Kinh nghiệm đào tạo Công an ở các nước trên thế giới và giá trị tham khảo trong hoàn thiện thể chế nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường thuộc Bộ Công an Việt Nam

Nguyễn Xuân Dương
Học viện An ninh Nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, trên thế giới có hai mô hình đào tạo Công an (an ninh, cảnh sát, điều tra) là mô hình “Nghề Công an” và “Đại học Công an”. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm về tổ chức đào tạo cán bộ an ninh, cảnh sát, điều tra ở một số nước trên thế giới theo hai mô hình trên và giá trị tham khảo trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học tại các trường thuộc Bộ Công an ở Việt Nam.
Ảnh minh hoạ: baochinhphu.vn.
Đặt vấn đề

Hiện nay, trên thế giới có hai mô hình đào tạo Công an (an ninh, cảnh sát, điều tra) là mô hình “Nghề Công an” và “Đại học Công an”. Mô hình đào tạo “Nghề Công an” được nhiều nước trên thế giới áp dụng, điển hình là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản… Mô hình này tuyển các ứng viên đã tốt nghiệp đại học dân sự đưa vào đào tạo tại các trường Công an theo chuyên ngành phù hợp phục vụ công tác an ninh. Cách thức đào tạo không dạy nặng về lý thuyết mà tập trung đào tạo nghề với chiến thuật điều tra, trinh sát và các kỹ năng về bắn súng, võ thuật…

Kết quả là học viên tốt nghiệp có kiến thức nền đa dạng theo các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác nhau đáp ứng hiệu quả yêu cầu công tác, chiến đấu. Mô hình đào tạo “Đại học Công an” được các nước xã hội chủ nghĩa, điển hình là Liên Xô (cũ) và hiện nay vẫn đang được áp dụng tại Liên bang Nga. Các trường Công an tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông để đào tạo trình độ đại học. Mô hình này chuẩn hoá ngay từ đầu quá trình đào tạo, đặc biệt về chính trị – tư tưởng và chấp hành điều lệnh, nhưng thời lượng để hướng dẫn tay nghề không nhiều và đội ngũ cán bộ ra trường không có phông kiến thức rộng. Hiện nay, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan… đang thực hiện theo mô hình này.

Kinh nghiệm của Mỹ

Tại Mỹ, việc đào tạo nhân viên Cơ quan điều tra liên bang (FBI) – cơ quan điều tra lớn nhất, có thẩm quyền điều tra đối với tất cả các loại tội phạm liên bang lấy ứng viên đã tốt nghiệp đại học theo các chuyên ngành đào tạo đa dạng như: kinh tế, sư phạm, công nghệ…, với thời gian đào tạo ít nhất 2 năm. Để bảo đảm chất lượng đầu vào trước khi đào tạo, ứng viên trải qua quy trình tuyển chọn 9 bước, gồm: 1) Thông báo tuyển dụng và xét hồ sơ sơ bộ; 2) Kiểm tra giai đoạn một; 3) Tiếp xúc và phỏng vấn; 4) Kiểm tra giai đoạn hai; 5) Đề nghị tạm tuyển; 6) Điều tra chi tiết về nhân thân, lý lịch; 7) Kiểm tra thể lực; 8) Huấn luyện tại Học viện FBI; 9) Tuyển dụng chính thức.

Về tiêu chuẩn tuyển chọn, FBI đặt ra các yêu cầu và tiến hành rà soát, đánh giá đối với ứng viên về: tư duy lôgic, khả năng xử lý thông tin; kỹ năng giao tiếp, làm việc độc lập, làm việc nhóm; tiêu chuẩn chính trị nội bộ.

