Nguyễn Xuân An
Lớp Y1 Dự phòng, K121 – Đại học Y Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết tổng hợp kết quả nghiên cứu về thực trạng quản lý các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế cấp xã năm 2019 tại 3 tỉnh Ninh Bình, Lai Châu và Quảng Bình nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng chống các bệnh không lây nhiễm cho người dân khu vực nông thôn. Kết quả nghiên cứu mang lại nhiều hàm ý về chính sách với mong muốn duy trì bền vững hoạt động quản lý các bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở trong giai đoạn 2019 – 2025.
Đặt vấn đề
Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, là một trong những thách thức và gánh nặng bệnh tật chủ yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam trong thế kỷ 21. Theo Bộ Y tế, năm 2017, trong 10 trường hợp tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm, như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.
Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện nghiên cứu: “Đánh giá nhu cầu tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019-2025” tại 3 tỉnh: Lai Châu, Ninh Bình, Quảng Bình để cung cấp bằng chứng tốt hơn cho ngành Y tế trong hoạch định chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, góp phần phát triển y tế cơ sở và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Bài viết là kết quả nghiên cứu trên về thực trạng quản lý các bệnh không lây nhiễm (chủ yếu là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường) tại các trạm y tế và một số giải pháp nhằm duy trì bền vững hoạt động quản lý các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn giai đoạn 2019 – 2025.
Thực trạng quản lý các bệnh không lây nhiễm của các trạm y tế
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang, sử dụng kết hợp cả hai phương pháp định lượng và định tính trong thu thập thông tin. Đối tượng nghiên cứu là các đơn vị, cá nhân có liên quan tới việc khám chữa bệnh, quản lý các bệnh nhân không lây và quá trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho trạm y tế xã, phường tại 3 tỉnh: Lai Châu, Quảng Bình và Ninh Bình.
Bệnh không lây nhiễm là các bệnh mãn tính, như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư… Các bệnh này thời gian bị bệnh kéo dài, điều trị không khỏi hẳn nhưng bệnh lại tiến triển chậm và gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Hầu hết các Bệnh không lây nhiễm phải dùng thuốc suốt đời. Vì vậy, việc triển khai công tác quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm ngay tại trạm y tế xã/phường/thị trấn là hiệu quả nhất, vì không chỉ giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng bệnh, giảm các tai biến và giảm gánh nặng bệnh tật mà còn giảm chi phí đi lại do không phải đi xa, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên…
Theo báo cáo của các Sở Y tế tại 3 tỉnh khảo sát, tính đến năm 2018, đa số các trạm y tế đã triển khai quản lý bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tăng huyết áp và một số trạm y tế đã quản lý được bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ trạm y tế tại Lai Châu quản lý được bệnh tăng huyết áp là 88,98%, Ninh Bình là 100%, Quảng Bình là 63,52%. Như vậy, Ninh Bình là tỉnh có số Trạm Y tế quản lý được bệnh tăng huyết áp cao nhất, tiếp đến là Lai Châu và thấp nhất là Quảng Bình.
Đối với bệnh đái tháo đường, tỷ lệ trạm y tế tại Lai Châu quản lý được bệnh này là 44,07%, Quảng Bình là 14,47%, Sở Y tế Ninh Bình chưa có số liệu cập nhật (hiện Ninh Bình đã triển khai quản lý bệnh đái tháo đường tại một số trạm y tế, chưa mở rộng được phạm vi thực hiện trong toàn tỉnh). Số liệu trên cho thấy tại 3 tỉnh thì tỷ lệ trạm y tế quản lý được bệnh tăng huyết áp cao hơn nhiều tỷ lệ Trạm Y tế quản lý được bệnh đái tháo đường; tỷ lệ các trạm y tế đã thực hiện quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường có khác nhau giữa các vùng miền.
Trong thời gian tới, ngành Y tế 3 tỉnh Quảng Bình, Ninh Bình và Lai Châu cần nhân rộng, triển khai thêm số trạm Y tế có bác sĩ công tác tại trạm thực hiện quản lý bệnh đái tháo đường để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh đái tháo đường, góp phần ngăn chặn các biến chứng, phát hiện và điều trị sớm các biến chứng, giúp người bệnh giảm chi phí điều trị cũng như nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân đái tháo đường ngay tại địa phương.
