Thái độ học tập của sinh viên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam

ThS. Trịnh Thị Khánh Linh
Học viện Phụ nữ Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Người học là yếu tố rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng đào tạo của một trường đại học. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, cần có phương pháp thúc đẩy giúp người học có thái độ tích cực, tinh thần tự giác, chủ động cao trong học tập. Bài viết nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện thái độ học tập của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Ảnh minh họa (hvpnvn.edu.vn).
Thái độ và thái độ học tập

Thái độ là sự đáp ứng yêu thích hoặc không yêu thích đến một đối tượng, một người hoặc sự kiện. Thái độ được hiểu dưới nhiều quan điểm khác nhau, nhưng điểm chung về định nghĩa của thái độ là sự sẵn sàng đáp ứng1. Theo từ điển Tiếng Việt, thái độ là: “cách để lộ ý nghĩ và tình cảm trước một sự việc, trong một hoàn cảnh, bằng nét mặt, cử chỉ, lời nói, hành động”2.

Thái độ của con người có thể thay đổi ở mọi khía cạnh cuộc sống, bao gồm cả quá trình học tập. Thái độ của người học đối với việc học được xác định dựa vào khả năng học tập và sự sẵn sàng cho việc học. Các nhà nghiên cứu thường coi thái độ học tập là một trong những nhân tố đóng vai trò làm động cơ thúc đẩy tính tích cực của học sinh với giáo viên, với môn học, cũng như thái độ trong từng giai đoạn học tập. Bên cạnh đó, thái độ học tập là một trong những mục đích hàng đầu của dạy học bên cạnh việc cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo… và được biểu hiện ra bên ngoài bằng những hoạt động tích cực hoặc tiêu cực đối với các môn học. Thái độ học tập của các chủ thể khác nhau được thúc đẩy bằng động cơ học tập khác nhau. Thái độ học tập đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả học tập của người học, nhất là đối với sinh viên đại học khi người học phải tự học là chủ yếu3.

Thái độ học tập tích cực, tính tự giác, say mê trong học tập thể hiện ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo: từ khâu học trên lớp (nghe giảng, ghi chép, làm bài tập đầy đủ, phát biểu và tranh luận hăng hái trong các buổi thảo luận) đến khâu tự học, tự nghiên cứu (tìm kiếm các thông tin liên quan môn học ở thư viện, trên mạng, học tổ nhóm, tích cực tham gia và thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học… 4.

Một số yếu tố ảnh hưởng tới thái độ học tập của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam

Theo kết quả của Đề tài nghiên cứu khoa học “Một số yếu tố ảnh hưởng tới thái độ học tập của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam” do Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2023, tác giả đưa ra một số kết luận sau:

Một là, điều kiện ăn ở, sinh hoạt. Đa số sinh viên đều phải sống xa gia đình nên phải tự chăm sóc bản thân. Trong điều kiện chi tiêu gia đình cung cấp nên có sự ảnh hưởng nhất định đến thái độ, điều kiện thuận lợi học tập của sinh viên.

Hai là, động lực học tập. Được thể hiện ở các mục tiêu hướng nghiệp và quan hệ từ xã hội…, là những động lực quan trọng thúc đẩy thái độ học tập, tính tự giác trong học tập của sinh viên. Chính sự hứng thú, khả năng hiểu biết môn học, niềm tin vào những tri thức nhận được và nhu cầu nâng cao hiểu biết của sinh viên sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao thái độ học tập của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, học tập với mục đích tiếp thu các tri thức khoa học, hình thành những kỹ năng nghề nghiệp, phát triển phẩm chất, nhân cách trong tương lai; từ đó, có thể đáp ứng được các yêu cầu của xã hội, bảo đảm có được nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.

Ba là, giảng viên và phương pháp giảng dạy. Giảng viên là người truyền đạt kiến thức, kỹ năng, giúp sinh viên tiếp cận tri thức một cách hiệu quả. Mỗi giảng viên có phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp, tạo hình ảnh tươi vui, nhiệt tình, tính cách cởi mở trong quá trình giảng dạy sẽ tạo được hứng thú cho người học.

