Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách ở Việt Nam hiện nay

TS. Trần Mai Hùng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
NCS. Võ Thị Phiến
Học viện Chính trị Khu vực IV
(Quanlynhanuoc.vn) – Công khai, minh bạch là yêu cầu quan trọng trong hoạch định chính sách ở Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh mở rộng dân chủ và sự tham gia của người dân thì việc thực hiện công khai, minh bạch đối với chu trình chính sách sẽ góp phần mở rộng dân chủ, thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, đưa chính sách đến với người dân một cách thực chất và phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Ảnh minh họa (internet)
Yêu cầu bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách ở Việt Nam

Hiện nay, chất lượng thể chế là nhân tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia. Thể chế là yếu tố bảo đảm thực thi những nguyên tắc pháp quyền và tạo cơ hội để người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Nhà nước. Có nhiều cách thiết lập thể chế dân chủ, điều này tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, chính trị và văn hóa cụ thể của quốc gia. Mặc dù có thể có sự khác nhau về thể chế chính trị và kinh tế ở mỗi quốc gia, nhưng các quốc gia thịnh vượng đều có các thiết chế dân chủ bảo đảm thực thi nguyên tắc pháp quyền và thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân vào quá trình hoạch định chính sách.

Thiết lập cơ chế công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách là yêu cầu quan trọng về mặt thể chế để bảo đảm dân chủ và phát triển đối với Việt Nam hiện nay. Thiếu hệ thống cơ chế công khai, minh bạch cũng đồng nghĩa với việc hệ thống chính trị nói chung và cơ quan hoạch định chính sách vận hành kém hiệu quả. Để thực hiện cơ chế này đòi hỏi phải tiếp tục cải cách toàn bộ bộ máy nhà nước và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, giữa Nhà nước và tổ chức xã hội đại diện cho người dân. Trong đó, yếu tố tạo nên một nhà nước pháp quyền cần phải có sự công khai, minh bạch và đây chính là môi trường thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm dân chủ.

Mặt khác, công khai, minh bạch còn là biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa tình trạng tham nhũng. Tình trạng tham nhũng, lạm dụng quyền lực để trục lợi gây ra nhiều chi phí tốn kém về kinh tế cho xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Bản chất của vấn đề thực hiện công khai, minh bạch không chỉ nằm ở mặt kinh tế mà còn là cuộc đấu tranh chính trị nhằm bảo vệ những giá trị của nhà nước pháp quyền, bảo vệ chế độ chính trị. Do đó, cần công khai, minh bạch để người dân nắm bắt được những chính sách, quyền lợi được hưởng; những quy định về trách nhiệm và quyền hạn của các công chức, các cơ quan để họ thực hiện quyền giám sát của mình – trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng.

Công khai, minh bạch cũng là một trong những phương diện kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động chính trị là nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong nhiều năm qua. Thông qua cơ chế công khai, minh bạch người dân và xã hội thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, qua đó cũng đòi hỏi cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, Việt Nam cũng đã xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm yêu cầu về công khai, minh bạch, qua đó góp phần từng bước củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi của về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới) đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó có tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Thực trạng thực hiện cơ chế công khai, minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách

Những năm gần đây, khung thể chế của Việt Nam đã từng bước đổi mới, cải cách, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, phát triển kinh tế và xã hội. Đây là thành quả của sự đổi mới bản thân bộ máy hành chính nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền. Các quy định về công khai, dân chủ, trách nhiệm giải trình trong hoạch định chính sách đã được ghi nhận trong Hiến pháp và đã được luật hóa, hiện thực hóa thành các đề án cải cách thủ tục hành chính, tạo lập cơ sở pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Để thực hiện cơ chế công khai, minh bạch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định việc tham gia của người dân vào quá trình soạn thảo, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Người dân có thể tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật thông qua đại biểu trong các cơ quan đại diện, các tổ chức chính trị – xã hội, hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Để bảo đảm tính công khai, minh bạch, người dân được tham gia trong toàn bộ quá trình xây dựng chính sách: từ giai đoạn đề xuất sáng kiến chính sách, đến triển khai xây dựng, quyết định và thực thi chính sách ở mức độ trực tiếp hoặc gián tiếp. Những quy định để người dân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật rất đa dạng, phong phú, cho phép người dân có thể biểu đạt được ý chí, nguyện vọng của mình cũng như thực hiện giám sát nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch.

Từ năm 2012, Bộ Nội vụ đã ban hành Bộ chỉ số PAR Index – Chỉ số cải cách hành chính – đây được là công cụ theo dõi, đánh giá kết quả triển khai cải cách hành chính hằng năm của các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương trên các lĩnh vực, như: chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Do đó, những lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất thường gắn với khu vực có các hoạt động độc quyền và thiếu tính công khai, minh bạch: hệ thống thu thuế, hải quan, các cơ quan có quyền cấp giấy phép, quyết định quy hoạch đất đai, cung ứng các dịch vụ công cộng, phê duyệt các dự án xây dựng… Đơn cử, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên; các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ, 2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án, 864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022)1.

Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện cơ chế công khai, minh bạch, cụ thể hóa Điều 9 Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã quy định rõ quyền và trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã làm rõ vai trò, những nguyên tắc, đối tượng, nội dung, phạm vi và hình thức giám sát, phản biện xã hội; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, phản biện. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật liên quan đến công khai, minh bạch… đã được xây dựng, hoàn thiện nhằm góp phần tạo cơ sở để người dân tham gia vào hoạt động của cơ quan nhà nước, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước như: Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì không phải lúc nào các nỗ lực cải cách theo hướng công khai, minh bạch cũng theo kịp những đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra. Hiện vẫn tồn tại những vấn đề trong việc bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách. Những hạn chế trong bảo đảm công khai, minh bạch là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách. Chỉ số WGI về kiểm soát tham nhũng, cho thấy, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm phía dưới, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm cho thấy, người dân vẫn phải chi các khoản phi chính thức để tiếp cận dịch vụ công. Các quy định pháp lý thực thi công khai, minh còn thiếu rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn; tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước còn chồng chéo nhau về chức năng, thẩm quyền, có nguy cơ gây xung đột lợi ích. Đây đang là những thách thức mà thực tiễn đang đòi hỏi cần phải vượt qua.

