Một số phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên Hà Nội

NCS. Trần Quang Thái
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Quanlynhanuoc.vn) – Thành phố Hà Nội có 3.150.221 người đang trong độ tuổi thanh niên, chiếm 39,1% dân số của thành phố1, thanh niên đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Để thanh niên có nhận thức và hành động đúng trước những thông tin đa chiều trên mạng xã hội, từ đó giúp họ tích cực tham gia vào giải quyết các nhiệm vụ chính trị của thành phố là vấn đề cấp bách hiện nay. Bài viết nêu rõ phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên nói chung và thanh niên Hà Nội; đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tự nguyện, tự giác của thanh niên Hà Nội trong học tập, lao động, sẵn sàng cống hiến sức trẻ cho sự phát triển Thủ đô và cho đất nước.
Ảnh minh họa (tuyengiao.vn).

Những năm qua, các cấp lãnh đạo, các cơ quan tuyên giáo, thông tin và truyền thông, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các tổ chức đoàn thanh niên ở thành phố Hà Nội đã không ngừng đổi mới phương thức tuyên truyền chính trị cho lực lượng thanh niên. Theo nghiên cứu điều tra xã hội học trong tổng số phiếu điều tra là 1.200 với 6 đối tượng thanh niên ở thành phố Hà Nội (học sinh trung học phổ thông, sinh viên, thanh niên, cán bộ, công chức nhà nước, thanh niên công nhân, thanh niên nông dân, thanh niên làm nghề tự do) cho thấy hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, bất cập cần bàn tới.

Một số vấn đề về tuyên truyền chính trị và phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên

Tuyên truyền chính trị cho thanh niên là hoạt động có mục đích của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, trực tiếp là tổ chức Đoàn Thanh niên nhằm nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin và thái độ chính trị đúng đắn, cổ vũ hành vi chính trị ở thanh niên phù hợp với mục tiêu đặt ra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng nhất định.

Tuyên truyền chính trị cho thanh niên chính là tuyên truyền các vấn đề, các nội dung chính trị gắn với các loại hình tuyên truyền khác trong mục tiêu chung về tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các đối tượng thanh niên. Để truyền tải nội dung trên các tổ chức Đảng và Đoàn Thanh niên đã sử dụng nhiều phương thức tuyên truyền chính trị khác nhau.

Phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên được cấu thành từ hình thức và phương pháp tuyên truyền chính trị, cụ thể là:

Thứ nhất, hình thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên là cách thức tổ chức phối hợp hoạt động giữa chủ thể và đối tượng, thực chất là cách bố trí sắp xếp các yếu tố bảo đảm và các bước tiến hành theo một trật tự nhất định nhằm thực hiện mục đích công tác tư tưởng (đó có thể là: hình thức trực tiếp – gián tiếp, quy mô nhỏ – lớn, đối tượng đóng vai trò tích cực – thụ động…).

(1) Các yếu tố bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên bao gồm: người phục vụ, thời gian, địa điểm, chương trình, âm thanh, ánh sáng, hội trường, sân bãi…

(2) Về mặt tổ chức, hình thức tuyên truyền cho thanh niên là sự bố trí sắp xếp các yếu tố cấu thành hoạt động này thành một chỉnh thể chặt chẽ, phù hợp với mục đích, nhiệm vụ của hoạt động tư tưởng làm cho chúng phát huy hiệu quả tốt nhất nhằm đạt mục đích tuyên truyền chính trị đặt ra với hình thức tuyên truyền miệng (lớp học, lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo khoa học, các buổi họp chi bộ, đoàn thể, các buổi sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị, tại các khu phố…); tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng (internet, mạng xã hội, sách, các loại hình báo chí…); tuyên truyền cổ động trực quan (panô, áp phích, các hoạt động phong trào…); tuyên truyền thông qua các hình thức văn hóa – văn nghệ, các câu lạc bộ; tổ chức các hội thi tìm hiểu về lý luận chính trị…

