Kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới

TS. Nguyễn Đức Quyền
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Thế giới đang hình thành tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để tiếp tục thích nghi với sự phát triển nhanh chóng này, các trường đại học tăng cường việc phát triển và mở rộng không gian khởi nghiệp, nơi các đổi mới có thể hợp tác với các doanh nhân có kinh nghiệm, đối tác trong ngành, chính phủ và các tổ chức khác có thể tài trợ cho ý tưởng của họ. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới, gợi mở đề xuất và kinh nghiệm cho Việt Nam.
Quản lý và điều hành các cơ sở giáo dục đại học tại Singapore được thực hiện thông qua mô hình tự quản độc lập.
Quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học Singapore

Quản lý và điều hành các cơ sở giáo dục đại học tại Singapore được thực hiện thông qua mô hình tự quản độc lập; hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế quốc gia và thúc đẩy sự gắn kết xã hội. Nhà nước có vai trò giám sát đối với các cơ sở giáo dục đại học này. Theo đó, hệ thống kiểm soát đa tầng được cải thiện để thúc đẩy mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, đồng thời bảo đảm khả năng phản ứng nhanh của quốc gia trước các tình huống biến đổi nhanh chóng.

Chính phủ có vai trò giám sát đối với các cơ sở giáo dục đại học, trong đó các trường đại học được quản lý và điều hành như mô hình công ty – doanh nghiệp, không vì mục đích lợi nhuận và hoàn toàn tự quản trị thu – chi, sử dụng tài chính và có khả năng huy động thêm nhiều nguồn tài trợ, đồng thời tự chịu trách nhiệm về việc thực thi tài chính của đơn vị. Cán bộ, giảng viên và nhân viên không còn là công chức. Cụ thể, quyền tự quản lý về tài chính cho phép trường có sự tự quyết định về việc bảo đảm các nguồn lực nội bộ phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình. Tuy nhiên, các trường vẫn nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ, đạt tới 75% kinh phí dưới các gói tài trợ công cụ có mục tiêu cụ thể.

Trong lĩnh vực giáo dục đại học, Singapore chuẩn bị cho sự học suốt đời của cá nhân. Sự thịnh vượng kinh tế của Singapore gắn chặt chẽ với sự thành công của hệ thống giáo dục của quốc gia này. Với dân số khoảng năm triệu người, sự phát triển vượt bậc về chất lượng nguồn nhân lực, với sức khỏe cộng đồng tốt và sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhiều triển vọng về việc làm và thu nhập cho hầu hết các công dân của Singapore là rất xứng đáng.

Hệ thống giáo dục của Singapore đã đứng đầu trong việc chuẩn bị cho các học sinh có kiến thức, tri thức phát triển vượt trội, được thử thách và công nhận thành quả của sự vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc tạo ra một lực lượng lao động có khả năng thu thập và quản lý thông tin, dữ liệu một cách hiệu quả.

Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Singapore, các điều chỉnh và thích ứng hiện tại trong lĩnh vực giáo dục của Singapore được thiết kế để thúc đẩy xu hướng học tập suốt đời. Và sự phát triển giáo dục của Singapore với 3 trụ cột là Smart Nation Singapore, SkillsFuture Singapore và việc thành lập một số cơ sở giáo dục đại học mới. Nhờ những nỗ lực này, Singapore đang chuẩn bị cho nền kinh tế tương lai với sự linh hoạt đáng kể.

Quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học ở Thái Lan

Chính phủ Thái Lan đã xác định 3 mục tiêu chính, bao gồm: đưa Thái Lan lên là quốc gia có thu nhập cao, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh bảo vệ môi trường.

Để đạt được những mục tiêu trên, yếu tố quan trọng nhất để Thái Lan đạt được thành tựu là nhờ vào giáo dục. Yếu tố đầu tiên nhằm mục đích nâng cao vị thế của quốc gia để trở thành một quốc gia có thu nhập cao thông qua sự phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức, tập trung vào nghiên cứu và phát triển, khoa học và công nghệ, tư duy sáng tạo và đổi mới. Trong khía cạnh thứ hai, Thái Lan hướng đến xây dựng một xã hội hòa nhập với mục tiêu bảo đảm quyền tiếp cận công bằng đối với các thành tựu của sự thịnh vượng và phát triển. Khía cạnh thứ ba tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, nhằm đạt được sự phát triển kinh tế và môi trường không bị tổn hại.

