Quản lý nhà nước về hoạt động thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ca-na-đa

ThS. Võ Hồng Anh
Bộ Công Thương
(Quanlynhanuoc.vn) – Ca-na-đa được xác định là đối tác tiềm năng của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các cơ hội xuất khẩu, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường. Bài viết phân tích thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ca-na-đa thời gian qua; đồng thời, đưa ra một số giải pháp đối với quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ca-na-đa.
Ảnh minh họa (internet).
Thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ca-na-đa giai đoạn 2018 – 2023

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định CPTPP, Ca-na-đa là một trong những thị trường thành viên tiềm năng nhất của Việt Nam trong Hiệp định này. Trong giai đoạn 2018 – 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa không ngừng tăng lên và đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần vào sự tăng trưởng ổn định trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ca-na-đa.

Bảng 1: Kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam Ca-na-đa giai đoạn 2018 – 2023
Năm Xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa Nhập khẩu của Việt Nam từ Ca-na-đa Xuất – nhập khẩu
Trị giá(tỷ USD) Tăng trưởng Trị giá(tỷ USD) Tăng trưởng Trị giá(tỷ USD) Tăng trưởng
2018 3,01 10,7% 0,86 11,7% 3,87 10,88%
20191 3,91 29,9% 0,86 0,0% 4,77 23,30%
20202 4,36 11,5% 0,726 -15,6% 5,08 6,62%
20213 5,27 20,8% 0,761 4,7% 6,03 18,5%
20224 6,31 19,8% 0,711 -6,5% 7,03 16,5%
6th 2023 2,73 -15,9% 0,311 -2,8% 3,04 -14,7%

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực năm 2019, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa đã tăng mạnh và đây là lần đầu tiên hai nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 28% so với 2018.

Giai đoạn 2020 – 2022, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại ở nhiều khu vực và làn sóng bảo hộ lên cao, xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa vẫn giữ được mức tăng trưởng 10 – 20%/năm.

Năm 2022, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Ca-na-đa đạt 6,31 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2021. Đáng chú ý, thặng dư thương mại của Việt Nam với Ca-na-đa năm 2022 đạt 5,6 tỷ USD, góp phần đáng kể cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, bước sang 6 tháng đầu năm 2023, do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến tiêu cực, xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa chỉ đạt 2,73 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ 2022.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ca-na-đa bao gồm: máy, thiết bị điện; dệt may; giày dép; máy móc thiết bị cơ khí; đồ gỗ nội thất; sắt thép; thủy sản,… Một số mặt hàng đã có chỗ đứng và thị phần ổn định tại thị trường Ca-na-đa, như: hàng điện tử, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… Hiện nay, Ca-na-đa là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam, tuy nhiên, quy mô xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam so với dung lượng nhập khẩu của Ca-na-đa còn rất nhỏ, chỉ chiếm 0,8%.

Một số hoạt động quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ca-na-đa

Chính phủ đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án về xuất khẩu và hướng tới các doanh nghiệp. Các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình Thương hiệu quốc gia, chương trình doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam… tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030 được phê duyệt và triển khai đã hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu vào thị trường trên thế giới, trong đó có Ca-na-đa.

Hiệp định CPTPP được ký kết và đi vào thực thi từ năm 2019 đã và đang tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Ca-na-đa.

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu tại khu vực châu Mỹ nói chung và Ca-na-đa nói riêng…, đặc biệt là tận dụng lợi thế của Hiệp định CPTPP… Triển khai các chương trình cung cấp thông tin thị trường tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, gia nhập các mạng lưới phân phối thông qua các website, fanpage, ấn phẩm…

Các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, chính sách tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của thị trường cũng từng bước được triển khai, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu sang thị trường Ca-na-đa nói riêng.

Mặc dù vậy, xuất khẩu sang thị trường Ca-na-đa vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, tỷ trọng xuất khẩu và thị phần còn nhỏ (0,8%)…Sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam sang Ca-na-đa vẫn còn thấp. Nhiều mặt hàng mà Ca-na-đa có nhu cầu lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết và mức độ xâm nhập chưa nhiều. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP đối với thị trường Ca-na-đa còn thấp, chỉ khoảng 10%. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại quốc tế, xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa những tháng đầu năm 2023 có xu hướng sụt giảm.

Hoạt động xuất khẩu sang thị trường Ca-na-đa gặp phải những thách thức, trở ngại nhất định.

