Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc – thực trạng và những vấn đề đặt ra

TS. Nguyễn Kim Tôn 
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Tây Bắc là khu vực miền núi rộng lớn, tuy có số lượng dân số không đông, mật độ dân cư vào loại thấp nhất của cả nước những lại là khu vực có sự đa dạng về thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn của các tỉnh khu vực Tây Bắc có trên 20 tộc người thiểu số cư trú và sinh sống lâu đời đã tạo dựng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của khu vực. Cùng với những di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc còn tạo ra hàng ngàn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể rất có giá trị trong đời sống cộng đồng.
Ảnh minh họa (baodantoc.vn)
Đặt vấn đề

Qua nhiều đợt rà soát, công nhận, khu vực Tây Bắc đã có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điển hình như tỉnh Lào Cai có 37 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại1. Tiêu biểu như sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của đồng bào dân tộc Mường, trường ca “Xống chụ xon xao” của đồng bào dân tộc Thái,  người Mông có nghệ thuật thổi sáo và những làn điệu dân ca đặc sắc, lễ hội Cầu Mường của đồng bào dân tộc Tày, những tri thức và kinh nghiệm dân gian trong chữa bệnh của đồng bào dân tộc Dao… Ngoài ra hàng trăm lễ hội truyền thống, các loại hình trang phục truyền thống, kiến trúc nhà cửa… đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong khu vực.

Sự đa dạng của các giá trị văn hóa của các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc vừa là tài sản tinh thần to lớn của mỗi tộc người nhưng cũng là những tài sản vô giá của cả đất nước. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa này là trách nhiệm to lớn của các thế hệ tiếp nối tiến trình phát triển của bản thân các tộc người cũng như là trách nhiệm chung của cả nước. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số”2. Để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội ở các tỉnh Tây Bắc đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Quá trình này đã thu được những kết quả tích cực những cũng có không ít những vấn đề đặt ra cần giải quyết.

Những vấn đề đặt ra trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, hệ thống chính trị của các địa phương khu vực Tây Bắc đã có rất nhiều các hoạt động đã được triển khai trong nhiều năm qua, trong đó có những nhiệm vụ chính sau:

Thứ nhất, thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học cho từng di sản văn hóa phi vật thể để có thể lưu trữ lâu dài dưới dạng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể. Việc này đòi hỏi phải thống kê, phân loại, mô tả kèm với các minh chứng về từng loại hình văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong khu vực. Đây là công việc cần thiết phải làm nhằm tạo dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc tạo dựng hồ sơ cho từng loại hình văn hóa để có thể bảo lưu và cất giữ dưới dạng những tư liệu. Hồ sơ phải có đầy đủ các thông tin về loại hình văn hóa đó, từ lịch sử hình thành, hình thức thể hiện, không gian, chủ thể thực hiện các giá trị văn hóa đó, kèm với những hình ảnh, thước phim, băng ghi âm, các vật phẩm, dụng cụ thể làm bằng chứng cho việc thể hiện các giá trị văn hóa đó. Việc tạo dựng hồ sơ này vừa góp phần lưu trữ lâu dài dưới dạng hồ sơ – tư liệu về các giá trị văn hóa, vừa ngăn ngừa sự thất lạc khi mà những giá trị văn hóa này không còn được các chủ thể sáng tạo ra chúng thể hiện trong cuộc sống.

Việc xây dựng hồ sơ – dữ liệu về các giá trị văn hóa này là việc làm đồ sộ, cần có sự tham gia của một lực lượng đông đảo và nguồn kinh phí lớn để triển khai. Quá trình này có thể diễn ra trong thời gian dài với những nhiệm vụ chủ yếu như điều tra, khảo sát, phỏng vấn, nghiên cứu, ghi chép, mô tả, sưu tầm, lưu trữ các giá trị văn hóa. Hệ thống các giá trị văn hóa càng nhiều thì nhiệm vụ này càng lớn. Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các địa phương của cả nước nói chung và của khu vực Tây Bắc nói riêng đã tích cực triển khai kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay chưa có địa phương nào ở khu vực Tây Bắc đã hoàn thành nhiệm vụ này, đa số các địa phương mới chỉ hoàn thành tạo dựng hồ sơ các giá trị văn hóa tiêu biểu, có ảnh hưởng lớn.

