Giải pháp nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng

Thiếu tá, NCS. Lưu Ngọc Công
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng 
(Quanlynhanuoc.vn) – Tính tích cực chính trị biểu hiện ở sự tự giác, chủ động, sáng tạo trong nhận thức và hành động của mỗi chủ thể khi tham gia vào quá trình chính trị trong từng thời kỳ lịch sử nhất định, từ đó thực hiện thắng lợi những mục tiêu chính trị đề ra. Tính tích cực chính trị lấy bảo vệ lợi ích chính trị làm tiêu điểm của mọi hành động, trong đó quan trọng nhất là bảo vệ nền tảng tư tưởng, chế độ chính trị. 
Ảnh minh họa (dangcongsan.vn).
Đặt vấn đề

Đấu tranh tư tưởng, lý luận là một mặt của công tác tư tưởng, là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ thường xuyên của mỗi đảng cộng sản. Đấu tranh tư tưởng, lý luận được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau, trong đó đấu tranh trên không gian mạng là một hình thức mới. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, mạng lưới interner, không gian mạng được coi là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch tấn công vào mặt trận tư tưởng,chống phá cách mạng Việt Nam. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng, Đại hội XIII của Đảng đề cập trực tiếp và nhấn mạnh: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, thuần phong mỹ tục”1. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, đòi hỏi phải tác động, kích thích nhằm nâng cao tính tích cực chính trị củacác tổ chức, lực lượng, trong đó giảng viên trẻ nhà trường quân đội là một trong những lực lượng quan trọng.

Đặc điểm tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội

Tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng là sự tự giác, chủ động, sáng tạo của nhóm xã hội đặc thù của cán bộ giảng dạy trong môi trường sư phạm quân sự, vì vậy, tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng có những đặc điểm riêng:

Thứ nhất, tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội là sự phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân.

Đây là đặc điểm nổi bật, đặc điểm này cho thấy sự khác biệt nhất định giữa tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng so với tính tích cực chính trị trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng của đối tượng thuộc ngành nghề, lĩnh vực khác trong xã hội. Luận giải vấn đề này, chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định sự ra đời, tồn tại của mọi loại hình quân đội luôn gắn liền với sự ra đời, tồn tại của nhà nước, của giai cấp và của chế độ xã hội có sự phân chia giai cấp. Lịch sử ra đời và phát triển của các quân đội trên thế giới cho thấy, quân đội là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập, không lôi kéo quân đội vào chính trị – đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga Hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”2. Giảng viên trẻ nhà trường quân đội đều là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ vừa là nhà giáo thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, vừa là một sĩ quan trong quân đội, có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như mọi quân nhân. Đồng thời, theo chức năng, còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, là lực lượng chiến đấu và lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng và Nhà nước, một lực lượng thực sự của dân, do dân, vì dân, mang đậm bản chất giai cấp công nhân. Nói cách khác, sự tự giác, chủ động, sáng tạo của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng chính là sự phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân.

Thứ hai, tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng đang hình thành, ngày càng phát triển song không đồng đều và còn ở mức độ nhất định.

Đặc điểm này phản ánh mức độ, chất lượng hoạt động thực tiễn, tính đa dạng trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng. Đội ngũ giảng viên trẻ là những người được đào tạo cơ bản, chính quy tại các nhà trường trong và ngoài quân đội. Qua quá trình đào tào, đội ngũ giảng viên trẻ đã được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản, toàn diện về chủ nghĩa Mác – Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước; yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội; trình độ tin học, ngoại ngữ; bản chất, âm mưu thủ đoạn, tính chất, mức độ nguy hiểm của chiến lược “diễn biến hòa bình”, các quan điểm sai trái, thù địch chống phá trên mặt trận tư tưởng, lý luận nói chung, trên không gian mạng nói riêng. Đồng thời, qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo, bồi dưỡng, giảng viên trẻ đã tích lũy được hệ thống kiến thức phong phú, đặc biệt là vốn kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn; hình thành kỹ năng, kỹ xảo, thế giới quan khoa học, niềm tin cộng sản chủ nghĩa, phẩm chất đạo đức cách mạng; có năng lực sáng tạo, có lòng yêu nghề nghiệp, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung thành với Đảng, với Nhà nước và chế độ XHCN. Đây là những tiền đề, điều kiện mang tính nền tảng để giảng viên trẻ nhà trường quân đội hình thành tính tích cực chính trị trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, giảng viên trẻ nhà trường quân đội được tuyển chọn từ nhiều nguồn, đang đảm nhiệm giảng dạy và nghiên cứu ở nhiều chuyên ngành khác nhau, vì vậy họ có sự đa dạng, phong phú về nguồn đào tạo, về tuổi đời, tuổi quân, về tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ ngoại ngữ, tin học và về ý chí quyết tâm, thái độ, động cơ… nên sự tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng còn ở mức độ nhất định và không đồng đều.