Trong công tác đào tạo, FBI có những quy định cụ thể về nội dung, chương trình đào tạo; về tổ chức quản lý học viên; quy định về giảng viên; quy định về điều kiện đảm bảo. Học viên được chia thành các lớp, nhóm phù hợp với các môn học lý thuyết và thực hành. Học viện FBI bố trí một đội ngũ cán bộ hướng dẫn thực hành và trợ giảng đông đảo để quản lý học viên và tổ chức quá trình đào tạo, thực hành và tự nghiên cứu của học viên. Đội ngũ giảng viên, cán bộ thực hành được tuyển chọn nghiêm ngặt từ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm và có tố chất sư phạm từ FBI, cơ quan điều tra và các cơ quan chính phủ khác. Bên cạnh đó, Học viện chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các cán bộ đặc vụ FBI nhằm gắn kết chặt chẽ nội dung, chương trình giảng dạy, huấn luyện và thực tiễn công tác điều tra của FBI. Chương trình đào tạo cán bộ của FBI tập trung trang bị kỹ, chiến thuật điều tra, do đó, Học viện FBI đầu tư xây dựng khu thực hành mô phỏng giống ngoài đời thực để phục vụ công tác huấn luyện.

Kinh nghiệm của Pháp

Giống như Mỹ, đào tạo sỹ quan cảnh sát ở Pháp áp dụng đối với người đã có bằng đại học với thời gian đào tạo là 18 tháng. Để bảo đảm chất lượng đầu vào, việc tuyển sinh đào tạo có những quy định rất cụ thể, như: người dự tuyển phải là công dân Pháp và phải nộp đơn theo vùng quy định. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự tuyển sẽ tiến hành điều tra về nhân thân người dự tuyển. Thủ tục xác minh sẽ do đơn vị cảnh sát chuyên trách cung cấp thông tin tiến hành. Đơn vị này có trách nhiệm làm rõ các vấn đề liên quan đến người dự tuyển, như: có tiền án, tiền sự không? có hành vi bạo lực không? gia đình có ai vi phạm pháp luật không?…

Trên cơ sở xác minh, điều tra về nhân thân sẽ sàng lọc những hồ sơ không phù hợp với lực lượng cảnh sát. Các trường hợp đủ tiêu chuẩn sẽ được triệu tập để kiểm tra sức khoẻ, thể lực, tâm lý và xét nghiệm. Sau phần khám sức khoẻ, người dự tuyển phải trải qua 2 vòng thi gồm thi viết và thi vấn đáp. Phần thi viết chủ yếu để đánh giá kiến thức của người dự tuyển về pháp luật, lịch sử, văn hoá, xã hội nói chung. Thí sinh đạt điểm phần thi viết mới được thi vấn đáp. Đây là vòng thi đặc biệt quan trọng, Hội đồng thi vấn đáp có thể hỏi thí sinh rất nhiều vấn đề không theo trình tự, quy luật, nhằm làm cho thí sinh mất cân bằng, tạo căng thẳng đẩy thí sinh vào thế bị động, từ đó quan sát cách ứng phó, phản ứng của từng người xem có giữ được tự chủ, bình tĩnh hay bộc lộ sai sót gì không. Hội đồng tuyển chọn rất khắt khe, các thành viên đều có đủ khả năng thẩm vấn và quan sát để lựa chọn ra những thí sinh không mắc lỗi.

Một vấn đề cũng được hết sức quan tâm trong đào tạo sỹ quan cảnh sát ở Pháp là đạo đức nghề nghiệp cảnh sát. Đạo đức nghề nghiệp của cảnh sát Pháp được luật hoá và đưa vào chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo cảnh sát có 25 tiết học về đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp còn được tiến hành thường xuyên trong quá trình học tập tại trường. Những quy định về đạo đức nghề nghiệp được thể hiện trên trang phục, lễ tiết, tác phong, thái độ đối với công việc. Nhiều tiêu chuẩn đạo đức được cụ thể hoá trong đào tạo lực lượng cảnh sát như: trung thành với pháp luật cộng hoà; liêm khiết và chí công, vô tư; gương mẫu và tuyệt đối tôn trọng người dân; không phân biệt đối xử đối với các dân tộc, tôn giáo; không được hạ thấp nhân phẩm của người khác; bảo đảm sức khoẻ và sự toàn vẹn về thân thể, chăm sóc họ khi cần thiết; sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ người bị nạn, kể cả trong trường hợp không làm nhiệm vụ…

