Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua trong giai đoạn hiện nay

ThS. Nguyễn Công Hoan
Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương
(Quanlynhanuoc.vn) – Việc tổ chức thi đua theo cụm, khối thi đua đã tạo nên phương thức thi đua đa dạng, phong phú và là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình triển khai tổ chức phong trào thi đua yêu nước từ trung ương đến địa phương. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua hiện nay.
Ảnh minh hoạ: http://banthiduakhenthuongtw.gov.vn.
Thực trạng tổ chức thi đua theo cụm, khối thi đua thời gian qua

Các cụm, khối thi đua đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên, là cầu nối để các đơn vị trao đổi ý kiến chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác trong thực hiện nhiệm vụ được giao như: tổ chức hội thảo, tọa đàm để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng (khối thi đua các cơ quan của Đảng; khối thi đua Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng, khối các bộ ngành kinh tế, cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương, cụm thi đua các tỉnh miền núi phía Bắc…); tổ chức tham quan, khảo sát thực tế để học tập các mô hình, điển hình tiên tiến (khối các bộ, ngành tổng hợp, khối các bộ, ngành khoa học – văn hóa – xã hội, cụm thi đua các tỉnh đồng bằng sông Hồng…); tổ chức lồng nghép việc sơ, tổng kết với giới thiệu, tôn vinh các điển hình tiên tiến, mô hình mới (khối thi đua các tổ chức chính trị – xã hội, khối thi đua các ngành văn hóa, xã hội, cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ, cụm thi đua các tỉnh Đông Nam Bộ, cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên, cụm thi đua các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, cụm thi đua các tỉnh biên giới phía Bắc…); tổ chức tập huấn nghiệp vụ, giao lưu văn nghệ, thể thao, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa các đơn vị (khối thi đua các tổng công ty, khối thi đua các ban Đảng…); một số khối đã phối hợp có hiệu quả trong thi đua thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng các công trình trọng điểm (khối thi đua các tổ chức chính trị – xã hội, khối thi đua các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…).

Thông qua hoạt động của các cụm, khối, các đơn vị thành viên đã có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng tiêu chí và nội dung thi đua phù hợp thiết thực. Lãnh đạo các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trung ương và các địa phương đã nêu cao trách nhiệm và trực tiếp tham dự hoạt động của các cụm, khối thi đua. Việc đánh giá, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng, bình xét, suy tôn đề nghị khen thưởng hằng năm bảo đảm công khai, dân chủ, đúng thành tích, quy trình, thủ tục. Thông qua hoạt động cụm, khối thi đua là cơ sở quan trọng giúp Hội đồng thi đua – khen thưởng các cấp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị được chính xác, là cơ sở để tặng thưởng các danh hiệu thi đua theo đúng tiêu chuẩn quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình tổ hoạt động cụm, khối thi đua còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm. Hoạt động của ở một số cụm, khối thi đua còn có những bất cập, hạn chế, như: việc tổ chức cụm, khối thi đua chưa được triển khai đồng bộ, thống nhất; chất lượng hoạt động của cụm, khối thi đua có thời điểm còn biểu hiện hình thức, chưa đi vào chiều sâu; việc xây dựng nội dung tiêu chí thi đua, bình xét, chấm điểm trong cụm, khối chưa thống nhất, một số nội dung, tiêu chí thi đua và cơ cấu điểm có nội dung tiêu chí chưa phù hợp; công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động ở một số cụm, khối thi đua chưa thường xuyên; việc kiểm tra chéo, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong cụm, khối chưa được tiến hành thường xuyên; một số cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các cụm khối thi đua. Hoạt động của một số cụm, khối thi đua đã có sự đổi mới, tuy nhiên vẫn còn mang tính hình thức, chưa có nhiều hoạt động thực chất, tính kết nối giữa các tỉnh, thành viên chưa sâu rộng, đặc biệt là sự kết nối về kinh tế – xã hội chưa rõ, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh hoạt động của cụm thi đua các tỉnh, thành phố vẫn tồn tại các cụm thi đua do các bộ, ngành tổ chức đối với các sở, ngành của các tỉnh, thành phố, việc này thực hiện chưa có sự thông nhất và có sự trùng chéo.

Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm trên là do: (1) Cấp ủy, chính quyền một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tác dụng của các phong trào thi đua trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị địa phương; (2) Năng lực, tinh thần trách nhiệm của một số công chức tham mưu thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa tham mưu kịp thời, có hiệu quả cho lãnh đạo đơn vị trong việc tổ chức các hoạt động khối thi đua; (3) Một số cụm, khối thi đua còn cảm tính, nể nang trong việc chấm điểm, bình xét, suy tôn đề nghị tặng Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh theo hướng luân phiên, ưu tiên cho trưởng khối; (4) Công tác phối hợp của một số cơ quan, đơn vị trong việc theo dõi, đánh giá và chấm điểm một số tiêu chí thi đua đôi khi chưa chính xác, chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác tổng hợp, thẩm định và tham mưu đề nghị khen thưởng.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua trong thời gian tới

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực, biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của các thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các bộ, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hoạt động cụm, khối thi đua. Cơ quan nhà nước phải lấy công tác thi đua làm đòn bẩy để thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ, chương trình thi đua phải trở thành chương trình phát triển kinh tế – xã hội; thi đua là công cụ của người quản lý và người quản lý giỏi là người phải biết sử dụng hiệu quả công cụ này như là một biện pháp khoa học trong quản lý nhà nước. Thường xuyên hướng dẫn thực hiện tốt công tác thi đua và bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng; xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, mô hình mới cho các địa phương, đơn vị khác học tập.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao vai trò của thành viên Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp trong việc chỉ đạo hoạt động cụm, khối thi đua được phân công phụ trách và phát huy vai trò trách nhiệm, năng lực tham mưu của công chức làm công tác thi đua, khen thưởng và thành viên Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát và phân công thành viên Hội đồng thi đua, khen thưởng thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các cụm thi đua nhất là trong xây dựng tiêu chí thi đua, tổ chức đánh giá, chấm điểm và bình xét, suy tôn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng hằng năm. Thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra để hướng dẫn, rút kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay để các cụm thi đua học tập và áp dụng, đồng thời nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến được phát hiện từ thực tiễn phong trào thi đua của các đơn vị, làm cho các phong trào thi yêu nước ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả thiết thực

Ba là, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động khối thi đua đối với những đơn vị trong tỉnh, bộ, ngành, đoàn thể trung ương để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hiện nay. Trong đó quy định rõ về phân chia các khối thi đua thuộc tỉnh; cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nội dung hoạt động, chế độ làm việc của khối thi đua; trách nhiệm, nhiệm vụ của trưởng khối, phó trưởng khối và các đơn vị thành viên trong khối; quy định về bình xét, suy tôn đề nghị khen thưởng.

Các cụm, khối thi đua cụ thể hóa và xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị thành viên để xây dựng chủ đề thi đua và phát động các phong trào thi đua từng năm, từng giai đoạn gắn với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của các khối tập trung vào các nội dung như trao đổi, giao lưu học tập kinh nghiệm về công tác thi đua, khen thưởng, các mô hình, điển hình tiên tiến… để phổ biến, học tập, rút ra những kinh nghiệm hay, những cách làm mới của mỗi đơn vị để nhân rộng. Vì vậy, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện bảo đảm cho việc thực hiện của các đơn vị được thống nhất, đúng quy định pháp luật. Cần tập trung nghiên cứu để phân lại cơ cấu các cụm, khối thi đua cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, tính chất nhiệm vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạt động và nâng cao chất lượng công tác thi đua,

Bốn là, cụm, khối thi đua cần cụ thể hóa và xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện, xác định nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị thành viên để xây dựng chủ đề thi đua và phát động các phong trào thi đua từng năm, từng giai đoạn gắn với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của các khối tập trung vào các nội dung như trao đổi, giao lưu học tập kinh nghiệm về công tác thi đua, khen thưởng, các mô hình, điển hình tiên tiến… để phổ biến, học tập, rút ra những kinh nghiệm hay, những cách làm mới của mỗi đơn vị để nhân rộng.

Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp phải có kế hoạch và thường xuyên giúp cấp ủy đảng và chính quyền, hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua ở cơ sở. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc phong trào, hướng dẫn sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, qua đó đề xuất khen thưởng kịp thời thành tích đột xuất, gương người tốt, việc tốt và phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ, cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến. Nghiên cứu kỹ đặc điểm từng bộ, ngành, mặt trận, đoàn thể trung ương, địa phương đơn vị để tổ chức, phân chia cụm, khối thi đua cho phù hợp, ký kết giao ước thi đua và thuận lợi trong bình xét khen thưởng. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng theo hướng cụ thể hóa bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt, nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết hoạt động cụm, khối thi đua, bảo đảm đúng nội dung, thời gian, thành phần; làm tốt công tác thẩm định, suy tôn đúng đối tượng, đúng thành tích, công bằng, chính xác, tránh nể nang, hình thức. Công tác tuyên truyền phong trào thi đua và công tác khen thưởng thường xuyên được đổi mới bằng nhiều hình thức, như: báo viết, báo nói, báo hình, tuyên truyền trực quan hoặc thông qua các chuyên mục truyền hình, các chương trình biễu diễn nghệ thuật. Ngoài việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng các đơn vị, địa phương cần tìm tòi, đề xuất các giải pháp để tổ chức các hình thức tuyên truyền, giới thiệu nhân tố mới, tổng kết điển hình và nhân rộng điển hình.

Sáu là, nâng cao vai trò của bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng trong việc tổ chức và hoạt động thi đua theo cụm, khối thi đua. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng và không ngừng đổi mới hoạt động của cơ quan chuyên trách thi đua, khen thưởng để đủ sức tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo về công tác thi đua, khen thưởng nói chung và thi đua, khen thưởng theo cụm, khối nói riêng. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, sắp xếp các đơn vị tham gia khối phải bảo đảm tính tương đối về đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của từng vùng, địa phương, ngành để khi tổ chức thi đua giữa các đơn vị có điều kiện để học tập trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Việc chia khối thi đua phải bám sát các văn bản quy định của trung ương về việc chia khối thi đua, về phương pháp chấm điểm thi đua. Xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể, các đơn vị tự xây dựng, thống nhất của cụm, khối và Hội đồng thi đua, khen thưởng. Chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến để các điển hình tiên tiến thực sự có tác dụng nêu gương và mang tính lan tỏa cao trong toàn xã hội, làm nòng cốt cho phong trào thi đua, đồng thời là tấm gương để các địa phương, đơn vị trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai phong trào thi đua. Hàng năm, các cụm, khối thi đua tiến hành tổng kết đánh giá xếp loại trên cơ sở tiêu chí đã xây dựng để chấm điểm, bình xét, suy tôn và đề nghị khen thưởng. Việc tổ chức thi đua theo cụm, khối đã thực sự phát huy hiệu quả các phong trào thi đua. Mục đích chia thành các khu vực thi đua là để tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi đua cũng như cách thức tổ chức phong trào thi đua của các đơn vị, địa phương; đồng thời là cơ sở quan trọng để các khu vực thi đua cọ sát, lựa chọn, bình bầu và xếp hạng từng cơ quan góp phần đưa công tác thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất hơn.

Ngoài ra, tổ chức thi đua theo cụm, khối thì các đơn vị trong cụm, khối thi đua tự theo dõi, giám sát và suy tôn tập thể và cá nhân đạt thành tích, đề nghị tặng cờ và bằng khen một cách khách quan và công bằng hơn. Việc đánh giá kết quả phong trào thi đua hằng năm sẽ khách quan, sát thực, giảm bớt những ý kiến khác nhau trong việc tổng hợp, đánh giá, nhận xét, chấm điểm. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia thi đua học hỏi, rút kinh nghiệm từ cách làm của các đơn vị trong cụm, khối để áp dụng vào đơn vị mình.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Thi đua khen thưởng năm 2013.
2. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua khen thưởng năm 2022.
3. Báo cáo Tổng kết công tác thi đua theo cụm, khối thi đua năm 2022.