Thứ hai, phương pháp tuyên truyền chính trị cho cho thanh niên được hiểu là “hệ thống các cách tác động tư tưởng của chủ thể và các cách tiếp nhận tư tưởng của đối tượng nhằm thực hiện mục đích… đặt ra”2. Như vậy, căn cứ vào đặc điểm của các đối tượng thanh niên khác nhau, việc lựa chọn phương pháp nào để tuyên truyền chính trị có hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào năng lực của chủ thể tuyên truyền. Trong đó, có thể áp dụng: phương pháp dùng lời nói (độc thoại và đối thoại); phương pháp thực tiễn (đi tham quan, học tập, các hoạt động phong trào…); phương pháp trực quan (phương tiện trực quan tạo hình ảnh; phương tiện trực quan quy ước; phương tiện trực quan hiện vật…); phương pháp thuyết phục, ám thị, nêu gương; phương pháp tuyên truyền cá nhân, nhóm, đại chúng; phương pháp truyền thống – hiện đại, phương pháp tích cực – thụ động…

Thực trạng phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên Thủ đô Hà Nội hiện nay

Những kết quả đạt được

Một là, các phương pháp tuyên truyền chính trị cho thanh niên Hà Nội khá phong phú và đa dạng. Qua kết quả nghiên cứu từ tổ chức Đoàn các cấp ở Hà Nội đã tập trung khai thác hiệu quả, ưu điểm của công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị cho thanh niên Thủ đô, như sử dụng phương pháp thuyết trình, giảng giải qua các tiện ích của các trang mạng xã hội (75,6%); thảo luận, bình luận ở các fanpage, group trên các trang mạng xã hội (70,3%); đàm thoại tại các diễn đàn (51,3%); phương pháp trực quan (43,1%); tranh luận ở các cuộc thi trực tuyến trên mạng xã hội (43%); phương pháp nêu vấn đề (39,8%); nêu gương (37,7%)3 và đánh giá hiệu quả ở các mức độ sử dụng phương pháp tuyên truyền chính trị khác nhau.

Nhiều phương pháp tuyên truyền chính trị mới trên các nền tảng mạng xã hội đã được tổ chức Đoàn các cấp sử dụng để thông tin chính trị đến các tầng lớp thanh niên Thủ đô. Các trang mạng xã hội do Thành đoàn Hà Nội thành lập đã kịp thời cung cấp các thông tin hoạt động Đoàn – Hội – Đội và các thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận thanh niên. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (2021 – 2022), toàn Đoàn đã đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội với 125.718 lượt tin, bài, ảnh tuyên truyền từ thành phố đến cơ sở tuyên truyền trên mạng xã hội, tạo thành mạng lưới tuyên truyền rộng rãi, lan tỏa. Trên mạng xã hội zalo, kênh ZOA Thành đoàn Hà Nội được xây dựng để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, thời sự, giới thiệu các mô hình hay, cách làm sáng tạo, các hoạt động của tổ chức Đoàn tới người dùng mạng xã hội Zalo, nhân lên những thông tin tích cực, phản bác và đẩy lùi các thông tin tiêu cực, tin xấu, tin giả trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Trung bình mỗi chuyên đề phát sóng thu hút hơn 90.000 lượt theo dõi, học tập; 300.000 lượt tương tác, hàng nghìn lượt chia sẻ của đoàn viên, thanh niên4. Tính đến ngày 15/5/2023, Fanpage Thành đoàn Hà Nội thu hút 76.170 lượt like (thích) trang; mỗi bài viết trung bình tiếp cận hàng nghìn người trẻ, thu hút đông đảo người trẻ tương tác, bình luận; trở thành diễn đàn và là một trang thông tin chính thống, tin cậy để người dùng mạng xã hội theo dõi, chia sẻ các tin tức. Nhiều ấn phẩm truyền thông như: infographic, motiongraphic, clip, trailer, teaser, video, frame, cover,…

Hai là, phương pháp tiếp nhận thông tin chính trị một cách thuận lợi. Trong hoạt động đoàn thể, thanh niên Thủ đô có nhiều phương pháp tiếp nhận thông tin chính trị. Những ưu thế nổi bật của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội là đem lại cho con người nói chung nhiều thông tin, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết chính trị. Theo số liệu khảo sát về những phương pháp tiếp cận thông tin chính trị qua mạng xã hội có thể thấy, thanh niên Thủ đô có nhiều phương pháp tiếp nhận thông chính trị, trong đó phổ biến nhất là chủ động nghe các thông tin thời sự, chính trị trên các trang mạng xã hội (75,3%); nghe thầy cô, bạn bè, người xung quanh nói về những thông tin chính trị (74,9%); xem tranh ảnh, video… về các thông tin chính trị (69,3%); nghe thầy cô, bạn bè, người xung quanh nói về những thông tin chính trị (69,3%); tự tìm và nghiên cứu các bài viết, tin tức, tài liệu về thông tin thời sự, chính trị,… (66,8%); các tin bài về thông tin chính trị tự xuất hiện trên trang mạng xã hội cá nhân (52,5%); nghe thông tin chính trị qua việc học online trên các nền tảng mạng xã hội (40,4%) và chủ động tham gia các sự kiện chính trị được đăng tải, livetream trực tiếp… trên mạng xã hội (36,9%). Và khi đánh giá về mức độ tiếp nhận thông tin chính trị của bản thân có trên 50% số thanh niên được hỏi đánh giá ở mức độ Hiệu quả và khoảng 10% đánh giá ở mức Rất hiệu quả5.

