TS. Đỗ Thanh Hải
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch; đào tạo sau đại học và giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự; nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự… theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, các khoa giáo viên và cơ quan chức năng luôn quan tâm, coi trọng việc đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo, trong đó đổi mới quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên là nội dung quan trọng, cần thiết góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của nhà trường.
Đặt vấn đề
Kết quả học tập là thành quả thực tế của mỗi học viên, là tổng thể các biểu hiện phản ánh sự thay đổi của họ trên các phương diện nhận thức, hành động và thái độ được cụ thể hóa thành các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm, sức khỏe được đánh giá trên cơ sở được đo lường, kiểm tra theo các tiêu chí khác nhau nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là việc đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu đã đề ra cho học viên ngay sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, trong đó các mục tiêu này được cụ thể hóa thành các chuẩn đầu ra của môn học, học phần, chuyên đề thuộc chương trình đào tạo.
Quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên là cơ sở để phát hiện cũng như kịp thời khắc phục những bất hợp lý, tìm ra những yếu tố mới, cập nhật bổ sung kịp thời những cách thức, biện pháp, quy trình tổ chức thi, đánh giá kết quả học tập của học viên, bảo đảm tính khách quan, toàn diện, phản ánh đúng thực chất trình độ, năng lực của người học trong quá trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra xác định.
Nội dung quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên tập trung quản lý tốt việc xây dựng ngân hàng đề thi đáp án, phương án thi, kiểm tra, tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo ôn tập và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên đúng nội dung, kế hoạch, đúng quy trình, quy chế đào tạo của Học viện, bảo đảm khách quan, minh bạch, qua đó, giúp Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo và có các quyết định quản lý phù hợp hơn.
Như vậy, quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên được thực hiện trong suốt quá trình giáo dục, đào tạo, là khâu, bước quan trọng trong duy trì nền nếp, quy chế, quy định đào tạo; là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức, lực lượng sư phạm. Quá trình quản lý được thực hiện qua các bước cơ bản xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá. Đó là quá trình các lực lượng quản lý giáo dục thu thập, phân tích và giải thích thông tin một cách có hệ thống chặt chẽ, khoa học làm cơ sở cho đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên ở Học viện Chính trị
Năm học 2022 – 2023, Học viện tập trung thực hiện ba đột phá, trong đó khâu đột phá thứ nhất là: “nâng cao chất lượng các hình thức sau bài giảng; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả người học”2. Các lực lượng sư phạm trong Học viện tích cực xây dựng mới chương trình đào tạo cho các đối tượng, đặc biệt là: (1) Đào tạo ngắn chính ủy trung, lữ đoàn (1,5 năm); (2) Đào tạo ngắn chính ủy sư đoàn (0,5 năm); đồng thời, đẩy mạnh xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và đáp án theo chương trình mới cũng như yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đề thi đáp án – khâu đột phá nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện.
Hiện nay, tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại trong nước và thế giới; sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực quân sự, giáo dục, đào tạo; những yêu cầu, nhiệm vụ mới của xây dựng quân đội và sự chống phá của các thế lực thù địch đang tác động mạnh mẽ đòi hỏi và đặt ra yêu cầu cao hơn nữa đối với công tác giáo dục, đào tạo cán bộ trong quân đội. Đối với Học viện Chính trị, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo có sự bổ sung, phát triển cả về quy mô, loại hình và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn đầu ra với yêu cầu cao về chất lượng. Đặc biệt là sự điều chỉnh về chương trình đào tạo đối tượng chức vụ chính ủy trung, sư đoàn tách ra thành các chương trình đào tạo chính ủy trung đoàn và chương trình đào tạo chính ủy sư đoàn.
Học viện xác định đổi mới toàn diện và đồng bộ công tác giáo dục, đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, thực hiện quyết liệt đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp, khắc phục triệt để sự trùng lặp về nội dung, chương trình đào tạo giữa các cấp học, bậc học, môn học; chuyển mạnh từ giảng dạy chủ đề sang chuyên đề; tạo sự chuyển biến vững chắc về chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học là những vấn đề căn bản, cốt lõi đặt ra hiện nay. Điều đó đã, đang và sẽ tiếp tục mang đến những thời cơ đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên ở Học viện Chính trị.
