Quản lý quy hoạch sử dụng đất ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh – kinh nghiệm cho thành phố Hà Nội

ThS. Vũ Kỳ Long
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tếxã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. Thông qua việc đánh giá công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh, bài viết rút ra kinh nghiệm cho Thủ đô Hà Nội phát huy mặt tích cực để vận dụng phù hợp, thực hiện hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Vai trò của công tác quy hoạch nói chung đã được khẳng định trong Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) trong đó chỉ rõ: “Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất”. Với quản lý quy hoạch sử dụng đất, đối tượng của quy hoạch là đất đai, yếu tố đầu vào cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Do đó, quy hoạch sử dụng đất giữ vai trò trung tâm trong hệ thống quy hoạch của Nhà nước. Căn cứ vào đặc điểm điều kiện tự nhiên, tiềm năng đất đai, phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của mỗi vùng lãnh thổ, quy hoạch sử dụng đất được tiến hành nhằm phân bổ hợp lý quỹ đất cho các ngành, các lĩnh vực.

Công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất tại TP. Hồ Chí Minh

Ban hành văn bản về quy hoạch sử dụng đất

Quy hoạch sử dụng đất TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2020 được thực hiện theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 06/01/2014 của Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015), trên cơ sở đó, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của 24 quận, huyện và xã, phường, thị trấn cũng đã được Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố phê duyệt trong năm 2014.

Thực hiện Công văn số 1927/TTg-KTN ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia cho TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã chỉ đạo rà soát các chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, hoàn thiện báo cáo và lập thủ tục trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Ngày 22/02/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 27/TB-BTNMT thông báo kết quả thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) của TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ và trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 06/7/2017.

UBND Thành phố cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của 5 huyện, gồm: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/6/2018 thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) TP. Hồ Chí Minh.

Công tác tổ chức thực hiện

Công tác quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất 2 giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020 thông qua các chỉ tiêu sử dụng đất ở bảng 1.

Số liệu tại bảng 1 cho thấy, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất chưa hoàn thành theo chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 2011 – 2015, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 2.554 ha, đến cuối năm 2015 còn khoảng 20.201 ha chưa chuyển mục đích theo kế hoạch được duyệt. Từ năm 2016 – 2020, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp là 2.626 ha, đến cuối năm 2020 còn khoảng 23.620 ha chưa chuyển mục đích theo kế hoạch được duyệt. Các chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp đạt được còn thấp, nhất là đất dành cho các khu công nghiệp, đất ở tại đô thị, đất thương mại, dịch vụ… Diện tích đất chưa sử dụng đến cuối năm 2020 còn lớn với diện tích 618 ha chưa đưa vào sử dụng theo chỉ tiêu sử dụng đất.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất

Công tác thanh tra, kiểm tra về quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Ngoài công tác thanh tra định kỳ các đối tượng sử dụng đất của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, ngành Thanh tra đã thực hiện thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy còn tồn tại hạn chế, như:

Đối với khu công nghiệp: nhiều doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp nhưng không đưa vào khai thác sử dụng dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, như: Công ty cổ phần Hùng Vương (Khu công nghiệp Hiệp Phước), Công ty cổ phần đầu tư Việt Nam (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân)… chậm giải phóng mặt bằng với tổng diện tích là 159,82 ha, không thực hiện trồng cây xanh bảo đảm theo quy hoạch được duyệt với diện tích 139,78 ha, dẫn đến ảnh hưởng đến môi trường.

Đối với khu đô thị: UBND Thành phố, các quận và các sở, ngành liên quan chưa thực hiện đầy đủ, chưa xem xét kỹ trong việc đánh giá năng lực của nhà đầu tư về kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính để bảo đảm nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án theo quy định; phê duyệt, điều chỉnh một số chỉ tiêu trong quy hoạch 1/2000, 1/500 không đúng quy chuẩn xây dựng về tầng cao công trình, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng; cấp giấy phép xây dựng không đúng quy hoạch được duyệt; theo đó, chưa tính đúng, tính đủ và thu tiền sử dụng đất kịp thời theo quy định cho Nhà nước như tại các dự án: Khu dân cư Phước Long B, Khu đô thị Sài Gòn Bình An, Khu dân cư Tầm nhìn, Khu dân cư Lacasa, Quận 7…

Đánh giá chung

Quy hoạch sử dụng đất của TP. Hồ Chí Minh đã được phê duyệt và công bố công khai, tổ chức thực hiện theo đúng quy định, tuy nhiên, việc thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất chưa đạt được kết quả như mong đợi, nhất là giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện quy hoạch chưa hiệu quả là do: nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và đầu tư xây dựng công trình còn hạn chế; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án còn chậm do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Thành phố trước khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời đã được giao cho quận, huyện thực hiện nên việc kiện toàn tổ chức phát triển quỹ đất một cấp theo quy định còn gặp khó khăn; thủ tục hành chính liên quan đến phê duyệt dự án đầu tư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, giao, cho thuê,chuyển mục đích sử dụng đất, duyệt quy hoạch chi tiết và cấp phép xây dựng công trình… chưa bảo đảm thời gian quy định; nhiều nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án trong giai đoạn quy hoạch sử dụng đất nhưng vì nhiều lý do đã không thể tiếp tục thực hiện dự án.

