ThS. Trần Xuân Cần
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các nhà trường quân đội là một nội dung quan trọng, góp phần đẩy mạnh đổi mới giáo dục và đào tạo trong Quân đội. Từ nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo và thực tiễn tiến hành hoạt động này, bài viết nêu lên một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới sáng tạo ở các nhà trường quân đội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ sĩ quan quân đội có trình độ đại học, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới.
Đặt vấn đề
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn xác định nhất quán quan điểm xuyên suốt phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, trong đó coi đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục – đào tạo. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi”1. Quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo, tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong quá trình giáo dục, đào tạo, thời gian qua, các nhà trường quân đội đã có nhiều đổi mới tích cực, đồng bộ, toàn diện, thu được một số thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ sĩ quan cấp phân đội có trình độ đại học đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả, sáng tạo từng nội dung của quá trình đào tạo, đạt được chuẩn đầu ra để trở thành người sĩ quan cấp phân đội có phẩm chất, năng lực toàn diện, tham gia xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động đổi mới sáng tạo trong đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các nhà trường quân đội
Đổi mới sáng tạo có vị trí, vai trò quan trọng đối với vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo ở các nhà trường quân đội. Thời gian qua, các nhà trường quân đội đã thực hiện tốt hoạt động đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các nhà trường quân đội, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực cần thiết, khả năng phán đoán, suy xét tốt và đưa ra những quyết định nhanh chóng đối với vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.
Việc tiến hành đổi mới sáng tạo trong công tác giáo dục, đào tạo ở các nhà trường quân đội đã có nhiều tiến bộ về mọi mặt, cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ sĩ quan cấp phân đội. Các nhà trường quân đội đã thường xuyên quán triệt, triển khai tích cực thực hiện các nghị quyết, chỉ thị các cấp, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa XI) của Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Theo đó, các nhà trường quân đội đã có bước đột phá trong thực hiện đổi mới sáng tạo trong giáo dục – đào tạo và trọng tâm hướng vào đổi mới quy trình, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành cho học viên, chuẩn hóa hoàn chỉnh hệ thống chương trình khung giáo dục đại học.
Nội dung đào tạo tập trung vào sự phát triển của vũ khí trang bị, công nghệ thông tin, nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện nay, chú trọng nâng cao năng lực chỉ huy toàn diện của sĩ quan cấp phân đội, tập trung vào năng lực đảm nhiệm thực hiện chức trách ban đầu sau khi tốt nghiệp ra trường. Chất lượng công tác quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo được nâng cao; phương pháp giảng dạy, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và diễn tập chiến thuật được chú trọng, nhất là công tác rèn luyện kỹ năng thực hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng vào dạy học, tổ chức, quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo. Trong quá trình đào tạo, đã đẩy mạnh áp dụng phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, tự giác, sáng tạo của người học. Đối với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý ngày càng chủ động tích cực tham gia nghiên cứu đề tài, sáng kiến phục vụ quá trình giảng dạy, viết báo, chuyên đề khoa học, tham gia các hội thảo trong nước, quốc tế.
Các phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong giáo dục – đào tạo được đẩy mạnh gắn với nhân rộng các mô hình tốt, việc làm hay, điển hình tiên tiến để giáo dục, rèn luyện cán bộ, học viên trong các phong trào: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh nói không với khói thuốc”; “Đẩy mạnh giáo dục truyền thống, xây dựng bản lĩnh chính trị, nhân cách cho học viên”; “Giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh”; “Học viên, sinh viên nghiên cứu khoa học”; “Tổ chức quản lý, điều hành huấn luyện, ứng dụng mạng LAN”; “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, mô hình học cụ trong giáo dục, đào tạo”; “Trường xanh, lớp sạch, khuôn viên, cảnh quan đẹp”…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc đổi mới sáng tạo trong giáo dục, đào tạo ở các nhà trường quân đội còn một số hạn chế nhất định. Trong đó có quy trình, chương trình, nội dung đào tạo ở một số nhà trường chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, vũ khí trang bị và yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục so với mục tiêu đề ra chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới giáo dục và đào tạo, nhất là trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin; cơ sở vật chất phục vụ dạy học mặc dù đã đầu tư, bổ sung song vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ,… Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược, xung đột diễn ra dưới nhiều hình thức ngày càng gay gắt hơn.
