Nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

ThS. Hoàng Ngọc Bích
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên
(Quanlynhanuoc.vn) – Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không chỉ là vấn đề lý luận mà còn là một vấn đề thực tiễn của đời sống xã hội. Nhận thức về vấn đề này hiện nay vẫn còn có những quan điểm sai lệch, thù địch hay chủ nghĩa xét lại chủ nghĩa Mác – Lênin… Điều này đặt ra yêu cầu, cần phải nhìn nhận và làm rõ những quan điểm không đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ  nghĩa xã hội ở Việt Nam

Xét về thuật ngữ: chủ nghĩa xã hội (CNXH) thường được tiếp cận dưới ba góc độ: CNXH là một học thuyết, CNXH là một phong trào CNXH là một chế độ.

Ở góc độ một học thuyết, CNXH được hiểu là những tư tưởng, lý luận về giải phóng xã hội loài người khỏi chế độ tư hữu, áp bức, bóc lột, bất công, nghèo nàn, lạc hậu, về xây dựng xã hội mới dựa trên chế độ công hữu những tư liệu sản xuất trong xã hội, không có sự phân chia giai cấp và sự khác nhau về tài sản, không có bất công, không có cạnh tranh – một xã hội tốt đẹp nhất trong lịch sử nhân loại từ trước tới nay.

Ở góc độ một phong trào, CNXH có ý nghĩa là phong trào đấu tranh thực tiễn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống chế độ tư hữu, áp bức, bóc lột, bất công, đòi quyền dân chủ.

Ở góc độ một chế độ, CNXH là chế độ xã hội được Nhân dân lao động xây dựng nên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, đó là một chế độ xã hội không còn tồn tại tư hữu, giai cấp, áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, cạnh tranh và tội ác… trong xã hội đó, Nhân dân được giải phóng và có quyền làm chủ.

Xét về bản chất: CNXH có mục đích là xóa bỏ mọi sự phân hóa giai cấp trong xã hội, tiêu diệt cơ sở của mọi sự bóc lột. Đó là quá trình nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người và tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện. Để đạt được mục đích này, vai trò của giai cấp công nhân cùng sứ mệnh lịch sử của mình là yếu tố nòng cốt.

Ở góc độ kinh tế, CNXH có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Nền kinh tế của CNXH dựa trên sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất cùng quan hệ sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, được tổ chức quản lý một cách hiệu quả và phân phối chủ yếu theo lao động.

Về Nhà nước, CNXH có Nhà nước kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân đó là Nhà nước chuyên chính vô sản, đại diện cho lợi ích, quyền lực và ý chí của Nhân dân lao động.

Về văn hóa, CNXH có nền văn hóa phát triển cao, có sự kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống và sự học hỏi những tinh hoa văn hóa nhân loại.

Về xã hội, CNXH bảo đảm bình đẳng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trên cơ sở hữu nghị, hợp tác vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Con đường đi lên CNXH xuất phát từ quy luật sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, chủ nghĩa Mác – Lênin hình thành nên học thuyết hình thái kinh tế – xã hội. Trong đó, sự thay thế của các hình thái kinh tế – xã hội trong lịch sử loài người là do sự phát triển của lực lượng sản xuất. Sự phát triển của lực lượng sản xuất ngày càng mang tính xã hội hóa sâu sắc, dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, mâu thuẫn này được biểu hiện ra bề mặt xã hội là mâu thuẫn giai cấp và phong trào đấu tranh giai cấp. Đến một mức độ nhất định, các mâu thuẫn và phong trào giai cấp sẽ dẫn đến bùng nổ cách mạng xã hội nhằm thiết lập các quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất tương ứng. Đây là điều kiện để hình thái kinh tế – xã hội mới tiến bộ hơn ra đời, thay thế cho hình thái kinh tế – xã hội đã lạc hậu, lỗi thời. Sự “diệt vong” của hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa cũng tuân theo quy luật đó.

