Hoạt động phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông công an tỉnh Lâm Đồng

Lưu Đắc Hùng
Công an tỉnh Lâm Đồng
(Quanlynhanuoc.vn) – Tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, là vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Với đặc điểm riêng biệt là tỉnh có nhiều tuyến đường đèo dốc, trong thời qua, tình hình tai nạn giao thông và tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại các vị trí này có nhiều diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ đặc điểm hoạt động phòng ngừa tội phạm này của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng, tác giả đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, là tỉnh có diện tích lớn thứ bảy cả nước với ranh giới hành chính tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nằm trên cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên – Di Linh, Lâm Đồng cách Thành phố Hồ Chí Minh 300 km về hướng Bắc, đồng thời cách cảng biển Nha Trang 210 km về hướng Tây. Với đặc thù là tỉnh miền núi, có độ cao 300 m từ huyện Cát Tiên đến thành phố Đà Lạt cao 1.500m so với mặt nước biển. Do có độ cao chênh lệch với mực nước biển và với các đồng bằng lân cận như Đồng Nai, Khánh Hòa, nên các tuyến đường nối Lâm Đồng với các địa phương ở khu vực đồng bằng, như: quốc lộ 20, quốc lộ 28, quốc lộ 55, quốc lộ 27… xuất hiện rất nhiều những đoạn đèo, dốc với độ nguy hiểm cao.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh có 9 đoạn đường đèo, dốc, bao gồm Bảo Lộc, Pren, Mimoza, Chuối, Phú Hiệp, Phú Sơn, Dran, Tà Nung, Con Ó có tổng chiều dài khoảng 68,8 km. Hiện nay tất cả các đoạn đường đèo dốc đều được tổ chức giao thông 2 chiều với chiều rộng mặt đường chỉ 5,5m và nền đường 7m1. Trong điều kiện phương tiện tham gia giao thông đông và tốc độ lưu thông của phương tiện qua các đoạn đường này khá cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, dẫn đến tai nạn giao thông. Và thực tế đã chứng minh, đây chính là những điểm đen về tai nạn giao thông, đặt ra cho lực lượng chức năng nói chung lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng nhiều vấn đề cần quan tâm quán triệt và tổ chức thực hiện trong phòng ngừa, đặc biệt là tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trong những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung, trên các tuyến đường có đèo, dốc nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng nhanh, cơ sở hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2019 đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1.082 vụ tai nạn giao thông, làm chết 689 người, bị thương 838 người, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Riêng các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các đoạn đường đèo, dốc đã xảy ra 135 vụ (chiếm 12,48%), làm chết 118 người, bị thương 111 người, làm hư hỏng nhiều phương tiện và thiệt hại về tài sản, trong đó có 48 vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây bức xúc dư luận2.

Trước tình hình trên, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ xảy ra tại các tuyến đường đèo, dốc luôn được lực lượng Cảnh sát giao thông coi trọng và chủ động thực hiện. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã thường xuyên thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Công an cấp trên trong đề ra các chủ trương, biện pháp phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ xảy ra tại các tuyến đường đèo, dốc cho phù hợp với tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ trên từng địa bàn, trong từng thời gian nhất định.

Chủ động triển khai thực hiện công tác phòng ngừa trên nhiều nội dung với nhiều biện pháp và hình thức tổ chức khác nhau. Cụ thể, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành xây dựng 5 chương trình bảo đảm an toàn giao thông qua các năm, 86 kế hoạch chuyên đề, 122 kế hoạch huy động và phối hợp lực lượng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị triển khai có hiệu quả, theo đúng kế hoạch, phương án đã đề ra3.

Tổ chức đăng ký mới cho tổng cộng 14.909 ô tô và 249.896 mô tô, nâng tổng số xe hiện đang quản lý lên đến 1.040.037 xe gồm: 47.063 xe ô tô, 991.092 xe mô tô. Từ năm 2019 đến năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông Lâm Đồng đã tiến hành tổ chức 1.454 lượt tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, 459 lượt tuyên truyền lưu động và 1.051 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông thu hút 154.040 lượt người tham dự, trong đó có 3.060 lượt người dân gần các tuyến đường đèo, dốc. Cấp phát 24.150 tài liệu và 250 đĩa CD tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Thực hiện công tác thanh tra kiểm soát với 160.476 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, phát hiện và xử lý 336.665 vụ vi phạm, phạt tiền 336.665 thu về ngân sách nhà nước hơn 200,7 tỷ đồng, trong đó tập trung lực lượng xử lý các lỗi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông tại các đoạn đường này4.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp điều tra 143 vụ tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong đó có 31 vụ tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại các tuyến đường có đèo, dốc đảm bảo đúng quy định của pháp luật, qua đó là rõ nguyên nhân làm phát sinh tội phạm để có biện pháp phòng ngừa phù hợp và hiệu quả. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động phối hợp với các lực lượng Công an phường, xã, thị trấn, Phòng PV01, Phòng PC02…; Sở Giao thông vận tải, Khu Quản lý đường bộ IV – Cục Đường bộ Việt Nam, thuộc Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Kênh VOV Giao thông… Qua đó khai thác các thông tin cần thiết, nắm chắc tình hình, là cơ sở vững chắc để xây dựng các kế hoạch thanh tra kiểm soát và xử lý vi phạm tại các đoạn đường có đèo dốc, cụ thể, khoa học, hiệu quả5.