Cũng phải thẳng thắn nhận thấy rằng, cơ chế bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách của Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế như sau:

Một, hệ thống pháp luật về công khai, minh bạch chưa hoàn thiện và đồng bộ, còn nhiều “kẽ hở”, năng lực thực thi pháp luật yếu cũng sẽ tạo môi trường nảy sinh lợi ích nhóm, cán bộ, công chức “lách luật” trục lợi. Hiện nay, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung điều này đã cản trở việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách.

Hai, các rào cản từ đội ngũ cán bộ, công chức khi không muốn thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, vì ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Mặt khác, còn một số cán bộ, công chức (nhất là những người đứng đầu) có tư tưởng suy thoái, sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung của xã hội để trục lợi, làm giàu bất chính cá nhân.

Ba, trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật của người dân chưa cao, đã tạo điều kiện cho những người có chức quyền có thể nhũng nhiễu, hạch sách, bưng bít thông tin về chính sách. Thực tế ở các nước phát triển có trình độ dân trí cao thì tình trạng này ít xảy ra hơn ở những nước đang phát triển và kém phát triển. Sự thiếu hiểu biết của người dân, đặc biệt thiếu hiểu biết về chính trị là yếu tố quan trọng làm cản trở việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch.

Bốn, bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý đã cản trở việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch hoặc đã vô hiệu hóa cơ chế này. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do hệ thống hành chính chưa thật sự tinh gọn, hiệu quả; phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước còn lỏng lẻo; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hiệu quả chưa cao.

Năm, về cơ chế thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Đối với các hình thức tham gia trực tiếp, đến nay, việc trưng cầu ý dân vẫn chưa được thực hiện. Việc tham gia và quyết định các vấn đề chính sách ở địa phương như: quy hoạch sản xuất, về sử dụng đất đai,… vẫn đang có những hạn chế từ người dân và từ cán bộ, công chức. Về phía người dân, do trình độ còn hạn chế nên họ cũng ít bày tỏ chính kiến của mình, trừ khi các vấn đề đã trở nên quá bức xúc, đây là nhân tố cản trở việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách. Đối với các hình thức tham gia gián tiếp, hiện nay cơ chế tiếp xúc, chất vấn, giám sát của các cơ quan dân cử còn hạn chế, thậm chí mang tính hình thức nên hiệu quả còn thấp. Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội còn chưa thực sự là một chủ thể độc lập, đại diện cho Nhân dân để giám sát thực hiện cơ chế công khai, minh bạch đối với quá trình hoạch định chính sách.

Một số giải pháp tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách Việt Nam

Thứ nhất, quán triệt lấy người dân làm chủ thể trong tâm, vì Nhân dân phục vụ trong quá trình hoạch định chính sách. Xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ cần phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân trong hoạt động của Nhà nước là nguyên tắc đã được tiếp tục ghi nhận và khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thực hiện mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, có cơ chế khuyến khích, động viên Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong các hoạt động quản lý, phát triển xã hội của Nhà nước. Không ngừng nâng cao dân trí, giáo dục ý thức chính trị, trách nhiệm của người dân tham gia tích cực vào các hoạt động của Nhà nước, thực hiện tốt việc“công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28 Hiến pháp năm 2013).

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng phát huy các hình thức dân chủ; xây dựng cơ chế để Nhân dân tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề chính sách; bảo đảm Nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình chính sách, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội và trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãnh phí.

Thứ hai, xây dựng nền hành chính trong sạch, tinh gọn. Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Ngăn chặn và đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước, như quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm. Tiếp tục xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ 4.0, xu hướng dân chủ hóa và hội nhập.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có trách nhiệm trong thực thi công vụ. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay cần thực hiện nguyên tắc phục vụ và có trách nhiệm với lợi ích Nhân dân. Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để hình thành đội ngũ công chức chuyên nghiệp thông qua việc chuẩn hóa cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm. Giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức phải gần dân, lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng của Nhân dân, có trách nhiệm trong tiếp thu và phản hồi ý kiến của Nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế “khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ Nhân dân;… bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”2.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về công khai, minh bạch. Hệ thống pháp luật cần quy định rõ các hình thức để người dân tham gia tham gia vào quá trình chính sách một cách chủ động. Quy định rõ những nội dung bắt buộc phải lấy ý kiến của người dân khi hoạch định chính sách; trách nhiệm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận chính sách; trách của các cơ quan hoạch định trong việc tiếp thu hoặc giải trình ý kiến của người dân; quy định về những vấn đề cần xin ý kiến, nội dung xin ý kiến, cách thức xin ý kiến… Hoàn thiện và cụ thể hóa các quy định của Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tiếp công dân…; đồng thời, cần sớm thông qua Luật về Hội.

Chú thích:
1. Nửa nhiệm kỳ đấu tranh phòng, chống tham nhũng. https://vov.vn, ngày 03/7/2023.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 288.
Tài liệu tham khảo:
1. Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP). Kỷ yếu Hội thảo “Nghiên cứu so sánh pháp luật về bảo đảm liêm chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Hà Nội, 2023.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Hiến pháp năm 2013.
4. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
5. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
6. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
7. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
8. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).