Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ ở các trường quân đội hiện nay

Thiếu tá Lê Đình Tiến
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Phương pháp giảng dạy có vị trí quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu dạy học đã xác định, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của quá trình giáo dục. Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ ở các trường quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong hệ thống nhà trường quân đội.
Ảnh minh họa (bienphong.com.vn).
Đặt vấn đề

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại, người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, một nhà giáo dục lớn, khai sinh ra nền giáo dục cách mạng nước ta. Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu một cách sâu sắc hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục nói chung, về phương pháp giảng dạy nói riêng và vận dụng sáng tạo vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo ở nước ta là vấn đề có tính cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng nền giáo dục quốc dân.

Thời gian qua, việc bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường quân đội đã được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức, biện pháp đan xen, như: thông qua bài giảng, trao đổi, dự giờ, thao giảng, tập huấn về phương pháp khai thác và xử lý thông tin; hội thảo chuyên đề về các phương pháp dạy học tích cực… qua đó, hoàn thiện phương pháp giảng dạy của mỗi giảng viên. Tuy nhiên, việc tổ chức bồi dưỡng có lúc, có nơi chưa thật sự khoa học, chưa bao quát hết nội dung; cách thức bồi dưỡng phương pháp giảng dạy còn chung chung, chưa sát với đối tượng của từng môn học và đối tượng đào tạo. Hiệu quả bồi dưỡng phương pháp giảng dạy của một số giảng viên trẻ còn có những hạn chế nhất định, chưa giải quyết dứt điểm được những khâu yếu, mặt yếu về phương pháp giảng dạy. Có giảng viên trẻ còn lúng túng trong đổi mới phương pháp giảng dạy hoặc chủ yếu chỉ sử dụng các phương pháp giảng dạy truyền thống trong quá trình giảng dạy tại nhà trường.

Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ ở các trường quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên trẻ về công tác bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi thực hiện nhiệm vụ, bất kể việc gì, từ lớn đến nhỏ, người cán bộ đều phải có mục đích và tư tưởng đúng trong công việc thì hành động mới không sai lệch. Do vậy, đội ngũ giảng viên trẻ ở các trường quân đội cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải bồi dưỡng phương pháp giảng dạy; hiểu rõ những nội dung cơ bản về phương pháp giảng dạy khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm chắc điểm mạnh, yếu trong phương pháp giảng dạy của bản thân, từ đó có sự vận dụng phù hợp; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm trong công tác bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp giảng dạy khoa học cho đội ngũ giảng viên trẻ.

Cần coi bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một biện pháp có giá trị đặc biệt, là cẩm nang vô giá, làm cơ sở trực tiếp để định hướng phương pháp giảng dạy khoa học cho đội ngũ giảng viên trẻ ở các trường quân đội hiện nay. Lãnh đạo các nhà trường tiếp tục quan tâm, cử giảng viên trẻ tham dự các lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực cơ bản và nâng cao cho đội ngũ giảng viên trẻ. Nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên trẻ về việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, nhận thức rõ tính ưu việt và giá trị khoa học của các phương pháp đó. Đẩy mạnh việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn ở tổ bộ môn, khoa chuyên môn để định hướng một cách thống nhất về cách tiếp cận nội dung kiến thức và áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực ở từng chuyên đề.

Hai là, đổi mới, cập nhật nội dung bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên trẻ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác – Lênin làm gốc”1. Ngoài chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Người đặc biệt lưu ý đến những tài liệu thiết thực: “Đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý, không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học”2.

Do vậy, trong quá trình bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên trẻ, trước hết, cần đổi mới nội dung bài giảng. Nội dung bài giảng phải bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thiết thực, cập nhật thực tiễn, đáp ứng mục tiêu đào tạo của nhà trường. Tăng tính hướng dẫn, truyền thụ kinh nghiệm, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong tiễn ở các phân đội thông tin. Nội dung từng phần, từng mục, từng tiểu tiết kết cấu lôgíc phải bảo đảm tính cân đối, hợp lý; mức độ khái quát chặt chẽ, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn; phương pháp sinh động, có khả năng kích thích tư duy độc lập, sáng tạo. Trên cơ sở chuẩn bị tốt giáo án và thực hiện đúng quy trình, quy định tiến hành bài giảng, mỗi giảng viên cần thực hiện tốt cả hình thức và phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu vừa trang bị nội dung kiến thức, vừa bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho người học. Mặt khác, khi bàn đến đổi mới nội dung bài giảng cần đặt trong mối liên hệ mật thiết đến chương trình các môn học.

Dưới góc độ lý luận dạy học, chương trình giảng dạy là sự tổ chức nội dung giảng dạy, một công cụ quan trọng cho việc tổ chức, quản lý, đánh giá quá trình dạy học và định hướng cho hoạt động giảng dạy.

Ba là, đổi mới phương pháp giảng bài phù hợp với từng đối tượng học viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở, trước khi thực hiện nhiệm vụ, bất kể việc gì, từ lớn đến nhỏ, người cán bộ đều phải xác định rõ phương pháp làm việc. Người yêu cầu tất cả cán bộ, công chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở phải có phương pháp làm việc khoa học, phải kết hợp giữa “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”3.