Về hạn chế, bất cập

Thứ nhất, ở cấp cơ sở, của một số chủ thể còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm khi thực hiện hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên. Chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở còn nhiều hạn chế. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở do Thành ủy Hà Nội quản lý như sau: về chuyên môn, nghiệp vụ: có 32,2% có trình độ cao đẳng, trung cấp; về trình độ lý luận: 21,3% có trình độ sơ cấp; về phân loại chất lượng: 20% báo cáo viên cấp tỉnh, huyện và tuyên truyền viên cơ sở xếp loại ở mức trung bình và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở do Thành đoàn Hà Nội quản lý6. Hiện nay vẫn chưa có thống kê cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận nên chưa có tiêu chí để phân loại chất lượng, do vậy, chưa đánh giá chính xác được năng lực cũng như kinh nghiệm hoạt động của đội ngũ này. Nhiều báo cáo viên của Đoàn chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền… những hạn chế này làm cho hoạt động tuyên truyền chính trị đối với thanh niên trở nên khó khăn, nhất là ở cơ sở.

Thứ hai, phương pháp tiếp nhận thông tin chính trị và hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên ở một số địa bàn cơ sở còn gặp khó khăn, như hạn chế về tư duy lý luận và hành động theo cảm xúc; thông tin đa dạng, đa chiều của mạng xã hội có khả năng khiến cho thanh niên suy giảm hứng thú khi tiếp nhận thông tin chính trị; nội dung, mục đích không đáp ứng được nhu cầu của thanh niên Hà Nội; điều kiện cơ sở vật chất không đồng bộ, gây khó khăn trong việc triển khai phương pháp truyền đạt của chủ thể và phương pháp tiếp nhận ở đối tượng.

Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên internet và các nền tảng mạng xã hội hiện nay đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Những tin đồn, giật gân câu “like” trên mạng xã hội ngày càng gia tăng nhưng lại đáp ứng nhu cầu ở một phận lớn thanh niên hiện nay là giải trí, giải tỏa căng thẳng. Đồng thời với công nghệ AI, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm thông tin nhanh chóng, thuận tiện, nhưng cũng chính vì sự thuận tiện này đã gây ra một số những hạn chế đã nêu ở trên.

Các hình thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên Hà Nội

Về kết quả

Một là, cách thức tổ chức, phối hợp giữa chủ thể và đối tượng trong hoạt động tuyên truyền chính trị đối với thanh niên Hà Nội đã chủ động, linh hoạt hơn. Nhờ những các phương tiện kỹ thuật hiện đại các chủ thể có thể chủ động lựa chọn hình thức tuyên truyền chính trị để tác động đến các đối tượng thanh niên khác nhau, trong đó có cả hình thức tương tác trực tiếp trong cùng một thời gian trên các nền tảng mạng xã hội như các điểm cầu trực tuyến, livetream… hoặc từ một nguồn phát chủ thể có thể đăng tải các tin bài, phóng sự, video… để tác động đến các đối tượng thanh niên khác nhau kể cả khi không cùng một không gian và thời gian nhất định. Cũng chính nhờ sự thuận tiện này mà từ một nguồn phát có thể vừa kết hợp tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp, trực tiếp và trực tuyến. Thực tế, nhiều hội nghị, tọa đàm, lớp tập huấn của Đoàn Thanh niên đã được chuyển hướng tổ chức từ trực tiếp sang trực tuyến; tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin xây dựng các nền tảng thi trực tuyến (tuoitrehanoi.com, tuoitrehanoi.vn,…) thu hút đông đảo người trẻ tham gia.

Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật đã giúp cho chủ thể và các đối tượng thanh niên có thể thay đổi vai trò một cách chủ động linh hoạt, thanh niên thể trở thành một nguồn phát thông tin bằng cách bày tỏ quan điểm, đánh giá, nhận xét về một sự kiện thời sự chính trị đang diễn ra; chia sẻ link các bài viết, hình ảnh, video, livetream của tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội… trên trang cá nhân hoặc các hội nhóm khác nhau từ đó đưa thông tin chính trị tới đông đảo các đối tượng thanh niên khác. Thông qua các phương tiện truyền thông mới có thể cung cấp cho chủ thể tuyên truyền chính trị dữ liệu khá đầy đủ về đặc điểm nhu cầu, trình độ, sở thích của từng nhóm đối tượng thanh niên khác nhau, từ đó có thể lựa chọn hình thức tác động phù hợp theo quy mô đối tượng: cá nhân – nhóm – đại chúng.

Hai là, tuyên truyền chính trị cho thanh niên đã được tiến hành bằng nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt. Theo kết quả điều tra về hình thức tuyên truyền chính trị qua mạng xã hội phổ biến nhất đối với thanh niên Thủ đô là: các điểm cầu trực tuyến học tập lý luận chính trị, quán triệt nghị quyết của Đảng, Đoàn… (82,4%); tin bài, hình ảnh, phóng sự trên các fanpage (80,1%); video (36,9%); thi trực tuyến (34,6%); thông tin chính trị trên các gruop (28%); kể chuyện online (13,7%); livetream (9,3%)…7. Các hình thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên Hà Nội được sử dụng sáng tạo, linh hoạt trên cơ sở có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như hiện nay đã phá bỏ hoàn toàn sự giới hạn khả năng lan truyền thông tin, vốn là hạn chế của các phương tiện truyền thông truyền thống.

Ba là, các yếu tố cấu thành hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Trong hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên, hình thức tuyên truyền chính trị có mối quan hệ chặt chẽ với nội dung, phương pháp, phương tiện bởi chúng là các yếu tố cấu thành hoạt động này, nó các sự tác động qua lại và không thể tách rời. Kết quả khảo sát về mức độ thay đổi các yếu tố cấu thành hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên được thể hiện ở Biểu đồ 1, cụ thể như sau8:

Về hạn chế, bất cập

Thứ nhất, một số hình thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên Hà Nội còn thụ động, một chiều. Thực tế cho thấy, khi sử dụng các hình thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên, số lượng thanh niên tham gia rất lớn, khó để xác định chính xác, đầy đủ về thông tin của họ. Và nếu không có bộ phận kỹ thuật hỗ trợ, chủ thể và đối tượng rất khó có thể tương tác một cách kịp thời, ngày tức thì. Với những hình thức tuyên truyền chính trị mà chủ thể và đối tượng không cùng tham gia trong một thời gian nhất định thì việc phản hồi của đối tượng chỉ được thực hiện sau khi họ tiếp nhận tiếp thông tin đầy đủ và chủ thể chỉ có thể nắm được nhu cầu, mong muốn của thanh niên thông qua các bình luận, phản hồi bằng những trạng thái như: like, share mà khó có thể nắm được thông tin chính xác của đối tượng.

Thứ hai, ở một số cơ sở Đoàn các yếu tố bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền chính trị chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông hiện đại. Đánh giá về vấn đề này, kết quả khảo sát về những khó khăn trong việc phối hợp, sắp xếp, tiến hành các yếu tố bảo đảm hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên được thể hiện ở biểu đồ 2, cụ thể như sau 9:

Để tiếp cận được thông tin chính trị qua các phương tiện truyền thông mới đòi hỏi các cơ sở Đoàn, các đối tượng thanh niên phải có các trang thiết tiếp nhận thông tin hiện đại như: điện thoại thông minh, laptop, hệ thống mạng internet, 4G… Tuy nhiên, không phải cơ sở Đoàn nào cũng có đầy đủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại này. Ở một số cơ sở Đoàn được đầu tư về cơ sở, trang thiết bị tương đối đầy đủ nhưng một phần do trình độ, khả năng thích ứng với tốc độ phát triển khoa học – công nghệ của một số chủ thể còn hạn chế, vì vậy, việc sử dụng một số phương tiện tuyên truyền chính trị đôi lúc còn chưa hiệu quả…

Thứ ba, các yếu tố cấu thành hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên ở một số cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư. Muốn hình thức tuyên truyền chính trị hội đạt hiệu quả phải quan tâm đến sự phát triển của các phương tiện thông tin, sự phù hợp của nội dung thông tin và đặc điểm của đối tượng. Trong thực tế không phải cơ sở Đoàn nào ở Hà Nội cũng có đầy đủ các điều kiện để thực hiện được điều đó, vì chi phí đầu tư tốn kém trong khi nguồn kinh phí hằng năm của tổ chức cơ sở Đoàn có hạn.