Đề xuất giải pháp đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá
Thứ nhất, tạo sự chuyển biến nhận thức của các chủ thể tham gia quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên.
Đây là giải pháp quan trọng, định hướng và tạo động lực thúc đẩy các chủ thể vượt qua khó khăn, trở ngại quyết tâm tiến hành đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên ở Học viện Chính trị có hiệu quả hơn. Nhận thức là cơ sở, định hướng và chỉ đạo hành động; có nhận thức đúng, con người mới xác định tốt động cơ, đề cao trách nhiệm trong hành động. Theo đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa, hệ quản lý học viên trong quản lý đánh giá kết quả học tập của học viên. Các chủ thể trên cần nâng cao nhận thức, tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về giáo dục – đào tạo, quán triệt, cụ thể hóa phương châm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng “chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”3; nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc và tích cực cụ thể hóa chủ trương trong đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả người học Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới. Nêu cao trách nhiệm, tập trung trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, tích cực nghiên cứu, đề xuất các nội dung, biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý xây dựng đề thi, đáp án; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả người học, bảo đảm dạy thực chất, học thực chất và đánh giá kết quả thực chất; khắc phục triệt để bệnh thành tích, biểu hiện nương nhẹ, thiếu khách quan trong tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên.
Thứ hai, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng sư phạm.
Trước tiên, cần phát huy vai trò, chức năng tham mưu của Phòng Đào tạo, Ban Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục – đào tạo giúp Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện trong quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên. Các lực lượng trên cần tích cực tiếp cận các thành tựu công nghệ giáo dục trong đổi mới quy trình, nội dung, hình thức đánh giá kết quả học tập của người học, nhất là đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức thi, đánh giá kết quả học tập. Chủ động, phối hợp thường xuyên với các khoa nắm chắc chất lượng thực hiện quy trình kiểm tra, đánh giá; chất lượng xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch kiểm tra, đánh giá; chất lượng xây dựng đề thi, đáp án, câu hỏi thi; sự thống nhất giữa đề thi, đáp án với chương trình, nội dung môn học; chất lượng quản lý và triển khai kế hoạch thực tập, diễn tập của học viên; bảo đảm về chất lượng, số lượng nhân lực đảm nhiệm các nhiệm vụ tham gia vào quá trình đánh giá người học.
Đề cao trách nhiệm, thực hiện tốt vai trò trung tâm hiệp đồng của Phòng Đào tạo với các khoa và các cơ quan có liên quan trong xây dựng kế hoạch quản lý đào tạo. Phòng Đào tạo cần có kế hoạch hằng năm nhằm rà soát nội dung, chương trình, quy trình kiểm tra, đánh giá để có sự điều chỉnh cho hợp lý; đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên đối với đội ngũ giảng viên. Phòng Đào tạo phát huy vai trò là trung tâm phối hợp giữa các chủ thể trong đổi mới cách thức, biện pháp, quy trình tổ chức thi kiểm tra đánh giá kết quả học tập các học phần, môn học; tổ chức thực tập, diễn tập cuối khóa bảo đảm tính đồng bộ, có chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Ban Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo phối hợp với lực lượng sư phạm trong Học viện tổ chức xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi chặt chẽ; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm quy trình đánh giá kết quả học tập; thống nhất phương thức tổ chức thi từ quy trình xây dựng ngân hàng đề thi, quản lý đề thi, quản lý bài thi, tổ chức thi, chấm thi bảo đảm đúng quy chế và phù hợp với đặc điểm riêng của từng môn học, học phần. Phối hợp với Phòng Đào tạo tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học viên cũng như trong tổ chức thi, chấm thi kết thúc học phần, môn học bảo đảm chặt chẽ; tổ chức kiểm tra việc chấp hành chế độ, quy định đào tạo của giảng viên, học viên và các lực lượng định kỳ và đột xuất. Tập trung đổi mới kết cấu, cách ra đề thi, xây dựng đáp án chấm thi theo hướng mở để đánh giá năng lực toàn diện của học viên; đổi mới cách đánh giá và thang điểm, tương ứng hướng tới phát huy cao độ tính tích cực sáng tạo của người học; khuyến khích các khoa, bộ môn áp dụng linh hoạt nhiều hình thức thi kiểm tra, như: thi tự luận, thi vấn đáp, thi trắc nghiệm… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thi, kiểm tra nhằm nâng cao tính chính xác, khách quan, giảm thời gian, công sức trong công tác phục vụ chấm thi.