Thứ nhất, khoảng cách địa lý xa xôi dẫn tới các doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin về thị trường, đối tác, hạn chế về khả năng kết nối doanh nghiệp, các hoạt động xúc tiến thương mại chưa thật sự được ưu tiên, giá cước phí vận tải cao, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm….

Thứ hai, các sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng… với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và các nước Mỹ Latinh.

Thứ ba, việc triển khai các chính sách thúc đẩy xuất khẩu vẫn còn nhiều bất cập, dàn trải. Chưa có những chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy xuất khẩu riêng sang thị trường Ca-na-đa trong giai đoạn tới, chủ yếu vẫn nằm trong các chính sách thúc đẩy xuất khẩu chung của cả nước.

Thứ tư, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu khắt khe của thị trường Ca-na-đa. Trong khi đó, Ca-na-đa ngày càng áp dụng nhiều hơn các rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại…

Thứ năm, việc tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu sang Ca-na-đa còn hạn chế do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ca-na-đa

Một, nâng cao hiệu quả của các khuôn khổ pháp lý và cơ chế hợp tác về kinh tế – thương mại sẵn có, đồng thời rà soát, đàm phán, ký mới và bổ sung các Hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương. Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh, bang của Ca-na-đa.

Hai, tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh phổ biến và tập huấn cho các doanh nghiệp tận dụng ưu đãi của Hiệp định CPTPP. Lựa chọn danh sách các mặt hàng có lợi thế từ CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu (thủy sản, rau củ quả tươi, dệt may, da giầy, đồ gỗ, cơ khí,nhựa và cao su…).

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cung cấp thông tin về thị trường. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường Ca-na-đa, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời, chú trọng đến thông tin về Việt Nam cho doanh nghiệp Ca-na-đa.

Bốn là, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp. Tổ chức Hội thảo kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Ca-na-đa, các đoàn xúc tiến thương mại đi Ca-na-đa dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành, khảo sát thị trường, tìm bạn hàng, đối tác và các hoạt động B2B trực tuyến.

Năm là, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực xuất khẩu. Cụ thể, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng, bảo hộ thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh và khuyến khích xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ca-na-đa thông qua các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, thủ tục…; ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của Ca-na-đa…

Sáu, nâng cao vai trò của Thương vụ trong hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh vai trò của cơ quan Thương vụ trong tham mưu, xử lý vụ việc tranh chấp thương mại và tổ chức hoạt động kết nối cộng đồng.

Kết luận

Việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ca-na-đa để từ đó phát triển quan hệ đối ngoại giữa hai nước cũng là góp phần thực hiện chủ trương và đường lối mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Trong số các quốc gia trên thế giới, Ca-na-đa là thị trường tiềm năng nhưng trên thực tế kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ca-na-đa vẫn còn rất khiêm tốn. Chính vì vậy, trong bối cảnh Hiệp định CPTPP đi vào thực thi, tận dụng cơ hội mà Hiệp định mang lại để phát triển xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung và đặc biệt sang thị Ca-na-đa nói riêng là mong muốn không chỉ của doanh nghiệp mà còn của các nhà quản lý, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển quan hệ Việt Nam – Ca-na-đa giai đoạn 2020 – 2025 và Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Chú thích:
1. Năm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương bắt đầu có hiệu lực.
2, 3, 4. Năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 và suy thoái kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương. Báo cáo xuất, nhập khẩu Việt Nam 2022. Hà Nội, 2023.
2. Bộ Công Thương. Báo cáo xúc tiến thương mại năm 2022. Hà Nội, 2023.
3. Bộ Công Thương. Đề án Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030. Hà Nội, 2022.
4. Bộ Công Thương. Chiến lược phát triển xuất – nhập khẩu giai đoạn đến năm 2030. Hà Nội, 2022.
5. Luật Đầu tư năm 2020.
6. Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.
7. Tổng cục Thống kê. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội giai đoạn 2018 – 2023. Hà Nội, 2023.
8. Tổng cục Hải quan. Nhập khẩu nước/vùng lãnh thổ – mặt hàng chủ yếu theo năm giai đoạn 2018 – 2022. Hà Nội, 2022.
9. Tổng cục Hải quan. Xuất khẩu nước/vùng lãnh thổ – mặt hàng chủ yếu theo năm giai đoạn 2018 – 2022. Hà Nội, 2022.
10. VCCI. Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam & Ca-na-đa. Hà Nội, 2021.
11. Thông tin tổng quan, các cam kết chính và văn kiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình. http://cptpp.moit.gov.vn