Để cải thiện hoạt động giáo dục và đào tạo cấp cao, bảo đảm chất lượng, có 4 khía cạnh quan trọng Thái Lan cần quan tâm: phát triển giáo dục, đánh giá giáo dục, phát triển nghiên cứu và đánh giá nghiên cứu. Theo đó, Thái Lan đã thực hiện các cải cách trong lĩnh vực giáo dục đại học theo các chiến lược cụ thể, bao gồm: (1) Cải cách cơ cấu và hệ thống quản lý – hành chính, trong đó có cải cách về sự tham gia của cá nhân trong quản lý hành chính của các cơ sở giáo dục đại học. (2) Cải cách tài chính của các cơ sở giáo dục đại học. (3) Đào tạo nhân lực và mở rộng quy mô của các cơ sở giáo dục đại học. (4) Cải cách quy trình dạy và học cũng như nghiên cứu. (5) Cải cách hệ thống phát triển giảng viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Đây là mô hình và chiến lược tổng quan hiệu quả mà nhiều quốc gia đang triển khai, tùy thuộc vào đặc thù và tư duy phát triển riêng của từng quốc gia, sẽ có những giải pháp cụ thể riêng biệt.

Quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học ở Hoa Kỳ

Hoa Kỳ không có một hệ thống quản lý giáo dục quốc gia (trừ các học viện quân sự và các trường học dành cho người Mỹ bản địa), và các cơ sở giáo dục đại học không phải chịu sự chỉ đạo, quản lý từ bất kỳ cơ quan trung ương nào. Hệ thống cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ đã chịu nhiều ảnh hưởng từ giáo dục châu Âu, đặc biệt là Anh và Đức. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ không bị ràng buộc bởi các khung pháp theo kiểu châu Âu cũ mà chọn lựa mô hình tư duy độc lập tuyệt đối.

Trong các cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ, hội đồng quản trị sở hữu quyền lực cao nhất và có nhiệm vụ giám sát chính sách để bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học. Họ thực hiện điều này bằng cách tham gia vào quá trình đánh giá và thiết lập chương trình đào tạo cũng như quản lý tài chính của các trường. Về mặt tài chính, vai trò của hội đồng quản trị là thiết lập các chính sách và cơ chế để bảo đảm tài chính hoạt động một cách hiệu quả và kiểm soát chi tiêu các nguồn tài chính được sử dụng theo đúng quy định.

Hệ thống cơ sở giáo dục đại học hoạt động hoàn toàn theo mô hình tự chủ trong nền kinh tế thị trường là cốt yếu để tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ và bền vững với cộng đồng, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế và linh hoạt thích nghi với nhu cầu của thị trường lao động. Mặc dù giáo dục đại học ở Hoa Kỳ coi trọng và áp dụng quy tắc thị trường trong hoạt động, nhưng họ không bỏ qua quy luật của thị trường mà thay vào đó sử dụng và khai thác chúng trong quản lý và điều hành. Hơn nữa, Chính phủ Hoa Kỳ cũng hỗ trợ gián tiếp cho những tác động tích cực của thị trường đối với cơ sở giáo dục đại học. Tổ chức và quản lý nội bộ của các trường đại học và hiệp hội đại học ở Hoa Kỳ thường dựa vào một hội đồng học thuật tích cực đóng góp vào quản lý và chỉ đạo của tổ chức. Hội đồng học thuật này bao gồm đại diện từ nhiều vị trí khác nhau, bao gồm các quản trị viên, giáo sư, giảng viên và thậm chí các thành viên cộng đồng hoặc tình nguyện viên.

Xu hướng thích nghi và tận dụng thành tựu, ưu điểm và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với “hoạt động quản lý nghiên cứu và phát triển” tại Hoa Kỳ đã đẩy mạnh chiến lược phát triển của các cơ sở giáo dục đại học thông qua việc hợp tác với các đối tác bên ngoài hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của quốc gia, đặc biệt là sự hợp tác với các doanh nghiệp và tập đoàn có thương hiệu mạnh, nguồn lực và khả năng phát triển. Một ví dụ gần đây là việc Đại học Nam California hợp tác với tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới để thành lập một Trung tâm Nghiên cứu tập trung vào việc phát triển các phương pháp tiếp cận mới nhất về quyền riêng tư, bảo mật và độ tin cậy của máy học.