Đối với các khoa, cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy với đổi mới phương pháp đánh giá kết quả người học. Quản lý chặt chẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, lực lượng sư phạm; quản lý chặt chẽ việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên. Chỉ huy khoa, bộ môn cần tăng cường kiểm tra, rút kinh nghiệm; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên cho đội ngũ giảng viên. Tập trung bồi dưỡng kỹ năng xây dựng đề thi, đáp án; năng lực đánh giá kết quả thi, kiểm tra, thực tập, diễn tập cho giảng viên. Cần tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên nắm chắc các cách thức, biện pháp đánh giá, những kỹ năng tiến hành các hoạt động đánh giá người học, trên cơ sở đó góp phần nâng cao chất lượng đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên.
Đội ngũ cán bộ quản lý học viên với vai trò “người thầy thứ hai” – người thường xuyên bám nắm, theo dõi mọi hoạt động học tập của học viên – cần đề cao tinh thần trách nhiệm, tham gia tích cực vào quá trình quản lý đào tạo nói chung, quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học nói riêng. Quá trình quản lý học viên, đội ngũ cán bộ quản lý phải thực sự gần gũi, luôn quan tâm giúp đỡ việc học tập của học viên; đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ cùng các khoa, cơ quan chuyên môn nắm chắc kế hoạch đào tạo, chất lượng học viên,… để có chủ trương, biện pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá kết quả học tập.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả người học.
Huy động đội ngũ cán bộ, giảng viên, cán bộ quản lý tập trung nghiên cứu, đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập của học viên; chú trọng bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và đánh giá kết quả cho cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giảng viên; tích cực, chủ động hợp tác, cùng các nhà trường, trung tâm nghiên cứu khoa học có uy tín, giàu truyền thống để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, trao đổi kinh nghiệm về đánh giá kết quả học tập.
Đầu tư cơ sở vật chất nhằm hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên cần tập trung ưu tiên cho hệ thống giảng đường chuyên dùng, nâng cấp phòng phương pháp, hệ thống giám sát phòng thi, phòng chấm thi tập trung. Quản lý tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng đề thi, tổ chức thi, chấm thi, đánh giá kết quả thi; biên soạn giáo trình, tài liệu, hệ thống thông tin tư liệu, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả học tập của học viên.
Quản lý hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về đánh gia theo chuẩn đầu ra; mời các chuyên gia về những lĩnh vực giáo dục, quản lý nói chuyện, giao lưu, trao đổi; tổ chức cho giảng viên tham quan thực tế ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội; coi trọng hình thức bồi dưỡng thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu, công tác và tổ chức hoạt động chuyên môn và các hoạt động quản lý đánh giá chất lượng, năng lực.
Thứ tư, tích cực hoá hoạt động tự quản lý quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả của người học.
Trong điều kiện hiện nay, cần đặc biệt coi trọng hoạt động tự đánh giá của người học, hướng dẫn người học xây dựng các tiêu chí tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Thường xuyên khích lệ sự nỗ lực của người học để giúp họ tích cực, tự giác và có ý thức trách nhiệm trong việc tự đánh giá bản thân và đánh giá đồng đội cùng lớp.
Kết luận
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là một trong những yếu tố quan trọng không thể tách rời trong quá trình dạy học, do đó, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên là một yêu cầu thường xuyên, cấp thiết ở Học viện Chính trị. Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong quá trình đổi mới cần thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp đã nêu trên. Đây chính là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.