Yêu cầu của chính phủ số đối với công tác bồi dưỡng công chức hành chính

PGS.TS. Hoàng Mai
TS. 
Đoàn Văn Dũng
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Chính phủ số là Chính phủ có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra các quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn,… Bài viết nêu những yêu cầu đối với công tác bồi dưỡng công chức hành chính, như: năng lực cần có của đội ngũ công chức, thể chế chính sách trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng như yêu cầu về năng lực tổ chức bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ công chức hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển chính phủ số hiện nay.
Ảnh minh hoạ: baochinhphu.vn.
Yêu cầu mới đối với đội ngũ công chức hành chính trong chính phủ số

Chính phủ số đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ công chức hành chính, những chủ thể chính trong hoạt động công vụ. Trong đó, công chức cần phải có kiến thức và kỹ năng sử dụng các công cụ và ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ hành chính và quản lý thông tin. Công chức cần phải thích nghi nhanh chóng với những thay đổi này, sẵn sàng học hỏi và áp dụng công nghệ mới.

Bên cạnh yêu cầu cần phải có kỹ năng tương tác trực tuyến hiệu quả, bao gồm việc gửi email, sử dụng các ứng dụng tin nhắn và tham gia vào các nền tảng truyền thông xã hội, công chức cũng phải hiểu rõ các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin và quản lý dữ liệu. Việc bảo đảm rằng dữ liệu cá nhân và thông tin nhạy cảm được bảo vệ đúng cách là rất quan trọng.

Chính phủ điện tử giúp tối ưu hóa các quy trình và cho phép công dân và doanh nghiệp thực hiện nhiều thủ tục trực tuyến. Do đó, công chức cần có khả năng làm việc độc lập và giải quyết các vấn đề một cách chủ động; phải có khả năng tìm kiếm, tổ chức và tích hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ việc đưa ra quyết định thông minh.

Mặc dù công nghệ đóng một vai trò quan trọng nhưng khả năng giao tiếp và tương tác với cộng đồng vẫn rất cần thiết. Công chức cần phải biết cách truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và hiệu quả; có khả năng tư duy sáng tạo để đưa ra các giải pháp mới cho các vấn đề phức tạp trong môi trường chính phủ điện tử; đặc biệt cần phải làm việc cùng nhau trong môi trường điện tử để thực hiện các dự án, chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau.

Những yêu cầu trên phản ánh sự thay đổi môi trường làm việc của công chức trong một chính phủ điện tử và tạo ra nhu cầu về việc học tập liên tục và phát triển kỹ năng mới để bảo đảm sự hiệu quả và thành công trong vai trò của họ.

Để xây dựng đội ngũ công chức hành chính đáp ứng yêu cầu chính phủ số phải có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để khắc phục những khoảng trống về năng lực trong hiện tại thì vấn đề bồi dưỡng công chức hành chính cần được đặc biệt chú ý. Bản thân chính phủ số cũng đặt ra những yêu cầu đổi mới trong chính hoạt động bồi dưỡng công chức hành chính.

Yêu cầu đối với thể chế bồi dưỡng công chức hành chính

Yêu cầu của chính phủ số đối với thể chế bồi dưỡng công chức hành chính được thể hiện trên các phương diện:

Thứ nhất, cần xác lập các triết lý bồi dưỡng công chức theo yêu cầu của chính phủ số gắn với năng lực số, năng lực thực thi công vụ gắn với quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số.

Vì vậy, các quy định của pháp luật cần phải thể chế hóa khung năng lực số đối với công chức hành chính làm cơ sở cho quá trình bồi dưỡng. Các quy định về khung năng lực số cũng cần có cách tiếp cận đầy đủ và toàn diện. Không nên quan niệm khung năng lực số đơn thuần liên quan đến công nghệ thông tin truyền thông mà cần gắn với năng lực để làm việc và làm việc hiệu quả trên môi trường số. Đó là năng lực tư duy, năng lực tạo lập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ quá trình quản lý, quá trình ra quyết định, quá trình tham mưu.

