Tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 30/11/2023, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa họcTiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Học viện. PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Q. Giám đốc Phân viện, TS. Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc Phân viện đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về khách mời có ông Nguyễn Hoài Anh, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận; PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Uỷ viên chuyên trách Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp trung ương, Thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng; PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh…

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo, viên chức, giảng viên các Khoa, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia.

Hội thảo đã nhận được 44 tham luận và 12 ý kiến phát biểu, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo.

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới,  Q. Giám đốc phụ trách Phân viện, chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Q. Giám đốc phụ trách Phân viện, chủ trì hội thảo khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quyết tâm của Chính phủ, quá trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính của nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ máy hành chính được thu gọn từ trung ương tới địa phương, thực hiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; giảm bớt được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức; hoạt động phân cấp, phân quyền được triển khai mạnh…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tổ chức bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, ban ngành còn có sự chồng chéo, chưa được phân định rõ ràng. Hoạt động phân cấp về cơ bản vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương, theo đó chính quyền địa phương các cấp chưa có đủ thẩm quyền và các điều kiện cần thiết để chủ động, năng động trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương có khả năng làm được… Vì vậy, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn khoa học này để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhau trao đổi, thảo luận, nghiên cứu sâu hơn cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận:Cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay – cơ hội và thách thức”, đã làm rõ tính tất yếu của quá trình cải cách hành chính; trong đó có cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, khẳng định cải cách hành chính có vị trí quan trọng trong quản trị quốc gia. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển cũng chỉ rõ những cơ hội và thách thức của quá trình cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính ở Việt Nam.

Trong tham luận “Quan điểm của Đảng về cải cách bộ máy hành chính nhà nước”, GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, cải cách bộ máy là một xu hướng tất yếu, là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính nhà nước và được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước để đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thực tiễn, được nhìn nhận trên các khía cạnh: cải cách cơ cấu tổ chức bộ máy; đổi mới nguồn nhân lực; bảo đảm nguồn lực tài chính cho bộ máy hoạt động. Trong quá trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước cần đặc biệt quan tâm cải cách các cơ quan, bộ phận cấu thành của bộ máy hành chính, cả cơ quan hành chính nhà nước thẩm quyền chung, thẩm quyền riêng theo hướng, cơ cấu lại các cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; cải cách cơ cấu bên trong các cơ quan hành chính nhà nước (các đầu mối bên trong của bộ, sở). Gắn liền cải cách tổ chức bộ máy hành chính với thực hiện đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Trong tham luận: “Về mục tiêu và giải pháp thúc đẩy cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước”, ThS. Phạm Văn Năm, Phó Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những yêu cầu có tính nguyên tắc để thúc công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, việc xác định rõ và thực hiện đầy đủ vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước là vấn đề quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng khoa Khoa học liên ngành, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo.

TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng khoa Khoa học liên ngành, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trong tham luận: “Một số vấn đề pháp lý về tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương” khẳng định, thành phố trực thuộc trung ương khác tỉnh nhưng quy định pháp luật chưa có sự phân định rõ ràng. Việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cho thấy những bất cập, hạn chế của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (hạn chế của luật chung thường kéo theo hạn chế các luật chuyên ngành), khung thể chế hiện nay chưa đáp ứng được thực tiễn. Chính yếu tố này chưa trở thành động lực để phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của các thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương nói chung đặc biệt ở các thành phố trực thuộc trung ương.

Cùng hướng nghiên cứu về chính quyền đô thị, TS. Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận: Tiếp tục đổi mới bộ máy hành chính trong chính quyền đô thị Việt Nam”. Trong tham luận tác giả khẳng định, thể chế về chính quyền đô thị được xác định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng khi tổ chức và hoạt động, các đô thị vẫn phải áp dụng kèm theo các nghị quyết riêng, đặc thù về chính quyền đô thị thì rõ ràng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thực chất chưa thành công trong vai trò, nhiệm vụ điều chỉnh về tổ chức chính quyền địa phương. Từ thực trạng đó, với nền tảng đã có, nhiệm vụ mới đang đặt ra, đòi hỏi pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương cần có lộ trình cho sửa đổi, bổ sung trong chặng đường tiếp theo.

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương phát biểu tại hội thảo.