Chương trình đào tạo cảnh sát kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, trong đó coi trọng thực hành, thực tập theo tình huống. Học viên đóng vai, quay phim và tổ chức phân tích tại lớp hoặc theo nhóm nhằm đánh giá cái gì được, cái gì chưa được. Nếu phân tích các tình huống học viên thực hành chưa đạt thì phải tiến hành làm lại đến khi nào đạt mới thôi (các tình huống có thể xảy ra đều được đưa vào đào tạo). Thời gian thực tập tương đương với thời gian học ở trường. Mỗi học viên đi thực tập đều được phân công một cán bộ hướng dẫn trong suốt thời gian thực tập. Kết thúc thực tập phải cho điểm đánh giá và chuyển về trường. Trong quá trình thực tập ngoài giám sát chặt chẽ của người hướng dẫn, học viên còn chịu sự kiểm tra của chỉ huy các cấp, nếu phát hiện học viên mắc lỗi sẽ bị xử lý ngay, nghiêm trọng có thể bị buộc thôi học.

Kinh nghiệm của Liên bang Nga

Nước Nga là nước có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, huấn luyện lực lượng cảnh sát. Đặc biệt các học viện, trường đại học của lực lượng cảnh sát liên bang Nga rất quan tâm đến chất lượng đào tạo qua việc coi trọng chất lượng tuyển sinh đầu vào, chất lượng đội ngũ cán bộ và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong nhà trường.

Đào tạo đại học cảnh sát tại Liên bang Nga xác định nguồn tuyển sinh chủ yếu là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Công tác tuyển sinh đồng thời là tuyển dụng gồm 2 giai đoạn: sơ tuyển tại Công an cấp cơ sở và thi tuyển do các trường tổ chức. Tiêu chuẩn tuyển dụng tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chung đối với sỹ quan cơ quan nội vụ, như: tuổi đời dưới 25; thường trú tại địa phương nơi cơ sở đào tạo tiến hành tuyển chọn đóng quân; tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung cấp chuyên nghiệp; đủ sức khoẻ, thể lực và năng khiếu để phục vụ trong cơ quan nội vụ. Trong đào tạo, các trường đều hết sức coi trọng hoạt động thực hành, thực tập, rèn luyện kỹ năng tay nghề sát với thực tế.

Chương trình đào tạo được phân định tương đối theo 2 giai đoạn: 3 năm đầu tập chủ yếu gồm các môn học mang tính lý thuyết; 2 năm cuối tập trung đào tạo thực hành, tay nghề cho học viên. Ngoài học tập lý thuyết, học viên được tiếp cận với hệ thống phương tiện thực hành tương đối hiện đại và trong môi trường giống thực tiễn công tác để học viên có thể tiếp cận được ngay và có khả năng hoàn thành tốt công việc. Các trường đều được đầu tư khu thực hành liên hoàn với trường bắn, bể bơi, khu thực hành công nghệ cao với máy móc hiện đại. Đối với các môn học có tay nghề thực hành cao như quân sự, võ thuật, bắn súng, học viên được rèn luyện tay nghề trong suốt những năm học ở trường. Trong kiểm tra, đánh giá cũng hết sức coi trọng đánh giá khả năng thực hành, vận dụng lý thuyết vào giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Để bảo đảm chất lượng đào tạo, theo quy định, giảng viên các môn chuyên ngành hình sự, điều tra phải có thâm niên công tác điều tra ít nhất 10 năm. Để xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên ngành, Bộ Nội vụ Liên bang Nga có chính sách khuyến khích các cán bộ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn điều tra chuyển đổi công tác sang giảng dạy.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Tại Trung Quốc, các trường Công an được tổ chức có hệ thống, chia ra 3 cấp: Đại học Quốc gia đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, như: công an, cảnh sát; các trường đại học chuyên ngành, như: cảnh sát vũ trang, phòng cháy, chữa cháy…; các học viện, trường đại học, cao đẳng trực thuộc cục, Sở Công an 31 khu, tỉnh, thành phố. Đại học Quốc gia Công an đào tạo hệ đại học, sau đại học, đào tạo sĩ quan chỉ huy trung, cao cấp. Các cơ sở đào tạo khác của Bộ Công an Trung Quốc chỉ tập trung đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung cấp và huấn luyện nghề nghiệp. Về thời gian đào tạo, Trung Quốc áp dụng thời gian đào tạo theo mô hình thế giới 4+2+3 (đại học 4 năm, thạc sỹ 2 năm, tiến sỹ 3 năm).

Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách, quy định cụ thể như:

Về tuyển sinh: Đối tượng tuyển sinh ngoài cán bộ Công an đương chức đi học, các trường Công an Trung Quốc tuyển sinh các học sinh tốt nghiệp phổ thông. Trong tuyển sinh có quy định hoạt động sơ tuyển với các yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể về sức khoẻ, chiều cao, cân nặng, kiểm tra về thể lực với các môn như chạy, chống đẩy, nhảy xa; điều tra lý lịch. Ngoài ra còn quy định về tỷ lệ nữ trong tuyển sinh là 10-15%.

Về nội dung chương trình đào tạo: Trước năm 1978, các nhà trường Công an Trung Quốc được xây dựng, thiết kế theo mô hình Liên Xô: dạy và học chủ yếu trong giáo trình, dạy lý thuyết, phần thực hành rất khiêm tốn trong các phòng học chuyên dụng, các phòng thí nghiệm. Với cách dạy và học này thầy và trò nắm rất vững lý luận nhưng khi bước ra thực tiễn thường bỡ ngỡ, không thạo việc.

Sau cải cách giáo dục trong ngành Công an, các trường Công an Trung Quốc bên cạnh việc giảng dạy về chính trị, lý thuyết nghiệp vụ đã tăng cường dạy thực hành. Điểm nổi bật của các trường Công an Trung Quốc là khu thực hành của cán bộ, học viên, do quỹ đất rộng và áp dụng phương thức đào tạo tiên tiến của Mỹ và thế giới đã đi sâu về thực hành tác chiến nên các trường Công an Trung Quốc đều dành diện tích khoảng 15-20ha để xây các mô hình giống hệt như ngoài thực tiễn: các đường phố, ga tàu hỏa, ga xe điện ngầm, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán karaoke, vũ trường, chùa, nhà thờ, nhà máy,… Có thể nói ở ngoài thực tiễn có gì thì trong nhà trường Công an có mô hình đó mà phần lớn là giống 100% ngoài thực tiễn để học viên thực tập các phương án thực tế.

Về quản lý, rèn luyện học viên: Bộ Công an Trung Quốc quy định 100% học viên các trường Công an Trung quốc phải ở tập trung trong nhà trường. Các nhà trường Công an Trung Quốc có phương thức quản lý học viên rất chặt chẽ theo mô hình lực lượng vũ trang và có đội ngũ cán bộ quản lý học viên bố trí đến tận các lớp học. Bộ Công an Trung Quốc quy định hàng năm trước khi vào học văn hóa, chuyên môn, toàn bộ học viên các nhà trường phải luyện tập về điều lệnh, nội vụ, đội ngũ 1-3 tháng. Các nhà trường Công an Trung Quốc đã bắt đầu dạy ngoại khóa các môn như nhảy dù từ máy bay, đi biển, cứu hộ cứu nạn, chống khủng bố,… Hàng tháng các trường tổ chức cho học viên hành quân dã ngoại đi bộ xa hàng chục kilômét để rèn luyện.