Nói cách khác, khung năng lực số cần được tiếp cận để công chức hành chính thích ứng được với quá trình chuyển đổi số, có khả năng nhận diện và tham mưu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Thứ hai, thể chế hóa các quy định về phương thức bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu của chính phủ số.

Các quy định của pháp luật cần phải cụ thể hóa các điều kiện, tiêu chuẩn để tổ chức bồi dưỡng công chức hành chính trên môi trường mạng internet, bồi dưỡng trực tuyến, bồi dưỡng từ xa để xây dựng chuẩn chất lượng và bảo đảm không có hoặc có rất ít sự khác biệt giữa bồi dưỡng trực tuyến, bồi dưỡng từ xa và bồi dưỡng trực tiếp. Điều này đòi hỏi cần phải chuẩn chất lượng bồi dưỡng trực tuyến, bồi dưỡng từ xa thay vì đơn thuần là sự thay đổi về phương thức bồi dưỡng.

Thứ ba, định hướng các nội dung bồi dưỡng công chức gắn liền với sự thay đổi về phương thức vận hành của các cơ quan hành chính nhà nước trong điều kiện xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số.

Yêu cầu đối với quy trình bồi dưỡng công chức hành chính

Để bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu chính phủ số, quy trình bồi dưỡng công chức phải thực hiện một cách khoa học. Việc xác định nhu cầu bồi dưỡng cần phải cân bằng giữa nhu cầu bồi dưỡng của công chức hành chính với nhu cầu của các cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan hành chính nhà nước trong chính phủ số cần phải xác định được những yêu cầu về năng lực thực thi công vụ, khoảng cách giữa yêu cầu về năng lực và năng lực hiện tại của công chức hành chính để làm cơ sở cho việc bồi dưỡng công chức.

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khi xây dựng chương trình bồi dưỡng công chức hành chính cũng cần tiếp cận từ yêu cầu chính phủ số để xác định các nội dung bồi dưỡng phù hợp. Nói cách khác, bồi dưỡng công chức hành chính để đáp ứng yêu cầu chính phủ số phải được thực hiện đầy đủ, khoa học, khách quan, thực chất, không phải bồi dưỡng những cơ sở bồi dưỡng đang có mà phải bồi dưỡng những gì công chức hành chính đang thiếu, những gì nền công vụ trong bối cảnh xây dựng và phát triển chính phủ số đang yêu cầu đối với công chức hành chính.

Trên cơ sở xác định nhu cầu bồi dưỡng, việc lập kế hoạch bồi dưỡng cần xác định được mục tiêu bồi dưỡng, xác định được những chương trình bồi dưỡng công chức hành chính cần phải thực hiện ngay. Kế hoạch bồi dưỡng được xây dựng cụ thể hóa gắn với các nhóm công chức hành chính, tạo điều kiện cho người học được học đúng chương trình bồi dưỡng có ý nghĩa phát triển năng lực. Quá trình thực hiện kế hoạch cần có cơ chế giám sát, đánh giá mức độ đạt được mục tiêu để có những điều chỉnh phù hợp.

Bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu chính phủ số phải gắn với mục tiêu, chuẩn đầu ra, vì vậy, việc đánh giá kết quả, hiệu quả bồi dưỡng cần được đặc biệt chú ý. Việc đánh giá cần được thực hiện đa dạng, đa chiều từ chính cơ sở bồi dưỡng, từ cảm nhận của học viên, từ cơ quan sử dụng công chức sau bồi dưỡng và cảm nhận của người dân, doanh nghiệp về những biến chuyển trong năng lực làm việc, thái độ, trách nhiệm của công chức hành chính.

Yêu cầu đối với chương trình bồi dưỡng công chức hành chính

Chương trình bồi dưỡng công chức hành chính cần phải xây dựng theo hướng khoa học, xác định chuẩn đầu ra của các chương trình bồi dưỡng. Chuẩn đầu ra của chương trình bồi dưỡng công chức hành chính cần phải được xây dựng khoa học, cụ thể, phù hợp với tính chất bồi dưỡng.

