Việt Nam và Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác về y tế, thể thao và hỗ trợ người khuyết tật trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện

TS. Vũ Hồng Huy
 ThS. Nguyễn Thị Khánh Ly
Ban Tuyên giáo Trung ương
(Quanlynhanuoc.vn) – Từ khi bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1995, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất và hiệu quả trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Ngày 10/9/2023, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden Jr đã gặp và hội đàm tại Hà Nội, Việt Nam. Sự kiện này đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương, nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hai nước sẽ hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng, năng động góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa (internet).

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy”1. Chủ trương này được đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời, nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại, thúc đẩy quan hệ đối ngoại không ngừng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả thiết thực các mối quan hệ ngày càng ổn định và bền vững.

Hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về y tế, thể thao và hỗ trợ người khuyết tật

(1) Hợp tác về y tế.

Mối quan hệ hợp tác về y tế giữa hai nước là mối quan hệ mang tính truyền thống tốt đẹp. Trong hơn 20 năm qua, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam các khoản hỗ trợ trị giá hơn 1,8 tỷ USD, trong đó hơn 925 triệu USD dành cho lĩnh vực y tế2. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ 32,72 triệu USD, bao gồm: vacxin, các trang thiết bị vật tư về y tế, hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống Covid-193.

Khi Washington triển khai Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) vào năm 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại châu Á nhận được nguồn hỗ trợ này. Từ đó đến nay, PEPFAR đã tài trợ hơn 800 triệu USD nhằm giúp Việt Nam đối phó với HIV/AIDS, giúp Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam cũng đã triển khai thành công các chương trình dự phòng bao gồm cả điều trị thay thế cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone4. Đây là những kết quả rất đáng tự hào góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ đã mở rộng với nhiều nội dung khác, như: phòng, chống lao, sốt rét; phòng, chống tác hại của thuốc lá, an toàn thực phẩm; phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho quân đội…

(2) Hợp tác về thể thao.

Cùng với hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua ngày càng đi vào chiều sâu. Cụ thể, Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam tập huấn, cử huấn luyện viên ở những bộ môn Hoa Kỳ có thế mạnh giúp thể thao Việt Nam chuẩn bị cho các giải đấu lớn ở khu vực và quốc tế. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi vận động viên và thể thao cho người khuyết tật. Đồng thời, Hoa Kỳ mời một số huấn luyện viên và nhà quản lý thể thao của Việt Nam tới Hoa Kỳ để tìm hiểu thêm về những hoạt động thể thao liên quan tới Olympic và Paralympic.

Năm 2011, nhiều vận động viên của đội tuyển bơi Việt Nam, như: Nguyễn Thị Kim Tuyến, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên… được cử đến Hoa Kỳ tập huấn. Năm 2014, đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng đã cử tổ tiếp sức 4 x 400 m nữ, gồm các tuyển thủ: Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan đi tập huấn dài hạn (gần 5 tháng) tại Mỹ. Năm 2023, đội tuyển Bóng bàn Việt Nam tập huấn tại thành phố Houston (Texas, Mỹ) trong thời gian từ ngày 03/6/2023 đến hết ngày 15/6/2023. Hiện tại, thể thao Việt Nam đang có một tuyển thủ thành danh tại Mỹ là đại kiện tướng cờ vua quốc tế Lê Quang Liêm5.

(3) Về hỗ trợ người khuyết tật.

Hoa kỳ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xử lý những vấn đề chiến tranh để lại thông qua chương trình hỗ trợ dành cho người khuyết tật. Trong 30 năm qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ hơn một triệu người khuyết tật tại Việt Nam, tài trợ hơn 125 triệu USD cho các thiết bị hỗ trợ, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, cải thiện nhà ở cũng như nhiều hoạt động khác6. Các nguồn hỗ trợ từ Hoa Kỳ chủ yếu hướng tới nhóm thụ hưởng là những người khuyết tật nói chung mà chưa tập trung cho những nạn nhân chất độc da cam. Các dự án được hỗ trợ bởi các khoản tài trợ này chủ yếu tập trung vào các dịch vụ hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho chăm sóc sức khỏe, đào tạo và tư vấn việc làm.