Quản lý quy hoạch sử dụng đất tại tỉnh Quảng Ninh

Ban hành văn bản về quy hoạch sử dụng đất

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các văn bản triển khai quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Công văn số 1250/UBND-QLĐĐ ngày 30/3/2012 về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 – 2015 cấp huyện; Công văn số 2171/UBND-QLĐĐ2 ngày 29/4/2014 về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã; Công văn số 5793/UBND-QLĐĐ2 ngày 15/10/2014 về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Quảng Ninh; Công văn số 2809/UBND-QLĐĐ2 ngày 21/5/2015 về việc chỉ đạo công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020)…

Công tác lập, quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời. Hội đồng nhân dân tỉnh đã xem xét thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015), kỳ cuối (2016-2020) trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi được Chính phủ phê duyệt Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 07/02/2013 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu kỳ 2011-2015 của tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử đụng đất của 14/14 huyện, thị xã, thành phố. Ngày 13/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của 13/13 huyện, thị xã, thành phố.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được phê duyệt đã làm căn cứ pháp lý cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thường muộn hơn so với quy định do nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng đã gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Công tác tổ chức thực hiện

Kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Quảng Ninh được thể hiện tại bảng 2.

Từ các số liệu ở bảng 2 cho thấy, kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2011 – 2020, như sau: đất nông nghiệp là 486.022,85 ha, đạt 105,21% so với chỉ tiêu được Chính phủ phê duyệt;đất phi nông nghiệp là 95.869,44 ha, đạt 75,97%; đất chưa sử dụng còn 39.797,66 ha, đạt 134,29%. Diện tích đất chưa sử dụng đến năm 2020 còn nhiều là do các dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc chưa đạt tiến độ đề ra và xác định đường triều kiệt cũng làm tăng diện tích đất chưa sử dụng vùng ven biển. Bên cạnh đó, công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật Đất đai, theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nhìn chung, các chỉ tiêu sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đều đạt thấp so với chỉ tiêu được duyệt do công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất còn có hạn chế, thời gian triển khai các công trình dự án từ khi đăng ký nhu cầu sử dụng đất đến khi được giao đất, cho thuê đất thường kéo dài đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất đã được phê duyệt.

Thanh tra, kiểm tra trong thực hiện quy hoạch sử dụng đất

Công tác thanh tra, kiểm tra về quy hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Ninh được thực hiện theo quy định. Ngoài ra, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện thanh tra với một số dự án được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn của tổ chức sử dụng đất, như: Viễn thông Quảng Ninh và Bưu điện tỉnh Quảng Ninh; Công ty TNHH MTV Dịch vụ vận tải và xây dựng Toàn Đức; Công ty cổ phần Thương binh Đoàn Kết… Các sai phạm chủ yếu do chậm tiến độ thực hiện so với tiến độ ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư, dẫn đến chậm thực hiện quy hoạch sử dụng đất và không hoàn thành chỉ tiêu được duyệt.

Đánh giá chung

Việc thực hiện và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh từng thời kỳ đã góp phần tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp sạch, dịch vụ du lịch, hạ tầng đô thị, nuôi trồng thuỷ sản và sản phẩm mới tạo thời cơ thuận lợi cho sự phát triển bền vững của tỉnh; bảo đảm quỹ đất đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu phát triển, làm cơ sở pháp lý để triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu ngân sách địa phương.

Bên cạnh những mặt đạt được, còn một số tồn tại, như: việc thực hiện một số chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt chưa đạt; công tác dự báo xu thế phát triển của xã hội ở từng lĩnh vực chưa thật sự tốt, chưa sát nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh; hệ thống các văn bản pháp lý về quy hoạch còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ, chưa theo kịp các yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có nhiều thay đổi; cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn chưa hoàn thiện; năng lực đội ngũ tư vấn, cán bộ quản lý chưa đồng đều, còn hạn chế về số lượng, chất lượng, đặc biệt là một số địa phương vùng núi và hải đảo đã làm ảnh hưởng đến công tác lập, thực hiện, quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trên là do công tác dự báo, đăng ký nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực, các địa phương chưa sát với khả năng đầu tư trong kỳ quy hoạch dẫn đến việc thực hiện một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa đạt chỉ tiêu theo quy hoạch được duyệt, nhất là nhóm đất phi nông nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều công trình, dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm nhưng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, quy trình, thủ tục thu hồi đất theo quy định kéo dài (đối với đất nông nghiệp tối thiểu 60 ngày kểtừ ngày thông báo thu hồi đất, đối với đất phi nông nghiệp tối thiểu 180 ngày); chưa kịp thời bố trí vốn (đối với công trình ngân sách); một số nhà đầu tư còn thiếu quyết liệt trong việc thực hiện dự án dẫn đến thời gian giải phóng mặt bằng, tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế kéo dài; công trình đăng ký đưa vào thực hiện trong kỳ quy hoạch nhưng không triển khai thực hiện do thay đổi quy hoạch xây dựng, điều chỉnh dự án.

