Phê phán sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng của trí thức Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Sỹ Trung
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Đội ngũ trí thức Việt Nam có vai trò quan trọng trong tư vấn, phản biện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh những quan điểm đồng tình, ủng hộ, cũng có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng coi nhẹ, thành kiến, thậm chí quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng của trí thức. Bài viết tập trung phê phán những quan điểm thiếu khách quan và chỉ ra những biện pháp khắc phục.
Ảnh minh họa (tapchicongsan.org.vn).
Vai trò tư vấn, phản biện xã hội của đội ngũ trí thức Việt Nam

Theo các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học “Phân công lao động chỉ trở thành sự phân công lao động thực sự từ khi xuất hiện sự phân chia thành lao động vật chất và lao động tinh thần”1, nghĩa là tầng lớp trí thức ra đời là sản phẩm của quá trình phân công lao động xã hội. Trí thức là một tầng lớp xã hội đặc biệt chuyên nghiệp lao động trí óc, có trình độ học vấn, chuyên môn sâu, đại diện cho trí tuệ đương thời. Họ là những người sáng tạo, phổ biến và vận dụng tri thức vào đời sống xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển văn hóa và tiến bộ xã hội. Từ khi xuất hiện đến nay, đội ngũ trí thức luôn gắn bó và phục vụ giai cấp cầm quyền trong xã hội.

Bàn về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức với sự phát triển của xã hội mới, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin cho rằng: “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm, thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được”2. Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của các nhà kinh điển Mác – Lênin về vai trò quan trọng của trí thức trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Trí thức Việt Nam là “một bộ phận trong lực lượng cách mạng”3 và “là vốn liếng quý báu của dân tộc”4. Tầng lớp trí thức với phương thức “lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội”5.

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức và dành sự quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng, phát triển của đội ngũ này. Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) nêu rõ: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”6.

Hiện nay, trước yêu cầu to lớn của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, với mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa7, Đảng ta tiếp tục xác định, đội ngũ trí thức là một chủ thể của cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, trí thức Việt Nam có vai trò chủ chốt trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ và góp phần quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với chuyên môn sâu về văn hóa – nghệ thuật, giáo dục – đào tạo,… đội ngũ trí thức là lực lượng trực tiếp quan trọng trong xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ và “phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khơi dậy khát vọng vươn lên”8. Đồng thời, tham gia cùng các nhà khoa học trên thế giới giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách của thời đại ngày nay.

Song nói đến trí thức Việt Nam thì nhất định không thể không kể đến vai trò, thế mạnh trong công tác tư vấn, phản biện, giám sát xã hội về mặt khoa học đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, công trình, dự án,… Điều này đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”9. Đảng và Nhà nước luôn lắng nghe, trân trọng các ý kiến tư vấn, phản biện từ các nhà khoa học, giới trí thức trên tinh thần dân chủ, khách quan, khoa học. Việc trí thức tham gia phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở để Đảng, Nhà nước đưa ra những quyết sách khoa học và đúng đắn, đạt được sự đồng thuận, ủng hộ của đại đa số các tầng lớp nhân dân lao động, mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn triển khai.

Đội ngũ trí thức Việt Nam là những người có trình độ lý luận cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, luôn quan tâm, trăn trở đến nội dung cũng như tác động của những chủ trương, chính sách khi được ban hành. Họ tham gia phản biện do xuất phát từ ý thức về trách nhiệm cũng như mong muốn đóng góp vào quá trình hoạch định chủ trương, chính sách nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội. Đội ngũ trí thức với những đặc điểm riêng của mình luôn có tiếng nói độc lập, khách quan trong quan hệ với chủ thể chịu sự phản biện (các cơ quan ban hành chủ trương, chính sách), nhờ vậy mà việc tư vấn phản biện, không rơi vào trạng thái “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành đã đề xuất, ban hành nhiều chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, an ninh, quốc phòng… nhằm mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Với vai trò và trách nhiệm của mình, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có những tư vấn, phản biện rất khách quan, khoa học, mang tính xây dựng cao, đã nhận diện, tìm ra điểm đúng, sai, điểm bất hợp lý của chủ trương, chính sách được đưa ra để giải quyết vấn đề phát sinh, từ đó có thể kiến nghị điều chỉnh hay thậm chí là hủy bỏ chính sách đó, đề xuất chính sách mới, phù hợp hơn để giải quyết vấn đề. Trong số đó phải kể đến những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước thời gian gần đây như; Hiến pháp (2013), Luật An ninh mạng (2018), Bộ luật Lao động (2019), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (2022), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021); Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XIII) (2022) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự án Sân bay Long Thành, dự án đường cao tốc Bắc – Nam, dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh;…