Từ sự “giải phẫu” những quy luật vận động trong lòng xã hội tư bản, chủ nghĩa Mác – Lênin cho thấy tính tất yếu của sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng CNXH, chủ nghĩa Cộng sản. Vì lẽ đó, C.Mác và Ăngghen đã khẳng định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”1. Như vậy, quá trình thay thế của các hình thái kinh tế – xã hội là “một quá trình lịch sử – tự nhiên”2. Nói cách khác, đó là quá trình mang tính quy luật. Tuy nhiên, trong thực tế, tùy từng điều kiện cụ thể, không nhất thiết phải phát triển tuần tự qua tất cả các hình thái kinh tế – xã hội, mà có thể bỏ qua một hoặc vài hình thái kinh tế – xã hội để phát triển lên hình thái kinh tế – xã hội cao hơn, ưu việt hơn và Việt Nam là một trong số những quốc gia đó.

Dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về CNXH “nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”3, để “ai cũng được làm việc, được ăn no mặc ấm, được học hành, người già yếu được giúp đỡ, các cháu bé thì được chăm sóc”4. Người cũng chỉ rõ: “Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta nhất định có những khó khăn. Biến đổi một xã hội cũ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ”5. Chính vì lẽ đó, CNXH phải có nền tảng vật chất tốt nhất nên cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) cần phải xây dựng nền tảng vật chất cho CNXH. Để làm được điều này, con người XHCN là yếu tố quan trọng hàng đầu, do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng đi lên CNXH, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm đến chủ thể xây dựng CNXH.

Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

CNXH là sự lựa chọn nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như của Nhân dân Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng đầu tiên cho sự lựa chọn đó. Trong suốt sự nghiệp cách mạng, Đảng luôn khẳng định mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhân dân Việt Nam là CNXH, độc lập dân tộc luôn gắn liền với CNXH, đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Xuất phát từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, sau khi giành được độc lập, Việt Nam đã bỏ qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa để đi thẳng lên CNXH. Để thiết lập chế độ CNXH, Việt Nam phải trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh với quyết tâm chống lại ách đô hộ và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng, toàn dân ta lựa chọn CNXH và con đường đi lên CNXH là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp quy luật và xu thế của thời đại.

Trên cơ sở vận dụng một cách linh hoạt chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về quy luật và tính quy luật phát triển của xã hội trong từng giai đoạn. Đại hội Đảng lần thứ XI đã định hình rõ nét và cụ thể hơn bằng một hệ thống quan điểm lý luận về CNXH. Trong đó, đã khái quát thành 8 đặc trưng: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đang xây dựng, đó là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”6.

Đồng thời, hình thành 8 phương hướng xây dựng CNXH và 8 mối quan hệ lớn về đổi mới phát triển XHCN, bao gồm: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”7.

Để thực hiện nội dung 8 phương hướng trong xây dựng CNXH, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra 10 mối quan hệ lớn, đó là: “Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”8.

Hệ thống các quan điểm nêu trên đã khẳng định sự phát triển trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về CNXH và con đường đi lên CNXH. Điều này cũng chứng minh sự linh hoạt, năng động của Đảng ta trong việc kiên trì thực hiện lý tưởng CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của việc lựa chọn CNXH, đồng thời, mang lại cho đất nước cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế trên trường quốc tế. Những thành tựu đó càng làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng và kiên định với con đường đi lên CNXH.

Bên cạnh những nhận thức đúng đắn về CNXH và con đường đi lên CNXH, trên thế giới hiện nay vẫn còn tồn tại những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề này. Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra hai xu hướng xuyên tạc về CNXH:

Một là, đối với những người không có lập trường tư tưởng vững vàng, khi sự kiện “chấn động toàn thế giới” xảy ra thì hoang mang, hoài nghi về CNXH, họ đồng nhất sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô là sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin. Xu hướng này xảy ra trong chính bản thân những người mácxít – những người đã từng tôn thờ chủ nghĩa Mác – Lênin và CNXH.

