Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2023

(Quanlynhanuoc.vn) – Bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế; sửa đổi thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước; giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước, giảm tới 50% với 8 khoản phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; bổ sung quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của ngân hàng liên doanh… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2023.
Ảnh minh hoạ (internet).
Bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế

Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 03/12/2023, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế là: người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng đã được cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, gồm: người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài

Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.

Nghị định nêu rõ, Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.

Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài như sau:
(1) Người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì gọi đến số điện thoại của Tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
(2) Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận, đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình.
(3) Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, người tiếp nhận phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
(4) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận thông báo, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình theo quy định. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Sửa đổi thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước

Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 22/12/2023. Trong đó, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi thời hạn và lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất – kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.

Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, bảo đảm nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22/12/2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.

Chức năng, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ

Nghị định số 81/2023/NĐ-CP ngày 27/11/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ có hiệu lực từ 01/12/2023. Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ gồm 19 đơn vị: 1- Vụ Pháp chế; 2- Vụ Tổ chức cán bộ; 3- Vụ Hợp tác quốc tế; 4- Vụ Kế hoạch – Tổng hợp; 5- Văn phòng; 6- Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I); 7- Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II); 8- Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội (Vụ III); 9- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 1 (Cục I); 10- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II); 11- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 3 (Cục III); 12- Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV – theo quy định tại Nghị định số 50/2018/NĐ-CP là Cục Phòng, chống tham nhũng); 13- Cục Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra (Cục V- theo quy định tại Nghị định số 50/2018/NĐ-CP là Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra); 14- Ban Tiếp công dân trung ương; 15- Viện Chiến lược và khoa học thanh tra; 16- Báo Thanh tra; 17- Tạp chí Thanh tra; 18- Trường Cán bộ thanh tra; 19-Trung tâm Thông tin.

Trong đó, các đơn vị quy định từ 1 – 14 là các tổ chức hành chính, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị từ 15 – 19 là các đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.

Ban Tiếp công dân trung ương có bộ phận thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh.

Tổng Thanh tra Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ.

Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước 

Theo Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 01/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 đồng trở lên. Hiện nay, Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300.000.000 đồng.

Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Giảm tới 50% với 8 khoản phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về phí, lệ phí, nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Theo Thông tư, Bộ Tài chính giảm từ 10% đến 50% mức thu 8 khoản phí, lệ phí đến hết ngày 31/12/2025 khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Cụ thể, có 4 khoản phí, lệ phí được giảm kể từ ngày 01/12/2023 đến hết ngày 31/12/2025 khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến như sau: (1) Tổ chức nộp hồ sơ đề nghị cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo hình thức trực tuyến, áp dụng mức thu phí bằng 90% mức thu phí quy định tại Thông tư số 148/2016/TT-BTC. (2) Tổ chức, cá nhân nộp đơn, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, áp dụng mức thu phí bằng 90% mức thu phí quy định tại Thông tư số 287/2016/TT-BTC. (3) Mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin, áp dụng mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Thông tư số 48/2022/TT-BTC. (4) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp…

Ngoài ra, có 4 khoản phí, lệ phí được giảm kể từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2025 khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến như sau: (1) Trường hợp đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, áp dụng mức thu phí bằng 90% mức thu phí quy định tại Thông tư số 245/2016/TT-BTC. (2) Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn, hồ sơ yêu cầu thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Thông tư số 263/2016/TT-BTC. (3) Trường hợp công dân Việt Nam nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, áp dụng mức thu phí bằng 90% mức thu phí quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC. (4) Trường hợp tổ chức nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, áp dụng mức thu phí bằng 80% mức thu phí quy định tại Thông tư số 38/2022/TT-BTC.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/12/2023. Các mức thu mới áp dụng từ 01/12/2023 đến 31/12/2025. Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí như hiện nay.

Xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong cơ sở giáo dục công lập

Thông tư số 21/2023/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập có hiệu lực từ 16/12/2023.

Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật quy định tại Thông tư này được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89 quy định tại Bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Bổ sung quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của ngân hàng liên doanh

Ngày 31/10/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Theo đó, Thông tư số 13/2023/TT-NHNN bổ sung điểm b (iii) vào điểm b khoản 3 Điều 31 về chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Cụ thể, việc chuyển nhượng phần vốn góp cho tổ chức không phải là thành viên góp vốn của ngân hàng liên doanh cần đảm bảo tỷ lệ góp vốn theo quy định và đáp ứng các điều kiện sau:
– Được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài;
– Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn vào ngân hàng liên doanh theo quy định của pháp luật;
– Trường hợp là doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;
– Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của ngân hàng liên doanh;
– Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
– Kinh doanh có lãi trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
– Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;
– Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
– Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 14/12/2023.

Quy định mới về mức thu phí khai thác, sử dụng dữ liệu về môi trường

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường. Theo Thông tư, mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường được quy định như sau:
– Phí khai thác, sử dụng hồ sơ, tài liệu quản lý chất lượng môi trường; quản lý chất thải và cải thiện môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; truyền thông môi trường; quản lý môi trường lưu vực sông, ven biển và biển: 800.000 đồng/báo cáo.
– Phí khai thác, sử dụng bản đồ mạng lưới quan trắc (nước mặt, không khí, đất): đối với bản đồ mạng lưới quan trắc tỷ lệ 1/250.000, mức phí là 4.000.000 đồng/mảnh; đối với bản đồ mạng lưới quan trắc tỷ lệ 1/25.000, mức phí là 870.000 đồng/mảnh.
– Phí khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên đề môi trường tỷ lệ 1/250.000; 1/500.000; 1/100.000 là 9.145.000/mảnh…

Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nhận thông báo nghĩa vụ tài chính từ cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu về môi trường; phí nộp cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này là cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu về môi trường theo quy định tại Nghị định số 73/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Tổ chức thu phí được trích lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, nộp 30% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2023.

Quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió

Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BCT ngày 01/11/2023 quy định khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió. Thông tư được áp dụng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư các nhà máy điện mặt trời; điện gió; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Không áp dụng đối với nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió có hợp đồng mua bán điện ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá điện còn hiệu lực.

Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện hằng năm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi, nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển, nhà máy điện gió ngoài khơi; trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện hằng năm.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2023.

Yêu cầu mới về phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình

Thông tư số 09/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 01/12/2023, quy định sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, sẽ có một số quy định mới cần lưu ý, gồm: tại mỗi tầng phải bố trí ít nhất một họng khô để cấp nước chữa cháy cho tầng đó nếu không thể bảo đảm yêu cầu về chiều rộng khe hở giữa các bản thang và giữa các lan can tay vịn của bản thang; nhà và công trình không cần phải trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà nếu thuộc phạm vi phục vụ của các nguồn cấp nước chữa cháy ngoài nhà gồm bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo hoặc các nguồn nước tương tự khác…

Bãi bỏ 4 thông tư về quản lý tài chính trong lĩnh vực ngoại giao

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2023/TT-BTC ngày 08/11/2023 bãi bỏ 4 thông tư liên quan đến việc quản lý tài chính trong lĩnh vực ngoại giao. Theo Thông tư số 68/2023/TT-BTC, bãi bỏ toàn bộ 4 thông tư:
1. Thông tư số 42/2011/TT-BTC ngày 25/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế.
2. Thông tư số 73/2011/TT-BTC ngày 30/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
3. Thông tư số 31/2015/TT-BTC ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ cho tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
4. Thông tư số 37/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà, đất phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước theo hình thức hỗ tương và theo hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023.

Anh Dương tổng hợp