TS. Phan Thị Thu Hà
Học viện Phụ nữ Việt Nam
ThS. Nguyễn Thị Yến
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới đã khẳng định “An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe Nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc”. Như vậy, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là việc của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân, trong đó vai trò của phụ nữ trong giám sát an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng.
Đặt vấn đề
Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những vấn đề gây nhức nhối và cần sự quan tâm giải quyết của cả xã hội. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 12/2022, cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 758 người bị ngộ độc và 4 trường hợp tử vong (tăng 5 vụ ngộ độc, tăng 738 người bị ngộ độc và tăng 1 người tử vong so với tháng 11/2022). Như vậy, tính chung trong 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong1. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (hiện tại, có đến 25 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bao gồm: 1 luật, 15 nghị định, 7 thông tư, 2 chỉ thị của Thủ tướng). Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới đã khẳng định “An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe Nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc”.
Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là việc của cả hệ thống chính trị, bao gồm: các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể, mỗi người dân, trong đó vai trò của phụ nữ trong giám sát an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng. Ở mỗi gia đình, phụ nữ cũng là người đảm nhận chính công việc nội trợ, chăm lo bữa ăn cho những người thân. Họ trực tiếp thực hiện việc bảo đảm vệ sinh an toàn khi chế biến và bảo quản thực phẩm. Phụ nữ còn tham gia vào việc giám sát an toàn thực phẩm khi họ tiến hành sản xuất hoặc đi chợ, nấu nướng cho gia đình. Do đó, nâng cao và phát huy vai trò của phụ nữ trong giám sát an toàn thực phẩm góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Vai trò của phụ nữ trong giám sát an toàn thực phẩm
Giám sát được hiểu là “theo dõi và kiểm tra có thực hiện đúng những điều quy định hay không” hay giám sát là “theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ”2. Theo kết quả nghiên cứu3, cụ thể như sau:
Phụ nữ đã nhận thức đầy đủ về trách nhiệm giám sát an toàn thực phẩm (chiếm 84,7%). Thời gian qua, có 44,8% phụ nữ đã giám sát an toàn thực phẩm thông qua các hành động cụ thể, như: quan sát, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, nắm bắt thông tin… Quan sát bằng giác quan để xem xét các trường hợp có vi phạm an toàn thực phẩm hay không là cách thức có nhiều người thực hiện nhất (80,6%). Bên cạnh đó, có 44,6% đã có hành động theo dõi tức là quan sát lặp lại nhiều lần việc tuân thủ an toàn thực phẩm của người khác. Những hành động khác đòi hỏi mức độ hiểu biết, kỹ năng về an toàn thực phẩm và giám sát về an toàn thực phẩm cao hơn, như:kiểm tra, đánh giá, nắm bắt thông tin được ít phụ nữ thực hiện hơn. So sánh sự khác biệt giữa các nhóm tuổi, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra phụ nữ trẻ dường như thực hiện các hành động giám sát an toàn thực phẩm nhiều hơn phụ nữ trung niên và cao tuổi. Phụ nữ thuộc nhóm từ 30 tuổi trở xuống có tỷ lệ thực hiện các hành động giám sát cao nhất trong các nhóm (với 62,5%). So sánh sự khác biệt giữa các nhóm trình độ học vấn khác nhau, kết quả nghiên cứu cho thấy những người có trình độ học vấn cao hơn, thực hiện các hành động giám sát an toàn thực phẩm nhiều hơn. Cụ thể: trung học phổ thông (45,0%); trung học cơ sở (43,4%); tiểu học (33,3%).
Đối với những người đã phát hiện ra các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm nhưng không có phản ứng hay hành động cụ thể nào, lý do lớn nhất là do họ nể nang và ngại va chạm với người vi phạm (58,6%). Đặc biệt, nếu đó là những người thân, hàng xóm hoặc người quen, họ có xu hướng bỏ qua các lỗi vi phạm vì ngại mất lòng, ảnh hưởng đến mối quan hệ đã có từ trước đấy. Bên cạnh đó, có khoảng 1/3 phụ nữ cho rằng lỗi vi phạm là nhỏ và có thể bỏ qua được (chiếm 29,3%). Vẫn còn một bộ phận phụ nữ quan niệm dù họ có những phản ứng cụ thể, như: nhắc nhở, phản ánh, kiến nghị, tố cáo cũng không giải quyết được sự việc (chiếm 20,7%)khiến cho, họ không có niềm tin những hành động của họ sẽ có ảnh hưởng, tác động tích cực đến tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong những người tham gia khảo sát, số phụ nữ đã từng phát hiện ít nhất một trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ không cao, chiếm 28,4%. Lý do là ở các địa bàn khảo sát, chính quyền địa phương đã chú trọng và đẩy mạnh công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua nhiều hoạt động. Điều này, giúp giảm đi các trường hợp vi phạm trên thực tế. Tuy nhiên, có thể do hiểu biết, kỹ năng về giám sát an toàn thực phẩm của phụ nữ còn chưa đầy đủ nên họ khó phát hiện ra những cá nhân nào vi phạm.
