Nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ vào Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026

ThS. Trần Thị Thanh Loan
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Bầu cử và ứng cử là một trong các quyền chính trị cơ bản của phụ nữ, được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, xác lập năng lực pháp lý bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Qua phân tích số liệu ứng cử viên ứng cử và trúng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của 63 tnh, thành phố và kết quả phỏng vấn sâu với các khách thể như ứng cử viên trúng cử và ứng cử viên không trúng cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, có những nhân tố ảnh hưởng đến sự tham chính của phụ nữ trong hệ thống chính trị.
Ảnh minh họa (vietnamplus)
Đặt vấn đề

Phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị đã và đang là vấn đề được quan tâm của các tổ chức, các quốc gia và cộng đồng thế giới. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và tiếp tục được khẳng định trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng.

Khoản 1 Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015 quy định: thường trực HĐND cấp tỉnh dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ1.

Theo kết quả của Hội đồng bầu cử quốc gia, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh qua các nhiệm kỳ đã tăng nhẹ, cụ thể, nhiệm kỳ 1997 – 2004 (21,1%), nhiệm kỳ 2004 – 2011 (23,9%), nhiệm kỳ 2011 – 2016 (25,2%), nhiệm kỳ 2016 – 2021 (26,6%). Nhiệm kỳ 2021 – 2026 được đánh giá là có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cao nhất ở mức 29,0%2. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa đạt so với các chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 và trong lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Vậy thực trạng kết quả bầu cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 như thế nào? Các nhân tố nào ảnh hưởng đến tỷ lệ nữ trúng cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026?

Nhằm phác họa được thực trạng kết quả bầu cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026, nghiên cứu tổng hợp danh sách ứng cử viên tham gia ứng cử và danh sách ứng cử viên trúng cử HĐND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dữ liệu của ứng cử viên được nhập bằng phần mềm epidata và xử lý số liệu bằng SPSS phiên bản 20.0. Các phép thống kê được sử dụng trong phân tích, gồm: phân tích tần suất và tương quan hai biến. Theo đó, để làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nữ trúng cử HĐND cấp tỉnh. Nghiên cứu thực hiện 24 phỏng vấn sâu tại Hà Nội đối với các khách thể như ứng cử viên trúng cử và ứng cử viên không trúng cử HĐND thành phố Hà Nội, cán bộ đại diện HĐND, cán bộ đại diện Hội liên hiệp Phụ nữ, cán bộ đại diện Mặt trận Tổ quốc và cử tri.

Kết quả nghiên cứu

Thực trạng tham gia ứng cử và trúng cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026

(1) Tương quan theo giới tính: kết quả Biểu đồ 1 cho thấy, trong tổng số 6.199 người ứng cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 ở 63 tỉnh, thành phố, có 58,8% là nam và 41,2% là nữ, như vậy, về cơ cấu thì tỷ lệ nam nữ tham gia ứng cử tương đối cân bằng.

Tuy nhiên, khi so sánh về tỷ lệ trúng cử giữa nam và nữ cho thấy có sự khác biệt đáng kể về giới, tỷ lệ nam giới trúng cử chiếm 70,4% trong khi đó tỷ lệ nữ trúng cử chỉ chiếm 29,6%, sự chênh lệch giữa hai giới là 40,8 điểm phần trăm (xem Biểu đồ 1). Hay có nghĩa là trong 10 người trúng cử HĐND cấp tỉnh thì có 7 nam và 3 nữ.

Nếu so sánh về tỷ lệ nam, nữ trúng cử HĐND trong từng nhóm nam nữ tham gia ứng cử thì kết quả lại cho thấy sự cách biệt rõ rệt về tỷ lệ trúng cử của nam và nữ. Cụ thể, trong tổng số những nữ ứng cử viên tham gia ứng cử HĐND thì chỉ có 43,0% nữ trúng cử, nghĩa là 10 nữ ứng cử chỉ có khoảng 4 nữ trúng cử (xem Biểu đồ 2).

