Vấn đề dân tộc, tôn giáo theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng

Vũ Tuấn Mạnh – Đặng Văn Dũng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong các văn kiện của Đảng từ trước đến nay, vấn đề dân tộc và tôn giáo luôn được quan tâm và xác định là những vấn đề cấp bách, yêu cầu khách quan cần phải giải quyết trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong đó, Văn kiện Đại hội XIII có đề cập những điểm mới về vấn đề dân tộc và tôn giáo. Bài viết phân tích những nội dung về vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Văn kiện Đại hội XIII, trên cơ sở đó, chỉ rõ những nội dung cần quán triệt trong nhận thức vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ảnh minh họa (baochinhphu.vn)
Vấn đề dân tộc theo quan điểm Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Đối với vấn đề dân tộc, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định nguyên tắc trong quan hệ dân tộc ở Việt Nam, đó là “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”1. Thực tế hiện nay, 54 dân tộc ở Việt Nam có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế – xã hội, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng nên cần phải tôn trọng lợi ích của nhau trong quá trình phát triển, tôn trọng bản sắc văn hóa riêng. Chính sách dân tộc thể hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Do đó, thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm chính trị của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời đánh bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trước đây, Văn kiện Đại hội Đảng nói là các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, nhưng hiện nay đặt “bình đẳng” trước “đoàn kết”. Điều đó là do bình đẳng chính là cơ sở để thực hiện đoàn kết dân tộc. Bình đẳng dân tộc là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc ở Việt Nam. Chỉ có thực hiện được điều này mới có đoàn kết thực sự giữa các dân tộc ở Việt Nam. Một khi còn có sự chênh lệch giữa các dân tộc thì vẫn còn kẽ hở cho các thế lực thù địch để lợi dụng nhằm chia rẽ quan hệ giữa các dân tộc, giữa dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số. Do đó, phải quan tâm thực hiện tốt bình đẳng dân tộc, mới có cơ sở thực hiện tốt đoàn kết dân tộc.

Những đánh giá thành tựu về xây dựng chính sách dân tộc ở Việt Nam thời gian qua, Đảng khẳng định: “Hệ thống chính sách dân tộc được hoàn thiện, đầy đủ hơn, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, phân cấp khá triệt để cho các địa phương tổ chức thực hiện, đã tích hợp một số chính sách, khắc phục một bước tình trạng dàn trải, chồng chéo về chính sách”2. Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 118 chính sách dân tộc3 hiện còn có hiệu lực đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, như: đầu tư kết cấu hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, pháp luật, chính trị… Nếu như những năm trước đây, chính sách dân tộc vẫn còn bị đánh giá trong các văn kiện có những chồng chéo về mặt nội dung (cùng một nội dung nhưng ở nhiều chương trình, dự án khác nhau), ví dụ như có 17 chính sách về tín dụng, 6 chính sách về nước sạch… Chính sách dân tộc còn chồng chéo về địa bàn (ví dụ 80% số xã của Chương trình 30a nằm trong Chương trình 135; 43% xã của Chương trình 135 nằm trong Chương trình 30a). Vì chồng chéo về mặt nội dung, chồng chéo về địa bàn nên sẽ dẫn đến vấn đề chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, chồng chéo về cơ chế quản lý (những chương trình có cùng nội dung, địa bàn nhưng không tích hợp được do những bộ, ngành khác nhau quản lý với những cơ chế quản lý khác nhau, cơ chế thanh quyết toán khác nhau).

Đến nay, các bộ, ngành đã có những phương hướng, giải pháp cụ thể để cùng trao đổi, thảo luận thống nhất đầu mối quản lý, tránh chồng chéo, tích hợp các chương trình có nội dung giống nhau. Với những thành tựu trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc thì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên như Đảng ta khẳng định: “Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện”4.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chính sách dân tộc ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn những hạn chế, việc tổ chức thực hiện còn có những bất cập cộng với điểm xuất phát của các dân tộc thiểu số thấp nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Về đời sống vật chất, Đảng ta khẳng định “Mức thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền còn khoảng cách lớn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn rất cao, giảm nghèo thiếu bền vững”5.

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn do khoảng cách, điều kiện và phương tiện tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Do chất lượng của các cơ sở giáo dục, y tế ở vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với ở thành thị. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Vì vậy, đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều bất cập cần phải giải quyết như tỷ lệ bỏ học, tái mù chữ còn cao, việc dạy tiếng dân tộc chưa được chú trọng. Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… chưa được giải quyết hiệu quả.