Một số kinh nghiệm về quản lý quy hoạch sử dụng đất cho thành phố Hà Nội

Một là, về ban hành văn bản có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất.

Thành phố Hà Nội được phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 tại Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ, sớm hơn TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh, điều đó cho thấy thành phố Hà Nội đã có sự chuẩn bị tốt trong khâu tổng hợp, đăng ký nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và giải trình theo đúng quy định khi thực hiện xây dựng quyền sử dụng đất cấp tỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh quyền sử dụng đất của thành phố Hà Nội được duyệt tại Nghị quyết số 65/NQ-CP ngày 25/5/2018 chậm hơn so với tỉnh Quảng Ninh.

Nhìn chung, tỷ lệ chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh chưa đạt chỉ tiêu nhưng khá cao so với các địa phương khác, thu hút được các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đây là bài học để Hà Nội cải thiện công tác xây dựng quyền sử dụng đất. Nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu sử dụng đất một phần xuất phát từ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, trên địa bàn thành phố Hà Nội, khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất phải phân tích trước nhu cầu cần thiết cho thay đổi trong sử dụng đất đai cũng như những tác động lên sự thay đổi đó. Những mục tiêu của quy hoạch phải được thiết lập từ sự cấp bách của yêu cầu xã hội hay của Nhà nước và được tính toán theo tình trạng hiện tại của khu vực đó.

Đồng thời, phải nghiên cứu các vấn đề khó khăn trong hiện trạng sử dụng đất đai hiện tại và từ đó tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ những khả năng tốt đẹp và cần thiết trong việc thay đổi cách sử dụng đất đai. Ngoài ra, việc lấy ý kiến của người dân khi lập quy hoạch sử dụng đất là hết sức cần thiết. Vì vậy, cần có sự đổi mới công tác lấy ý kiến Nhân dân, cộng đồng dân cư đối với quy hoạch sử dụng đất và thực hiện đầy đủ thủ tục xin ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai dự án theo đúng quy định.

Hai là, về tổ chức thực hiện.

Thời gian phê duyệt quy hoạch sử dụng đất ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh luôn có độ trễ từ 2 – 3 năm so với giai đoạn quy hoạch, đây là vấn đề tồn tại chung của các địa phương. Do đó, thành phố Hà Nội cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện liên quan để triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất ngay sau khi được phê duyệt; thường xuyên nắm tình hình, tiến độ thực hiện tại các quận, huyện, thị xã; đánh giá khả năng thực hiện các chỉ tiêu; làm tốt công tác dự báo để xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, cần tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, chỉ thực hiện đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nhu cầu, chỉ tiêu sử dụng đất đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định; thường xuyên rà soát, phát hiện những vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai hiện hành; tổng hợp, đánh giá và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, quy hoạch.

Ba là, về thanh tra, kiểm tra.

Thực tế tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh vẫn tồn tại các dự án sai phạm, dự án chậm tiến độ hay sử dụng đất sai mục đích, vi phạm quy hoạch sử dụng đất. Điều này gây lãng phí đất đai, nguồn lực từ đất và khiến những đối tượng có nhu cầu khó tiếp cận được đất đai. Do đó, thành phố Hà Nội cần tăng cường thực hiện công tác hậu kiểm thực hiện quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất; rà soát, phân loại các dự án, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ quỹ đất nhằm hạn chế tối đa tình trạng lấn chiếm đất đai, để hoang hóa quỹ đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch; đồng thời, hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thực hiện dự án, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; kiên quyết thu hồi đất đưa ra khỏi quy hoạch sử dụng đất đối với những dự án triển khai chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch.

Kết luận

Quản lý quy hoạch sử dụng đất tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh đã có những kết quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và của cả nước. Công tác quy hoạch sử dụng đất đã phát huy các nguồn lực từ đất đai, tạo quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Kết quả đánh giá quy hoạch sử dụng đất của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh đã đem lại những bài học kinh nghiệm cần thiết, giúp thành phố Hà Nội có những định hướng trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội cần thường xuyên rà soát những bất cập trong chính sách, pháp luật để đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoàn thiện quy định cũng như tăng cường thực hiện công tác hậu kiểm thực hiện quyết định về đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy mặt tích cực, hiệu quả và tiếp thu, phân tích các điểm còn hạn chế để vận dụng phù hợp, thực hiện hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 265/BC-UBND ngày 29/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030.
2. Luật Đất đai năm 2013.
3. Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017.
4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch của Quốc hội, số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018.
5. Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu (2011 – 2015) của TP. Hà Nội.
6. Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 07/02/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) tỉnh Quảng Ninh.
7. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 06/01/2014 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) của TP. Hồ Chí Minh.
8. Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 13/02/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Quảng Ninh.
9. Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/6/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020).
10. Thông báo số 1068/TB-TTCP ngày 06/7/2021 của Thanh tra Chính phủ về Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. Hồ Chí Minh.
11. Văn bản số 3183/STNMT-QLĐ ngày 29/4/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh về báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 -2030.