Nhiệm vụ trọng tâm trong đẩy mạnh đổi mới sáng tạo ở các nhà trường quân đội
Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo đội ngũ sĩ quan cấp phân đội ở các nhà trường quân đội với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt. Qua đó, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ sĩ quan cấp phân đội có đủ phẩm chất, năng lực, có khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ trên cương vị công tác mới sau khi tốt nghiệp. Để đạt được điều này, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các chủ thể giáo dục, đào tạo về vị trí, vai trò của đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các nhà trường quân đội hiện nay.
Quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về công tác giáo dục và đào tạo, nhất là Chỉ thị số 855-CT/QUTW ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Căn cứ tình hình thực tiễn, cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp của mỗi nhà trường xây dựng kế hoạch, xác định chủ trương, biện pháp cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới sáng tạo trong công tác giáo dục, đào tạo. Thống nhất nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch liên quan đến đổi mới sáng tạo ở từng nhà trường quân đội.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp tiến hành giao nhiệm vụ cụ thể gắn với chức trách, nhiệm vụ từng tập thể, cá nhân tham gia có hiệu quả vào xây dựng phong trào đổi mới sáng tạo ở đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, công tác tốt, phục vụ tốt”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung, đổi mới chương trình, nội dung giáo dục – đào tạo; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo hướng đề cao sự sáng tạo.
Các nhà trường quân đội quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương thức, phương pháp giáo dục, đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”2 làm cơ sở định hướng cho việc đổi mới chương trình dạy học, chuyển mạnh quá trình dạy học từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Tiến hành rà soát toàn bộ chương trình, nội dung đào tạo, lọc bỏ những nội dung lạc hậu, không phù hợp, trùng lặp giữa các cấp học, bậc học; cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, có tính dự báo cao về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển của khoa học, nghệ thuật quân sự, trang bị, vũ khí thế hệ mới và thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống của quân đội. Điều chỉnh chương trình, nội dung theo hướng giảm tỷ lệ khối kiến thức giáo dục đại cương, tăng khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; rút ngắn thời gian lên lớp, tăng thời gian thực hành, tự học, tự nghiên cứu; gắn thực tiễn nghề nghiệp với nghiên cứu khoa học, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực cho người học theo mục tiêu yêu cầu đào tạo. Thực hiện mục tiêu đào tạo theo chức vụ gắn với đào tạo học vấn, tập trung vào chức trách ban đầu; bồi dưỡng năng lực sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp với bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội, vận dụng phương pháp dạy học tích cực để phát huy tính chủ động, tự giác, sáng tạo của học viên. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng vào công tác giảng dạy. Coi trọng việc hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng thực hành cho người học, nhất là kỹ năng chỉ huy, làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại và khả năng tự nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo sát với sự phát triển của thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức mới với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu. Thường xuyên tiến hành các hoạt động phương pháp từ cấp bộ môn, khoa, nhà trường, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tổ chức rút kinh nghiệm, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, coi đó là yêu cầu rất quan trọng, là biện pháp và đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy các hoạt động giáo dục đạt chất lượng đúng theo quy định; bảo đảm khách quan, trung thực, đúng trình độ, năng lực của người dạy và người học, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phúc tra, kiểm định chất lượng quá trình đào tạo từ quy trình, chương trình, nội dung đến chất lượng dạy – học, tình hình khai thác, sử dụng thiết bị dạy học, … Đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên, trọng tâm là nâng cao chất lượng đề thi, kiểm tra; thực hiện đa dạng các hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả, phù hợp với từng môn học, đối tượng đào tạo. Thường xuyên tổ chức khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của người học, của các đơn vị trong toàn quân về chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, quản lý, điều hành,… kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung vào quy trình giáo dục, đào tạo của các nhà trường.