Hai là, đối với những người có lập trường phi mácxít, có tư tưởng chống phá nên đã vin vào sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô là một bằng chứng để phủ nhận, bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, bác bỏ con đường đi lên CNXH. Từ đó, một số thành phần cơ hội, phản động đã cho rằng Việt Nam đi lên CNXH là trái với quá trình lịch sử tự nhiên, là “một khúc cong của lịch sử”, “đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên chủ nghĩa tư bản”. Chính sự xuyên tạc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đặc biệt là sau sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô. Đó cũng chỉ là một trong các hình thức, “chiêu trò” mà chúng sử dụng để diễn biến hòa bình. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta luôn phải tỉnh táo để nhận diện; đồng thời, kiên quyết đấu tranh giữ vững niềm tin, sự kiên định vào con đường đi lên CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Từ việc nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, có thể thấy, bên cạnh những nhận thức đúng đắn vẫn còn tồn tại những nhận thức sai lệch, thù địch, xét lại về CNXH. Do đó, việc nâng cao nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH là việc làm cần thiết, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, đến lập trường tư tưởng, ý thức hệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, để làm được điều này cần một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần làm rõ tính ưu việt của CNXH và bản chất sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

C. Mác từng khẳng định tính ưu việt của CNXH là ở chỗ “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Vì vậy, CNXH là một chế độ xã hội tốt đẹp, là “tương lai của nhân loại”. Đó là xã hội đáp ứng được những khát vọng, ý chí, ước mơ của mọi tầng lớp nhân dân lao động. Thành công của Cách mạng tháng Mười và sự hình thành Liên bang Xô viết đã thể hiện được mong muốn, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân lao động Nga nói riêng và thế giới nói chung. Đồng thời, sự kiện này cũng lần đầu tiên đưa CNXH từ lý luận trở thành hiện thực không chỉ trên phạm vi Liên bang Xô Viết mà trên phạm vi toàn thế giới. Những thành công mà Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân liên Xô cũ đạt được trong quá trình đó đã cho thấy rõ sự ưu việt của CNXH. Đó là, sự giải phóng thật sự đối với giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động, là quan hệ phân phối bảo đảm sự cống hiến của các thành viên trong xã hội, là những thành tựu về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội…

Thứ hai, tiếp tục xây dựng ý thức, biện pháp đấu tranh với những quan điểm sai lệch, thù địch của các thế lực phản động cùng các âm mưu xét lại CNXH cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Chủ động tăng cường thông tin tích cực, đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. Kiên quyết bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy giao lưu và hợp tác trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao đời sống của Nhân dân lao động.

Cần làm rõ những quan điểm sai trái, xuyên tạc về CNXH và con đường đi lên CNXH, chỉ rõ bản chất, động cơ của những nhận thức đó, từ đó hướng đến những quan điểm đúng đắn, tránh gây ra tình trạng mơ hồ, hoang mang trong xã hội.

Thứ ba, cần hình thành các kênh tuyên truyền, lan tỏa những thông tin đúng đắn về tính ưu việt của CNXH và con đường xây dựng CNXH mà Đảng ta lãnh đạo.

Trong thời đại ngày nay, các kênh tuyên truyền là cách thức dễ dàng nhất để tiếp cận các đa dạng các tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, cần đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng chính trị, định hướng dư luận đúng đắn cho các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền cần bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn và từng thời điểm. Ngoài ra, tùy vào đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, như: ngành nghề, vùng, miền… mà có các cách tuyên truyền, các biện pháp đấu tranh phù hợp, bảo đảm thông tin đúng, đủ, tránh tình trạng “trắng thông tin” tạo điều kiện cho các thế lực phản động thêu dệt, câu dẫn dư luận. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng về những thành tựu trong xây dựng CNXH ở Việt Nam đến toàn thể các tầng lớp nhân dân, giúp Nhân dân bồi đắp thêm niềm tin, sự kiên định vào con đường đi lên CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.

Kết luận

Để đi lên CNXH không chỉ là một lựa chọn mà còn là ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc Việt Nam. Xây dựng CNXH đòi hỏi cần phải có nhận thức đúng đắn CNXH và con đường đi lên CNXH. Việc nâng cao nhận thức về vấn đề này giúp cho các tầng lớp nhân dân có lập trường tư tưởng vững vàng luôn tin tưởng và kiên định vào con đường mà Nhân dân đã lựa chọn, từ đó, tạo động lực cho Nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, từng bước xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chú thích:
1. C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, tr. 613.
2. C. Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập. Tập 23. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1993, tr. 21.
3, 4, 5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 5, 376.
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 69 – 70, 70.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 119.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.