Công tác phản biện, tư vấn của đội ngũ trí thức được thực hiện đối với nhiều chủ trương, chính sách ngay từ trước khi được ban hành (cụ thể ở đây là các dự án, dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, đề án…); đồng thời, thực hiện đối với cả những chính sách đã được thông qua và đang tổ chức thực hiện. Ở khâu hoạch định chủ trương, chính sách, đội ngũ trí thức tham gia phản biện với cả hình thức lẫn nội dung, trong đó trọng tâm là nội dung của chính sách nhằm nâng cao chất lượng của chủ trương, chính sách khi nó được ban hành. Còn đối với quá trình tổ chức thực thi chủ trương, chính sách, thì phản biện của trí thức chủ yếu là phát hiện độ “vênh”, “khoảng trống” của chính sách khi tác động vào thực tế mà ở khâu hoạch định chưa dự liệu được. Từ đó, đội ngũ trí thức có thể phân tích, đánh giá, đưa ra những lập luận, kiến nghị để các cơ quan của Đảng, Nhà nước kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế bằng chính sách mới phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có giải pháp để tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức có được những đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn. Với chức năng của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và và các tổ chức chính trị – xã hội khác cần có cơ chế phù hợp hơn, một mặt nhằm tôn vinh nhân tài, đội ngũ trí thức, tôn vinh những sáng tạo khoa học, mặt khác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát và phản biện của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, đặc biệt là giám sát và phản biện chuyên sâu. Trên cơ sở đó, kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách cũng như thực hiện các chức năng tư vấn, phản biện khoa học và giám sát xã hội.

Phê phán những quan điểm thiếu khách quan đối với ý kiến phản biện mang tính xây dựng của đội ngũ trí thức

Với vai trò, trọng trách của mình, đội ngũ trí thức đã đóng góp nhiều ý kiến phản biện có giá trịmang tính xây dựng nhằm tìm ra điểm đúng, sai, điểm bất hợp lý của chủ trương, chính sách, từ đó kiến nghị Đảng, Nhà nước điều chỉnh, ban hành chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn đất nước. Nhìn chung, những ý kiến phản biện của đội ngũ trí thức nước ta được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe, trân trọng, xem xét kịp thời, tham khảo, vận dụng trong xây dựng và ban hành chủ trương, chính sách. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp ý kiến phản biện mang tính xây dựng của đội ngũ trí thức bị coi nhẹ, thành kiến, thậm chí quy chụp, nên đã làm giảm đi sự nhiệt tình của trí thức, cản trở quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Thực tế cho thấy, đa số nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý các cấp thường có thói quen chỉ thích nghe các ý kiến thuận chiều, không muốn nghe các ý kiến phản biện của trí thức, cho dù những ý kiến đó là mang tính xây dựng với mục đích làm cho chính sách tốt hơn, khả thi hơn. Họ không quan tâm nhiều đến ý kiến phản biện của trí thức, coi thường ý kiến của đội ngũ trí thức, cho rằng đó là những ý kiến chung chung, vô bổ, vô thưởng vô phạt, trong nhiều cuộc hội thảo thì cũng chỉ có các nhà khoa học mà thiếu những nhà quản lý và hoạch định chính sách, những trí thức có ý kiến phản biện bị thành kiến là những người hay “châm chọc”, quy cho họ thành những người “soi mói”, hay “chống đối”… Điều này đã được Đảng ta chỉ rõ:Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ chú trọng đến vốn tiền, vật chất mà chưa coi trọng nguồn nhân lực có trình độ cao. Vẫn còn hiện tượng ngại tiếp xúc, đối thoại, không thực sự lắng nghe, thậm chí quy chụp, nhất là khi trí thức phản biện những chủ trương, chính sách, những đề án, dự án do các cơ quan lãnh đạo và quản lý đưa ra”10.

