Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ giảng viên ở Trường Sĩ quan Công binh trong tình hình mới

Trung tá Tạ Văn Thắng
Học viên cao học, hệ 5, Học viện Chính trị
(Quanlynhanuoc.vn) – Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo ngang tầm nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo lộ trình và bước đi được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là vấn đề đặc biệt quan trọng, cấp thiết của các nhà trường quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Công binh nói riêng. Để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Ảnh minh hoạ: qdnd.vn.

Những năm qua, trên cơ sở quán triệt, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”1, cùng các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục và đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Công binh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên vững mạnh toàn diện, nhất là vững mạnh về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ sư phạm; có trình độ ngoại ngữ, tin học tốt, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Đánh giá những kết quả nổi bật về công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo của Nhà trường trong những năm qua, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng ủy Trường Sĩ quan Công binh nêu rõ: “Đã quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên phát triển toàn diện, có kiến thức chuyên môn sâu, có khả năng nghiên cứu khoa học và biên soạn giáo trình, tài liệu”2. Thường xuyên quan tâm đưa giảng viên đi học tập, nghiên cứu thực tế nhằm nâng cao trình độ, phương pháp công tác; mở lớp bồi dưỡng phương pháp sư phạm, bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học cho giảng viên. Trong đó, đã “bồi dưỡng và cấp chứng chỉ quản lý giáo dục: 10; bồi dưỡng tin học: 40; ngoại ngữ: 113. 100% giảng viên có trình độ đại học, 71,70% sau đại học (tăng 0,97% so với nhiệm kỳ trước) trong đó có 10,69% tiến sĩ (tăng 5,43% so với nhiệm kỳ trước)”3.

Cùng với công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường còn thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, tuyển chọn, tạo nguồn phát triển, sử dụng đội ngũ giảng viên; gắn điều động, bổ nhiệm, luân chuyển với điều chỉnh quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn kế cận. Đồng thời, bảo đảm tốt công tác chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ giảng viên phát triển toàn diện, yên tâm, gắn bó với nghề nghiệp. Với chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời của Đảng ủy Nhà trường và cấp ủy, người chỉ huy các cấp, đến nay, đội ngũ giảng viên của Trường Sĩ quan Công binh về cơ bản có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuẩn mực; có trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm vững vàng; có kinh nghiệm thực tiễn khá phong phú; có cơ cấu khá đồng bộ cả về độ tuổi và chuyên ngành giảng dạy; số giảng viên có học hàm, học vị ngày càng được trẻ hóa.

Bên cạnh những ưu điểm đạt được, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên của Nhà trường có mặt chưa đáp ứng kế hoạch đề ra; tỷ lệ giảng viên qua cương vị thực tế đơn vị còn thấp; cơ cấu về độ tuổi, kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy của đội ngũ giảng viên còn có những bất cập; một số giảng viên còn hạn chế về trình độ tin học, ngoại ngữ… Đây là những trở lực lớn cần đặc biệt quan tâm khắc phục kịp thời nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.

Trước yêu cầu phát triển ngày càng cao của nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường, đòi hỏi đội ngũ giảng viên của Nhà trường tiếp tục phải được bồi dưỡng, phát triển toàn diện hơn nữa. Do đó, cấp ủy, người chỉ huy các cấp và mỗi giảng viên cần quan tâm tiến hành tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng trong Nhà trường về công tác phát triển đội ngũ giảng viên.

Nâng cao nhận thức cho các tổ chức, các lực lượng trong Nhà trường về công tác phát triển đội ngũ giảng viên là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác phát triển đội ngũ giảng viên. Thực hiện giải pháp này, cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần đặc biệt coi trọng việc quán triệt, giáo dục cho tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và mỗi cán bộ, giảng viên thuộc quyền nắm vững các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác cán bộ liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu then chốt quyết định thành công việc đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.

Cần quan tâm quán triệt sâu, rộng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển, giáo dục và đào tạo trong Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Đề án xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 – 2030,… đến toàn thể cán bộ, giảng viên. Trên cơ sở đó, nhằm tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức của các tổ chức, các lực lượng và mỗi cán bộ, giảng viên về yêu cầu tất yếu khách quan phải phát triển đội ngũ giảng viên vững mạnh toàn diện, ngang tầm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong tình hình mới.

Hai là, phát huy vai trò của cấp ủy, người chỉ huy các cấp trong công tác quy hoạch, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên ngang tầm nhiệm vụ.

Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa nền tảng trong phát triển đội ngũ giảng viên của Nhà trường vững mạnh toàn diện, ngang tầm nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong rà soát, đánh giá thực chất đội ngũ giảng viên làm cơ sở cho việc quy hoạch đội ngũ giảng viên một cách đồng bộ, có cơ cấu, độ tuổi hợp lý; bảo đảm nguồn kế cận, kế tiếp có tính kế thừa liên tục, vững chắc. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt, giảng viên trẻ có năng lực phát triển toàn diện. Chủ động bố trí, sắp xếp, cử giảng viên đi thực tế ở các đơn vị cơ sở để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn sư phạm đảm nhiệm.

Cần đẩy mạnh thực hiện “chuẩn hóa” chức danh chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên; thực hiện minh bạch, công khai xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí gắn với chính sách đãi ngộ về vật chất, tinh thần phát triển đội ngũ nhà giáo có học hàm phó giáo sư, giáo sư để khuyến khích giảng viên phấn đấu vươn lên, nhất là số giảng viên trẻ có học vị tiến sĩ. Quá trình quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp, sử dụng giảng viên phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, chính xác, đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những giảng viên thiếu gương mẫu trong phấn đấu, rèn luyện.

Quá trình thực hiện công tác quy hoạch, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên đòi hỏi cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm đội ngũ giảng viên của từng khoa, từng chuyên ngành để xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo một cách phù hợp, hiệu quả. Phát huy vai trò của cấp ủy, người chỉ huy các khoa giáo viên và cơ quan Phòng Chính trị trong tham mưu các biện pháp thiết thực nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác quy hoạch, bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên bảo đảm khoa học, có tính dự báo, đi trước, đón đầu, tránh bị động.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, nhất là bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ thiết thực góp phần giải quyết được số lượng mà còn nâng cao được chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Do vậy, cấp ủy, người chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp trong Nhà trường trên cơ sở đánh giá, phân loại chính xác chất lượng đội ngũ giảng viên và căn cứ vào tiêu chuẩn của chức danh giảng viên cần định hướng và xây dựng kế hoạch đưa giảng viên đi bồi dưỡng ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài quân đội đảm bảo một cách khoa học. Nội dung bồi dưỡng phải toàn diện, cả trình độ lý luận, kiến thức, trình độ chuyên môn chuyên ngành, kỹ năng sư phạm, nghiên cứu khoa học, cả về năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành, kinh nghiệm, trình độ tổ chức hoạt động thực tiễn.

Về hình thức bồi dưỡng, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện cho đội ngũ giảng viên bằng nhiều hình thức, như: tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên, nhất là số giảng viên trẻ tham gia các khóa đào tạo sau đại học; kết hợp đào tạo với đào tạo lại để bổ sung, cập nhật kiến thức mới, trọng tâm là những môn học, ngành học có sự phát triển nhanh về lý luận và thực tiễn; khuyến khích giảng viên tự học, tự bồi dưỡng toàn diện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với cấp ủy, chỉ huy các khoa giảng viên cần chủ động xác định nội dung, hình thức bồi dưỡng đội ngũ giảng viên thuộc quyền một cách phù hợp. Các hình thức bồi dưỡng cần tập trung vào việc bổ túc kiến thức, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Bên cạnh đó, cần thường xuyên xây dựng và tổ chức cho giảng viên trực tiếp tham gia các loại hình hoạt động sư phạm (dự giờ giảng của giảng viên trong khoa; thông qua bài giảng và thực hành giảng bài; tổ chức điều khiển thảo luận; tham gia coi thi, chấm thi, đánh giá kết quả học tập của học viên;…) để giúp giảng viên, nhất là giảng viên trẻ củng cố kiến thức chuyên ngành, chuẩn bị về bản lĩnh sư phạm, sự vững vàng về tâm lý, kỹ năng xử lý các tình huống nảy sinh trong hoạt động thực tiễn sư phạm của bản thân.

Cùng với các giải pháp trên, cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần thực hiện tốt chế độ, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; xây dựng và từng bước thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý với đặc thù hoạt động sư phạm, nhất là chính sách quân hàm, chính sách về nhà ở của giảng viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng nhằm nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả, điển hình tiên tiến trong công tác giáo dục, đào tạo;… Qua đó, tạo môi trường sư phạm quân sự thuận lợi để giảng viên yên tâm, gắn bó với nghề nghiệp; phát huy hết tài năng, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp “trồng người” vĩ đại của dân tộc, của đất nước; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, “vừa hồng, vừa chuyên” cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021, tr. 232.
2. Đảng uỷ Trường Sĩ quan Công binh (2020). Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bình Dương, tr. 2.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI). Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hà Nội.