Đối với tỉnh Lai Châu. Ngày 20/3/2017, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 136-KH/TU. Thực hiện Kế hoạch trên, ngành Y tế Lai Châu đã triển khai thực hiện phòng, chống các bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã/phường với 2 bệnh là tăng huyết áp và đái tháo đường. Theo Báo cáo của Sở Y tế, Lai Châu có 108 trạm y tế, từ năm 2018, số trạm y tế đã quản lý được bệnh tăng huyết áp là 105 (88,98%); số trạm y tế đã quản lý được bệnh đái tháo đường là 52/108 (44,07%). Số liệu này cho thấy, phần lớn các trạm y tế của Lai Châu đã quản lý được bệnh tăng huyết áp và tỷ lệ các trạm y tế quản lý được bệnh tăng huyết áp cao gấp đôi tỷ lệ các trạm y tế quản lý được bệnh đái tháo đường.
Đối với tỉnh Ninh Bình. UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 25/9/2017 thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, trong đó Kế hoạch đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu 90% cơ sở y tế xã, phường, thị trấn có đủ trang thiết bị y tế cơ bản và thuốc thiết yếu theo quy định phục vụ dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị đối với bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản”.
Để thực hiện các chỉ tiêu trên, từ năm 2017 đến nay, các đơn vị y tế cơ sở đã triển khai công tác khám sàng lọc tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những người mắc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường và tiền đái tháo đường để quản lý, tư vấn và điều trị kịp thời cho người bệnh thông qua các hoạt động sàng lọc, kiểm tra đường huyết, tư vấn về chế độ ăn uống, tập luyện cho các đối tượng có nguy cơ cao… Tính đến năm 2018, có 145 trạm y tế (100%) đã quản lý được bệnh tăng huyết áp. Tại Ninh Bình, công tác quản lý, tư vấn cho đối tượng đái tháo đường, tiền đái tháo đường tại các tuyến cơ sở chưa mở rộng được phạm vi thực hiện trong toàn tỉnh là do: nguồn kinh phí hạn chế; đội ngũ cán bộ tuyến xã chưa được đào tạo thường xuyên, trang thiết bị thiết yếu chưa bảo đảm cho công tác sàng lọc, tư vấn…
Tại 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn, 100% các trạm y tế đã thực hiện quản lý được 2 bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Ngoài ra, có một số trạm tại 2 huyện này đã thực hiện quản lý được 4 bệnh: tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, ung thư. Cụ thể: trạm y tế xã Yên Sơn (Ninh Bình), mỗi ngày khám khoảng 30-40 bệnh nhân. Hiện tại, trạm y tế đã quản lý được 4 bệnh lý mãn tính không lây nhiễm: tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, ung thư; trong đó có 70 bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý. Với bệnh đái tháo đường, trạm y tế đã thực hiện test mẫu máu xét nghiệm, tư vấn cho những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Tại Quảng Bình. Ngày 24/6/2019, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 1006/KH-UBND triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2020 – 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Để thực hiện Kế hoạch này, Quảng Bình đã triển khai thực hiện quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường tại các trạm y tế xã. Theo báo cáo của Sở Y tế, tỉnh Quảng Bình có 159 trạm y tế, số trạm y tế đã quản lý được bệnh tăng huyết áp là 101 (63,52%); số trạm y tế đã quản lý được bệnh đái tháo đường là 23 (14,47%). Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ trạm y tế quản lý được bệnh tăng huyết áp cao gấp 4 tỷ lệ tỷ lệ trạm y tế quản lý được bệnh đái tháo đường. Số trạm y tế quản lý được bệnh đái tháo đường trong toàn tỉnh còn thấp.
Tại 6 huyện trên địa bàn nghiên cứu: đa số các trạm y tế xã đều đã thực hiện quản lý được 2 bệnh là tăng huyết áp và đái tháo đường. Cụ thể, có 100% trạm y tế đều đã thực hiện quản lý được bệnh tăng huyết áp và 92,24% trạm y tế quản lý được bệnh đái tháo đường.
Tại 12 trạm y tế được khảo sát: có 12/12 trạm y tế đã thực hiện quản lý được bệnh tăng huyết áp và có 11/12 trạm y tế thực hiện quản lý bệnh đái tháo đường (bảng 2).
Ngoài ra, có trạm đã thực hiện quản lý được nhiều bệnh không lây nhiễm, như: Trạm Y tế xã Thạch Bình, Trạm Y tế xã Đồng Phong (Nho Quan, Ninh Bình).