Từ những thực trạng của đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua, Đảng ta chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, mà trước hết cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chính sách dân tộc ở Việt Nam trước hết là trong lĩnh vực kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục căn bản tình trạng chênh lệch phát triển, thu nhập, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đời sống của đồng bào.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện quan điểm mới về giảm nghèo, đó là giảm nghèo đa chiều, bền vững và bao trùm. Tình trạng tái nghèo còn cao thì việc giảm nghèo bền vững phải được đặt ra. Giảm nghèo đa chiều thì tiêu chí không chỉ là thu nhập mà còn có nhiều các tiêu chí khác. Giảm nghèo bao trùm nghĩa là ở tất cả mọi người, mọi nơi. Để thực hiện được giảm nghèo đa chiều, bền vững và bao trùm thì phải tăng cường nội lực, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì hết hỗ trợ lại có thể tái nghèo. Chính sách dân tộc ở Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế mà còn hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Để đồng bào được hưởng thụ công bằng các thành quả của sự phát triển thì phải công bằng trong tiếp cận các nguồn lực (vốn, tài nguyên, đất đai, giáo dục, y tế). Do đó, các chính sách dân tộc phải tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận với các nguồn lực mà trước hết chính là các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế. Như vậy, chính sách dân tộc còn hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội. Chính sách dân tộc còn hướng đến các vấn đề chính trị như xây dựng đội ngũ cán bộ và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong Văn kiện Đại hội XIII, còn chỉ ra những trọng tâm, lưu ý trong chính sách dân tộc. Để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần bố trí nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển, huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động được nhiều nguồn lực nhưng sử dụng, quản lý không hiệu quả thì các nguồn lực đó cũng không phát huy tốt trên thực tế.

Mặc dù nguồn lực huy động từ Nhà nước, xã hội để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số song những nguồn lực đó cũng chỉ phát huy tốt tác dụng khi phát huy được nội lực. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định một nội dung trọng tâm là: “Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”6. Muốn khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người dân thì vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng rất quan trọng. Nếu chính sách mang tính hỗ trợ vật chất đơn thuần cho người nghèo như hỗ trợ gạo, cho vay tiền, hỗ trợ tiền điện… thì nhiều người lại không muốn thoát nghèo để được nhận những hỗ trợ này. Do đó, chính sách giảm nghèo của chúng ta đã chuyển từ trợ cấp, cho không sang hỗ trợ có điều kiện và hiện nay cần chuyển từ hỗ trợ vật chất sang có những hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi về cơ hội, điều kiện phát triển, như: hỗ trợ đi học, hỗ trợ về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làm ra. Điều này sẽ góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy nội lực để sử dụng có hiệu quả nguồn ngoại lực.

Trong chính sách dân tộc, Đảng ta rất chú ý đến tính đặc thù, chú trọng tính đặc thù trong từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Đặc thù trong chính sách dân tộc không chỉ trong khâu xây dựng chính sách và trong cả quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Đặc thù không chỉ là khác biệt giữa dân tộc đa số và thiểu số, mà ngay giữa các dân tộc thiểu số cũng có những đặc thù riêng. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng, trung du hay ở miền núi cao, miền biển thì chính sách cũng cần có tính đặc thù riêng. Việc bảo đảm tính đặc thù sẽ làm cho chính sách phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số và được tổ chức thực thi có hiệu quả.

Vấn đề tôn giáo theo quan điểm Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Đối với vấn đề tôn giáo. Đảng ta khẳng định tôn giáo tồn tại lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự7. 16 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’i, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo – Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương8.

Trong các văn kiện trước, Đảng ta chỉ đề cập phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Đến Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò nguồn lực tôn giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đây quan điểm rất mới thể hiện nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay. Điều này cũng khẳng định sự vận dụng, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí minh về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo dưới chủ nghĩa xã hội. Đảng ta khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước9.

Nguồn lực ở đây bao gồm nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần. Nguồn lực tinh thần của tôn giáo chính là các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo và nguồn lực vật chất của tôn giáo chính là nguồn lực vật chất của các tín đồ, chức sắc tôn giáo được thể hiện trong hoạt động của họ. Nguồn lực vật chất của các tôn giáo thể hiện ở việc các tín đồ và chức sắc tôn giáo thực hiện tốt các đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển. Đường lối, chính sách, pháp luật, các phong trào hoạt động mà Đảng và Nhà nước ta đưa ra là để thực hiện các mục tiêu của cách mạng, góp phần phát triển đất nước.

