Quản lý tri thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

                                                                 PGS.TS. Đào Thị Ái Thi
Trường Đại học Thành Đô
ThS. Dương Thanh Phong
 Tập đoàn Bảo Việt – Bộ Tài chính

(Quanlynhanuoc.vn) – Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đang dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống phát triển chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có trong thiên nhiên sang nền kinh tế của trí tuệ. Các tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà không có tri thức và các kỹ năng của con người thì không những nguồn tài nguyên thiên nhiên trở thành vô dụng mà còn bị tàn bởi con người và ngược lại, nó có thể đem lại thảm họa khốc liệt cho con người. Việc quản lý tri thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là việc làm của các nhà quản lý tri thức trong việc lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá các nguồn lực tri thức nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Từ khóaKinh tế, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tri thức, quản lý tri thức, lợi thế cạnh tranh. 

Peter Drucker – chuyên gia về quản lý, cho rằng: “Chúng ta đang đi vào xã hội tri thức, trong đó nguồn lực kinh tế cơ bản không phải là vốn mà là tri thức” và “Tri thức đã và đang là một nguồn lực kinh tế chủ yếu và là một nguồn lực thống trị của lợi thế cạnh tranh1. Các nghiên cứu trên thế giới đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức, nó là xu hướng toàn cầu và là một nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh trong hoạt động kinh tế, từ đó tạo ra các giá trị tri thức mới cho tăng trưởng kinh tế. 

Trải qua các thế kỷ, theo quy luật tất yếu khách quan, tri thức dần được hình thành và liên quan đến các quá trình nhận thức vô cùng phức tạp như Lênin viết: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trìu tượng, từ tư duy trừu tượng trở về thực tiễn2. Tri thức là một quá trình đi từ cảm nhận bằng 5 giác quan “trực quan sinh động” của con người (nghe, nhìn, sờ, ngửi, nếm) trước thực tiễn khách quan, từ đó đi đến “tư duy trìu tượng”, từ quan sát, con người sẽ luôn đặt câu hỏi: tại sao? Và phải động não để giải quyết, ví dụ câu hỏi tại sao “chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng và bay vừa thì râm?” từ đó con người mới phát hiện ra qui luật của tự nhiên để vận dụng vào trong hoạt động kinh tế. Tri thức luôn tồn tại trong mỗi cá nhân con người ở nhiều dạng khác nhau: tiềm năng, khả năng và năng lực. Mỗi loại tri thức đều có biểu hiện khác nhau ở kiến thức, thái độ, niềm tin, giá trị, kinh nghiệm, bí quyết, kỹ năng, nghệ thuật… khác nhau. Từ đây, đặt ra cho con người làm thế nào để nhận biết, khai thác, chia sẻ và sử dụng các tri thức này. 

Trong nền kinh tế thị trường, tri thức là sức mạnh trực tiếp tạo ra quyền lực, của cải, tiền bạc và động lực cạnh tranh. Tri thức được xem là sản phẩm hàng hoá có giá trị, chất lượng cao nhất. Việc nắm bắt, sáng tạo, phổ biến tri thức và quản lý tri thức đã và đang trở thành yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh. 

Theo Karl M. Wiig đứng dưới góc độ quản lý doanh nghiệp cho rằng: “Quản lý tri thức là quá trình sáng tạo, phát triển và ứng dụng tri thức một cách có hệ thống và minh bạch nhằm tối đa hoá hiệu quả hoạt động liên quan đến tri thức và giá trị doanh nghiệp từ tri thức và tài sản trí tuệ sẵn có”3. Còn Kimiz Dalkir lại đứng trên quan điểm chung nhất về sử dụng tri thức trong áp dụng phương pháp quản lý: “Quản trị tri thức được xác định ban đầu như là một quá trình áp dụng phương pháp tiếp cận hệ thống nhằm nắm bắt cấu trúc, quản lý và phổ biến tri thức thông qua một tổ chức nhằm nâng cao năng suất lao động, tái sử dụng các thực hành tốt nhất, và giảm các việc phải làm lại gây tốn kém4.  

Quản lý tri thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là việc lên kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát mọi nguồn lực tri thức trong các tổ chức kinh tế; phát hiện, nắm bắt, sáng tạo, lưu giữ, chia sẻ và sử dụng hiệu quả các tri thức cá nhân, tổ chức và cộng đồng nhằm tạo đà, động lực và sức mạnh cho nền kinh tế tăng trưởng. Quản lý tri thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một hệ thống tri thứccó liên quan chặt chẽ với lý luận, thực tiễn và là một hệ giá trị khoa học và giá trị thực tiễn trong hoạt động kinh tế. Công nghệ thông tin có vai trò hỗ trợ mạnh mẽ trong quản trị tri thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngày nay người ta nói nhiều đến nền kinh tế số, trong đó yếu tố con người luôn làtrung tâm để lưu trữ, xử lý và truyền thông.      

Tăng trưởng kinh tế chính được đo lường bằng sự gia tăng của tổng sản lượng quốc dân (GNP), hoặc gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc gia tăng của quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người (PCI) ở khoảng thời gian nhất định. Tăng trưởng kinh tế là yếu tố vật chất giúp giảm bớt đói nghèo, lạc hậu, hướng tới mục tiêu quốc gia: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”. Tăng trưởng kinh tế thông qua tích lũy tài sản (như vốn, lao động và đất đai…) một cách hiệu quả và năng suất cao hơn. 

Vai trò của quản lý tri thức hiệu quả trực tiếp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (năng suất của từng yếu tố kinh tế và yếu tố năng suất kinh tế tổng hợp) và nâng cao lợi thế cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, bao gồm: (1) Quản lý tri thức góp phần nâng cao giá trị của tài sản vô hình, từ đó làm tăng uy tín, tăng lợi thế cạnh tranh, tăng giá trị hoạt động kinh tế; (2) Thúc đẩy hoạt động chia sẻ tri thức trong quản lý kinh tế, thu hút cộng đồng tham gia mọi hoạt động kinh tế, từ đó cho phép các tổ chức kinh tế khai thác có hiệu quả hơn nguồn nhân lực, cải tiến công tác quản lý kinh tế; (3) Quản lý tri thức tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế tạo lập được những mối quan hệ toàn cầu, từ đó có khả năng mở rộng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả; (4) Việc ứng dụng những tri thức mới cho phép các tổ chức kinh tế thu được lợi nhuận cao, từ việc nâng cao hàm lượng tri thức, chất xám trong giá trị sản phẩm; (5) Quản lý tri thức tốt cho phép các tổ chức kinh tế hoạt động linh hoạt, phát triển tài sản trí tuệ con người là nguồn lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế; (6) Quản lý tri thức không chỉ phục vụ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà nó nó còn thúc đẩy nội lực con người với tư cách là nguồn lực tri thức quan trọng nhất của hoạt động kinh tế; (7) Quản lý tri thức hiệu quả quyết định tốc độ tăng trưởng của kinh tế, đặc biệt ngăn chặn “chảy máu chất xám” trong hoạt động kinh tế, nó giúp thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong quản lý kinh tế; (8) Việc quản lý tri thức tốt có thể tạo ra một cấu trúc tổ chức kinh tế không ngừng học hỏi, đổi mới năng động và xây dựng một nền kinh tế thích ứng, tăng trưởng bền vững. 

Xuất phát từ vai trò của tri thức và quản lý tri thức mà nhiều tổ chức kinh tế trên thế giới đã đặc biệt quan tâm cả về lý luận và thực tiễn, coi đó là một công cụ và con đường cơ bản để không ngừng nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nhằm tăng trưởng phát triển kinh tế bền vững. 

Năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức và suy giảm tăng trưởng, có nước rơi vào suy thoái. Hậu quả của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược kinh tế giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Ở nhiều quốc gia tình trạng lạm phát vẫn cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tăng kéo dài, đầu tư thương mại quốc tế giảm, thị trường tài chính gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, một số quốc gia đã đặt trọng tâm khôi phục kinh tế trên cơ sở nâng cao hiệu quả quản lý tri thức. 

Một số quốc gia đã đặc biệt quan tâm đến quản lý tri thức, kết quả là đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng tích cực. Chỉ số niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu cũng đang đà tăng cao, phản ánh sự lạc quan mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy, khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới trong đại dịch Covid-19, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là tập trung vào sử dụng tri thức ứng dụng phần mềm máy tính trong kích cầu tiêu dùng của người dân, tăng cường đầu tư trong đó có khu vực dịch vụ, cắt giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh tri thức dựa trên nền tảng kinh tế số.  

Kinh tế Việt Nam năm 2023 tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với các đường lối, chính sách chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sát sao trong thực hiện quy trình quản lý tri thức đã phần nào tháo gỡ khó khăn, ở mức độ nào đó đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kinh tế vĩ mô được ổn đinh và cân đối cơ cấu kinh tế. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,05% (quý I tăng 3,41%; quý II tăng 4,25%; quý III tăng 5,47%; quý IV tăng 6,72%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83% đóng góp 0,46 điểm phần trăm; công nghiệp, xây dựng tăng 3,74% đóng góp 1,51 điểm phần trăm (riêng công nghiệp tăng 3,02%) và dịch vụ tăng cao nhất với 6,82% đóng góp 3,25 điểm phần trăm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,33%. Tuy đạt được kết quả nhất định nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các thách thức, tăng trưởng GDP năm 2023 thấp hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%). Sản xuất công nghiệp còn hạn chế, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2022, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do nhu cầu thế giới sụt giảm đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, gỗ… Hoạt động xuất, nhập khẩu sụt giảm và chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8%; nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9%5.