Trước sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm gây quá tải cho tuyến trên, ngành Y tế tại 3 tỉnh đã thực hiện quản lý người bệnh đã điều trị ổn định tại tuyến trên về tại trạm y tế xã, chủ yếu là hai bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Tại 3 tỉnh, đa số các trạm y tế đã quản lý được bệnh tăng huyết áp và một số trạm y tế đã quản lý được bệnh đái tháo đường, tỷ lệ trạm y tế quản lý bệnh tăng huyết áp cao hơn nhiều so với tỷ lệ trạm y tế quản lý bệnh đái tháo đường; tỷ lệ các trạm y tế đã thực hiện quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường có khác nhau giữa các vùng miền.
Đối với việc quản lý bệnh tăng huyết áp tại trạm y tế, Ninh Bình đạt 100%, Lai Châu là 88,98%, Quảng Bình là 63,52%. Đối với bệnh đái tháo đường, tỷ lệ trạm y tế tại Lai Châu quản lý được bệnh này là 44,07%, Quảng Bình là 14,47%, Ninh Bình chưa thực hiện được trên phạm vi toàn tỉnh và tỷ lệ này cho thấy hoạt động dự phòng, điều trị và quản lý bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở chưa được triển khai đầy đủ và rộng rãi trên địa bàn mỗi tỉnh. Rất ít trạm y tế đã thực hiện quản lý được các bệnh không lây nhiễm khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và hen phế quản.
Những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến việc điều trị và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế
Thứ nhất, tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm và trang thiết bị sàng lọc, phát hiện sớm tại tuyến xã/phường.
Tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm cả về số lượng, chủng loại và trang thiết bị sàng lọc, phát hiện sớm tại tuyến y tế cơ sở đều diễn ra tại 3 tỉnh. Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy, hầu hết các trạm y tế đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mạn tính, thông thường, thuốc y học cổ truyền. Thiếu thuốc do thuốc phụ thuộc vào nguồn đấu thầu bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế giới hạn về chủng loại thuốc nên việc khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, không khuyến khích được người dân có thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở. Nguồn kinh phí được trích theo quy định hiện hành khó đáp ứng được việc quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cơ sở.
Mặc dù tỷ lệ đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở các trạm y tế khá cao nhưng quyền lợi còn hạn chế. Chi phí trung bình cho một đơn thuốc thấp, với tỷ lệ đáp ứng thuốc chỉ đạt dưới 40% theo Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế về cung cấp gói dịch vụ y tế tại trạm y tế xã. Tại các trạm y tế có một số loại thuốc bị thiếu, một số thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ở một số trạm y tế không có, hoặc nếu có thì cấp cho trạm chưa đủ số lượng, chủng loại còn ít, nguyên do những thuốc theo Thông tư số 39 không nằm trong danh mục thuốc trúng thầu hoặc do các cán bộ lên kế hoạch dự trù thuốc không nắm được các loại thuốc mới. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý bệnh không lây nhiễm đã được thực hiện nhưng số lượng bệnh nhân nhận thuốc tăng huyết áp, đái tháo đường định kỳ còn thấp. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đã được điều trị, dùng các loại thuốc tại các bệnh viện hạng I, II nhưng khi về trạm y tế thì lại không có các loại thuốc đó, rất khó khăn cho việc điều trị.
Bên cạnh khó khăn về thiếu thuốc thì thiếu trang thiết bị sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã/phường cũng là một trở ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thực hiện công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm cho người dân trong cộng đồng tại các trạm y tế…
Thứ hai, năng lực chuyên môn tại tuyến xã trong công tác quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm còn hạn chế.
Trình độ chuyên môn của cán bộ trạm y tế còn hạn chế và nhiều người trong số họ cũng chưa được đào tạo thường xuyên về các bệnh không lây nhiễm, trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp. Theo kết quả khảo sát nhân viên trạm y tế tại 3 tỉnh, trong số 423 người trả lời về việc tham gia các khóa đào tạo, tập huấn trong năm 2018-2019 thì có 252 người (59,57%) cho biết, đã tham dự và có 171 người (40,43%) cho biết chưa được đào tạo, tập huấn. Trong số 252 người cho biết đã được đào tạo, tập huấn thì số người được đào tạo, tập huấn của Chương trình Mục tiêu quốc gia về y tế đối với các bệnh không lây nhiễm đạt 54,76% và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của cán bộ y tế tại Trạm.
Thứ ba, kinh phí cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã thấp.
Khảo sát tại 3 tỉnh trong địa bàn nghiên cứu cho thấy, kinh phí cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã rất ít và chủ yếu là từ nguồn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế – dân số và hiện nay đã bị cắt giảm rất nhiều. Nguồn kinh phí được cấp chưa tương xứng với tình hình địa phương.