Trong tham luận “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước – Từ yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới”, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp trung ương đánh giá, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hoá chủ trương, chính sách nói trên. Việc tổ chức thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được tiến hành một cách đồng bộ, nhất quán và có hệ thống trên phạm vi cả nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính. Ông Viễn khẳng định, nhà nước pháp quyền XHCN với những đặc trưng cơ bản được xác định rõ trong Nghị quyết số 27/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII) đòi hỏi thực hiện rất nhiều nhiệm vụ về cải cách bộ máy nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp; trong đó cải cách bộ máy hành chính nhà nước có vai trò rất quan trọng góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại.

ông Nguyễn Hoài Anh, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận tham luận tại hội thảo.

Xuất phát từ thực tiễn địa phương, ông Nguyễn Hoài Anh, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận trình bày tham luận: “Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước tại tỉnh Bình Thuận”. Ông Nguyễn Hoài Anh khẳng định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị. Các kết quả của công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước tại tỉnh Bình Thuận đã góp phần chuẩn bị nguồn lực cho quá trình cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng trình bày tham luận “Thành phố trong thành phố, cơ sở cho việc hình thành TP. Hồ Chí Minh là một Metrepolis” tại hội thảo.

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã trình bày tham luận: “Thành phố trong thành phố, cơ sở cho việc hình thành TP. Hồ Chí Minh là một Metrepolis”. GS.TS. Nguyễn Đăng Dung khẳng định, muốn cho quốc gia phát triển, có nhiều việc cần phải làm, cần phải thúc đẩy và một trong những số đó phải có các siêu đô thị (metropolis). Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội (khóa XV) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh mở ra khả năng cho việc thành lập các thành phố trong thành phố, hình thành TP. Hồ Chí Minh là một vùng siêu đô thị. Bên cạnh việc lập luận cơ sở khách quan của việc thành lập, các tác giả còn chỉ ra cách thức nhằm tăng cường hiệu quả của chính quyền thành phố trong thành phố. Các mô hình chính quyền, nhất là chính quyền thành phố thuộc thành phố cần có sự khác biệt theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Cũng xuất phát từ nghiên cứu thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận: “Một số vấn đề về cơ chế, chính sách vượt trội ở TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay”. Ông Hưng khẳng định, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, những “điểm nghẽn” trong hoạt động quản lý nhà nước là những trở lực ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của Thành phố. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách mới, vượt trội trong Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 được Quốc hội thông qua sẽ là “chìa khóa” giúp Thành phố giải quyết vấn đề này, đồng thời bứt phá, phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Cũng từ thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Thị Vành Khuyên, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự trình bày tham luận: “Về những vấn đề đặt ra đối với công tác sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tại TP. Hồ Chí Minh”. TS. Trần Thị Vành Khuyên cho rằng, với những đặc thù của một “siêu đô thị”, có nhiều vấn đề cần được quan tâm trong quá trình sắp xếp các cơ quan chuyên môn của Thành phố, như: hoàn thiện quy định pháp luật về số lượng, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn; phân cấp mạnh mẽ hơn cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh và chính quyền thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh; thực hiện cơ chế vượt trội về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức cho TP. Hồ Chí Minh…

TS. Mai Đình Lâm, Trưởng khoa Quản lý Kinh tế tham luận tại hội thảo.

Trong tham luận: “Giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, TS. Mai Đình Lâm, Trưởng khoa Khoa Quản lý Kinh tế khẳng định, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra quan điểm tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Trong đó, trọng tâm là xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân, do đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành và giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Cũng nghiên cứu về phân cấp, phân quyền, ThS. Lê Chi Mai, Phó Trưởng khoa Quản lý kinh tế – xã hội khẳng định, trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cần quan tâm vấn đề phân cấp, phân quyền. Thực tiễn cho thấy, hệ thống pháp lý quy định về phân cấp, phân quyền chưa thực rõ ràng, một số quy định chỉ dừng lại ở những nguyên tắc, yêu cầu mà chưa có những cơ chế cụ thể.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Q. Giám đốc Phân viện khẳng định, những tham luận, ý kiến trình bày tại Hội thảo có giá trị lý luận, thực tiễn quý báu trong việc phân tích, luận giải, làm sáng tỏ nhiều phương diện quan trọng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Những đóng góp tâm huyết, thảo luận sôi nổi, đa chiều, sâu sắc đã làm nên thành công của Hội thảo; kết quả trao đổi, thảo luận của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới; cũng như phục vụ việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Phương Truyền