng động của thời đại công nghệ kỹ thuật số. Đây là một xu hướng cần được nghiêm túc xem xét và từng bước áp dụng vào các trường đại học ở Việt Nam.

Chú thích:
1, 6. Bergmann, J., & Sams, A. (2012). Flip your classroom: Reach every student in every class every day. Washington, DC: Internal Society for Technology in
Education, p3, 11.
2. Tucker, B. (2012). The Flipped Classroom: Online instruction at home frees class time for learningEducation Next, 12(1), 82-83.
3. Flipped Classroom – Lớp học đảo ngược. https://thinkingschool.vn, truy cập ngày 20/5/2023.
4. Nguyễn Chính (2016). Dạy học theo mô hình Flipped Classroom. Báo Tia Sáng – Bộ Khoa học và Công nghệ, số ra ngày 04/4/2016.
5. Zainuddin, Z. & Halili, S. (2016). Flipped Classroom Research and Trends from Different Fields of Study. International Review of Research in Open and Distributed Learning, 17(3), 339 – 340. https://doi.org/10.19173/irrodl.v17i3.2274.
7. Ozdamli, F. & Asiksoy, G. (2016). Flipped classroom approach. World Journal on Educational Technology: Current Issues. 8(2), 98-105.