Đẩy mạnh hợp tác về y tế, thể thao, hỗ trợ người khuyết tật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới

Một là, hợp tác về y tế. Hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ một cách toàn diện và cụ thể, đó là: (1) Tiếp tục tăng cường hỗ trợ phát triển nhân lực và khoa học – công nghệ trong lĩnh vực y tế, dược, y sinh học. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc xin thế hệ mới; hỗ trợ trang thiết bị y tế nhằm tăng cường hợp tác an ninh y tế toàn cầu; xây dựng chuỗi cung ứng vật tư, thuốc, qua đó giúp Việt Nam đóng vai trò tích cực trong chuỗi cung y tế khu vực và quốc tế. (2) Tăng cường hoạt động của hệ thống y tế cơ sở bảo đảm y tế cơ sở là nền tảng rộng khắp gần dân và thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, dịch bệnh mới nổi và dịch bệnh bị lãng quên, xây dựng trung tâm đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp. (3) Tiếp tục duy trì, hỗ trợ các chương trình ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh HIV và lao phổi thông qua việc hỗ trợ các cơ sở y tế quan trọng của Việt Nam như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm kiểm soát hoàn toàn, chắc chắn dịch bệnh HIV và xóa bỏ bệnh lao phổi vào năm 2030, trên cơ sở phù hợp với các cam kết toàn cầu và chương trình quốc gia của Việt Nam.

Hai là, hợp tác về thể thao. Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác lâu dài trong các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, tập huấn giữa các vận động viên hai nước và học hỏi kinh nghiệm các môn thể thao Olympic mà Hoa Kỳ có thế mạnh, ưu tiên nguồn lực cho các vận động viên trẻ và phát triển thể thao nhà nghề. Tổ chức các chuyến đi khảo sát và trao đổi cho các huấn luyện viên và nhà quản lý thể thao của Việt Nam để tìm hiểu thêm về những hoạt động thể thao liên quan tới Olympic và Paralympic.

Tăng cường hợp tác giữa các bang của Hoa Kỳ và các tỉnh, thành phố của Việt Nam theo hướng thực chất, hiệu quả với các chương trình và dự án cụ thể thông qua các hình thức trao đổi đoàn, các hoạt động giao lưu thể thao, phát triển thể thao cho mọi người, đặc biệt quan tâm đến thể thao trường học.

Ba là, hỗ trợ người khuyết tật. Tăng cường hỗ trợ người khuyết tật do bất cứ nguyên nhân nào, dành nguồn lực và ngân sách cho các chương trình hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, cho nạn nhân chất độc da cam thông qua hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật bằng các chương trình hỗ trợ dài hạn mang tính chất bao trùm. Đồng thời, mở rộng các đối tượng thụ hưởng, những người bị phơi nhiễm trực tiếp và các thế hệ tiếp theo để đối tượng nạn nhân chất độc da cam được thụ hưởng nhiều hơn, ưu tiên hình thức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình nạn nhân.

Trong giai đoạn tới, trên các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ, hai Nhà nước sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm lợi ích của Nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 163.
2, 6. Hợp tác y tế là điểm sáng trong 25 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. https://www.vietnamplus.vn, ngày 01/9/2020.
3. Bộ Y tế tiếp nhận trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 do Quỹ Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID viện trợ thông qua UNICEF. https://moh.gov.vn, ngày 25/3/2022.
4. Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam. https://vaac.gov.vn, ngày 01/3/2023.
5. Thể thao Việt Nam và những chuyến tập huấn tại Mỹ. https://laodong.vn, ngày 11/6/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. 20 năm thành lập PEPFAR – Một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. https://vaac.gov.vn, ngày 09/5/2023.
3. Điểm lại mối quan hệ hợp tác về thể dục, thể thao giữa Việt Nam – Hoa Kỳ. https://tdtt.gov.vn, ngày 11/9/2023.