Trung tâm Học máy An toàn và Đáng tin cậy sẽ được đặt tại Trường Kỹ thuật Viterbi của Đại học Nam California và sẽ tụ họp các nhà nghiên cứu từ cả Đại học Nam California và Amazon để phát triển các công cụ và giải pháp trong lĩnh vực học máy và trí tuệ nhân tạo. Cuối cùng, các thành tựu của trung tâm này có thể được mở rộng quy mô để hỗ trợ người tiêu dùng của Amazon trên toàn thế giới.Ngoài việc xây dựng môi trường nghiên cứu hợp tác, Trung tâm cũng sẽ cung cấp học bổng hàng năm cho nghiên chuyên sâu trong các lĩnh vực này. Hơn nữa, Trung tâm sẽ tổ chức các hội thảo và chương trình đào tạo dành cho sinh viên đại học và trung học về trí tuệ nhân tạo và học máy, có các công ty khởi nghiệp luôn ở hàng đầu trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo và tiết kiệm chi phí cho cả các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp.

Một số đề xuất về quản lý nhà nước hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam

Giáo dục đóng một vai trò không thể phủ nhận đối với sự tiến bộ kinh tế – xã hội trong mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, sự quan trọng của giáo dục không chỉ là ưu tiên hàng đầu mà còn được thể hiện rõ trong cơ sở pháp luật quản lý giáo dục. Theo quy định tại Điều 104 của Luật Giáo dục năm 2019 (được áp dụng từ ngày 01/7/2020), chính sách quản lý giáo dục bao gồm việc xây dựng và hướng dẫn thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục, để từ đó có thể đề xuất một số giải pháp cụ thể như:

Một là, cần tiến hành việc hoàn thiện chiến lược và các chính sách phát triển giáo dục đại học. Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng như công cụ thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục và tận dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Chiến lược và các chính sách phát triển giáo dục đại học được coi là nội dung cơ bản và trung tâm của quản lý nhà nước về kinh tế đối với giáo dục đại học. Đầu tiên, cần thiết phải hoàn thiện chiến lược phát triển giáo dục đại học, đồng thời xây dựng chiến lược chủ động để ứng phó với các hiệp định quốc tế cả song phương và đa phương liên quan đến dịch vụ giáo dục đại học xuyên biên giới.

Ngoài ra, cần tập trung vào đào tạo và bồi dưỡng các loại nhân lực có khả năng phục vụ trực tiếp cho quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng các chương trình nghiên cứu và đào tạo đặc thù phù hợp với nhu cầu của quốc gia và dân tộc. Điều này bao gồm việc thu hút các nhà nghiên cứu và học viên quốc tế để tham gia vào môi trường học thuật tại các cơ sở giáo dục đại học. Điều này sẽ đóng góp vào sự đa dạng và phong phú hóa môi trường học thuật, đồng thời củng cố vị thế và uy tín quốc tế của hệ thống giáo dục đại học.

Hai là, trong những giải pháp quan trọng là cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục đại học. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục đại học tại Việt Nam được đánh giá là có hiệu lực cao, đầy đủ và đáp ứng kịp thời. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Đặc biệt, chưa thể khẳng định rằng đã tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động và tận dụng các cơ hội giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục. Không đồng nhất trong việc coi các cơ sở giáo dục đại học như là những đơn vị cung cấp dịch vụ có pháp nhân và quyền tự chủ cao, cũng như chưa đạt được sự bình đẳng mong đợi trong quản lý giáo dục đại học giữa các cơ sở, tổ chức và cá nhân liên quan. Vì vậy, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng và tính công bằng của giáo dục đại học. Cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý giáo dục đại học theo hướng coi các cơ sở giáo dục đại học như là những thực thể pháp nhân có quyền tự chủ cao. Tiếp đến, cần điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến học phí, lệ phí, chế độ học bổng, cũng như chính sách trợ cấp và hỗ trợ sinh viên. Cuối cùng, việc pháp lý hóa mối quan hệ giữa Nhà nước và các trường đại học là quan trọng để tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học.

Cần tiến hành hoàn thiện chính sách tài chính nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục đại học bằng cách đa dạng hóa nguồn thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này bao gồm việc áp dụng các chương trình chia sẻ chi phí như thu học phí, hỗ trợ sinh viên vay vốn, khuyến khích quyên góp và tặng quà từ doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục ngoài hệ thống công lập. Quan trọng là cần phải phân biệt rõ giữa trường vì lợi nhuận và trường không vì lợi nhuận khi ban hành và thực thi chính sách tài chính, thay vì chỉ tập trung vào phân biệt theo hình thức sở hữu như hiện tại.