Để đỡ gánh nặng cho Nhà nước và tham gia xây dựng cơ sở vật chất các trường, học viên các trường Công an phải đóng tiền học, tiền ăn, ở trong 4 năm học. Các ký túc xá sinh viên được xây dựng như khách sạn, sinh viên dùng điện, nước, Internet, tivi… đều phải trả tiền tùy theo các thang bậc của ký túc xá. Học viên Công an Trung Quốc ăn theo tự nguyện và phải tự trả tiền. Các nhà ăn đều tự hạch toán nên không cần bộ máy đông mà rất khang trang, sạch đẹp. Riêng sinh viên các gia đình chính sách, nghèo, khó khăn và các sinh viên học xuất sắc được Chính phủ và Bộ Công an có hỗ trợ tiền ăn, ở, học phí. Chính việc quy định này đã kích thích sự chăm học và thi đua học tập của học viên.

Về trình độ đội ngũ giáo viên: phần lớn có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ (tỷ lệ 70%). Đội ngũ giáo viên được đào tạo cơ bản, một số trường thực hiện mô hình vừa là giáo viên, vừa là cán bộ công tác tại các đơn vị nghiệp vụ nhằm cập nhật kiến thức thực tế cho giáo viên.

Về cơ sở vật chất: Chính phủ Trung Quốc quy định các địa phương phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng các nhà trường đại học nói chung, các nhà trường Công an nói riêng. Các nhà trường thuộc Bộ Công an Trung Quốc có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Chính phủ Trung Quốc quy định các địa phương phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng các nhà trường đại học nói chung, các nhà trường Công an nói riêng. Diện tích các trường rộng và được quy hoạch tốt như Đại học Quốc gia Công an Trung Quốc rộng 350 ha ở Bắc Kinh với 2 cơ sở; Học viện Cảnh sát Chiết Giang rộng 65ha, Trường đại học Cảnh sát Thượng Hải rộng 70ha.

Các trường Công an Trung Quốc đều có khu thực hành rộng 15-20ha. Ngoài ra là các khu thư viện, quảng trường, khu làm việc của cán bộ, khu học tập và luyện tập thể thao, võ thuật, trường bắn, ký túc xá của sinh viên. Bình quân mỗi trường Công an Trung Quốc có từ 3-7 sân vận động lớn và hàng chục sân thể thao các loại. Các trường Công an Trung Quốc đều có các trường bắn hiện đại và thực hành bắn qua mô hình di động, xây các mô hình nhà cao tầng hoặc các chướng ngại vật cao tầng để sinh viên luyện tập, vượt chướng ngại vật. Đại học Cảnh sát Chiết Giang có 7 sân tập luyện, 33 phòng thí nghiệm nghiên cứu, thư viện có 700.000 tài liệu (trong đó có 400.000 tài liệu in).

Với sự đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và nhiều chính hợp lý trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nên hệ thống các nhà trường Công an, cảnh sát Trung Quốc hiện được đánh giá vào tốp những học viện, trường Công an, cảnh sát hàng đầu của thế giới. Sinh viên sau khi học tập ra trường nắm bắt rất nhanh thực tiễn và góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách, mở cửa, hiện đại hóa đất nước Trung Quốc.

Kinh nghiệm của Thái Lan

Học viện Cảnh sát Hoàng Thái Thái Lan (Royal Thai Police Cadet Academy) là một trung tâm đào tạo lớn của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Mặc dù có gần 70 triệu dân, nhưng cả nước chỉ có một Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan làm nhiệm vụ đào tạo cảnh sát trình độ đại học với khoảng 2.000 học viên các hệ và mỗi năm chỉ tuyển 400 học viên đại học. Luật pháp Thái Lan quy định thời gian đào tạo đại học cảnh sát là 4 năm.

