Thực tiễn hoạt động chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh: Một số kiến nghị

Dương Thị Thanh Bình
Thanh tra thành phố Thủ Đức
(Quanlynhanuoc.vn) – Qua 3 năm thực hiện việc sát nhập và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh, hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc hoạt động của chính quyền thành phố một cách hiệu quả. Tuy nhiên, những quyết sách, chính sách pháp luật về hoạt động chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất… ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của thành phố, khó khăn trong quá trình vận hành. Bài viết nghiên cứu thực tiễn hoạt động chính quyền đô thị thành phố Thủ Đức và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hoạt động chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức trong thời gian tới.
Thành phố Thủ Đức là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Ảnh: Minh Quân.
Đặt vấn đề

Thành phố thuộc thành phố là một mô hình mới tại Việt Nam. Thành phố Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH ngày 09/12/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội dựa trên sự sắp xếp đơn vị hành chính của 3 quận là Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh. Qua 3 năm triển khai xây dựng chính quyền đô thị, thành phố Thủ Đức đã đạt những thành tựu nhất định nhưng cũng có những hạn chế và vướng mắc.

Về hoạt động và tổ chức của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Thủ Đức, theo quy định hiện hành thì UBND thành phố Thủ Đức sau khi sát nhập vẫn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, quy chế làm việc của UBND thành phố Thủ Đức và các quy định pháp luật liên quan. UBND thành phố Thủ Đức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 56 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Tuy nhiên, với một số điều kiện đặc thù thì thành phố Thủ Đức cũng được tăng thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ tại Điều 7 Nghị quyết số 131/2020/QH của Quốc hội và Điều 15 Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.

Thực tiễn hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức

Thứ nhất, về vấn đề tinh giản biên chế trong tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức. Hiện nay, Thủ Đức là đô thị lớn với diện tích 211,56 km2, quy mô dân số 1.151.967 người1, thành phố đang quản lý số lượng dân cư nhiều hơn một số tỉnh thành, khối lượng công việc gấp 3 lần. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định số lượng phó người đứng đầu cơ quan chuyên môn là không quá 3 người. Đây là khó khăn cho thành phố Thủ Đức trong giải quyết công việc vì số lượng công việc lớn nhưng số lượng nhân sự cấp phó lại theo quy định của các quận, huyện khác điều này vô hình chung đã tạo áp lực cho công tác tổ chức, sắp xếp nhân sự sau thành lập thành phố nói chung và công tác tổ chức bộ máy của thành phố nói riêng.

Thứ hai, vấn đề số lượng biên chế của UBND cấp phường. Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 131/2020/NQ-QH quy định UBND phường có không quá 2 phó chủ tịch Sau đó nghị quyết được cụ thể hóa bằng Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, biên chế công chức làm việc tại UBND phường là 15 người, số bình quân này được tính cho tổng số phường của một quận, thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh2. Như vậy, số lượng phó giúp việc đã ít, nay số lượng công chức của phường lại được giao quá ít dẫn tới quá tải công việc.

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2021, Thành phố có 90/249 phường có dân số từ 30.000 dân trở lên, trong đó: 54 phường có dân số từ 30.000 dân đến dưới 50.000 dân, 21 phường có dân số từ 50.000 dân đến dưới 75.000 dân, 12 phường có dân số từ 75.000 dân đến dưới 100.000 dân và đặc biệt, có 3 phường có dân số trên 100.000 dân là phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức,…3 Theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính, dân số của phường thuộc quận là từ 15.000 dân trở lên. Từ đó cho thấy, số lượng dân của một phường tại thành phố Thủ Đức lớn gấp nhiều lần số dân quy định chung của cấp phường, nhưng số lượng phó chủ tịch và công chức làm việc cũng tương đương các phường có số lượng dân ít hơn. Đây là một bất cập vô cùng lớn trong hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức.

Thứ ba, về quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức. Tại Chương III của Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên tại chương này chỉ có Điều 15 quy định các cơ quan chuyên môn của thành phố Thủ Đức và Điều 16 quy định quản lý tài chính, ngân sách nhà nước. Vậy trách nhiệm của chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố hiện đang chưa rõ, còn bỏ trống? Không có cơ chế quy trách nhiệm? Trách nhiệm có giống như của Chủ tịch UBND quận, huyện?

Thứ tư, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm quy phạm pháp luật của UBND cấp phường. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 131/2020/QH ngày 16/11/2020 quy định: chủ tịch UBND phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: về quyết định của UBND cấp xã, việc quy định như vậy làm giảm quyền hạn của UBND cấp phường.

Thứ năm, về phân cấp, phân quyền cho thành phố Thủ Đức. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định UBND quận làm việc theo cơ chế thủ trưởng và chủ tịch UBND quận quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tuy nhiên phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phải thảo luận tập thể trước khi quyết định. Tại Điều 18 của Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định: UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành UBND phường làm việc theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Như vậy, chưa có quy định riêng cho thành phố Thủ Đức với vai trò chính quyền đô thị thí điểm quyền quyết định của Chủ tịch UBND thành phố và Chủ tịch UBND phường.

Thứ sáu, về vấn đề cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Đức. Để khuyến khích thành phố phát triển, cần có các chính sách mới nhằm khuyến khích các lĩnh vực kinh tế trên địa bàn thành phố Thủ Đức, như: đối với tiền lương, chế độ thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, người lao động tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp tạo môi trường thông thoáng hơn. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích về tài chính, miễn giảm thuế,… cho các doanh nghiệp phát triển. Đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa thu hút được các công ty đặt trụ sở, văn phòng như mong đợi của thành phố, khu cảng quốc tế Cát Lái cần thực hiện đơn giản hóa các thủ tục thông quan qua cảng để nhằm phát huy thế mạnh của cảng quốc tế lớn và hiện đại để thu hút tăng số lượng hàng hóa qua cảng từ đó phát triển kinh tế của thành phố nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung.

Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức

Một là, xây dựng và hoàn thiện pháp luật liên quan đến thành phố, kiến nghị xây dựng Luật Chính quyền đô thị để từ đó có căn cứ áp dụng đối với thành phố Thủ Đức. Tránh trường hợp ban hành nghị quyết sau đó ban hành nghị định hướng dẫn, rồi lại tiếp tục có các nghị quyết sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ. Do đó, việc xây dựng Luật Chính quyền đô thị là rất cần thiết cho thành phố Thủ Đức phát triển và cũng tạo hành lang pháp lý cho các địa phương khác thành lập thành phố trực thuộc không phải thực hiện cơ chế xin đặc thù. Trung ương không phải giải quyết từng trường hợp đơn lẻ mà căn cứ vào Luật Chính quyền đô thị để giải quyết.

Hai, cần thí điểm bầu cử trực tiếp đối với chủ tịch UBND cấp phường và chủ tịch UBND thành phố phê chuẩn, bổ nhiệm theo kết quả bầu chủ tịch UBND cấp phường.

Ba, cần bỏ quy định chủ tịch đồng thời là thành viên Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố, từ đó nâng cao chức năng giám sát của HĐND. Chủ tịch thành phố chỉ thực hiện chức năng hành chính, còn giám sát là chức năng của HĐND, tránh chồng chéo nhiệm vụ. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, hoạt động giám sát tách biệt với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Mặc dù quy định chủ tịch UBND thành phố có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái… đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND các phường trực thuộc, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay là chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức chỉ có thẩm quyền quyết định, bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND khi Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, bãi nhiệm các ủy viên UBND. Điều này cho thấy, chủ tịch UBND thành phố vẫn không có quyền lựa chọn các thành viên UBND để từ đó tạo thành một êkíp làm việc chuyên nghiệp và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đối với việc lựa chọn thành viên UBND của chính mình đề cử. Do đó, cần có cơ chế chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức được lựa chọn các ứng viên của thành viên UBND (theo tiêu chuẩn quy định) để HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Lúc này HĐND chỉ thực hiện quyền giám sát những thành viên UBND do mình bầu hoặc phê chuẩn và người đứng đầu đề cử phải chịu trách nhiệm đối với những ứng viên mình đề cử.

Bốn, cần có văn bản quy định, hướng dẫn đối với biên chế thành phố thuộc thành phố, từ đó có căn cứ để UBND thành phố Thủ Đức trình HĐND TP. Hồ Chí Minh quyết định biên chế, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Có cơ chế đặc biệt đối với thành phố và trao quyền cho chủ tịch UBND thành phố quyết định việc tổ chức lựa chọn, tổ chức, phân bổ công chức trên địa bàn thành phố theo nhu cầu thực tế của thành phố. Tăng thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức và chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức là nhu cầu tất yếu do đòi hỏi thực tiễn từ hoạt động điều hành của thành phố Thủ Đức. Việc phân cấp, phân quyền cho thành phố, chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức về sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ khắc phục tình trạng phải xin cơ chế đặc thù, ách tắc hoạt động quản lý tại địa phương.

Năm, trong quá trình sắp xếp nhân sự sau khi thành lập thành phố cần xem xét, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng và Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức. Đây là một trong những cơ chế tháo nút thắt quan trọng để thành phố thành lập các trung tâm sự nghiệp công lập tư chủ về tài chính, như: Trung tâm quản lý cơ sở hạ tầng thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm giáo dục và đào tạo, Trung tâm quản lý các khu công nghiệp, công nghệ trên địa bàn thành phố…

Sáu, việc áp dụng các chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức, doanh nghiệp… trên địa bàn thành phố cần được thực hiện nhanh chóng, giúp thành phố phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó. Theo xu hướng đó, việc trao quyền tự quyết cho thành phố cũng là một vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bảy, cơ chế giám sát UBND thành phố Thủ Đức và Chủ tịch UBND thành phố cần được thể hiện bằng văn bản, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, tránh tình trạng như quy định tại Nghị định số 33/NĐ-CP ngày 29/3/2021 không có quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố đến đâu và cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực như thế nào?

Chú thích:
1. Số liệu theo Tổng điều tra dân số (01/01/2019): Quận 2: 180.275 người; Quận 9: 379.006 người; Quận Thủ Đức: 592.686 người.
2. Khoản 1 Điều 29, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
3. Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung công chức tại phường. https://tphcm.chinhphu.vn, ngày 01/01/2022.
4. Khoản 3 Điều 10, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Thiện Trí. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt: Vấn đề đặt ra và vận dụng ở nước ta hiện nay. Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10 năm 2014.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
3. Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
4. Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh.
5. Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 về t chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
6. Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
7. Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định số lượng pchủ tịch Ủy ban nhân dân và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân.
8. Nguyễn Thị Thiện Trí. Tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ thành phố thuộc thành phố ở Việt Nam – Từ đề án thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 5/2021.
9. Nguyễn Thị Thiện Trí. Cơ chế đặc thù phát triển đô thị Việt Nam: Giải pháp hay vòng lẩn quẩn? Tạp chí Tia sáng số 5/2022.