Chương trình bồi dưỡng cần đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, vị trí việc làm – đây là công cụ, là phương tiện giúp bổ khuyết những thiếu hụt về năng lực của công chức hành chính. Theo đó, chương trình bồi dưỡng công chức hành chính cần bảo đảm tính hệ thống, cung cấp đầy đủ, trọn vẹn các nội dung, không trùng lặp với các nội dung mà học viên đã được bồi dưỡng ở các chương trình khác liên quan.

Chương trình bồi dưỡng này được xây dựng phù hợp với đối tượng học viên, nhu cầu bồi dưỡng của học viên. Nội dung chương trình bồi dưỡng cần phải là những nội dung mà học viên cần, không phải là những nội dung mà cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đang có hoặc sẵn sàng cung ứng.

Bên cạnh việc cần bảo đảm tính hệ thống, cung cấp các nội dung toàn diện về các vấn đề mà công chức hành chính cần được trang bị để làm việc hiệu quả trong môi trường chính phủ số, các nội dung của chương trình bồi dưỡng không mâu thuẫn, chồng chéo giữa các chương trình khác. Các chương trình trong cùng hệ thống như chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch cần thể hiện được tính thống nhất, sự nâng tầm phù hợp với nhóm đối tượng học viên. Chương trình bồi dưỡng công chức hành chính cần tích hợp đủ mức các kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng công chức hành chính.

Yêu cầu nội dung chương trình bồi dưỡng phải sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính, kỹ năng làm việc trong chính phủ số. Thông qua bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành chính bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động của cơ quan hành chính, nhất là trong giải quyết các yêu cầu của Nhân dân, doanh nghiệp.

Quy trình xây dựng chương trình bồi dưỡng công chức hành chính cần được thực hiện khoa học, khách quan. Cần phải khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của công chức với quy mô đủ lớn, có ý nghĩa thống kê, cho phép xác định đúng, đủ nhu cầu bồi dưỡng của công chức hành chính theo từng nhóm đối tượng công chức, theo vị trí việc làm.

Yêu cầu đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng

Để bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu chính phủ số, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên cần phải thực sự am hiểu về bản chất của quá trình chuyển đổi số, yêu cầu của quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, những kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức cần trong giai đoạn hiện tại. Vì vậy, đội ngũ giảng viên của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức cần phải thực sự làm mới mình, nâng tầm về tri thức, năng lực trí tuệ.

Để xây dựng được đội ngũ công chức hành chính đáp ứng yêu cầu chính phủ số thì mỗi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải thực sự là hình mẫu về chuyển đổi số, từ đó, quá trình bồi dưỡng không chỉ thông qua bài giảng mà còn từ chính sự vận hành của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Vì vậy, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức cần phải là những đơn vị tiên phong trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong bồi dưỡng công chức hành chính. Bồi dưỡng trực tuyến thông qua “lớp học ảo”, mô phỏng, số hóa bài giảng; điều này cũng là phù hợp với xu hướng bồi dưỡng công chức hành chính.

Công tác bồi dưỡng công chức hành chính ngày càng đòi hỏi tính chuyên sâu để nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng, rèn luyện thái độ công vụ phù hợp; nội dung bồi dưỡng công chức cũng không ngừng tăng lên về khối lượng kiến thức, kỹ năng, trong khi đó các chương trình bồi dưỡng cho đối tượng này lại có những giới hạn nhất định về không gian và thời gian, gây khó khăn cho giảng viên và học viên. Vì vậy, tăng cường ứng dụng công nghệ là một giải pháp cho hạn chế nêu trên.