Để bảo đảm chất lượng, Thái Lan có phương thức tuyển sinh cảnh sát rất đặc biệt: mỗi năm Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan tuyển sinh 400 chỉ tiêu. Học viện tổ chức thi văn hóa và chọn lấy 800 em điểm cao. Sau đó sẽ thi 5 môn: nhảy cao, nhảy xa, chạy 1500 mét, co xà đơn, võ MuayThái để chọn ra những thí sinh đã đạt tiêu chuẩn văn hóa và đủ sức khỏe để học tập. Từ 800 em đủ tiêu chuẩn học lực, qua sàng lọc thể lực và thể thao để chọn ra 400 em học viên chính thức. Trước năm 2007 Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan không tuyển học viên nữ. Từ 2008 đến nay mỗi năm tuyển sinh 60-70 học viên nữ vào trường Cảnh sát.

Chương trình đào tạo đại học cảnh sát tại Thái Lan được thiết kế khoa học, tỉ mỉ nhằm trang bị cho sỹ quan cảnh sát những phẩm chất và năng lực cần thiết để hoàn thành chức trách nhiệm vụ. Mục tiêu của chương trình đào tạo nhằm giúp sỹ quan cảnh sát tích luỹ đủ kiến thức và năng lực điều tra xét hỏi; có lập trường tư tưởng vững vàng, có phẩm chất và phong cách đúng mực, tự nguyện phục vụ nhân dân; bảo đảm tinh nhuệ, nhạy bén và có kỷ luật; có khả năng phân tích, xử lý mọi vấn đề và trở thành người lãnh đạo có năng lực trong tương lai.

Chương trình đào tạo được cấu trúc gồm ba phần: phần đào tạo gồm 59 môn học, 156 học phần; phần huấn luyện, bồi dưỡng nhằm giúp sinh viên tiếp cận với các tình huống, sự kiện và trải nghiệm thực tế; phần ngoại khoá nhằm giúp phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học viên như nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng trung thành và sự liêm chính, rèn luyện thể lực, kỹ năng công tác, chiến đấu. Chương trình ngoại khoá bao gồm: nghe diễn thuyết, thể dục, thể thao, hoạt động thể chất, lái xe, tuần tra canh gác, giúp việc cho các sỹ quan tại chức và rèn luyện theo các tiêu chuẩn của cảnh sát.

Trong suốt 4 năm đào tạo, học viên được hưởng các quyền lợi về ăn, ở, sinh hoạt, trang phục và các quyền lợi khác theo quy định của Chính phủ. Kết thúc khoá học, các sỹ quan cảnh sát được tiếp kiến nhà vua Thái Lan và được các tướng lĩnh trao bằng cử nhân.

Những giá trị tham khảo trong việc hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học tại các trường thuộc Bộ Công an Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học tại các trường thuộc lực lượng vũ trang ở các một số nước trên thế giới có thể rút ra một số bài học có giá trị tham khảo trong xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học tại các trường thuộc Bộ Công an ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, mỗi mô hình đào tạo cán bộ Công an đều có những ưu, nhược điểm riêng có thể tham khảo trong việc hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học tại các trường thuộc Bộ Công an ở Việt Nam, cụ thể: mô hình đào tạo “Nghề Công an” có lợi thế về thời gian đào tạo ngắn, có điều kiện tập trung đào tạo về tay nghề chuyên môn, không tốn kém kinh phí đào tạo. Học viên tốt nghiệp có phông kiến thức rộng, phục vụ các lĩnh vực công tác công an có tính chuyên môn, kỹ thuật. Tuy nhiên, điểm hạn chế là tư tưởng chính trị không được thẩm thấu từ đầu; mô hình đào tạo “Đại học Công an” có lợi thế về chuẩn hoá ngay từ đầu quá trình đào tạo, đặc biệt về chính trị – tư tưởng và chấp hành điều lệnh, ngược lại, mô hình này có sự hạn chế về thời gian đào tạo, phông kiến thức xã hội trên các lĩnh vực.