Thực hiện đổi mới phương pháp giảng bài, mỗi giảng viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng hệ thống kiến thức cơ bản và kiến thức mở rộng cho một bài giảng. Bài giảng phải được thiết kế công phu, nghiêm túc và giảng viên phải thuần thục “kịch bản” nội dung đã chuẩn bị cùng hệ thống các vấn đề câu hỏi theo một kết cấu hợp lý, chặt chẽ, khoa học, phù hợp với trình độ nhận thức và đặc điểm của đối tượng người học. Đồng thời, phải chuẩn bị các phương án trả lời, định hướng, trao đổi với học viên; dự kiến các tình huống sư phạm có thể xảy ra trong quá trình thực hành giảng.

Trong mỗi bài giảng, giảng viên cần coi trọng và tích cực áp dụng phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học; dân chủ trong trao đổi, thảo luận, tập bài; sử dụng kết hợp nhiều phương pháp để giải quyết các nội dung học tập. Tuy nhiên, trong từng bài giảng bao giờ cũng xác định một phương pháp giảng dạy có vị trí chủ đạo, các phương pháp khác đóng vai trò hỗ trợ. Khi thực hành giảng, giảng viên gợi ý, dẫn dắt, giúp đỡ học viên giải quyết các vấn đề theo kịch bản, đồng thời kích thích tính tích cực, sáng tạo của người học, chú ý tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những nội dung cơ bản, cốt lõi của bài giảng, của mỗi học phần. Việc trao đổi, thảo luận cần linh hoạt, uyển chuyển, kết hợp giữa cá nhân với làm việc theo nhóm.

Bốn là, nâng cao trình độ, kỹ năng khai thác, sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại cho giảng viên trẻ.

Để ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả cao, vấn đề có ý nghĩa quyết định là trình độ, năng lực, kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin của người giảng viên trong dạy học. Việc khai thác, sử dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại trong dạy học sẽ là sự bổ trợ thiết thực, hữu hiệu cho nội dung bài giảng, góp phần quan trọng tăng tính hấp dẫn, sự chú ý của người học, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy.

Do vậy, Nhà trường cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại cho giảng viên trẻ, bảo đảm để mỗi giảng viên trẻ đạt chuẩn về cơ bản trở lên, làm chủ được phương tiện kỹ thuật nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng cho các phương pháp dạy học tích cực hiện nay. Nội dung tập huấn tập trung vào việc nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm dạy học, phần mềm mô phỏng,… Tích cực, chủ động và tăng cường ứng dụng các loại hình kỹ thuật dạy học, như: máy tính, các phương tiện trình chiếu… Tuy nhiên, cần lưu ý không được tuyệt đối hóa vai trò của phương tiện kỹ thuật, càng không nên đơn thuần coi việc sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại trong giảng dạy là đã thực hiện được việc đổi mới phương pháp giảng dạy.

Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động của giảng viên trẻ trong tự bồi dưỡng phương pháp giảng dạy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc tự học, “lấy tự học làm cốt”. Thầy, cô giáo phải biết cách hướng dẫn cách tự học cho học sinh và bản thân thầy, cô giáo chỉ có bằng cách tự học mới có thể nâng cao trình độ cập nhật kiến thức để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong quá trình học tập, Người căn dặn: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”4. Theo Người, tự học chính là sự nỗ lực của bản thân người học, sự làm việc của bản thân người học một cách có kế hoạch trên tinh thần tự giác, tự ý thức học tập. Người yêu cầu thầy, cô giáo phải không ngừng học tập: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”5.

Để làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, đội ngũ giảng viên trẻ phải không ngừng học tập, trau dồi tri thức; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ năng lực sư phạm, tác phong phương pháp công tác; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm kỷ luật, đoàn kết thống nhất cao trong tập thể sư phạm. Tích cực rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo sư phạm. Chú trọng thực hiện đầy đủ các khâu, các bước của hoạt động sư phạm: lập kế hoạch, nắm đối tượng, đọc tài liệu, xây dựng đề cương, viết giáo án, thục luyện, thông qua, giảng thử, dự kiến và xử lý các tình huống sư phạm.

Kết luận

Hiện nay, các trường quân đội đang tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo trong hoạt động nhận thức của học viên. Theo đó, mỗi giảng viên trẻ cần tăng cường hoàn thiện các nội dung giảng dạy đạt tới sự thành thạo; chú trọng rèn luyện kỹ năng nghiên cứu tài liệu, biên soạn, thực hành bài giảng, truyền thụ kiến thức, nắm thông tin phản hồi từ học viên; chuẩn bị, điều khiển thảo luận (xêmina); kỹ năng và phương pháp nghiên cứu khoa học. Tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện kỹ năng giảng dạy, sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện thiếu tích cực trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp giảng dạy và những biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, hướng tới xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ luôn là những tấm gương sáng, mẫu mực cho học viên học tập, noi theo.

Chú thích:
1, 2, 3, 5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 359, 360, 233 – 234, 361.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr.98.
Tài liệu tham khảo:
1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. H. NXB Chính trị quốc gia, 2008.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Nguyễn Văn Thi. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bồi dưỡng phương pháp dạy học cho đội ngũ giảng viên, giáo viên. Tạp chí Nhà trường quân đội, số 6/2014.