Mặc dù tỷ lệ nam nữ tham gia ứng cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã có sự cân bằng tương đối về giới. Tuy nhiên, tỷ lệ nam/nữ trúng cử có sự khác biệt giữa hai nhóm nam và nhóm nữ. Cơ hội nữ giới tham gia ứng cử và trúng cử HĐND cấp tỉnh thấp hơn rõ rệt so với nam giới.

(2) Tương quan theo vùng kinh tế: tương quan với 6 vùng kinh tế, kết quả (xem Biểu đồ 3) cho thấy, tỷ lệ nữ ứng viên tham gia ứng cử ở cả 6 vùng kinh tế đều đạt trên 35% so với chỉ tiêu đã được đặt ra trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015.

Về tỷ lệ nam/nữ ứng viên trúng cử HĐND cấp tỉnh có sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế. So với chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh năm 2025 đạt trên 30%, năm 2030 đạt trên 35%), tỷ lệ nữ trúng cử HĐND cấp tỉnh ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã đạt chỉ tiêu đặt ra (34,6%; 30,8%; 34,2%). Tỷ lệ nữ ứng viên trúng cử HĐND ở các vùng kinh tế như đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long chưa đạt được chỉ tiêu đề ra (27,3%; 27,0%; 25,6%).

(3) Tương quan theo nhóm tuổi: quan sát theo nhóm tuổi, kết quả Biểu đồ 3 cho thấy có sự khác biệt về tỷ lệ ứng cử và trúng cử của nam ứng viên và nữ ứng viên ở các nhóm tuổi. Độ tuổi tham gia ứng cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi trung niên (40 – 59 tuổi) (xem Biểu đồ 4).

Tỷ lệ chênh giữa tỷ lệ ứng cử và trúng cử của nam ứng cử viên trong nhóm trung niên là 10,5% (90,3% so với 79,8%), tỷ lệ chênh giữa tỷ lệ ứng cử và trúng cử của nữ ứng cử viên trong nhóm trung niên là 22,7% (73,1% so với 50,4%). Bên cạnh đó, tỷ lệ nam ứng viên ở nhóm tuổi trung niên và cao tuổi đều cao hơn so với tỷ lệ nữ ứng viên ở hai nhóm tuổi này. Riêng đối với nhóm ứng viên ở độ tuổi dưới 40 tuổi thì tỷ lệ ứng viên nữ cao hơn xấp xỉ 3 lần so với tỷ lệ này của nhóm nam ứng viên (49,1% so với 16,6%) (xem Biểu đồ 4).

(4) Tương quan theo học hàm/học vị: nhìn chung, nam ứng viên trúng cử HĐND cấp tỉnh có học hàm và học vị cao hơn so với nữ ứng viên trúng cử HĐND cấp tỉnh. Dữ liệu tại Biểu đồ 5 cho thấy, phần lớn nam, nữ ứng viên trúng cử HĐND cấp tỉnh có học vị thạc sỹ. Khoảng 40% tỷ lệ nam, nữ trúng cử HĐND cấp tỉnh không có học hàm học vị. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ người trúng cử có học vị tiến sỹ và học hàm phó giáo sư/giáo sư (xem Biểu 5).

Qua phân tích thực trạng kết quả ứng cử và trúng cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho thấy mặc dù tỷ lệ tham gia ứng cử đã đạt theo chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ trúng cử HĐND vẫn chưa đạt. Vậy những nhân tố nào đã ảnh hưởng đến thực trạng trên?

(1) Quan niệm về tiêu chuẩn của ứng cử viên đại biểu HĐND: còn chưa đúng về tiêu chuẩn đối với ứng cử viên đại biểu HĐND, gây nhiều bất lợi cho nữ ứng viên. Theo kết quả phỏng vấn sâu, các cử tri đều cho rằng ứng cử viên phải là cán bộ các tổ chức, cơ quan hay ban ngành, cán bộ có chức vụ, có trình độ chuyên môn cao đã được trải qua các vị trí công việc khác nhau.

(2) Ảnh hưởng từ việc sắp xếp liên danh: sắp xếp liên danh là việc sắp xếp danh sách các ứng cử viên tại mỗi đơn vị bầu cử. Thông thường mỗi danh sách liên danh ở một đơn vị bầu cử có từ 5 – 7 ứng cử viên. Qua phân tích các danh sách ứng cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 ở một số đơn vị bầu cử cho thấy, số lượng phụ nữ ít so với nam giới trong một liên danh cùng với những bất lợi khác về trình độ chuyên môn, định kiến giới, chức vụ nghề nghiệp đã khiến cho phụ nữ ít có cơ hội trúng cử. Như vậy, nếu trong một liên danh có sự cân bằng về giới tính, trình độ chuyên môn, vị trí công tác giữa các ứng cử viên nam và nữ thì điều đó sẽ tạo cho nữ ứng cử viên có nhiều cơ hội trúng cử hơn.

(3) Ảnh hưởng từ địa bàn ứng cử của các ứng cử viên: không phải tất cả các ứng cử viên đều được đưa vào danh sách ứng cử ở nơi mình sinh sống hoặc công tác mà sẽ bị bố trí đi địa bản khác. Điều này vô hình chung có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trúng cử của các ứng viên nói chung và đặc biệt càng khó khăn hơn đối với nữ khi các cử tri có ít thông tin về các ứng cử viên và bản thân ứng cử viên cũng ít kênh thông tin để tìm hiểu về địa bàn được ứng cử.

(4) Năng lực của ứng cử viên nữ: khả năng trình bày lưu loát có thể ghi điểm rất lớn với cử tri. Trao đổi với một nam ứng viên – là đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ trước và tiếp tục được tái cử trong nhiệm kỳ 2021 –2026 cho biết nữ giới khi trình bày chương trình hành động chưa tự tin, còn rụt rè, nhất là các ứng cử viên nữ trẻ.

Nghiên cứu còn tìm hiểu những khó khăn và thuận lợi của các ứng viên nữ không trúng cử, đã gây ra tâm lý nản chí, không muốn tham gia ứng cử trong nhiệm kỳ sắp tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nữ ứng viên trẻ lần đầu tham gia và không trúng cử nhưng chị đã có những suy nghĩ rất tích cực và sẽ sẵn sàng tham gia ứng cử trong nhiệm kỳ sắp tới nếu tiếp tục được giới thiệu.

(5) Định kiến giới về vai trò của nữ giới: so với nam giới để hoàn thành cùng một nhiệm vụ, vùng một khối lượng công việc trước yêu cầu ngày càng cao của HĐND cũng như của cử tri nếu nam giới nỗ lực một thì nữ giới phải nỗ lực gấp nhiều lần mới có thể đảm đương tốt vai trò của mình và được thừa nhận4.

Trong quá trình trò chuyện với các ứng cử viên và các cử tri cho thấy, bên cạnh các cử tri và ứng cử viên cho rằng cần phải khuyến khích và động viên phụ nữ tham gia ứng cử HĐND vì nữ đại biểu trong HĐND rất cần thiết. Khi trong HĐND có nữ thì sẽ hài hòa và cân bằng giới. Phụ nữ sẽ phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của giới mình tốt hơn. Phụ nữ tiếp xúc với cử tri sẽ nhẹ nhàng và giải quyết vấn đề sẽ thấu đáo hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những cử tri định kiến giới về vai trò của phụ nữ, vẫn còn ý kiến cho rằng tiêu chí để họ lựa chọn ứng viên nữ là phải có khuôn mặt phúc hậu, sáng sủa; có trình độ và trải qua nhiều vị trí công tác thì mới đại diện được… Như vậy có thể thấy, định kiến giới về vai trò của người phụ nữ vẫn còn tồn tại và có ảnh hưởng nhất định đến cơ hội trúng cử HĐND của nữ ứng viên.