Việc ra quyết định đầu tư cho ngành Giáo dục phải được thực hiện theo phương thức phân cấp, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan ra quyết định chính. Quyết định đầu tư chỉ được thực hiện khi đủ căn cứ theo quy định của pháp luật và có xác định rõ nguồn vốn, trong phạm vi được phân cấp để tránh tình trạng phê duyệt vốn đầu tư dự án vượt quá khả năng cân đối. Đồng thời, việc thành lập ban quản lý dự án thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần thiết, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý chặt chẽ các dự án trong lĩnh vực giáo dục đại học. Điều này sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong mọi khâu của quá trình thực hiện dự án, đồng thời quy định rõ trách nhiệm cá nhân và đơn vị liên quan đến chất lượng dự án và hiệu quả đầu tư. Cần xây dựng lộ trình cụ thể về xã hội hóa từng phần hoặc 100% các cơ sở đào tạo do nhà nước đầu tư, trừ những cơ sở đào tạo thuộc trọng điểm quốc gia.

Ba là, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của giáo dục đại học Hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát đóng vai trò quan trọng trong quản lý của cả hệ thống quản lý nhà nước nói chung và hệ thống quản lý về kinh tế đối với giáo dục đại học nói riêng. Các hoạt động này nhằm bảo đảm rằng các đơn vị thực hiện đúng theo pháp luật và các quy định của Nhà nước.

Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát có tác dụng quan trọng trong việc bảo đảm các cơ sở giáo dục đại học tuân thủ đúng quy định về quản lý nhân sự, tài chính, đầu tư, tuyển sinh và đào tạo. Những hoạt động này giúp phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời mọi biểu hiện, hành vi vi phạm quy định trong quản lý đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, bên cạnh đó cảnh báo và ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí tài sản của Nhà nước trong hoạt động quản lý giáo dục.

Bốn là, cần hoàn thiện bộ máy quản lý giáo dục đại học với vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống quản lý nhà nước về kinh tế đối với giáo dục đại học.  Hoàn thiện cơ chế quản lý, bao gồm việc loại bỏ cơ chế bộ chủ quản và thay vào đó xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Điều này nhằm mục đích bảo đảm sự độc lập và minh bạch trong quản lý, đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra và giám sát của cộng đồng. Ngoài ra, cần tận dụng vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp, để họ đóng góp vào việc giám sát chất lượng giáo dục đại học, tạo ra một môi trường giáo dục mở và minh bạch. Cần hoàn thiện hệ thống phân cấp quản lý trong giáo dục đại học, đồng nghĩa với việc chính quyền tập trung vào việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển, hướng dẫn triển khai hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Điều này bao gồm việc hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và điều tiết cấu trúc, quy mô của giáo dục đại học theo hướng đáp ứng linh hoạt với nhu cầu nhân lực của đất nước trong từng giai đoạn thời kỳ.

Kết luận

Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là một vấn đề được đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển, không chỉ trong nước mà còn là khu vực và thế giới. Điều này dựa trên việc thực hiện các hoạt động hành chính nhà nước nhằm chỉ đạo các hoạt động giáo dục tại cơ sở. Đặc điểm hành chính – giáo dục là khía cạnh quan trọng nhất trong việc quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Chỉ khi kết hợp quản lý hành chính và quản lý chuyên môn, chúng ta mới có thể đạt được sự chỉ đạo hiệu quả đối với các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Để đánh giá hiệu suất của chương trình đào tạo, các khảo sát liên quan đến việc làm của sinh viên tốt nghiệp được triển khai một cách chặt chẽ. Điều này giúp bảo đảm chương trình học cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể tích hợp dễ dàng vào thị trường lao động. Ngoài ra, để đạt được sự tương thích với các hệ thống giáo dục trong khu vực, hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia được xây dựng và ban hành, bảo đảm tính khoa học và sự tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó thúc đẩy sự hội nhập và phát triển bền vững của giáo dục đại học.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019.
2. Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
3. Diễn đàn chính sách kinh doanh. Japan, Research Report on the Transformation of Japan’s Manufacturing Industry and the Future Response Brought by IoT (in Japanese), 2016, trang 82-83.
4. Ngô Thị Phương Lan. Tự chủ đại học và mô hình quản trị đại học tại Đại học Quốc gia – Ảnh hưởng của toàn cầu và cải cách quốc gia. Kỷ yếu hội thảo: “Tự chủ đại học và mô hình quản trị đại học tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh”, tháng 4/2020.
5. Public policy implications of the fourth industrial revolution for Singapore, https://www.rsis.edu.sg/wp- content/uploads/2017/12/PR171220_Public-Policy-Implications-of-the- Fourth-Industrial-Revolution-for-Singapore_WEB.pdf.
6. The UN Migration Agency, 2018. Education and migration An assessment of the types and range of IOM’s education and vocational training projects. The International Organization for Migration (IOM).