Phần lớn phụ nữ ở các địa bàn khảo sát thường giám sát các cá nhân, hộ sản xuất nhỏ lẻ, chiếm 75,2%. Bên cạnh đó, có 38,7% phụ nữ đã giám sát cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Những tổ chức sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn hơn, như: tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã và doanh nghiệp ít được giám sát. Bởi vì cá nhân, hộ sản xuất – kinh doanh, nhỏ lẻ thường cùng thuộc không gian địa lý gần gũi với phụ nữ như trong cùng làng, xã. Họ có sự trao đổi, tương tác với nhau trong cuộc sống hằng ngày, quá trình sản xuất hoặc mua bán, đi chợ. Vì thế, phụ nữ thuận lợi hơn trong giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Chuỗi cung ứng thực phẩm bao gồm nhiều công đoạn từ sản xuất đến kinh doanh sản phẩm. Tuy nhiên, một số công đoạn trong quy trình này đã được phụ nữ ở các địa phương quan tâm giám sát nhiều hơn, bao gồm: trồng trọt (55,8%); chăn nuôi (26,8%); sơ chế, chế biến (35,5%); bày bán, kinh doanh (25,4%). Đặc biệt, phụ nữ giám sát nhiều nhất ở khâu trồng trọt với 55,8% để xem việc trồng trọt có tuân thủ theo quy định hay không. Điều đó thể hiện phụ nữ quan tâm đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở công đoạn này.
Phụ nữ ở các địa bàn khảo sát thường giám sát thực phẩm tươi sống (79,4%) và thực phẩm đã qua chế biến (48,5%). Đây là các loại thực phẩm thường được phụ nữ mua để chuẩn bị các bữa ăn cho gia đình, nhất là thực phẩm tươi sống. Do vậy, họ thường chú ý đến việc bảo đảm vệ sinh của các thực phẩm tươi sống, như: rau, thịt, cá… Bên cạnh đó, nhiều người cũng thường xuyên sử dụng các thực phẩm đã qua chế biến để tiết kiệm thời gian, làm đa dạng, phong phú thêm những bữa cơm gia đình. Quá trình chế biến có tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm không được nhiều chị em quan tâm.
Các văn bản quy phạm pháp luật đều có những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm cho từng loại thực phẩm cũng như các công đoạn sản xuất – kinh doanh liên quan đến thực phẩm. Phụ nữ ở các địa phương đã giám sát nhiều nội dung khác nhau liên quan đến sản xuất, kinh doanh nhưng họ quan tâm nhiều hơn đến địa điểm, nhà xưởng sản xuất (chiếm 34,3%); người trực tiếp sản xuất, kinh doanh (chiếm 32,8%); việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng (33,6%).
Sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, phần lớn phụ nữ đã có những phản ứng tích cực thông qua nhiều hình thức, chiếm 76,1%. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận phụ nữ không có hành động cụ thể nào khi phát hiện các trường hợp vi phạm (chiếm 23,9%). Phụ nữ thường phản hồi trực tiếp đối với người có hành vi vi phạm thông qua trao đổi, nhắc nhở và khuyên bảo họ (75,2%). Bên cạnh đó, chị em cũng có hành động cảnh báo, lan truyền thông tin cho những người xung quanh để họ tránh không sử dụng các sản phẩm ở những địa chỉ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (chiếm 38,7%). Nhiều người có suy nghĩ những trường hợp vi phạm ở mức độ nhẹ nên chỉ cần trao đổi, nhắc nhở để người sản xuất, kinh doanh rút kinh nghiệm. Hơn nữa, đó là những người quen ở cùng làng, xã nên không muốn có phản ứng gay gắt. Vì thế, chị em có những hành động quyết liệt, mang tính răn đe hơn nhằm giải quyết các vụ vi phạm, như: phản ánh, kiến nghị tới cá nhân, cơ quan có thẩm quyền; khiếu nại; tố giác, tố cáo chiếm tỷ lệ khá thấp, dao động từ 1,5% đến 9,5%.
Đối với những phụ nữ đã từng có phản ứng ở mức độ răn đe rõ hơn đối với các trường hợp vi phạm, họ chủ yếu phản ánh, kiến nghị bằng lời trực tiếp tới cá nhân, cơ quan có thẩm quyền (chiếm 79,0%). Ngoài ra, các cuộc tiếp dân; tiếp xúc cử tri; đối thoại chính sách cũng là diễn đàn để chị em phản ánh các vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm đang xảy ra ở địa phương (chiếm 45,7%). Có thể thấy, hình thức phản ánh, kiến nghị, tố cáo phổ biến được phụ nữ ở các địa bàn khảo sát sử dụng là bằng ngôn ngữ trực tiếp hơn là qua điện thoại, đơn thư hay mạng xã hội.
