Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ

TS. Nguyễn Thị Vân Hà
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Trên cơ sở các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 và từ thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), bài viết xác định một số nội dung về hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ảnh minh họa (internet).
Cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định của pháp luật hiện hành

Nhiệm kỳ Chính phủ hiện nay duy trì cơ cấu tổ chức với 22 bộ, cơ quan ngang bộ cùng với 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Điều 40 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ gồm vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập; quy định rõ về quyền chủ động của Chính phủ trong điều chỉnh cơ cấu tổ chức theo nguyên tắc tinh gọn, hợp lý và không luật hóa cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập các đơn vị trên do Chính phủ quyết định căn cứ vào tính chất, phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Trên cơ sở tiêu chí thành lập các tổ chức, đơn vị của các bộ, cơ quan ngang bộ thì cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan này được sắp xếp, kiện toàn gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý và tính chất hoạt động của từng tổ chức. Cụ thể là: giảm bớt đơn vị trung gian như cấp phòng trong vụ, cục thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công thuộc bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng giữ lại các đơn vị sự nghiệp công phục vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc bộ, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, các bộ sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị trong nội bộ giúp cho bộ máy vận hành được thông suốt, trôi chảy hơn.

Tuy nhiên, sau quá trình sắp xếp, điều chỉnh, cơ cấu bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm giữa một số lĩnh vực vẫn còn giao thoa, đan xen hoặc phân công chưa phù hợp hoặc chưa đủ rõ ràng, dẫn đến khó xác định trách nhiệm trong hoạt động. Cơ cấu tổ chức bộ máy của một số bộ vẫn tiếp tục tăng thêm một số cục, vụ trong bộ và phòng, ban trong cục, vụ… Việc thành lập tổng cục chỉ phù hợp với các tổ chức thực thi chính sách, pháp luật theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương, song trên thực tế các tổng cục chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ở cấp trung ương (như một đơn vị thuộc bộ) mà không có hệ thống ngành dọc (từ trung ương đến địa phương). Một số cơ quan trực thuộc Chính phủ đã sáp nhập vào bộ nhưng chậm được sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy.

Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và dịch vụ công trong bối cảnh mới. Các bộ, ngành vẫn muốn can thiệp vào hoạt động dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công và hoạt động của doanh nghiệp; trực tiếp thực hiện nhiều công việc của chính quyền địa phương; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và dịch vụ công giữa trung ương và địa phương còn mang tính hình thức, chưa thực hợp lý. Việc phân định, tách bạch các hoạt động cơ bản của bộ, cơ quan ngang bộ để trên cơ sở đó điều chỉnh tổ chức bộ máy của các cơ quan này vẫn còn chậm hoặc nặng về hình thức, hiệu quả chưa như mong muốn.

Ngày 17/02/2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với những nội dung cơ bản liên quan đến:

(1) Trách nhiệm tổ chức quán triệt việc thi hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

(2) Hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước;

(3) Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng như các thủ tục sắp xếp, tổ chức lại và ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức, đơn vị;

(4) Một số điều chỉnh mang tính nguyên tắc về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như: tổng cục tổ chức lại thành các cục, vụ và cục thuộc bộ tổ chức lại thành vụ thì việc thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính của tổng cục, cục do Thanh tra bộ, cục thuộc bộ, Ủy ban nhân dân các cấp đang có thẩm quyền xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật cho đến khi có quy định mới thay thế,…

Giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ ở nước ta hiện nay

Thực tiễn hiện nay đòi hỏi bộ máy nhà nước nói chung, các bộ và cơ quan ngang bộ nói riêng phải tiếp tục được tổ chức và vận hành bộ máy quản lý một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả và nhanh chóng hơn. Chính phủ hiện không còn tổ chức và hoạt động theo cơ chế hành chính tập trung (quyền lực tập trung vào Chính phủ) nên bộ, cơ quan ngang bộ không thuần tuý là cơ quan của Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Hiến pháp và luật hiện hành đã xác định bộ, cơ quan ngang bộ còn có tính độc lập nhất định; có vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 27-NQ/TW, sau khi triển khai Nghị quyết số 20/NQ-CP, ngày 12/5/2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ…, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Như vậy, đến nay nhìn tổng thể, vị trí, vai trò và chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ cũng được điều chỉnh và có những đổi mới như có sự phân tách giữa hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công với quản lý nhà nước; phân biệt giữa quản lý nhà nước với việc đại diện chủ sở hữu đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, loại dần cơ chế bộ chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước… Việc phân tách một cách minh bạch các hoạt động cơ bản của bộ, cơ quan ngang bộ sẽ tạo cơ sở tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ theo yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Theo đó, cần quan tâm đến một số giải pháp cơ bản, đó là:

Thứ nhất, tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương. Bộ, cơ quan ngang bộ tập trung vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý ở tầm vĩ mô như hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Thứ hai, quá trình tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ cần được tiếp tục triển khai theo hướng tinh gọn, giảm thiểu đầu mối và cấp trung gian; giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ các tổng cục và tổ chức tương đương trực thuộc bộ.

Thứ ba, tiếp tục sắp xếp, thiết lập các tổ chức chuyên trách giúp bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ về tổ chức thi hành pháp luật (không thực hiện chức năng tham mưu, giúp bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ về xây dựng thể chế); giảm đầu mối và quy mô các đơn vị có chức năng tham mưu giúp bộ trưởng trong quản lý nội bộ.

Thứ tư, thiết lập đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số đủ mạnh, trên cơ sở kiện toàn hoặc bổ sung nhiệm vụ về chuyển đổi số cho đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin và được trao cho đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính phủ số.

Thứ năm, giảm đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, tổng cục, cục trong bộ, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ.

Những tiến trình này, về bản chất, không làm suy giảm vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, mà trái lại, càng thể hiện rõ vị trí, vai trò quan trọng trong quản lý, điều hành vĩ mô đối với ngành, lĩnh vực do tập trung vào những chức năng, nhiệm vụ mà xã hội và địa phương không thể thực hiện như: (1) Xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; (2) Điều tiết, phối hợp các cơ quan, tổ chức nhà nước và các chủ thể ngoài nhà nước tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; (3) Kiểm soát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến ngành, lĩnh vực; (4) Tổ chức cung ứng các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực mà chính quyền địa phương và các chủ thể ngoài nhà nước không đảm nhiệm được.

Thứ sáu, về trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ: hoàn thiện các quy định liên quan đến chế độ thủ trưởng trong hoạt động của bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng đề cao vai trò và trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng. Ví dụ, đối với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải chịu trách nhiệm về chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Hoặc trong hoạt động xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch phải bảo đảm được tính thống nhất, chặt chẽ nhưng bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về việc phát sinh thủ tục hành chính hoặc có các quy định nhằm hợp lý hóa lợi ích nhóm của cơ quan quản lý nhà nước… Mặt khác, cũng cần xác định thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ mà không có thẩm quyền, trách nhiệm tập thể của lãnh đạo bộ cũng như thẩm quyền, trách nhiệm chung của bộ, cơ quan ngang bộ.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
2. Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
3. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
4. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
6. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
7. Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 17/2/2023 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
8. Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.