Việc quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại tuyến xã/phường hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là thiếu thuốc, thuốc cấp không đủ số lượng và chủng loại; thiếu trang thiết bị sàng lọc, phát hiện sớm. Khó khăn tiếp theo là năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực tại tuyến xã trong công tác quản lý, điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác còn hạn chế và kinh phí cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm rất ít và chủ yếu là từ nguồn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế – dân số và hiện nay đã bị cắt giảm rất nhiều. Để tháo gỡ những khó khăn này, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cần có kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, mua sắm máy móc, trang thiết bị cũng như hoạt động giám sát công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm thì mới có thể quản lý tốt bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, giúp người dân có thể sống tốt, sống khỏe lâu dài với các căn bệnh này, điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm biến chứng cho bệnh nhân và giảm các trường hợp tử vong.
Kết luận và một số khuyến nghị
Một là, đa số các trạm y tế tại 3 tỉnh khảo sát đã quản lý được bệnh tăng huyết áp và một số trạm y tế đã quản lý được bệnh đái tháo đường, tỷ lệ trạm y tế quản lý bệnh tăng huyết áp cao hơn nhiều so với tỷ lệ trạm y tế quản lý bệnh đái tháo đường; tỷ lệ các trạm y tế đã thực hiện quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường có khác nhau giữa các vùng miền. Về việc quản lý bệnh tăng huyết áp tại trạm y tế, Ninh Bình là tỉnh có tỷ lệ trạm y tế quản lý được bệnh này cao nhất (100%), Lai Châu là (88,98%), Quảng Bình (là 63,52%). Đối với bệnh đái tháo đường, tỷ lệ trạm y tế tại Lai Châu quản lý được bệnh này là 44,07%, Quảng Bình là 14,47%. Ninh Bình công tác quản lý, tư vấn cho đối tượng đái tháo đường, tiền đái tháo đường tại các tuyến cơ sở chưa mở rộng được phạm vi thực hiện trong toàn tỉnh. Tỷ lệ trạm y tế quản lý được bệnh đái tháo đường cho thấy, hoạt động dự phòng, điều trị và quản lý bệnh này tại tuyến y tế cơ sở chưa được triển khai đầy đủ và rộng rãi trên địa bàn mỗi tỉnh. Rất ít trạm y tế đã thực hiện quản lý được các bệnh không lây nhiễm khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và hen phế quản.
Hai là, những khó khăn ảnh hưởng đến việc quản lý các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế, bao gồm: (1) Tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm và trang thiết bị sàng lọc, phát hiện sớm tại tuyến y tế cơ sở. (2) Năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực tại tuyến xã trong công tác quản lý, điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác còn hạn chế; (3) Kinh phí cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm rất thấp, chủ yếu là từ nguồn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế – dân số và chưa tương xứng với tình hình địa phương.
Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các bệnh không lây nhiễm cho các trạm y tế xã/phường/thị trấn giai đoạn 2019 – 2025 như sau:
Thứ nhất, Bộ Y tế cần tăng cường công tác giám sát, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễmkhác; tổ chức tập huấn trực tuyến từ Bộ Y tế đến các xã/phường để cán bộ cập nhật kiến thức chuyên môn trực tiếp; từ các nguồn dự án hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, truyền thông, khám sàng lọc; hỗ trợ thêm các trang thiết bị cho các Trạm Y tế, dự trù thuốc điều trị thiết yếu và quản lý điều trị đối với bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại tuyến xã/phường…
Thứ hai, Sở Y tế các tỉnh cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý bệnh tăng huyết áp tại các trạm y tế, đồng thời có kế hoạch nhân rộng việc quản lý bệnh đái tháo đường và triển khai việc quản lý các bệnh không lây nhiễm khác tại các trạm y tế có bác sỹ công tác.
Thứ ba, Sở Y tế các tỉnh cần tham mưu cho địa phương có kế hoạch phân bổ kinh phí cho việc quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại tuyến y tế cơ sở; tăng cường khám sàng lọc, phát hiện và quản lý tại cộng đồng; thường xuyên đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã/phường về quản lý với 2 bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác; đầu tư trang thiết bị y tế cơ bản và thuốc thiết yếu theo quy định phục vụ dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị đối với bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại tuyến cơ sở; củng cố hệ thống giám sát, xây dựng, phát triển các mô hình xã điểm về sàng lọc, quản lý, điều trị đối với 2 bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác.