Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các trường đại học tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Kotlachit Mangnomek
Nghiên cứu sinh của trường Đại học Ngoại thương
(Quanlynhanuoc.vn) Hiện nay, các trường đại học ở Lào gặp bất lợi trong đổi mới nghiên cứu khoa học, phần lớn là do chưa có nhiều đột phá trong lĩnh vực này và chưa phát triển được chuyên ngành nghiên cứu riêng hoặc chưa phát triển được chuyên ngành thế mạnh. Nguyên nhân cơ bản là thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu năng lực, đồng thời là nhà khoa học và nhà đổi mới trong nghiên cứu khoa học; chưa có cơ chế hợp tác, trao đổi học thuật cũng như xã hội hóa để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, ngân sách và nguồn tài chính và các nguồn lực khác dành cho nghiên cứu khoa học của các trường còn thiếu đáng kể. Bài viết này nêu lên thực trạng nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Lào, tìm hiểu nguyên nhân và từ đó kiến nghị giải pháp để nâng cao năng lực nghiên cứu tại các trường đại học ở Lào.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Lào đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục. Nhiều nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về khoa học xã hộichưa tuân thủ các tiêu chuẩn khoa học và chuyển giao công nghệ đặt ra. Mặc dù các quy trình và tiêu chuẩn vấn đề này được các cá nhân và tổ chức tham gia nghiên cứu nhận thức rõ, nhưng hiệu quả và chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế. Một vấn đề khác là thiếu vai trò và thẩm quyền trong ứng dụng chuyển giao khoa học giữa các tổ chức, cá nhân và nhà nghiên cứu. Hàm lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học thiếu tính đổi mới sáng tạo, ít có khả năng ứng dụng rộng rãi vào thực tế là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hoạt động nghiên cứu khoa học kém hiệu quả của các trường đại học Lào1. Trong khi đó, các nhà khoa học và giảng viên, những người chiếm phần lớn trong phát huy năng lực khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục này lại chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về tiến bộ và hiệu quả trong việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề cấp bách mà xã  hội đang đặt ra. Tuy nhiên, Chính phủ và các bên liên quan đã có những tiến bộ tích cực trong đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học2. Thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Chính phủ cho khoa học và công nghệ, một số trường đại học đã tăng đầu tư từ các nguồn khác nhau như Đại học Quốc gia Lào, đặc biệt là khuyến khích xuất bản khoa học trên các ấn phẩm khoa học quốc tế. Ở Lào cũng đã ban hành Luật và các văn bản dưới luật về việc phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học, trong đó quy định cấp kinh phí để đầu tư và thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ hằng năm. Một số cơ sở như Đại học Souphanouvong hay Đại học Khoa học Y tế vẫn chưa giải ngân hết nguồn ngân sách này mà nguyên nhân là thiếu cơ chế thúc đẩy triển khai nghiên cứu khoa học trong nội bộ các trường đại học. Ngoài ra, còn có một số thách thức trong việc đánh giá thành tích của giảng viên trong nghiên cứu khoa học, cũng ảnh hưởng đến niềm đam mê và tính tích cực của đội ngũ trong nghiên cứu khoa học… Vì vậy, nghiên cứu này được xây dựng nhằm đánh giá thực trạng phát triển nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục tại lào cũng nhử năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên đại học tại Lào. Từ đó tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các trường đại học Lào đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Thực trạng năng lực nghiên cứu khoa học tại các trường đại học của Lào

Th nhất, các trường đại học ở Lào hiện nay chưa hoàn thiện quy chế và quy trình quản lý khoa học công nghệ thuận lợi cho việc phát triển công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đội ngũ nhân sự làm công tác quản lý khoa học công nghệ trong trường đại học. Vì vậy khó bảo đảm hoạt động thường xuyên về nghiên cứu khoa học. Điều này dẫn đến thiếu hệ thống tiêu chuẩn về quản lý và thực hiện dự án nghiên cứu khoa học cũng như thiếu tài chính, hệ thống đánh giá, ưu đãi, hình phạt và các lĩnh vực quản lý hồ sơ khác3.

Thứ hai, hệ thống quản lý nghiên cứu khoa học còn thiếu và chưa chuẩn hóa. Những điều này đã hạn chế việc nghiên cứu khoa học. Thực tế, Chính phủ Lào hình thành và  phát triển đại học muộn hơnso với một số nước trong khu vực ASEAN và vì vậy đang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, môi trường phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Ngay cả khi một số tổ chức tư nhân tiên tiến và phát triển hơn các tổ chức khác, họ vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc đảm bảo chất lượng của nghiên cứu khoa học mặc dù đã có nguồn lực và môi trường nghiên cứu nhất định. Số lượng bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tăng từ 7 bài năm 2001 lên 89 vào năm 2020, tăng trưởng bình quân hằng năm là 19,61%7.

Cốt lõi của năng lực nghiên cứu khoa học của các trường là năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, giáo sư giảng dạy tại chính các cơ sở này. Tuy nhiên cơ cấu giáo sư đại học chưa phù hợp, chưa gắn kết giữa giảng dạy với nghiên cứu khoa học cho đội ngũ này. Nguyên nhân một phần do nền tảng học thuật và lý luận còn có hạn chế với phần lớn đội ngũ còn thiếu kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và giảng viên trẻ tại các trường đại học chiếm hơn 60% tổng số giảng viên, đội ngũ này không thể tiến hành nghiên cứu khoa học độc lập được. Trong khi đó các giảng viên, giáo sư, nhà nghiên cứu lớn tuổi được thuê từ các trường đại học, tổ chức bên ngoài còn hạn chế về số lượng và họ thường giảm tính tích cực trong việc tham gia nghiên cứu khoa học4. Việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường được hỗ trợ bởi một số lượng tương đối ít giảng viên trung niên, khiến họ khó có thể dành nhiều thời gian và công sức cho nghiên cứu khoa học. Quy định về thu hút nhân tài trong các trường đại học còn hạn chế. Đa số các giảng viên trẻ cần một người cố vấn để giúp họ tiếp tục các dự án nghiên cứu khoa học. Mặc dù năng lực nghiên cứu khoa học của các học giả lớn tuổi khá cao nhưng nhiệm vụ lãnh đạo và cố vấn của họ trong lĩnh vực này vẫn chưa được phát huy đầy đủ5. Việc nâng cao hiệu quả, năng lực và tầm cỡ của nghiên cứu khoa học là một thách thức vì không có đủ lãnh đạo trung niên có thể giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các dự án nghiên cứu khoa học các cấp. Kết quả là, vai trò của các giáo sư lớn tuổi trong nghiên cứu, giao tiếp, hỗ trợ và lãnh đạo nghiên cứu khoa học không được phát huy6.

Những thách thức đối với việc phát triển năng lực nghiên cứu của các trường đại học tại Lào

Thách thức chính của quá trình nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học ở Lào hiện nay là thiếu nguồn kinh phí cho hoạt động này. Việc thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học đòi hỏi đầu tư cao hơn trong khi đó nhưng ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học ở Lào hiện còn hạn chế. Vì vậy, cơ sở vật chất của trường, trong đó có phương tiện, thiết bị, máy móc, công cụ phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và thử nghiệm, thực hành còn thiếu và tương ứng cũng thiếu cả số lượng giảng viên cho các hoạt động khoa học công nghệ này. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về phân bổ ngân sách trung hạn và hằng năm cho chính hoạt động khoa học công nghệ này. Bên cạnh đó, tính gắn kết còn yếu và thiếu giữa nhu cầu nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn với nhu cầu xã hội. Ngoài ra, Chính phủ và các cấp lãnh đạo của trường đại học chưa đặt ra yêu cầu cụ thể về chất lượng và số lượng công trình nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Lào hiện nay. Chưa có các quy định của Chính phủ, Bộ, các trường đại học để phân loại và đánh giá sự khác biệt giữa các chương trình nghiên cứu khoa học ở cấp quốc gia, cấp bộ, cấp trường đại học và tương ứng với nó là các quy định tương ứng về tiêu chuẩn, kinh phí và thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học cấp khác là không hoàn toàn rõ ràng. Thật khó để phân biệt các chương trình cấp chứng chỉ với các cấp độ cao hơn. Ngược lại,với một lộ trình cụ thể có thời hạn từ 3 đến 5 năm, yêu cầu của các bộ thường mang tính kịp thời và phụ thuộc vào nhu cầu hiện tại của Chính phủ.

Đội ngũ giảng viên có vai trò chính trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường đại học. Tuy nhiên số lượng giảng viên học tập và đào tạo để có bằng tiến sĩ có sự gia tăng thấp những năm gần đây. Đội ngũ này thiếu đào tạo sư phạm, kinh nghiệm làm việc và kỹ năng nghiên cứu phù hợp. Nguyên nhân của thực trạng này một phần do chế độ lương và phụ cấp trong công việc của đội ngũ này còn thấp, dẫn đến việc tuyển dụng giảng viên có trình độ cho nghiên cứu khoa học trở nên khó khăn hơn.

Nghiên cứu khoa học ứng dụng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động này tại trường còn hạn chế. Cơ chế đánh giá, kiểm nghiệm, kiểm tra kết quả triển khai áp dụng kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tế còn chưa đầy đủ. Các cơ chế và tiêu chuẩn đánh giá hoạt đồng này chưa được hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và chất lượng văn bản này cũng còn có những điểm hạn chế.

Thực tiễn cho thấy đang có sự thiếu sự hợp tác giữa các trường đại học với tổ chức doanh nghiệp trong hoạt động khoa học công nghệ. Điều này gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp trong ứng dụng nhất quán các kết quả nghiên cứu khoa học. Để tăng cường hoạt động này cần sự phối hợp, hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Bộ Công thương, sau đó phân cấp rõ trách nhiệm của từng Bộ.

Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu cho các trường đại học tại Lào

Một là, Chính phủ và các cơ quan chủ quản các trường đại học cần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định một cách đồng bộ về quản lý và hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học tại Lào. Các nội dung này cần gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu khoa học với thực tiễn và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đối với công tác quản trị nội bộ trường đại học, cần hoàn thiện quy chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ sao cho đồng bộ với các quy định của cơ quan chủ quản và của Chính phủ; đồng thời khuyến khích phát huy năng lực tự chủ, năng lực nội tại cũng như tính chất xã hội hóa trong khoa học công nghệ nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng.

Hai là, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên các trường đại học. Các trường đại học nên có chương trình khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia vào hoạt động khoa học công nghệ. Cần có chiến lược và chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ này cả về số lượng và chất lượng với mục tiêu không chỉ nghiên cứu mà còn có năng lực chuyển giao kết quả và ứng dụng nó trong thực tiễn xã hội. Mỗi trường đại học cần thành lập, hoàn thiện hội đồng khoa học của trường gồm các nhà khoa học uy tín và có tính đa dạng cũng như tính quốc tế. Đồng thời khuyến khích thành lập các Tạp chí khoa học chuyên ngành với chỉ số quốc tế để thúc đẩy cộng bố các kết quả nghiên cứu khoa học của các trường đại học.

Cần vận dụng tốt sự phối hợp nguồn nhân lực khoa học công nghệ giữa lĩnh vực công nghiệp và khoa học tại Lào. Các trường đại học ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển đều thực hiện nghiên cứu khoa học gắn với ngành, lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy đào tạo lực lượng lao động để tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ. Rất nhiều giáo sư là công dân Lào sinh sống ở nước ngoài, làm việc nhiều trong hệ thống nghiên cứu và đổi mới của đất nước nhưng họ không thể kết nối, hợp tác với nghiên cứu ở trong nước. Vì vậy sẽ không huy động được cộng đồng nhà khoa Lào trên toàn thế giới tham gia nghiên cứu khoa học. Mặt khác, bản thân cơ chế, chính sách trong nước chưa kịp đổi mới để thu hút nguồn tài chính và nhân lực quốc tế cho đất nước như nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và môi trường.

Các trường đại học Lào cần thu hút đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm có học hàm, học vị cao, là các Giáo sư đã và đang công tác ở ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Mặt khác cần tăng cường chất luọng công tác đào tạo sau đại học (trình độ thạc sỹ và tiến sỹ) để gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo, thúc đẩy chất lượng nghiên cứu khoa học ngày càng tốt hơn.

Ba là, cần tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực đa dạng phục vụ nghiên cứu khoa học cho các trường đại học. Chính phủ cần có chương trình đầu tư trung hạn, hình thành các chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia cho các trường đại học. Cần mạnh dạn tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu khoa học, huy động các nguồn tài trợ, vay quốc tế cho phát triển khoa học công nghệ như các tài trợ của Ngân hàng thế giới cho các nước kém phát triển, các chương trình vay ODA cho phát triển khoa học công nghệ của quốc gia. Chính phủ cần kiến tạo thể chế, nguồn lực thông tin để sẵn sàng chuyển đổi số quốc gia và đặt biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực khoa học công nghệ, từ đó tạo ra những nguồn dữ liệu lớn trong nghiên cứu khoa học, hục vụ các chương trình nghiên cứu khoa học các cấp.

Các trường đại học cần tranh thủ cơ chế xã hội hóa để kiến tạo nguồn lực trong nghiên cứu khoa học; đặc biệt phát triển và mở rộng liên kết với các trường đại học trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, trong đó học hỏi mô hình quản lý và triển khai nghiên cứu khoa học ơ các nước phát triển cần được ưu tiên.