Điển hình như tại tỉnh Hòa Bình, theo thống kê, hiện có 786 di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm có tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian…  Đối với di sản văn hóa vật thể, tỉnh có gần 2 vạn hiện vật được lưu giữ trong bảo tàng, hơn 101 di tích được xếp hạng và hơn 100 di tích chưa xếp hạng. Tuy nhiên, việc kiểm kê khoa học, tạo dựng hồ sơ cho các di sản văn hóa phi vật thể còn rất chậm. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh mới có 5/786 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê khoa học3. Những di sản được kiểm kê khoa học này tập trung vào những di sản tiêu biểu của tỉnh, được tỉnh kiểm kê khoa học, làm hồ sơ để để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Số lượng di sản văn hóa phi vật thể chưa được kiểm kê khoa học, xây dựng hồ sơ lưu trữ là rất lớn. Đối với các di sản văn hóa vật thể, công tác quản lý còn đơn giản, chưa phát huy được giá trị của các di vật, cổ vật; các di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp nhưng không được trùng tu, tôn tạo kịp thời dẫn đến những hư hỏng, mất mát.

Thứ hai, duy trì sức sống cho các giá trị văn hóa. Các giá trị văn hóa dù có đặc sắc đến mấy nhưng nếu chỉ được lưu trữ dưới dạng hồ sơ, tư liệu thì giá trị của nó sẽ không thể phát huy được hết. Hiện nay, nhiều địa phương đã làm khá tốt công việc này, nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Nhiều địa phương đã thể hiện tính năng động, gắn việc duy trì các sinh hoạt văn hóa với hoạt động du lịch, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của địa phương. Điển hình như tại Sơn La, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trong đó thúc đẩy mạnh mẽ chương trình phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa và thu được nhiều kết quả tích cực, huyện Mộc Châu được coi là địa phương triển khai thành công nhất với những điểm du lịch cộng đồng tại các xã Mường Sang, Tân Lập và Chiềng Hắc.

Ở tỉnh Lào Cai cũng là địa phương sớm nhận ra tiềm năng và đặc biệt quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng. Sự thành công của mô hình du lịch cộng đồng ở Y Tý với không gian sống và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Hà Nhì đã cho thấy những cách làm đúng đắn của chính quyền tỉnh Lào Cai. Điều này vừa góp phần làm tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vừa góp phần tái hiện, duy trì sức sống và quảng bá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc.

Bên cạnh những thành công đó, việc duy trì sức sống cho các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Nhiều bạn trẻ do các điều kiện sinh hoạt và làm việc mà tiếp thu nhiều phương thức sinh hoạt và lối sống hiện đại, họ phải đi xa địa phương, thời gian duy trì các sinh hoạt mang tính truyền thống của dân tộc có chiều hướng giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các địa phương vùng Tây Bắc có tỷ lệ người xuất cư khá cao với số liệu tương ứng năm 2021 của Hòa Bình là 12,4%, Sơn La: 5,1%, Lai Châu: 3,9%, Điện Biên: 7,4%, Lào Cai: 6,7%. Cá biệt, vào năm 2015, tỷ lệ di cư của tỉnh Lai Châu lên tới 16,7%4. Với tỷ lệ di cư lớn mà đa phần là lực lượng lao động trẻ – lực lượng dễ tiếp thu những cái mới nhưng cũng dễ phai nhạt những giá trị truyền thống nếu như không có những giải pháp phù hợp. Hơn thế nữa, một bộ phận thanh niên trẻ mặc dù không tham gia vào dòng người xuất cư nhưng do bản tính đua đòi nên cũng dễ du nhập các giá trị văn hóa từ bên ngoài mà coi nhẹ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc tái hiện, duy trì sức sống cho các hoạt động văn hóa của các dân tộc thiểu số, nhất là đối với các dân tộc thiểu số có ít người. Nguy cơ mai một các giá trị văn hóa là rất lớn.

Trong quá trình tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, một số nơi vì chạy theo lợi nhuận kinh tế mà biến tấu, làm phai nhạt hoặc “tầm thường hóa” các giá trị văn hóa truyền thống.

