Đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 12/12/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên, khu vực Miền Trung. PGS.TS Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng Ban Quản lý đào tạo Học viện đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía khách mời có: TS. Đặng Văn Huấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Đoàn Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện, cùng đông đảo cán bộ, viên chức, giảng viên tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện nhấn mạnh: những năm vừa qua, Học viện Hành chính Quốc gia đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đào tạo sau đại học. Riêng với bậc đào tạo thạc sĩ, hiện nay, Học viện đang triển khai song song 2 chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng nghiên cứu và thạc sĩ định hướng ứng dụng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của cả người học và xã hội trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực hành chính cho xã hội.

Đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng vừa là bước chuyển bắt buộc và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người học trong bối cảnh hiện nay. Mỗi cơ sở giáo dục  đại học cần có chiến lược đổi mới để xây dựng và tổ chức đào tạo bảo đảm chất lượng, đồng thời làm rõ khung lý luận, pháp lý và đánh giá thực tiễn triển khai về đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trình độ thạc sĩ.

Với mục tiêu đó, Hội thảo mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung:

(1) Xác lập rõ khung cơ sở lý luận và pháp lý về đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng.

(2) Tiếp cận trong xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng.

(3) Những thuận lợi, khó khăn và thách thức khi tiếp cận mới trong xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia.

(4) Đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia.

(5) Cơ chế, chính sách trong phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ theo định hướng ứng dụng.

(6) Kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Quốc tế về đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, đề xuất mô hình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia.

(7) Kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế về đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, đề xuất mô hình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia.

(8) Định hướng công tác bảo đảm chất lượng trong đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng.

(9) Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia.

TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban Ban Quản lý đào tạo Học viện trình bày tham luận. 

Tại Hội thảo, TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban Ban Quản lý đào tạo trình bày tham luận: “Định hướng chiến lược phát triển đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Theo TS. Lê Thanh Huyền, đặc trưng của định hướng nghề nghiệp ứng dụng là mối quan hệ chặt chẽ với thế giới việc làm, thể hiện trong toàn bộ hoạt động của Nhà trường; chương trình đào tạo sử dụng cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm với các phương pháp học tập tích cực, tập trung phát triển năng lực và kỹ năng nghề nghiệp trên cơ sở khung đào tạo chuẩn các khối kiến thức, kỹ năng và ý thức nghề nghiệp; trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, đòi hỏi phải có sự tham gia hợp tác từ phía đơn vị sử dụng lao động, tạo điều kiện để người học được thực tập, thực tế tiếp cận với vị trí việc làm thực; học tập trong quá trình thực tập, thực tế giảm bớt thời gian học lý thuyết hàn lâm.

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và thách thức của Học viện Hành chính Quốc gia trong đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng, TS. Lê Thanh Huyền đã đề xuất 5 giải pháp chiến lược góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng cho Học viện. Đó là: (1) Đổi mới tư duy quản lý giáo dục đại học; (2) Hoàn thiện và chuẩn hóa chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng; (3) Xây dựng lộ trình kiểm định chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng; (4) Phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới trong đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng; (5) Quốc tế hóa giáo dục.

TS. Đặng Văn Huấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận “Đào tạo trình độ thạc sĩ tại Học viện Hành chính Quốc gia trong bối cảnh mới: Đổi mới và hội nhập quốc tế”. Trên cơ sở phân tích thực tiễn đào tạo thạc sĩ quản lý hành chính công (MPA) tại Trung Quốc và Hoa Kỳ, TS. Đặng Văn Huấn đã gợi mở cho Học viện Hành chính Quốc gia phát triển các chương trình MPA với việc đổi mới phương thức đào tạo sau đại học, như:

(1) Thiết kế chương trình đào tạo cần dựa vào nhu cầu công việc thực tế của công chức, viên chức và yêu cầu đổi mới trong khu vực công bao gồm việc xác định rõ năng lực nghề nghiệp cho từng vị trí việc làm; chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo bao gồm các kiến thức, kỹ năng, năng lực;

(2) Hệ thống hóa các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn theo chuyên ngành, các chuyên ngành lĩnh vực chuyên sâu đặc thù trong chương trình thạc sĩ;

(3) Tăng cường tính liên thông, liên khoa, liên ngành trong Học viện để học viên lựa chọn các môn học một cách linh hoạt, được học những môn học phù hợp với nhu cầu mà không bị đóng khung trong một chương trình cứng cho tất cả học viên;

(4) Cân đối các hợp phần kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm thực tiễn trong môn học;

(5) Thiết kế các dự án cuối khóa để gắn lý thuyết với thực hành;

(6) Chú trọng hơn trong việc thiết kế các chương trình thực tế cho các lớp MPA một cách bài bản, thiết thực, tránh hình thức và phải gắn với các nội dung và yêu cầu học tập.