Những đề xuất, kiến nghị

Trong môi trường phát triển số hóa mạnh mẽ như ngày nay, các phương tiện truyền thông hiện đại cũng như “con dao hai lưỡi”. Nhiều nội dung thông tin đa dạng, đa chiều làm cho các đối tượng thanh niên khó có thể để phân biệt được đâu là thực tế (tin thật), đâu là màn kịch được dựng lên (tin giả). Các tiện ích trên interne, mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng xong nó cũng gây nên khó khăn, phức tạp trong việc quản lý thông tin, nhất là những thông tin trái chiều, tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị của thanh niên thủ đô. Thực trạng xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ đó đặt ra những vấn đề về phương thức tuyên truyền chính trị cho thanh niên Hà Nội như sau: những vấn đề đặt ra về tác động hai chiều của truyền thông mới đến chủ thể; đến đối tượng; đến hình thức, phương pháp và môi trường, điều kiện tuyên truyền chính trị cho thanh niên Hà Nội.

Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp. Hiện nay, 100% cán bộ Đoàn thành phố, quận, huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó tiến sỹ: 6 người; thạc sỹ: 255 người 10. Hằng năm, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp, vì vậy, tiếp tục nâng cao trình độ, chuyên môn, năng lực cho đội ngũ cán bộ này nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm được giao nói chung và yêu cầu của hoạt động tuyên truyền chính trị cho thanh niên nói riêng.

Với những ưu thế nổi bật của phương tiện truyền thông đại chúng, việc sử dụng các phương pháp và hình thức tuyên truyền chính trị đã tác động đến nhiều đối tượng thanh niên khác nhau với những nội dung mang tính định hướng, tính thuyết phục, tính dân chủ nhưng vẫn bảo đảm ngắn gọn, cô đọng, sinh động, hấp dẫn để thu hút thanh niên trong tiếp nhận những thông tin chính trị.

Để thực hiện tuyên truyền chính trị đòi đòi hỏi phải có sự đầu tư nhất định về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, tiếp tục chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động tuyên truyền chính trị với thanh niên ở các quận, các phường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với cấp thành phố, tổ chức Đoàn có những thiết chế riêng để thực hiện tuyên truyền chính trị, đó là thiết chế của Đoàn, Hội, Đội. Còn cấp quận xuống đến cấp cơ sở được sử dụng chung cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cũng có thể tận dụng cơ sở vật chất của các trường học, cơ quan, doanh nghiệp… đóng trên địa bàn từng quận, từng phường. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị như: hội trường, phòng họp, hệ thống các thiết bị âm thanh (loa đài, míc, loa kéo di động), thiết bị chiếu sáng, máy chiếu đa năng, màn hình led, máy tính, laptop, hệ thống mạng internet, thiết bị thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng…) ở các quận, các phường trên địa bàn thành phố được trang bị khá hiện đại và đầy đủ. Đây là điều kiện để chủ thể có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật trong tuyên truyền chính trị đối với thanh niên.

Chú thích:
1. Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội. Bảng tổng hợp số liệu đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh, thiếu nhi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2022. Hà Nội, 2022.
2. Lương Khắc Hiếu (chủ nhiệm đề tài). Cơ sở lý luận công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đề tài cấp cơ sở trọng điểm năm 2016 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2016, tr. 114.
3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Theo kết quả điều tra xã hội học của tác giả: tổng số phiếu điều tra là 1.200 với 6 đối tượng thanh niên ở thành phố Hà Nội (học sinh trung học phổ thông, sinh viên, thanh niên cán bộ công chức nhà nước, thanh niên công nhân, thanh niên nông dân, thanh niên làm nghề tự do); thời gian tiến hành từ 2018 – 2023.
10. Báo cáo số 586-BC/TĐTN-BTG ngày 28/6/2022 của Ban Chấp hành Đoàn Thành phố Hà Nội báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo số 332 -BC/TĐTN-BTG ngày 11/11/2020 của Ban Chấp hành Đoàn Thành phố Hà Nội về báo cáo công tác tuyên giáo năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021.
2. Báo cáo số 12-BC/HHN ngày 31/11/2021 của Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội báo cáo kết quả công tác Hội và phong trào thanh niên thành phố Hà Nội năm 2021.
3. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
4. Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT ngày 19/6/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.