Ba là, đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo, các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2020 – 2030”.
Tiếp tục nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm tính khoa học, sát thực tế, hiệu quả trong việc thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ, nghiệp vụ sư phạm, quản lý, kinh nghiệm thực tiễn,… cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của mỗi nhà trường đạt chuẩn theo quy định. Nhà giáo phải thực sự là những người truyền lửa, truyền nhiệt huyết, cảm hứng, khát vọng để học viên phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn, chiếm lĩnh tri thức khoa học, hoàn thiện nhân cách theo mục tiêu yêu cầu đào tạo.
Chủ động nghiên cứu, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài; sử dụng nhân lực đúng khả năng, sở trường, phát huy tối đa năng lực, trình độ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; phấn đấu đạt các tiêu chí đề ra, nhất là nâng cao tỷ lệ cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về giáo dục, đào tạo tình hình mới.
Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, bảo đảm tốt cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các nhà trường quân đội.
Chủ động xây dựng và nhân rộng các phong trào thi đua đổi mới sáng tạo ở các nhà trường quân đội, gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của các nhà trường là giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thực hiện tốt công tác đua khen thưởng nhằm động viên kịp thời đối với những cá nhân, tập thể có nhiều cố gắng, có thành tích cao về đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và công tác. Chính sách khen thưởng đúng người, đúng việc sẽ tạo thành động lực thúc đẩy sự phát triển năng lực sáng tạo của họ đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện dập khuôn, máy móc, ngại đổi mới, chây ì, ỉ lại; thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý kỷ luật đối với những cá nhân có biểu hiện lười học tập, ngại rèn luyện, không tích cực tham gia nghiên cứu, có tư tưởng bình quân chủ nghĩa,…
Có chính sách ưu tiên, khuyến khích cả về vật chất và tinh thần đối với những tập thể, cá nhân có thành tích cao trong đổi mới sáng tạo, đạt kết quả tốt trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong học tập, nghiên cứu khoa học; đặc biệt với những cá nhân có sản phẩm, thành tích nghiên cứu khoa học thể hiện sự sáng tạo, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, mang tính ứng dụng cao. Những cơ chế, chính sách đối với lực lượng này phải được chuẩn hóa trong các văn bản, nghị quyết các cấp từ nhà trường đến các cơ quan, đơn vị và phải được thực hiện nghiêm túc. Đó là cơ sở, tiền đề, động lực trực tiếp cho sự say mê đổi mới sáng tạo trong công tác giáo dục, đào tạo ở các nhà trường quân đội hiện nay.
Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Chú trọng hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các nhà trường quân đội theo mô hình nhà trường thông minh gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng. Trong đó, thực hiện ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường trọng điểm, ngành đào tạo mũi nhọn. Rà soát, quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, phòng học ngoại ngữ, phòng thí nghiệm, thư viện, thao trường, bãi tập,… bảo đảm đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa, hiện đại hóa, tiếp cận công nghệ mới, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm tính kế thừa, chống đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
Kết luận
Đổi mới sáng tạo trong đào tạo đội ngũ sĩ quan cấp phân đội là yêu cầu quan trọng, thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo ở các nhà trường quân đội trong giai đoạn hiện nay. Thực tiễn hoạt động này luôn đặt ra yêu cầu cao, đòi hỏi mỗi nhà trường quân đội cần nghiên cứu sâu sắc, xác định các biện pháp thực hiện phù hợp và vận dụng cụ thể vào điều kiện thực tế của từng cơ sở đào tạo, để không ngừng nâng cao chất lượng sĩ quan cấp phân đội, tạo cơ sở, nền tảng quan trọng để xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại trong những năm tiếp theo.