Yêu cầu đối với nguồn lực bồi dưỡng công chức hành chính

Các nguồn lực bồi dưỡng cho công chức hành chính cũng cần được đầu tư nhiều hơn nhằm tạo môi trường học tập phù hợp. Công chức hành chính nếu chỉ được bồi dưỡng về kiến thức lý thuyết về chính phủ số, chuyển đổi số mà không có mẫu hình, mô hình, không gian để trải nghiệm, thực hành thì sẽ khó có thể tạo ra sự thay đổi về nhận thức, kiến thức đối với chính phủ số, chuyển đổi số. Vì vậy, việc đầu tư các nguồn lực cho bồi dưỡng công chức hành chính bên cạnh những thay đổi về tài liệu học tập thì cần có những nguồn học liệu là những ứng dụng, phần mềm, mô hình mô phỏng sự vận hành của chính phủ số, của quá trình chuyển đổi số. Điều này đặt ra yêu cầu về nguồn lực đầu tư để chuyển đổi số ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức.

Yêu cầu và mục tiêu phát triển chính phủ số trên đây đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức cần có sự chuyển đổi về năng lực. Một mặt, cán bộ, công chức, viên chức phải nâng cao năng lực hiện có, mặt khác, cần có thêm những năng lực, kỹ năng mới, trong đó có năng lực số.

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay, nếu cán bộ, công chức, viên chức thiếu năng lực số thì sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu về tính hiệu quả trong thực thi công vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, hoạt động chuyên môn, đồng thời thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng mới về công nghệ để thực sự làm chủ công việc theo vị trí việc làm, trên cơ sở đó, góp phần nâng cao chất lượng khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số.

Muốn có chính phủ số phải có nguồn nhân lực số. Do đó, công chức cần được đào tạo bài bản và liên tục được đào tạo bổ sung mới, nhằm hình thành Năng lực số, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số. “Năng lực số đang trở thành một yêu cầu không thể thiếu trong nhiều công việc ngày nay. Năng lực số chính là chìa khóa để bảo đảm khả năng được tuyển dụng và tiếp tục thành công trong bất kỳ ngành nghề nào”1. “Cần đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức nhà nước. Nếu không, ai sẽ là người cung cấp dịch vụ số cho người dân”2. “… Công chức… cần được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số, có năng lực kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương”3.

Người học trong giai đoạn hiện tại cần có tư duy mở, tư duy thích ứng, tư duy sẵn sàng học tập những kiến thức, kỹ năng mới. Alvin Toffle cho rằng: “Ở thế kỷ XXI, một người mù chữ không phải là người không biết đọc, biết viết, mà là người không chịu học lại, không chịu tự đào tạo lại, bổ sung những kiến thức cũ đã lỗi thời”4. Công chức hành chính phải thực sự có ý thức học tập, nâng cao trình độ, làm mới bản thân, sẵn sàng tiếp thu những tri thức mới, kiến thức, kỹ năng mới.

Yêu cầu của chính phủ số đối với năng lực của công chức hành chính ở trung ương và địa phương, công chức lãnh đạo, quản lý và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Chính phủ số đòi hỏi công chức ở trung ương cần có tầm nhìn, có năng lực nhận diện và kiến tạo chính sách nhanh hơn, toàn diện hơn. Đối với công chức ở địa phương là năng lực thực hiện chính sách, pháp luật, giảm đến mức thấp nhất độ trễ về chính sách giữa xây dựng và thực hiện chính sách. Đối với công chức lãnh đạo, quản lý, chính phủ số đòi hỏi cần có năng lực tổ chức, điều hành trên môi trường số, thiết lập quy trình giải quyết công việc phù hợp với sự thay đổi của phương thức làm việc. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cần chú ý đến năng lực xây dựng, tổ chức dữ liệu, khai thác và quản lý dữ liệu phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động bồi dưỡng vì vậy cần tiếp tục cá nhân hóa nhu cầu học tập, tạo ra sự thích ứng trong năng lực của công chức hành chính trước yêu cầu của chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số.

Chú thích:
1. Xây dựng khung năng lực số của cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ số. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 10/02/2022.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông. Cẩm nang chuyển đổi số. https://special.nhandan.vn, truy cập ngày 12/11/2023.
3. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030.
4. Giáo dục 2020: Xu hướng đào tạo nhân lực cho tương lai. https://ila.edu.vn, truy cập ngày 12/11/2023.