Để thực hiện được các chính sách, phong trào hoạt động đó phải có sự tích cực, tham gia của tất cả mọi người dân. Các tín đồ và chức sắc tôn giáo là một lực lượng đông đảo trong xã hội và khi các tín đồ và chức sắc tôn giáo hưởng ứng, thực hiện các phong trào hoạt động mà Đảng và Nhà nước ta phát động chính là đang đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Các tôn giáo đã huy động một nguồn lực rất lớn cả tài chính, nhân lực từ các tín đồ, chức sắc và xã hội vào giải quyết những vấn đề xã hội của đất nước. Cả nước hiện có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo, hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 2.600 nhân viên, bình quân 1 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó: Công giáo có 56 cơ sở bảo trợ xã hội chiếm 49,55% nuôi dưỡng gần 5.000 người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó chủ yếu là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS. Phật giáo có 46 trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, nuôi dạy 1.329 trẻ mồ côi; 15 trung tâm nuôi dưỡng 527 người già neo đơn10. Đặc biệt, trong hai năm 2020 – 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ Vắc-xin, hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ Phòng, chống Covid-19 cùng với đó cung cấp nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch và triển khai hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội…

Nguồn lực vật chất của tôn giáo đóng góp vào sự phát triển đất nước là rất lớn, bên cạnh đó nguồn lực tinh thần là các giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo cũng tác động tích cực đến sự phát triển bền vững đất nước như Đảng ta khẳng định: “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”11. Giáo lý, đường hướng hành đạo của các tôn giáo khuyên con người phải biết yêu thương những người xung quanh, làm việc thiện,… vừa góp phần củng cố đạo đức truyền thống của dân tộc như nhân ái, đoàn kết, vừa góp phần ngăn chặn những tệ nạn xã hội. Đường hướng hành đạo của các tôn giáo chính là nền tảng để chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo ý thức thực hiện nghĩa vụ kép “đạo – đời”, theo phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”. Đường hướng hành đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định là: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Đại hội lần thứ nhất của Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 1980) đã thống nhất lấy“Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào” và đây trở thành đường hướng hành đạo cho toàn đạo. Năm 1939, Phật giáo Hòa hảo được thành lập. Đại hội nhiệm kỳ II năm 2004 thông qua Hiến chương với đường hướng hành đạo “Vì đạo pháp, vì dân tộc”…

Nội dung của chính sách tôn giáo ở Việt Nam chính là chính sách vận động, tuyên truyền trong đồng bào tôn giáo. Nội dung của công tác vận động đó đã được Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là:“Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”12.

Như vậy, chính sách tôn giáo chính là vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo. Các chức sắc, tín đồ trước hết cần tham gia các hoạt động lễ nghi tôn giáo “đẹp Đạo” thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình, nhưng họ cũng là công dân Việt Nam nên cần tích cực tham gia, thực hiện tốt trách nhiệm công dân của mình “tốt Đời”. Việc thực hiện các hoạt động tôn giáo của các chức sắc, tín đồ tôn giáo không được trái ngược, đi ngược lại với lợi ích của đất nước và vẫn bảo đảm trách nhiệm công dân của mình. Đồng thời, họ thực hiện tốt trách nhiệm công dân góp phần thuận lợi để thực hiện các lễ nghi tôn giáo. Muốn vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền cho đồng bào hiểu rằng mục tiêu của cách mạng, của dân tộc cũng thống nhất với lợi ích của các tôn giáo là mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, song cũng kiên quyết chống lại các hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vì những mục đích chính trị, chống phá Đảng và Nhà nước, tinh thần đó cũng được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật, chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng; đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng ta đã chỉ rõ những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch là tìm cách xuyên tạc, vu khống tình hình tôn giáo ở nước ta vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tình hình tôn giáo ổn định, đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính sách, vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo.

Đảng ta khẳng định, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, đấu tranh chống lại âm mưu này bằng cách thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào có Đạo, tạo sự tin tưởng của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước. Đây là cách đấu tranh bằng thực tiễn rất hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta còn đấu tranh trên mặt trận tư tưởng để vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của chúng. Và không chỉ đấu tranh, mà Đảng ta còn khẳng định cần phải “xử lý nghiêm minh” trên cơ sở pháp luật. Pháp luật đã ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời có những chế tài xử lý đối với những kẻ vi phạm quyền tự do đó.

Kết luận

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã luôn khẳng định dân tộc và tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, thực tiễn đã khẳng định quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo là đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo là góp phần quan trọng tạo sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vấn đề dân tộc và tôn giáo sẽ được nhận thức và giải quyết một cách khoa học, tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chú thích:
1, 6, 9, 11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 50, 170, 171, 272, 171.
2, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 45, 72 – 73.
3. Chung tay chăm lo đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. https://nhandan.vn, ngày 24/11/2023.
4. Ban Tôn giáo Chính phủ. Công tác tôn giáo 2021. H. NXB Tôn giáo, 2021, tr. 44 – 66.
5. Bộ Nội vụ. Danh mục các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020 (kèm theo Công văn số 6955/BNV-TGCP ngày 28/12/2020 của Bộ Nội vụ).
6. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Báo cáo công tác từ thiện xã hội giai đoạn 2010 – 2019.