Phương pháp giảng dạy kỹ năng hành chính trong môi trường quốc tế

TS. Phạm Ngọc Huyền
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Giảng dạy là hoạt động vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật. Đặc biệt, nội dung giảng dạy về kỹ năng hành chính để ứng dụng trong hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực là nội dung giảng dạy có tính đa dạng, phức tạp. Bên cạnh đó, đối tượng học viên tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng cũng rất đa dạng cả về trình độ, độ tuổi, kinh nghiệm công tác, vị trí công tác, lĩnh vực công tác và năng lực chuyên môn. Do vậy, giảng viên giảng dạy kỹ năng hành chính cần có sự đổi mới, sáng tạo liên tục cả về nội dung và phương pháp cho phù hợp với nội dung chuyên đề, đặc thù học viên và sự thay đổi trong thực tiễn của hoạt động quản lý.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với sự tiếp cận dễ dàng hơn với khoa học, đồng thời cũng là sự xuất hiện và xung đột giữa nhiều luồng văn hoá và ngôn ngữ khác nhau, việc đổi mới và hoàn thiện phương pháp giảng dạy sẽ rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Mỗi giảng viên phải có kỹ năng sư phạm với những phương pháp giảng dạy luôn được cập nhật sao cho phù hợp, thể hiện được chuyên môn và thích ứng với hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Trên thế giới, nhiều trường đại học hướng tới bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng, phương pháp giảng dạy của giảng viên hơn là kiến thức chuyên ngành nhằm gia tăng khả năng tương tác tích cực của giảng viên với học viên. Do đó, ngoài việc hoàn thiện, nâng cao kiến thức chuyên môn, giảng viên cần chú trọng rèn luyện, nâng cao kỹ năng và khả năng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Một trong những điều mà giảng viên nào giảng dạy cũng ít nhiều phải đối mặt, đó chính là người học không quan tâm hoặc không hoàn toàn nghe, theo dõi bài giảng. Có những giảng viên và bài giảng làm cho người học tiếp thu được, hiểu được, thích thú và ngược lại. Sẽ không có bài giảng và giảng viên nào thuyết phục được 100% người học trong một lớp học, đặc biệt, giảng dạy trong môi trường quốc tế, với sự xuất hiện của những ngôn ngữ khác sẽ gia tăng những rào cản trong vấn đề này. Do đó, việc lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp để phát huy tối đa của bài giảng là rất quan trọng.

Phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy kỹ năng hành chính

Phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy kỹ năng hành chính là việc áp dụng cách thức giảng dạy và hướng dẫn thực hành theo hướng phát huy tính tích cực, sự sáng tạo và khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn thực thi công vụ.

Trong giảng dạy, trao đổi chuyên môn đối với cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên cần chuyển từ hình thức tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, từ việc xác định những kỹ năng đã có và kỹ năng cần có đề xác định kiến thức lý thuyết và kỹ năng cần truyền tải, chuyển từ mục tiêu người học tiếp nhận được những kiến thức gì sang mục tiêu người học vận dụng và thực hành được những kỹ năng gì. Để làm được như vậy, quá trình giảng dạy và hướng dẫn thực hành cần phát huy tinh thần tích cực, tư duy sáng tạo, chủ động vận dụng lý thuyết vào thực tiễn thực thi công vụ.

Trong giảng dạy kỹ năng hành chính, việc xác định và giải quyết vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển tư duy và khả năng vận dụng lý thuyết của người học. Mục đích của phương pháp đặt và giải quyết vấn đề, đó là giúp rèn luyện năng lực của cá nhân và đưa ra những giải pháp nhanh nhằm giải quyết vấn đề mà tình huống đặt ra và đòi hỏi những kỹ năng cần vận dụng.

Giảng viên cần tích cực khơi gợi những vấn đề trong thực tiễn của hoạt động công vụ có liên quan đến người học, cùng người học bàn luận, tìm ra mấu chốt vấn đề, sử dụng lý thuyết để đánh giá vấn đề trên những góc độ khác nhau. Phương pháp này lấy sự chủ động tìm tòi vận dụng lý thuyết, sáng tạo giải pháp và tư duy giải quyết vấn đề làm nền tảng, giảng viên giữ vai trò hướng dẫn, định hướng và gợi mở vấn đề kích thích người học tiếp tục tìm tòi và làm rõ những kiến thức lý thuyết đó trong thực tiễn. Cách tiếp cận này đòi hỏi giảng viên phải có bản lĩnh, vững kiến thức chuyên môn, vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, chủ động làm chủ vấn đề và ứng phó với những tình huống có khả năng xảy ra và cả sự nhiệt thành, kiên nhẫn trong quá trình giảng dạy.

Nguyên tắc cơ bản trong giảng dạy

Để có thể lựa chọn và vận dụng những phương pháp giảng dạy, giảng viên cần nắm vững và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong dạy học, cụ thể:

1) Tìm hiểu công việc, độ tuổi, cơ quan công tác, vị trí công tác, lĩnh vực chuyên môn, công việc đảm nhận, vùng, miền địa phương, đặc trưng văn hoá vùng, miền, đặc điểm tâm lý, tính cách, nhu cầu… của người học để có phương pháp giảng dạy phù hợp.

2) Luôn giữ được sự bình tĩnh trước mỗi tình huống sư phạm. Bình tĩnh để lắng nghe học viên, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và có những suy nghĩ thấu đáo về vấn đề, tình huống phát sinh để có thể kịp thời điều chỉnh phương pháp sư phạm sao cho hợp lý.

3) Luôn tôn trọng người học, ngay cả khi người học mắc lỗi hay có những bất đồng quan điểm trong quá trình dạy và học. Đặc biệt, khi giảng dạy trên môi trường điện tử, việc không tôn trọng người học dễ dẫn đến những hệ quả khó lường.

4) Luôn đặt mình vào vị trí người học để nắm bắt tư duy, suy nghĩ, tâm lý, xu hướng học tập của người học. Việc dạy và học trên môi trường điện tử rất khác biệt với việc dạy và học trực tiếp trên lớp. Giảng viên gần như rất khó kiểm soát sự tập trung và mức độ tham gia vào người học vào bài giảng. Do đó, nếu phương pháp giảng dạy không phù hợp với mong muốn, nhu cầu của người học, không mang lại một lượng kiến thức hữu ích nhất định thì rất khó thu hút người học vào bài giảng.

5) Khích lệ, động viên tinh thần người học là một trong những nguyên tắc không thể thiếu, có vai trò như chất xúc tác để nâng cao hiệu quả của phương pháp giảng dạy mà giảng viên lựa chọn.Việc khen ngợi và ghi nhận những ý kiến chia sẻ của học viên và câu trả lời của học viên là cách quan trọng để học viên cảm thấy sự tham gia nghe giảng và tích cực theo dõi, phát biểu bài là có ý nghĩa, có giá trị, tạo sự hứng thú cho những người khác. Tuy nhiên, việc khen này không nên chỉ tập trung vào một hoặc một số người, cũng không nên lạm dụng trong mọi tình huống, mà cần có sự tiết chế phù hợp với mỗi môi trường lớp khác nhau.

6) Luôn thể hiện cho người học thấy sự nhiệt huyết của giảng viên. Nhiệt huyết của người dạy được thể hiện qua sự chỉn chu của giáo án, sự tiết chế hợp lý trong cung bậc âm thanh khi giảng – khi cao khi thấp, qua ánh mắt, nét mặt, nụ cười, qua sự tương tác, phản hồi với người học. Theo quy luật phản hồi tâm lý, nhiệt huyết của giảng viên trước sau sẽ được truyền đến người học và sẽ ít nhiều được đáp lại bằng sự nhiệt tình tham gia bài giảng.

7) Trong mọi tình huống sư phạm, giảng viên cần bình tĩnh xem xét hành vi của mình trước. Mọi tình huống không có sự tham gia nhiệt tình và hiệu quả của người học cần, đòi hỏi giảng viêncần nhìn nhận nghiêm túc phương pháp giảng dạy mà mình đang sử dụng, xem đã thực sự phù hợp với nội dung và đối tượng giảng dạy hay chưa.

8) Giảng viên cần hiểu và tuân thủ những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong giáo dục và những quy định pháp luật hiện hành về hoạt động giảng dạy, để từ đó lựa chọn vận dụng những phương pháp giảng dạy và những phương pháp quản lý học viên hay những phương pháp bổ trợ có ý nghĩa làm tăng tính hiệu quả của phương pháp giảng dạy một cách phù hợp.

Việc vận dụng nhuần nhuyễn các nguyên tắc cơ bản nói trên sẽ giúp cho giảng viên lựa chọn được những phương pháp giảng dạy hiệu quả và kịp thời điều chỉnh trong quá trình giảng dạy sao cho hợp lý.

Bản chất của việc giảng dạy không phải là trình bày tất cả hoặc thật nhiều những gì người giảng viên có mà là việc người giảng viên phải tác động và làm thay đổi hành vi tạo nên kết quả học tập. Do đó, bản chất của dạy học chính là gây ảnh hưởng một cách có chủ định đến hành vi học tập và quá trình học tập của người khác tạo ra môi trường và những điều kiện để người học duy trì việc học, cải thiện hiệu quả, chất lượng học tập, kiểm soát quá trình và kết quả học tập của mình1. Việc dạy học trong môi trường quốc tế đòi hỏi giảng viên phải kích thích và phát huy sự chủ động, tích cực của người học trong quá trình học trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc dạy học cơ bản. Để việc giảng dạy trong môi trường quốc tế đạt hiệu quả tốt nhất có thể, giảng viên cần hoàn thiện, nâng cao kỹ năng viết giáo án và thiết kế buổi dạy, từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy.

Xây dựng mục tiêu bài giảng

Mục tiêu bài giảng là sự khẳng định về những gì mà người học cần đạt được sau khi tham gia môn học, chuyên đề. Mục tiêu bài giảng tốt cần đánh giá được mức độ đạt được của người học khi kết thúc bài giảng và mức độ hoàn thành của giảng viên khi kết thúc phần giảng. Mục tiêu bài giảng cụ thể, rõ ràng là cơ sở để thiết kế nội dung, phương pháp và các hoạt động dạy và học trong quá trình lên lớp. Xây dựng mục tiêu cần được thực hiện trên cơ sở kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Đối với mục tiêu của bài học lý thuyết: cần xác định các tiêu chí đo, xác định rõ những hành động, hoạt động mà người học cần thực hiện và phải phân định rõ mức độ nắm vững tri thức dựa trên công cụ thang nhận thức Bloom – công cụ nền tảng để xây dựng mục tiêu và bài tập nhằm khuyến khích và phát triển các kỹ năng tư duy của người học ở mức độ cao. Đối với những chuyên đề thực hành, mục tiêu của bài học thực hành cần được xác định trên cơ sở yêu cầu chuyên môn của kỹ năng và sự xem xét khả năng của người học. Việc xây dựng mục tiêu thực hành tốt cũng cần được phân định trên cơ sở nắm vững các mức độ đạt được của lý thuyết, dựa trên thang đo Bloom – công cụ nền tảng được xây dựng bởi Benjamin Bloom, nhà tâm lý giáo dục đại học Chicago năm 1956, từ đó, xác định mức độ đạt được về kỹ năng thực hành. Tương tự như vậy, đối với mục tiêu về thái độ, cần xác định mức độ thái độ của người học khi tiếp cận nội dung chuyên đề, thể hiện cụ thể qua bảng sau:

Dự kiến cấu trúc, nội dung bài giảng

Về cơ bản, giảng viên cần tuân thủ cấu trúc, nội dung bài giảng theo đúng tài liệu hay đề cương của môn học, chuyên đề đã được thông qua. Tuy nhiên, sự tuân thủ cứng nhắc và rập khuôn cấu trúc, nội dung của bài giảng sẽ làm giảm đi tính linh hoạt và sự phù hợp của nội dung bài giảng với từng đối tượng học viên khác nhau, đặc biệt trong việc hướng tới mục tiêu xuất phát từ nhu cầu người học. Trong môi trường quốc tế, việc tôn trọng và đáp ứng mục tiêu, nhu cầu của người học càng được đề cao. Đáp ứng mục tiêu, nhu cầu của người học sẽ góp phần gia tăng hiệu quả của bài giảng. Do đó, khi dự kiến cấu trúc, nội dung bài giảng, giảng viên cần tuân thủ nội dung cơ bản của tài liệu môn học, chuyên đề và tùy từng đối tượng học viên sẽ xây dựng nội dung chi tiết sao cho phù hợp. Đồng thời, xác định những nội dung kiến thức sẽ liên hệ thực tế hoặc thực hành, xác định thời điểm và cách thức liên hệ, thực hành. Trong trường hợp cần thiết, giảng viên có thể lập sơ đồ biểu diễn cấu trúc bài giảng để trực quan hoá mối liên hệ lô gíc giữa các nội dung giảng dạy.

Khi thiết kế cấu trúc, nội dung bài giảng, giảng viên cần tăng cường sử dụng bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh, âm thanh, video, phát huy tối đa hiệu ứng âm thanh (thính giác), màu sắc (thị giác) hoặc khả năng vận dụng lý thuyết để thực hành kỹ năng, làm rõ nội dung bài học, tạo ấn tượng với từng nội dung giảng dạy và thu hút sự chú ý của học viên.

Dự kiến và vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy

Sau khi xác định logic cấu trúc, nội dung bài học, giảng viên cần liên hệ với đặc trưng của đối tượng học tập và điều kiện, không gian lớp học để lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, gồm phương pháp chủ đạo và phương pháp cụ thể cho từng nội dung, đồng thời, xác định các phương tiện tương ứng. Các phương pháp thường được sử dụng trong việc giảng dạy của những giảng viên đại học: phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học thực hành, tình huống, đóng vai, thuyết trình… Tuy nhiên, đối với việc giảng dạy và học tập trên môi trường quốc tế, cần có sự kết hợp các phương pháp một cách linh hoạt, phù hợp với nội dung, đối tượng học viên và văn hóa sắc tộc sao cho phát huy được những ưu điểm và khắc phục được những nhược điểm, ví dụ như sự đa dạng giữa các luồng văn hóa hay sự bất đồng về ngôn ngữ. Sự lựa chọn các phương pháp và phương tiện giảng dạy tương ứng cần hướng tới mục tiêu vừa làm rõ nội dung giảng dạy, vừa có tác dụng ghi lại và trực quan hóa toàn bộ nội dung môn học để người học dễ dàng quan sát khi kết thúc môn học.

Kỹ năng thực hiện bài giảng trên lớp

Khi thực hiện bài giảng, điều cơ bản nhất là giảng viên cần tuân thủ những bước cơ bản: (1) Ổn định tổ chức lớp; (2) Dẫn dắt vào bài, mở đầu bài giảng; (3) Giảng bài với những phương pháp giảng dạy đã chuẩn bị và sự hỗ trợ của micro, bảng và các phương tiện dạy học khác.; (4) Củng cố, tóm tắt, khắc sâu nội dung của bài học; (5) Giao câu hỏi và bài tập về nhà (nếu cần). Bên cạnh đó, để bài giảng được thực hiện một cách hiệu quả và tạo những hiệu ứng tốt nhất sau buổi giảng, giảng viên cần lưu ý một số những nội dung sau:

Bao quát lớp học, ngay cả khi giảng dạy trên môi trường điện tử. Việc bao quát lớp học gồm việc: người dạy có thể quan sát thái độ, sự tiếp thu, tương tác của người học và ngược lại. Hoạt động này góp phần quan trọng trong việc gia tăng sự tập trung và thu hút sự chú ý của người học vào nội dung bài giảng. Việc bao quát lớp học giúp giảng viên đánh giá được mức độ tham gia và tương tác của người học để kịp thời điều chỉnh phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy và nhịp độ bài giảng nếu cần thiết. Bao quát lớp học bằng thái độ thân thiện, bình đẳng giúp giảng viên phát triển mối quan hệ với học viên, tạo sự tín nhiệm với học viên chứ không phải quyền lực. Đồng thời, giảng viên cũng cần có sự quan sát và dự đoán những khó khăn của người học trong quá trình lĩnh hội tri thức mới để giúp người học có những phương pháp tiếp cận nội dung giảng dạy một cách phù hợp.

Để phát triển và hoàn thiện phương pháp giảng dạy, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, giảng viên cần có kế hoạch không ngừng hoàn thiện kỹ năng, kiến thức về giảng dạy. Đó là quá trình giảng viên cần không ngừng tự học, tự nghiên cứu, tham gia vào các hoạt động khoa học không chỉ trong phạm vi trường, phạm vi trong nước mà còn tích cực tham gia ở những diễn đàn quốc tế. Điều đó, sẽ giúp giảng viên kịp thời cập nhật những hướng nghiên cứu mới, kết quả nghiên cứu mới, phương pháp tiếp cận mới, những nội dung các nhà khoa học trong nước và ngoài nước đã nghiên cứu có kết quả. Đồng thời, giảng viên cũng cần hoàn thiện và nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin phục vụ cho quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Sự thành thạo về ngoại ngữ và công nghệ thông tin sẽ giúp giảng viên có thêm cơ hội tiếp cận để chủ động tìm kiếm và khám phá những thông tin khoa học mới.

Chú thích:
1. Đặng Thành Hưng. Dạy học hiện đại: Lý luận – biện pháp – kỹ thuật. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thọ Đạt. Foresight và cách tiếp cận foresight trong xây dựng chiến lược nguồn nhân lực giảng dạy công nghệ thông tin. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2013.
2. Madeline Hunter – Robin Hunter (Nguyễn Đào Quý Châu dịch). Làm chủ phương pháp giảng dạy. NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
3. Karen F.Osterman – Robert B.Kottkamp (Phạm Thị Kim Yến, Nguyễn Đào Quý Châu dịch). Phương pháp tư duy dành cho nhà giáo dục. NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
4. Bảo Thắng. Nghệ thuật xử lý tình huống sư phạm. H. NXB Lao động – Xã hội, 2006.
5. John Dewey (Cao Tuấn dịch). Những nguyên tắc đạo đức trong giáo dục. NXB Đà Nẵng, 2018.
6. Tạ Quang Tuấn (Chủ biên) – Đỗ Thị Thu Huyền. Tổ chức dạy học dựa vào tương tác người học người học ở đại học. H. NXB Giáo dục Việt Nam, 2016.
7. Understanding Interaction in Distance Education: A Review of Literature. International International Journal of Instructional Technology & Distance learning, Number 02, Thurmond Veronica, Wamback Karen, 2004.