Trong tình hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước chưa có tiền lệ trong lịch sử, nên khó tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm trong việc xây dựng, ban hành những chủ trương, chính sách. Không phải mọi chủ trương, chính sách khi đi vào thực tiễn đã hoàn hảo, đã đúng đắn tuyệt đối. Do đó, khi có những ý kiến tư vấn, phản biện của trí thức đôi khi là trái chiều thì cần phải nghiêm túc lắng nghe, xem xét thấu đáo, tiếp thu ý kiến đúng đắn, có cơ sở khoa học, không thể vội vã “vơ đũa cả nắm”, coi nhẹ, thành kiến, hay quy chụp đối với ý kiến phản biện của trí thức. Đối với những chủ trương quyết sách lớn, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia, Đảng và Nhà nước luôn xem xét một cách thận trọng trước khi đưa ra quyết định, các nhà khoa học lớn, có uy tín được mời thẩm định, đánh giá toàn diện để tránh những hậu quả cho xã hội.

Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, không đi ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước là một sự đổi mới sâu sắc trong thực hành dân chủ ở nước ta. Đối với những ý kiến phản biện của đội ngũ trí thức có khi trái chiều, thì cần được tôn trọng và tiếp thu, nghiên cứu một cách nghiêm túc, đầy đủ. Mọi ý kiến đều là những sự đóng góp đáng trân trọng, nhất là những ý kiến khác với ý kiến có sẵn trong phương án của cơ quan lãnh đạo, quản lý. Thái độ trân trọng những ý kiến khác nhau, nhất là những ý kiến khác với phương án có sẵn, là thước đo trình độ, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm chính trị trước Nhân dân của cơ quan lãnh đạo, quản lý, thể hiện mối quan hệ gắn bó với Nhân dân, đạo đức tôn trọng Nhân dân, ý thức công bộc và sự ứng xử có văn hóa của những người được nhân dân ủy quyền. Hơn nữa, do tính xã hội rộng rãi, nội dung phản biện rộng lớn, chủ thể các phương án xã hội đông đảo, đa dạng, vừa độc lập lại vừa liên quan đến nhau, thực tiễn xã hội lại đang không ngừng biến đổi, do đó có rất nhiều ý kiến khác nhau trong phản biện xã hội.

Muốn xóa bỏ sự coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với ý kiến phản biện xã hội của đội ngũ trí thức thì trước hết phải bắt đầu từ những người lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước: “Những người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp có trách nhiệm định kỳ tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng”11. Những người trực tiếp xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách cần phải biết lắng nghe ý kiến phản biện của trí thức, biết tập hợp và sử dụng nhân tài, phải biết xử lý các ý kiến trái chiều để xây dựng và đưa ra các quyết định đúng đắn hơn. Cần phải dựa vào trí thức để tư vấn, phản biện cho các chính sách và áp dụng chính sách cho phù hợp với thực tế. Cần phải tập hợp trí tuệ khoa học từ các chuyên gia đầu ngành, những người hoạt động thực tiễn, khuyến khích họ đưa ra những luận chứng khoa học, kinh tế, kỹ thuật một cách xác đáng có sức thuyết phục cho những chủ trương, chính sách.

Cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội, trong đó Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị – xã hội của đội ngũ trí thức được giao trọng trách là đầu mối tổ chức, triển khai, thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám sát xã hội. Việc phát huy vai trò của các tổ chức này trong các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên tinh thần khách quan, thẳng thắn, kịp thời đối với nhiều vấn đề quan trọng đã góp phần củng cố các luận cứ khoa học đối với những chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án lớn. Đây là những ý kiến khách quan, khoa học giúp Đảng và Nhà nước nghiên cứu, xem xét trước khi quyết định những vấn đề quan trọng về đường lối, chính sách và các dự án phát triển. Nếu phát huy đầy đủ, tích cực vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội này sẽ góp phần bảo vệ những trí thức có tâm, có tài dám nói, dám đưa ra những ý kiến phản biện đúng đắn, khoa học, xác đáng, đồng thời còn đấu tranh, phê phán với những quan điểm coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với ý kiến phản biện xã hội của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Cùng với đó, bản thân đội ngũ trí thức cũng cần mạnh mẽ có dũng khí, có bản lĩnh trong phản biện, không nên im lặng, không sợ thành kiến, quy chụp, không ngại va chạm, sợ liên lụy, ảnh hưởng, không nên có tư tưởng an phận thủ thường “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “im lặng là vàng”, không vì tự ái cá nhân mà cho rằng đó là việc của Nhà nước để Nhà nước lo,… Thực tế đã có rất nhiều chính sách của trung ương và địa phương nhờ sự phản biện của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn xác đáng giúp cấp có thẩm quyền xem xét, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những sai sót trước khi quyết định ban hành. Cụ thể là, trước các ý kiến phản biện có trách nhiệm của đội ngũ trí thức, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 ngày 22/10/2018 đã quyết định lùi thời gian thông qua “Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” (Luật Đặc khu), lùi thời gian xem xét Luật Biểu tình và Luật Đất đai….

Cuộc sống đã khẳng định, phản biện xã hội là nhân tố quan trọng của sự phát triển. Trong tình hình hiện nay, phản biện xã hội phải được coi là văn hóa, là nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Phản biện như một hành vi có chất lượng khoa học của phê phán, nếu tổ chức phản biện tốt sẽ góp phần tạo ra sự đồng thuận cho phát triển. Vì vậy phản biện xã hội rất cần một đội ngũ trí thức có đủ bản lĩnh, đủ dũng khí làm vai trò tổng hợp, phân tích, chọn lọc các ý kiến truyền tải một cách đầy đủ nhất, trung thực nhất đến cấp có thẩm quyền giải quyết. Hoạt động tư vấn, phản biện, giám sát xã hội của trí thức là hoạt động minh bạch, dân chủ, công khai, không có thỏa hiệp, cho nên, đòi hỏi đầu tiên của hoạt động tư vấn, phản biện là độc lập, khách quan, khoa học, trung thực. Với dũng khí và bản lĩnh, bằng những lập luật khoa học sắc bén, thực tiễn, độc lập, khách quan, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám sát xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước thì chắc chắn rằng tình trạng coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với ý kiến phản biện xã hội của đội ngũ trí thức sẽ dần được khắc phục và xóa bỏ.

Kết luận

Trong suốt tiến trình gần 40 năm đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong phản biện và giám sát xã hội, là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tiếp nhận, truyền tải, lan tỏa, sáng tạo văn hóa, tri thức, dẫn dắt sự phát triển xã hội. Để ngang tầm nhiệm vụ trong bối cảnh mới hiện nay, cần phải tiếp tục đấu tranh phê phán mạnh mẽ những quan điểm coi nhẹ, thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Chú thích:
1. C. Mác – Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 3. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 1995, tr. 45.
2. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 36. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2005, tr. 217.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 378.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB. Chính trị quốc gia- Sự thật, 2011, tr. 184.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB. Chính trị quốc gia- Sự thật, 2011, tr. 72.
6, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2008, tr. 81 – 82, 81 – 82.
7, 8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 112, 262, 167.
11. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh cộng nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.