Thứ ba, tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội vừa là nhu cầu tự thân vừa là yêu cầu bắt buộc để giảng viên trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đây là đặc điểm phản ánh mối quan hệ giữa nhu cầu tự thân và yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên trẻ trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng. Tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng được biểu hiện bằng sự tự giác, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng. Đó là những thuộc tính nội tại vận động trong bản thân mỗi giảng viên trẻ nên trước hết, tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng là sự tự nguyện, nỗ lực tự thân, là nhu cầu tự thân của họ, không thể áp đặt.

Mặt khác, nhiệm vụ tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chức trách, nhiệm vụ của giảng viên. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này buộc giảng viên trẻ nhà trường quân đội phải tự giác, chủ động, sáng tạo, nâng cao trình độ, phương pháp, kỹ năng thì mới đạt được mục đích đề ra. Đặc điểm này cho thấy tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng vừa là sự tự nguyện vừa có yếu tố bắt buộc từ yêu cầu nhiệm vụ.

Tình hình thực hiện nhiệm vụ về tính tích cực của giảng viên trẻ trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng, phần lớn giảng viên trẻ nhận thức đúng về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nghiên cứu làm rõ và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trên không gian mạng. Giảng viên trẻ ở nhà trường quân đội hiện nay có nhận thức tốt và có thái độ rõ ràng về bản chất, âm mưu thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, giảng viên trẻ luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá, các quan điểm thù địch, phản động trên không gian mạng để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN. Đại bộ phận giảng viên trẻ tham gia cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng xuất phát từ ý thức tự giác, sự tự nguyện, đồng thời, cũng là chức trách, nhiệm vụ của người giảng viên, là vinh dự, trách nhiệm đối với sự nghiệp chung của cách mạng trong tình hình mới.

Từ sự nhận thức sâu sắc về quyền, nghĩa vụ và vinh dự trong tham gia cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng đội ngũ giảng viên trẻ xác định động cơ rõ ràng, thái độ đúng đắn và ý thức trách nhiệm cao. Về cơ bản, đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng của giảng viên trẻ nhà trường quân đội mang tính tự giác, chủ động, sáng tạo chứ không phải một sự gò ép, áp đặt hoặc chỉ là hình thức, chiếu lệ. Họ sẵn sàng đương đầu với sự tinh vi, xảo quyệt, sự căng thẳng và phức tạp, thậm chí cả sự hiểm nguy; bình tĩnh và sáng suốt trước mọi luận điệu xuyên tạc, mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số giảng viên trẻ có biểu hiện chưa quan tâm đến chất lượng và mục đích cần đạt được. Điều đó thể hiện ở việc, một số giảng viên trẻ nhà trường quân đội còn lúng túng, bị động, băn khoăn, lo lắng trong cả nhận thức và hành động, không phát huy cao trách nhiệm chính trị của mình trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng. Nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng của một số giảng viên trẻ, nhất là giảng viên trẻ vừa mới ra trường chưa đầy đủ, toàn diện, sâu sắc.

Với vị thế, vai trò của mình là những người giáo dục, tuyên truyền, bổ sung, phát triển, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng nhưng có những giảng viên trẻ thờ ơ, ko bày tỏ thái độ gì với những quan điểm sai trái, thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trên không gian mạng. Cá biệt có những giảng viên trẻ coi nhẹ nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng nên đối với họ việc thực hiện nhiệm vụ này chưa thật sự trở thành yêu cầu tự thân, dẫn đến thiếu tự giác, phải chờ đợi sự phân công, giao nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy mới tiến hành đấu tranh.

Một số giải pháp nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng

Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với việc nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.

Đây là giải pháp cơ bản xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng hiện nay. Các chủ thể có nhận thức đúng là cơ sở để họ có thái độ, động cơ đúng đắn và trách nhiệm cao đối với việc nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng, đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được”3. Nội dung giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các nhà trường quân đội cần tập trung vào việc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng; về vị trí, vai trò của giảng viên trẻ đối với nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng và sự cần thiết phải nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng hiện nay; đề cao trách nhiệm, nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.

Cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng, Nhà nước và quân đội liên quan đến đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng. Đó là những căn cứ quan trọng để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của tất cả các lực lư­ợng trong tham gia nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng, bảo đảm hoạt động phát triển đúng định h­ướng, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng hiện nay. Đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng. Thông qua việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ và tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng

Hai là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp, kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng cho giảng viên trẻ nhà trường quân đội.

Nhằm góp phần tạo nền tảng vững chắc, giúp giảng viên trẻ nhà trường quân đội hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực, tiếp nhận, cập nhật, bổ sung những tri thức mới. Nội dung cơ bản của giải pháp được thể hiện trên một số vấn đề sau: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tri thức cho giảng viên trẻ nhà trường quân đội; bồi dưỡng kinh nghiệm đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng cho giảng viên trẻ nhà trường quân đội; bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng của giảng viên trẻ nhà trường quân đội.

Cần xác định nội dung một cách toàn diện, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức tốt hoạt động thực tiễn đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng để giáo dục, rèn luyện giảng viên trẻ nhà trường quân đội; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, bảo đảm đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp, kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng cho giảng viên trẻ nhà trường quân đội.

Ba là, xây dựng môi trường thuận lợi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng.

Xây dựng môi trường thuận lợi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng có ý nghĩa quan trọng, tác động mạnh mẽ không những đến nhận thức, tình cảm, ý chí của giảng viên trẻ mà còn tạo điều kiện phát huy quyền tự do sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng của giảng viên trẻ nhà trường quân đội. Thực hiện giải pháp này sẽ trực tiếp góp phần tạo động lực to lớn thôi thúc giảng viên trẻ nhà trường quân đội tự giác, chủ động, sáng tạo trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.

Cần tập trung xây dựng môi trường đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng ở nhà trường quân đội rộng khắp; quan tâm xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở trong nghiên cứu lý luận chính trị, sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ; xây dựng môi trường thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ cho giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng; thường xuyên quan tâm, xây dựng chính sách bảo đảm lợi ích vật chất, đồng viên tinh thần đối với giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.

Bốn là, tích cực hóa nhân tố chủ quan của giảng viên trẻ nhà trường quân đội đối với viêc nâng cao tính tích cực chính trị trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.

Đây là giải pháp quan trọng trực tiếp quyết định đến nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng. Thực hiện tốt giải pháp này cũng chính là hiện thực hóa các giải pháp khác. Tự đào tạo, tự bồi dưỡng là công việc suốt đời, giúp giảng viên trẻ nhà trường quân đội không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt; đồng thời, bù đắp những kiến thức còn thiếu hụt của họ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức. Hoạt động tự đào tạo, tự bồi dưỡng chính là biện pháp hữu ích giúp giảng viên trẻ củng cố và mở rộng kiến thức, nâng cao năng lực đấu tranh, xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo của đảng, thái độ căm phẫn đối với quan điểm sai trái, thù địch.

Để thực hiện tốt giải pháp này cần chú trọng việc giáo dục, xây dựng động cơ, thái độ, ý thức trách nhiệm cho giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng. Đồng thời bản thân giảng viên trẻ nhà trường quân đội phải nâng cao nhận thức, xây dựng và thực hiến tốt kế hoạch tự bồi dưỡng của mình. Đối với các chủ thể nâng cao cần hướng dẫn, giúp đỡ giảng viên trẻ  xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp, kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.

Kết luận

Nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng hiện nay là vấn đề mang tính cấp thiết có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nhà trường quân đội nói riêng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng nói chung. Để nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng hiện nay các chủ thể cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Là một chỉnh thể thống nhất nhưng mỗi giải pháp có vị trí, vai trò không ngang bằng nhau. Do vậy, muốn nâng cao tính tích cực chính trị của giảng viên trẻ nhà trường quân đội trong đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và thực hiện cho phù hợp với điều kiện của từng nhà trường.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 164.
2. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr.136.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 360.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.
2. Đỗ Khắc Cẩn, Bùi Kiêm Viện. Nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. H. NXB Quân đội nhân dân, 2022.
3. Bùi Xuân Quỳnh. Phát huy vai trò của học viên ở Học viện Chính trị trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch cơ hội chính trị trên không gian mạng hiện nay. H. NXB Quân đội nhân dân, 2019.