Với tham luận “Một số đề xuất để tiếp tục phát triển chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng tại Học viện Hành chính Quốc gia”, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng đã đưa ra các kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện, phát triển chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng tại Học viện, đó là: (1) Các nội dung, phương pháp đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo phải phù hợp với các đối tượng người học cụ thể, đồng thời các nội dung học cần gắn liền với các vấn đề thực tiễn chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; (2) Thực hiện chương trình theo đúng tính chất là đào tạo theo tín chỉ; (3) Xác định lại về thời điểm giảng viên hoàn thành việc hướng dẫn học viên thực hiện đề án tốt nghiệp.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Lê Văn Hòa, Trưởng Bộ môn Khoa học chính sách, Khoa Hành chính học, chia sẻ nội dung “Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành chính sách công định hướng ứng dụng tại Học viện Hành chính Quốc gia”. TS Lê Văn Hòa cho biết, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Chính sách công theo định hướng ứng dụng hiện hành của Học viện đã: (1) Xác định được một tỉ lệ hợp lý giữa lý thuyết và thực hành; (2) Hệ thống các học phần trong chương trình đào tạo đã tập trung vào trang bị cho người học những kiến thức nâng cao cần thiết và chuyên sâu nhằm giúp người học nhận thức đầy đủ và sau sắc về các giai đoạn của chu trình chính sách công, các chủ thể chính sách và các bên liên quan đến chính sách công; (3) Chương trình đào tạo đã dành số lượng tín chỉ lớn cho thực tập nghiệp vụ và làm đề án tốt nghiệp để học viên có cơ hội tìm hiểu thực tế về các giai đoạn của chu trình chính sách công; (4) Chương trình đào tạo được xây dựng bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về hình thức và cấu trúc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

TS. Lê Văn Hòa đề xuất 6 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ ngành chính sách công theo hướng ứng dụng. Cụ thể:

(1) Xây dựng mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình phải xuất phát từ các vị trí việc làm trong chu trình chính sách công;

(2) Xây dựng mục tiêu và chuẩn đầu ra của từng học phần cần cụ thể và gắn chặt chẽ và góp phần đạt mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Nội dung từng học phần cần hướng tới đạt mục tiêu và chuẩn đầu ra của học phần, đồng thời, ít nhất đối với các học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành cần bảo đảm định hướng ứng dụng cao;

(3) Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch biên soạn tài liệu phục vụ cho giảng dạy và học tập đối với một số học phần còn thiếu, hoặc có nhưng chưa đảm bảo yêu cầu của mục tiêu và chuẩn đầu ra của học phần, đặc biệt là các học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành;

(4) Tổ chức đào tạo đối với từng học phần chia thành nhiều đợt cách nhau. Điều này sẽ giúp cho học viên có đủ thời gian để làm bài tập thực hành cá nhân/bài tập tình huống và thời gian trình bày kết quả thực hành trên lớp;

(5) Đối với các học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành, hình thức đánh giá giữa kỳ là bài tập cá nhân/bài tập tình huống và tỷ trọng điểm chiếm 50% trong tổng điểm của học phần. Như vậy, điểm chuyên cần chiếm 10%; điểm đánh giá giữa kỳ chiếm 50% – 60%, điểm thi kết thúc học phần chiếm 30% – 40%;

(6) Tăng cường công tác quản lý lớp thông qua việc điểm danh từng buổi học (cả học trực tiếp và trực tuyến) và có hình thức xử lý nghiêm đối với học viên không đảm bảo thời gian học theo quy định.

TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa Khoa Hành chính học phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khoa học liên ngành phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo cũng được lắng nghe những ý kiến chia sẻ của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học về đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng cho Học viện Hành chính Quốc gia. Các ý kiến tập trung vào các nội dung, như: (1) Cần phân biệt hai loại hình đào tạo: nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng; (2) Cần gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan tổ chức (nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; doanh nghiệp,…) về nhân lực, nội dung, chương trình đào tạo; (3) Vai trò của người thầy đóng vai trò quan trọng trong đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng, bên cạnh am tường kiến thức, năng lực nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu để hướng dẫn người học thì người thầy cần phải có kinh nghiệm thực tiễn, tránh lý thuyết suông; (4) Thiết kế hình thức đào tạo linh hoạt đáp ứng yêu cầu của người học và năng lực cơ sở đào tạo. Chương trình đào tạo cần nghiêng về ứng dụng để xử lý các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, trang bị cho người học kiến thức lý luận nhưng phải được áp dụng ngay trong thực tiễn; (5) Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và nguồn nhân lực cho đào tạo theo định hướng ứng dụng, tăng cường sử dụng các phương tiện phục vụ cho giảng dạy, giảm thời gian lên lớp của giảng viên, tạo điều kiện để giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế;….

Đại biểu tham gia chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận và bài viết tham gia Hội thảo của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Đây là cơ sở giúp cho Ban Giám đốc Học viện tiếp tục chỉ đạo, định hướng các đơn vị quản lý đào tạo, các Khoa chuyên môn, các Phân viện và đội ngũ viên chức lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên giảng dạy tình độ đào tạo thạc sĩ của Học viện tiếp tục đổi mới và có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Nguyễn Thùy, Tuấn Anh