Bốn là, thực hành thực tế. Thông qua các môn học, sinh viên có thể tiếp cận với tri thức, rèn luyện các kỹ năng để có thể đạt được năng lực chuyên môn phục vụ xã hội. Nếu trong chương trình đào tạo có nhiều môn học đi sâu vào thực tiễn và có tính ứng dụng cao sẽ thúc đẩy thái độ học tập tích cực của sinh viên, những người đang cố gắng học hỏi nhằm tích lũy kiến thức và kỹ năng cho tương lai.

Năm là, cơ sở vật chất. Một môi trường có đầy đủ các điều kiện học tập, đầy đủ các phương tiện giảng dạy, phòng học, thư viện, cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị phục vụ sinh viên là điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên, tạo hứng thú và niềm say mê học tập cho sinh viên cũng như bảo đảm cho công tác giảng dạy của giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đánh giá chất lượng đào tạo, hệ thống trang thiết bị và cơ sở vật chất là một trong những tiêu chuẩn rất quan trọng, hệ thống cơ sở vật chất tốt và đầy đủ thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu học tập của sinh viên, tạo hứng thú và niềm say mê học tập cho sinh viên cũng như bảo đảm cho công tác giảng dạy của giảng viên.

Một số kiến nghị, giải pháp nhằm cải thiện thái độ học tập của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam

Thứ nhất, tạo động lực học tập. Chú trọng nâng chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng các môn học để có thể đáp ứng nhu cầu học hỏi, trau dồi kiến thức của sinh viên. Chương trình và khối lượng giảng dạy cần được đầu tư thiết kế phù hợp, hiện đại theo xu hướng coi người học là trung tâm; coi trọng kỹ năng, gắn liền với thực tiễn và nhu cầu xã hội nhằm giúp sinh viên có được những kỹ năng và kiến thức cần thiết đáp ứng yêu cầu của công việc trong tương lai.

Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về cơ hội nghề nghiệp, các buổi giao lưu hướng nghiệp giữa Học viện với các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên. Đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về tự tạo động lực học tập cho bản thân để sinh viên nhận biết được tầm quan trọng của học tập. Tăng cường vai trò của cố vấn học tập trong việc tư vấn đăng ký học phần và kết nối với giảng viên và cựu sinh ưu tú, xuất sắc để hỗ trợ phương pháp học tập giúp sinh viên có hứng thú học tập hơn, như: tổ chức tham gia học nhóm, sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến, phương pháp học phù hợp cho từng học phần, môn học, chia sẻ kiến thức, tài liệu học tập cho nhau….

Tiếp tục duy trì chế độ trao học bổng nhằm tuyên dương, khích lệ, động viên đối với những sinh viên có thành tích học tập tốt. Bảo đảm tính công bằng và nghiêm túc trong thi cử để có thể đánh giá đúng năng lực và sự cố gắng học tập của sinh viên.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Có kế hoạch, chiến lược thu hút những giảng viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, có đạo đức và có lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục qua các chế độ đãi ngộ hợp lý, tạo dựng môi trường làm việc ổn định, bền vững và thân thiện. Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác sàng lọc đội ngũ giảng dạy thông qua các công tác thanh tra chuyên môn, giờ giảng và yêu cầu về khả năng nghiên cứu khoa học… Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên bằng cách cử đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước nhằm trau dồi kiến thức, kỹ năng giúp giảng viên vững vềchuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đối với các cán bộ, giảng viên là cố vấn học tập, tăng cường hoạt động tư vấn học tập, tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên. Cung cấp thông tin về nhu cầu lao động, việc làm của các ngành học cũng như những kỹ năng cần thiết nhằm tạo hứng thú cũng như thái độ tích cực đối với việc học tậpcho sinh viên. Cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình đào tạo, kế hoạch học tập giúp sinh viên có sự chuẩn bị trong học tập. Bên cạnh đó, việc chia sẻ, gần gũi với sinh viên thường xuyên cũng thu hút, gắn kết, tạo động lực học tập cho sinh viên, giúp sinh viên có một thái độ học tập tốt.

Thứ ba, nâng cao chương trình đào tạo mang tính ứng dụng. Xây dựng chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao, kết hợp các buổi đi thực tế, tham quan tại các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp phù hợp với ngành đào tạo giúp sinh viên học hỏi được kinh nghiệm, có cái nhìn thực tế về công việc; thấy được sự cần thiết của môn học áp dụng trong thực tiễn… Từ đó, sinh viên có động lực học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ học tập nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc trong tương lai.

Hợp tác với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các trường đại học khác là cơ hội để sinh viên được thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp sinh viên thấy được sự cần thiết của chương trình  đào tạo, vị trí và khả năng của mình với sinh viên trường khác để có thái độ đúng đắn, phấn đấu và cố gắng trong học tập, không ngừng trau dồi và rèn luyện những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Thứ tư, đầu tư cơ sở vật chất. Một môi trường học tập tốt gồm: giảng đường, ký túc xá, trang thiết bị phục vụ học tập cùng với sự đầu tư thiết bị, thư viện, phòng thực hành hiện đại phục vụ nghiên cứu và nhu cầu học tập của sinh viên là những yếu tố cơ bản cho một môi trường giáo dục bảo đảm chất lượng và hiện đại; tác động đến sự cảm nhận tốt về môi trường để quyết định đến thái độ cũng như sức hút đối với sinh viên.

Vì vậy, Học viện cần thường xuyên đầu tư, bổ sung để hoàn thiện hệ thống giảng đường, trang thiết bị đa phương tiện phục vụ cho học tập, thực hành và nghiên cứu chuyên sâu. Số hóa nhiều tài liệu học tập, tăng cường tài liệu, sách chuyên khảo, giáo trình phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên trên thư viện điện tử của Học viện. Nâng cấp, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các công cụ hiện đại, dụng cụ thực hành, mạng internet, phòng thực hành theo chuyên ngành/ngành học. Xây dựng các phòng lab phục vụ nhu cầu học ngoại ngữ, tin học; thiết kế riêng những phòng học tuận tiện cho việc làm việc nhóm, hoặc học những học phần kỹ năng… phù hợp với nhiều sinh viên muốn tự học buổi tối, cuối tuần.

Tăng cường quản lý, giám sát ký túc xá giúp sinh viên có kỷ luật, nếp sống văn minh, lành mạnh; tuyên truyền giáo dục giúp các em tránh xa những tệ nạn, thói xấu để tập trung vào nhiệm vụ học tập. Gắn các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, câu lạc bộ, đoàn thể với việc tạo môi trường giao lưu lành mạnh giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, qua đó giúp các em học hỏi, giao lưu về phương pháp, kỹ năng học tập, làm việc nhóm. Có cơ chế động viên, khuyến khích sinh viên bằng nhiều hình thức, đặc biệt tăng cường vận động tài trợ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em bớt áp lực trong cuộc sống nhằm giảm thiểu tỷ lệ bỏ học.

Chú thích:
1. Allport, G. W. 1935. Attitudes. in Handbook of Social Psychology. C. Murchison, 798-844.
2. Hoàng Phê. Từ điển Tiếng Việt. H. NXB Khoa học xã hội, 1988.
3. Nguyễn Thị Chi, Nguyễn Thị Liên Hương, Nguyễn Thị Phương Hoa. Thái độ học tập các môn chung của sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đại học học Quốc gia Hà Nội. Tạp chí Giáo dục, kỳ 2, 2010.
4. Chất lượng giáo dục đại học, thực trạng và giải pháp. http://thuvien.dhnh.edu.vn, ngày 02/11/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Đề tài nghiên cứu khoa học “Một số yếu tố ảnh hưởng tới thái độ học tập của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam” do Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2023.
2. Nguyễn Văn Tài và cộng sự. Nghiên cứu một số yếu tố kinh tế – xã hội tác động đến hoạt động học tập và định hướng việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
3. Huang, H.S. & Hsu, W.K, (2005). Factors that Influence Students’ Learning Attitudes toward Computer Courses-An Empirical Study for Technology and Vocational Institute Students in Taiwan. Shu-Te University, Taiwan, R.O.C.