Trước thực trạng trên, đối với văn hóa phi vật thể, các cơ quan chức năng cần có các chính sách để động viên, khuyến khích chủ thể của các giá trị văn hóa duy trì các sinh hoạt văn hóa theo đúng truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ. Tăng cường kết hợp việc duy trì các sinh hoạt văn hóa với hoạt động du lịch, xúc tiến thương mại… Do những yêu cầu của cuộc sống mới, nhiều cư dân các dân tộc thiểu số sẽ gặp khó khăn khi duy trì những hoạt động có tính truyền thống. Nếu duy trì được thì cũng không liên tục và không diễn ra trong mọi hoạt động. Họ chỉ có thể duy trì trong một số hoạt động ở một số thời điểm nhất định. Các cơ quan chức năng cũng cần phải nhận rõ thực trạng trên để có thể định hướng người dân duy trì những sinh hoạt văn hóa truyền thống trong những thời điểm thích hợp trong năm như ngày lễ, Tết, ma chay, cưới xin… Các sinh hoạt văn hóa này cần bảo đảm tối đa tính truyền thống, tránh bị lai tạp, biến dạng và mất đi tính đặc sắc của các giá trị văn hóa này.

Thứ ba, quảng bá, nhân rộng các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, biến nó thành những giá trị chung của đất nước và nhân loại.

Việc làm này đã được thực hiện thông qua các lễ hội văn hóa, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong cả nước cũng như thực hiện các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế. Việc làm hồ sơ để trình cơ quan chức năng công nhận là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia cũng như làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là cách làm cần thiết để vừa bảo tồn, vừa quảng bá và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, cần phát hiện, vinh danh các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người có công lớn trong việc sưu tầm, truyền bá và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống cũng là cách thức để nhân rộng và phổ biến các giá trị văn hóa đặc sắc này.

Cùng với đó, việc tăng cường tái hiện một cách sinh động và chân thực các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc trong các loại hình nghệ thuật hiện đại cũng là cách để nhân rộng và quảng bá các giá trị văn hóa đó. Việc xây dựng những phim như: Vợ chồng A Phủ, Chiếc vòng bạc, Đàn trời, Tình thắm Sa Pa, Mùa xuân ở lại… đã có nhiều cảnh phản ảnh đậm nét cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc. Điều này vừa góp phần giáo dục, vừa góp phần quảng bá nhân rộng các giá trị văn hóa cho đồng bào cả nước hiểu rõ hơn về dân tộc vùng Tây Bắc.

Việc sáng tác các ca khúc có âm hưởng dựa trên những làn điều dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số hoặc có lấy cảm hứng từ chính cuộc sống, sinh hoạt của các họ cũng là cách thức để làm sống lại và nhân rộng, quảng bá các giá trị văn hóa đó. Những bài hát tiêu biểu như: Chín bậc tình yêu, Em chọn lối này, Thơ tình của núi của nhạc sỹ An Thuyên, Xuống Chợ Mùa Yêu của nhạc sỹ Quỳnh Hợp, Chiếc khăn Piêu của nhạc sỹ Doãn Nho, Gặp Nhau Trong Rừng Mơ của nhạc sỹ Bảo Chung, Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh, Trước ngày hội bắn của nhạc sỹ Trịnh Quý… là những ca khúc tiêu biểu góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc đó.

Việc nhân rộng những đặc sản ẩm thực, những bài thuốc, bí kíp chữa bệnh của một số dân tộc thiểu số cũng là cách thức quảng bá. Bài thuốc tắm lá của người Dao…, ẩm thực có “món mèn mèn: của người H’Mông, “Thắng cố” của người Tày, thịt gác bếp, Táo mèo ngâm rượu…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được đó, nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết trong việc quảng bá, nhân rộng các giá trị văn hóa đặc sắc này như số lượng các biểu tượng chứa giá trị văn hóa được quảng bá, nhân rộng còn ít. Chưa có nhiều hoạt động hay tác phẩm nghệ thuật có tầm ảnh hưởng quốc tế. Điều này yêu cầu các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm hơn nữa để thu hút các nhà văn hóa, các nhà tổ chức tuyền truyền, nhân rộng các giá trị văn hóa của khu vực thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức các hội thi trang phục của người dân tộc thiểu số, thi sáng tác những ca khúc, các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật có chủ đề phản ánh cuộc sống và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Chú thích:
1. Lào Cai bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO. https://www.laocai.gov.vn, ngày 23/12/2021.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 145.
3. Hòa Bình: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. https://bvhttdl.gov.vn, ngày 15/11/2021.
4. Niên Giám Thống kê năm 2021. H. NXB Thống kê, tr. 125.