Một số kiến nghị đề xuất

Dựa vào kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nam, nữ tham gia ứng cử HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 -2026 tương đối cân bằng giới. Tỷ lệ nữ tham gia ứng cử HĐND đã đạt được theo chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ trúng cử HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026 vẫn còn thấp so với chỉ tiêu được đặt ra trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Khi xem xét tương quan giữa tỷ lệ nam, nữ trúng cử với các yếu tố, kết quả chỉ ra rằng, có sự khác biệt giới về tỷ lệ nam/nữ tham gia ứng cử HĐND. Tỷ lệ nữ trúng cử HĐND không đồng nhất giữa các vùng kinh tế. Tỷ lệ nữ ứng cử viên trúng cử HĐND ở 3/6 vùng kinh tế đã đạt trên 30%. Phần lớn ứng cử viên ở độ tuổi trung niên và có học vị thạc sỹ.

Theo đó, để tăng cường sự tham chính của phụ nữ trong hệ thống chính trị và từ việc chỉ ra 5 nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nữ trúng cử HĐND cấp tỉnh, như: (1) Quan niệm về tiêu chuẩn của ứng cử viên đại biểu HĐND; (2) Ảnh hưởng từ việc sắp xếp liên danh; (3) Ảnh hưởng từ địa bàn ứng cử của các ứng cử viên; (4) Năng lực của ứng cử viên nữ; (5) Định kiến giới về vai trò của nữ giới, cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề sau:

Một là, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về các tiêu chuẩn của ứng cử viên đại biểu HĐND để người dân hiểu được rằng một người đại biểu nhân dân không nhất thiết phải là người giữ những vị trí chủ chốt mà điều quan trọng là người đại biểu đó có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và bảo vệ cho quyền lợi của người dân. Có như vậy, người dân sẽ có những thay đổi trong việc lựa chọn các ứng cử viên dựa trên tiêu chí về năng lực và sự tâm huyết đối với lợi ích chung, lợi ích của người dân.

Hai là, việc sắp xếp liên danh cần phải tạo được cơ hội ngang nhau cho tất cả các ứng cử viên trong cùng một đơn vị bầu cử.

Ba là, nên cân nhắc sắp xếp nữ ứng cử viên vào đơn vị bầu cử là địa bàn mà họ sinh sống điều đó giúp cho ứng cử viên nữ có thể nắm được các thông tin về phát triển kinh tế – xã hội của địa phương được cụ thể và sát với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, việc sắp xếp như vậy sẽ giúp cho người dân tại địa phương nắm được quá trình công tác, năng lực và những đóng góp của nữ ứng viên, từ đó, có những lựa chọn đúng đắn.

Bốn là, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND, một mặt, cần định rõ tỷ lệ đại biểu nữ được bầu, mặt khác, cần tổ chức tốt việc chuẩn bị nhân sự, bồi dưỡng kỹ năng cho nữ ứng viên để ứng cử viên nữ sẵn sàng và tự tin tham gia ứng cử.

Năm là, công tác tuyên truyền về bầu cử kết hợp với tuyên truyền về bình đẳng giới cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là trong giai đoạn bầu cử. Các kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới cho thấy rằng, nhận thức của giới trẻ, ở thành thị, học vấn cao và có công việc ngoài gia đình có quan điểm bình đẳng hơn so với các nhóm khác. Việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò và khả năng của nữ đại biểu HĐND là rất cần thiết.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê, Women Count, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Thông tin thống kê giới tại Việt Nam năm 2020. H. NXB Thống kê, 2021.
2. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
3. Do nhóm nghiên cứu không tiếp cận được danh sách chi tiết của tứng ứng cử Hội đồng nhân dân của tỉnh Cao Bằng, vì vậy, năm sinh của 34/83 ứng cử viên của tỉnh Cao Bằng không được thể hiện trong nghiên cứu này.
4. Trần Quang Tiến, Trịnh Thị Hoàng Anh. Một số rào cản hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam số 3/2020, tr. 2-13.