Thứ hai, dù khác nhau về thể chế chính trị, dù áp dụng mô hình đào tạo “Nghề Công an” hay “Đại học Công an”, các nước đều coi trọng chất lượng đào tạo cán bộ an ninh, cảnh sát. Để bảo đảm chất lượng đào tạo các nước đều ban hành quy định (luật, quy định của chính phủ hoặc quy định của cơ quan chủ quản) tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ ba, các nước đều rất coi trọng công tác tuyển sinh đầu vào với các quy định, quy trình chặt chẽ, bài bản, có các tiêu chí cụ thể về năng khiếu để bảo đảm phù hợp với đặc thù công tác công an. Một số nước như Trung Quốc còn có đòi hỏi thẩm tra về lý lịch. Trước khi vào đào tạo ứng viên đều phải qua kỳ thi đánh giá tố chất của ứng viên như: tư duy lô gic, khả năng xây dựng văn bản, kỹ năng làm việc nhóm, quan hệ phối hợp trong công tác. Trong quá trình đào tạo, các nước đều có chính sách hỗ trợ đối với học viên về ăn, ở, sinh hoạt, trang phục, học phí nhằm tạo động lực phấn đấu cho học viên trong quá trình đào tạo.

Thứ tư, chương trình đào tạo cán bộ Công an ở các nước đều hướng đến đào tạo ra đội ngũ cán bộ Công an có đủ phẩm chất, năng lực. Yếu tố đạo đức nghề nghiệp được đề cao. Các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc còn coi trọng xây dựng, củng cố lập trường tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê nin. Các nước đều áp dụng phương thức đào tạo chú trọng thực hành, trang bị kỹ năng, thể hiện rõ trong chương trình đào tạo khi học viên được trang bị kỹ, chiến thuật tiến hành các hoạt động cụ thể, coi trọng kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng tham mưu. Ngay cả các nước theo mô hình đào tạo “Đại học Công an” như Nga, Trung Quốc cũng đã và đang tiến hành cải cách theo hướng chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho cán bộ Công an.

Thứ năm, cả hai mô hình đào tạo an ninh, cảnh sát đều coi trọng xây dựng đội ngũ giảng viên là những người có kinh nghiệm thực tiễn để bảo đảm áp dụng đồng bộ, hiệu quả phương thức đào tạo chú trọng thực hành. Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu còn huy động đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là cán bộ đang công tác tại các đơn vị thực tiễn tham gia công tác đào tạo trong nhà trường.

Thứ sáu, các nước đều quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm phục vụ công tác đào tạo theo phương thức thực hành như: đầu tư xây dựng khu vực thực hành, huấn luyện (bể bơi, trường bắn, sân bãi thể thao, khu thực hành nghiệp vụ) với trang bị hiện đại, giống môi trường thực tiễn chiến đấu để rèn luyện thể lực, kỹ năng tay nghề cho học viên.

Kinh nghiệm về tổ chức đào tạo cán bộ Công an ở một số nước như đã đề cập ở trên có giá trị tham khảo đối với Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học tại các trường thuộc Bộ Công an theo hướng coi trọng nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào; kết hợp ưu thế của hai mô hình đào tạo cán bộ Công an theo hướng mở rộng nguồn tuyển sinh, tổ chức đào tạo văn bằng hai đối với người đã tốt nghiệp đại học ngành ngoài nhằm rút ngắn thời gian đào tạo, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ Công an có tri thức toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Công an trong bối cảnh tình hình mới; coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho học viên nhằm nâng cao năng lực thích ứng với thực tiễn công tác của học viên sau khi ra trường; bảo đảm cơ sở vật chất, hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ đào tạo, huấn luyện nhằm hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho học viên.

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Vi Dân (2023), Bài viết: “Kinh nghiệm của lực lượng an ninh, cảnh sát các nước trên thế giới về tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng – kiến nghị và đề xuất”, đăng Kỷ yếu hội thảo khoa học:“Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân đến năm 2030 đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” do Bộ Công an tổ chức ngày 04/4/2023.
2. Nguyễn Văn Ly (2010), Luận án tiến sĩ Quản lý giáo dục: Quản lý chất lượng đào tạo đại học trong các học viện, trường Công an nhân dân, Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Hiện đại hoá ngành Công an, tình báo ở Trung Quốc. https://cand.vn, ngày 16/02/2012,