Trong từng biện pháp phòng ngừa, lực lượng Cảnh sát giao thông luôn chú ý nghiên cứu, đổi mới cách thức tiến hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời huy động được sự tham gia của các lực lượng nghiệp vụ, các đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành Công an. Qua đó, phát huy được hiệu quả phòng ngừa tai nạn giao thông nói chung, phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ xảy ra tại các tuyến đường đèo, dốc nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được nói trên, hoạt động phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ xảy ra tại các tuyến đường có đèo, dốc của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả tiến hành một số biện pháp phòng ngừa, như: tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; công tác thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm tại các tuyến giao thông còn hạn chế, chưa khép kín được hết địa bàn; sự phối hợp giữa các lực lượng, các ngành, các cấp trong phòng ngừa tai nạn giao thông đường bộ còn thiếu đồng bộ và hiệu quả; trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác còn thiếu thốn, lạc hậu… làm giảm hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ xảy ra tại các tuyến đường có đèo, dốc.

Trong thời gian tới, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và tai nạn giao thông tại các tuyến đường có đèo dốc vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, để góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông nói chung, tội phạm vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ xảy ra tại các tuyến đường có đèo, dốc, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng cần chú ý thực hiện một số hoạt động cụ thể như sau:

Một là, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình những đoạn đèo dốc có nguy cơ cao xảy ra tội phạm vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ, trong đó chú ý đến những đặc điểm bất lợi đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để từ đó có biện pháp cụ thể phòng ngừa và hạn chế tội phạm này trên đoạn đường đèo dốc. Các kết quả từ công tác điều tra cơ bản này cần được khai thác và sử dụng triệt để trong công tác tham mưu các lực lượng có liên quan, như: Cục quản lý đường bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh khắc phục hạn chế, tổ chức giao thông cho phù hợp và phổ biến đến các cán bộ tiến hành hoạt động thanh tra kiểm soát giao thông trên tuyến để tăng cường các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.

Hai là, tăng cường công tác thanh tra kiểm soát giao thông trên các tuyến đèo dốc vào các khung giờ thường xảy ra tội phạm, tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân chính gây ra tội phạm vi phạm quy định tham gia giao thông. Tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các kế hoạch tuần tra kiểm soát giao thông tập trung lực lượng và phương tiện vào các điểm thường xảy ra tai nạn trong khung giờ từ 12h đến 18h hàng ngày tại các đoạn đường đèo chính: Đèo Bảo Lộc, Đèo Pren, Đèo Mimoza…

Xây dựng các chuyên đề tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ tập trung vào các nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, như: đi không đúng phần đường, làn đường quy định; tránh vượt không đúng quy định… lực lượng thanh tra kiểm soát cần chú ý phối hợp hoạt động xử lý với công tác tuyên truyền hướng dẫn người điều khiển phương tiện các nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông và biện pháp phòng tránh để bảo đảm an toàn khi lưu thông qua các đoạn đường này. Nghiên cứu tiến tới xây dụng hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường. Trước mắt tập trung nghiên cứu lắp đặt tại các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ 20.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Hoạt động tuyên truyền cần chú trọng tính cụ thể và trực tiếp cho người điều khiển phương tiện về nguyên nhân điều kiện, cũng như tác hại xảy ra trên các tuyến đường có đèo, dốc bằng các biện pháp tuyên truyền trực quan: lắp bảng cảnh bảo nguy hiểm, phối hợp đài phát thanh tuyên truyền trực tiếp đến các tài xế trong thời gian thường xảy ra tai nạn, lắp biển hạn chế tốc độ, vạch làn đường.

Bốn là, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan: Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục quản lý đường bộ… tiến hành một số biện pháp liên quan, như tổ chức giao thông thành đường lưu thông một chiều đối với một số đèo dốc có thể tổ chức được như phối hợp giao thông đèo Pren và đèo Mimosa thành hai chiều lên xuống thành phố Đà Lạt riêng biệt, nghiên cứu hạn chế phương tiện lưu thông qua đèo dốc vào những thời điểm cao điểm xảy ra tai nạn giao thông trong ngày…

Phối hợp chặt chẽ với lực công an các xã, phường, thị trấn trong việc phát hiện và giải quyết nhanh chóng các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn để có hướng giải quyết nhanh chóng, phù hợp. Phối hợp cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong hoạt động điều tra thu thập, phân tích, đánh giá tài liệu, chứng cứ; chứng minh làm rõ hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trong các vụ phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo quy định của pháp luật. Từ đó rút ra được những nguyên nhân, điều kiện gây tội phạm để thực hiện việc phòng ngừa có hiệu quả hơn.

Chú thích:
1,2,3,4,5. Báo cáo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông Lâm Đồng từ năm 2019 đến 2023.