Kết luận

Các trường đại học ở Lào gặp bất lợi trong đổi mới nghiên cứu khoa học, phần lớn là do chưa có nhiều đột phá trong lĩnh vực này và chưa phát triển được chuyên ngành nghiên cứu riêng hoặc chưa phát triển được chuyên ngành thế mạnh. Nguyên nhân cơ bản là thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu có hiệu quả cao, đồng thời là nhà khoa học và nhà đổi mới trong nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, còn thiếu kinh phí trầm trọng cho những nghiên cứu như vậy cũng như thiếu cơ hội trao đổi học thuật và đào tạo giáo viên ở nước ngoài. Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực mang đến cơ hội mới cho sự phát triển của trường đại học, thay đổi các quan niệm định sẵn và hiện đại hóa các khái niệm. Nó đặt sự hợp tác sáng tạo vào một vị trí chiến lược cho sự phát triển trong tương lai của trường đại học và kêu gọi thành lập một nhóm nghiên cứu riêng biệt, một ngành học mạnh mẽ. Điều quan trọng là phải đầu tư đáng kể vào nghiên cứu khoa học và tôn vinh những người hướng dẫn vì thành tích sáng tạo của họ. Yếu tố hàng đầu phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh cốt lõi của các trường tư liên quan đến sự phát triển trong tương lai là sự đổi mới trong nghiên cứu khoa học.

Các trường đại học nên thành lập các tổ chức quản lý nghiên cứu khoa học tương ứng chịu trách nhiệm giám sát hoạt động nghiên cứu liên quan đến trường. Trường đại học phải thành lập Hội đồng Khoa học Đại học để giám sát, chỉ đạo các tổ chức nghiên cứu khoa học các cấp khi tiến hành nghiên cứu các vấn đề lý luận và ứng dụng. Hội đồng sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch nghiên cứu khoa học, thực hiện, gây quỹ, đưa các dự án vào hoạt động, đánh giá thành công và phổ biến thông tin tới các trường đại học có thể thành lập các khoa để tổ chức các đề tài giảng dạy và nghiên cứu.

Để hoàn thiện hệ thống quản lý tương ứng, bao gồm đánh giá nghiên cứu khoa học, khuyến khích, khen thưởng thành tích và hệ thống lưu trữ nghiên cứu khoa học, các trường đại học ở Lào và lãnh đạo trường đại học cần thành lập một đội ngũ quản lý nghiên cứu khoa học hiệu quả. Các trường đại học Lào phải tạo ra hệ thống đầu vào mới và đổi mới cách quản lý nghiên cứu và công nghệ. Để tăng cường nỗ lực đầu vào, họ phải tạo ra các chính sách khuyến khích khoa học và công nghệ. Họ có thể tạo ra một quỹ nghiên cứu khoa học sẽ được sử dụng cho các dự án nghiên cứu ở trường đại học, cũng như kinh phí để xuất bản các chuyên khảo, hỗ trợ các dự án nghiên cứu công nghệ cao, hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu cấp tỉnh và địa phương, đồng thời giới thiệu các tài năng tiến sỹ và giáo sư. Họ có thể tạo ra một quỹ để hỗ trợ các biện pháp khen thưởng nghiên cứu khoa học phù hợp với hoàn cảnh thực tế, chẳng hạn như đặt ra các tiêu chuẩn và phương pháp khen thưởng tương ứng cho các thành tích cấp quốc gia, tỉnh, thành phố và các cấp độ khác. Đồng thời, trao một số giải thưởng cho việc công bố chuyên khảo trên tất cả các tạp chí học thuật, không phân biệt cấp độ.

Chú thích:
1. Knight, J. (2015). Strengthening Higher Education in Laos. International Higher Education. 10.6017/ihe.2013.73.6113.
2. Low, W. & Azman F. & Hashim, A. & Keovilay, B. & Osay, V. & Vongsouangtham, B. & Soulignavong, L. (2021). Collaborative Training in Research Methodology: a case of Malaysia and Laos. AEI Insights: An International journal of Asia-Europe relations. 77-84. 10.37353/aei-insights.vol7.issue1.6.
3. Bai, B., & Paryono D. (2019). Vocational Education and Training in ASEAN Member States. Springer Singapore.
4. ADB. (2017). How Lao PDR is Using TVET to Break Gender Barriers at Work. Asian Development Bank. https://www.adb.org/results/how-lao-pdr-usingtvet-break-gender-barriers-work
5, 7  Park, K. & Park, H. & Shin, J. & Jung, Y. & Seo, M. & Kim, T. & Bouphavanh, K. & Sengchanh, S. & Inthachack, K. (2020). Using OSCE for Capacity Building Program Outcome Evaluation: A First SP-based OSCE in Laos. 10.21203/rs.3.rs-128828/v1.
6. Galafa, B. & Ngoimanee, D. (2021). Quality Assurance in Arts Teacher Education: Lessons From The Arts Education College in Laos. ATTARBAWIY: Malaysian Online Journal of Education. 10.53840/attarbawiy.v5i1.55.