Các cá nhân, tổ chức được phụ nữ tin tưởng phản ánh, kiến nghị khi họ phát hiện ra các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm là trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố và Hội Phụ nữ, với tỷ lệ 61,4%. Có thể thấy, trưởng thôn/tổ trường tổ dân phố là những người có mối quan hệ gần gũi, thường xuyên trao đổi, giao tiếp với người dân nên được nhiều người dân tin tưởng để phản ánh, chuyển tải các thông tin. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ là hội viên Hội Phụ nữ hoặc có tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ triển khai. Vì vậy, các chị em cũng tìm đến cán bộ Hội để phản ánh các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh mà mình đã phát hiện được. Có thể thấy, các tổ chức đoàn thể, trong đó có Hội Phụ nữ giữ vai trò là cầu nối nắm bắt và tiếp nhận các thông tin của hội viên để chuyển tải và báo cáo với các cấp trên có thẩm quyền liên quan. Khoảng 1/3 phụ nữ đã phản ánh, kiến nghị, tố cáo các trường hợp vi phạm trực tiếp lên Ủy ban nhân dân xã/phường (34,1%).
Theo kết quả khảo sát, phần lớn các trường hợp phản ánh, kiến nghị, tố cáo đều được cá nhân, cơ quan lắng nghe (chiếm 81,8%). Bên cạnh đó, gần một nửa phụ nữ cho biết việc phản ánh, kiến nghị của mình đã được ghi chép, lập hồ sơ… để lưu giữ thông tin (47,7%).
Đối với những trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm được các cơ quan có thẩm quyền xử lý giải quyết, chủ yếu họ bị nhắc nhở (76,2%) và bị phạt tiền (42,9%). Lý do có thể là mặc dù vi phạm nhưng mức độ không nghiêm trọng nên những vụ việc này chỉ bị nhắc nhở hoặc phạt hành chính. Những trường hợp bị xử phạt nặng như tịch thu tang vật, phương tiện; đình chỉ hoạt động… chiếm tỷ lệ thấp hơn. Mặc dù tỷ lệ thấp, phụ nữ đã có vai trò nhất định đối với việc cung cấp thông tin góp phần giúp các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm ở địa phương.
Khi giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của người khác, phụ nữ ở các địa phương gặp một số khó khan, như: kiến thức về an toàn thực phẩm còn hạn chế (37,0%), chưa nắm vững cách thức, quy trình giám sát an toàn thực phẩm (31,1%), thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ giám sát (31%). Trong đó, sự thiếu hụt về kiến thức an toàn thực phẩm là hạn chế lớn nhất của họ khi thực hiện giám sát.
Một số kiến nghị phát huy vai trò giám sát an toàn thực phẩm của phụ nữ
Một là, cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm giám sát vào các văn bản luật có liên quan đến an toàn thực phẩm. Mặc dù nước ta đã có cơ chế về mặt thể chế tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát luật pháp thuộc các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, những quy định này còn mang tính chung chung, chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các quy định về vai trò giám sát, kiểm tra mới chỉ được đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, để nâng cao hơn nữa vai trò của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng trong giám sát an toàn thực phẩm, cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm giám sát vào các văn bản luật có liên quan đến an toàn thực phẩm.
Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cần thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm trong trách nhiệm quản lý của mình. Tổ chức kiểm tra, thanh tra một cách nghiêm túc, đặc biệt xử lý các trường hợp vi phạm một cách nghiêm minh, thỏa đáng sẽ tạo lòng tin, động lực thúc đẩy việc giám sát của người dân trong đó có phụ nữ.
Ba là, chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cần có những biện pháp động viên, khuyến khích phụ nữ tích cực giám sát an toàn thực phẩm, như: luôn lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị của phụ nữ về an toàn thực phẩm; có cơ chế khen thưởng những trường hợp điển hình, đóng góp nhiều trong hoạt động giám sát; bảo vệ phụ nữ khỏi các ảnh hưởng tiêu cực sau khi họ phản ánh, kiến nghị.
Bốn là, đối với phụ nữ, cần có biện pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng để nâng cao hiệu quả giám sát an toàn thực phẩm. Các kiến thức, kỹ năng bao gồm kiến thức và kỹ năng về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiến thức, kỹ năng về giám sát. Bên cạnh đó, hiểu biết pháp luật của phụ nữ về quyền, trách nhiệm giám sát nói chung trong đó có giám sát an toàn thực phẩm nói riêng cũng cần được bổ sung thường xuyên. Do đó, các cơ quan, ban ngành các cấp, đặc biệt là các đoàn thể chính trị – xã hội cần thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động hoặc các lớp tập huấn về những nội dung nói trên để tăng cường sự hiểu biết, kỹ năng cần thiết giúp chị em giám sát được thuận lợi hơn.