Xuất phát từ thực trạng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023, để hướng tới nền kinh tế triển vọng của năm 2024, yêu cầu về quản lý tri thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần tập trung các vấn đề sau: (1) Yêu cầu quản lý tri thức để tạo ra nền tri thức mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (2) Yêu cầu quản lý tri thức để tiếp cận giá trị của tri thức từ nguồn bên trong và bên ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (3) Yêu cầu quản lý tri thức để sử dụng tri thức trong quyết định, tổ chức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (4) Quản lý tri thức để vận dụng hiệu quả tri thức vào các quá trình, sản phẩm và dịch vụ; (5) Quản lý tri thức để tạo thuận lợi cho tri thức phát triển, khuyến khích, tăng lợi thế cạnh tranh; (6) Quản lý tri thức để chuyển giao tri thức đổi mới sáng tạo vào thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo cho tăng trưởng kinh tế; (7) Quản lý tri thức để đo lường giá trị tài sản tri thức xem mức độ tác động của nó trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế . 

Một là, lên kế hoạch, tạo lập, khai thác cơ sở dữ liệu, tri thức phục vụ cho công tác quản lý kinh tế. Phát triển hệ thống quản lý thông tin kinh tế nhanh nhạy, kịp thời từ thu thập, xử lý, phân loại, chọn lọc, lưu trữ các thông tin kinh tế. Gắn kết mật thiết tri thức với quản lý kinh tế, sử dụng công nghệ thông tin điện tử trong hoạt động kinh tế, tổ chức chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm giữa cán bộ quản lý với các chuyên gia kinh tế và với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Hai là, xây dựng các mạng lưới, quy trình và phát triển kỹ năng chia sẻ tri thức và thông tin kinh tế. Chia sẻ tri thức với các nhà hoạt động kinh tế, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế có thể tiếp cận thông tin về các chính sách kinh tế của Nhà nước một cách nhanh nhạy nhất. Hợp tác, hỗ trợ các thành phần kinh tế trong việc ứng dụng quản lý tri thức trong tổ chức của họ, thúc đẩy sự hình thành và mở rộng hệ thống quản lý tri thức trên phạm vi cả nước. 

Ba là, cần đặc biệt quan tâm đến việc nắm bắt và sáng tạo tri thức mới, chia sẻ và phổ biến tri thức rộng rãi, bổ sung và sử dụng tri thức trong các tổ chức kinh tế hiệu quả. Đổi mới nhận thức và nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức kinh tế, đặc biệt trong việc ứng dụng tri thức và quản lý tri thức, xác định rõ ràng các lợi ích cần đạt được từ hệ thống tri thức và quản lý tri thức. 

Bốn là, xây dựng hệ thống, quy trình quản lý tri thức để vận hành thúc đẩy quá trình vận động của tri thức gắn kết với tăng trưởng kinh tế. Phát triển văn hóa tổ chức, văn hóa học tập, quan tâm đến yếu tố quyết định sự xuất hiện, tồn tại và đem lại giá trị tri thức là yếu tố con người. Đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng, trang bị tri thức mới cho các nhà quản lý kinh tế.

Năm là, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng về mặt thông tin giao tiếp và hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin kinh tế, đẩy mạnh quản lý tri thức, nhằm nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các thành phần kinh tế. Tổ chức hệ thống thông tin và tăng cường chia sẻ thông tin trong nội bộ các tổ chức kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức kinh tế cần được coi là kim chỉ nam của quản lý tri thức thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững kinh tế.

Sáu là, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế dựa trên tri thức, theo đó cần tăng cường nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, công nghệ và đổi mới tư duy trong hoạch định chiến lược, tổ chức và điều hành nền kinh tế. 

Các giải pháp quản lý tri thức nhằm thúc đẩy tăng trưởng thực chất là để khai thác và sử dụng hiệu quả giá trị của tri thức vào những vấn đề cấp bách của hoạt động kinh tế trong năm 2024, bao gồm: tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm nhập siêu; phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dõi sát tình hình hoạt động của các tổ chức kinh tế, các dự án kinh tế để gỡ bỏ kịp thời các vướng mắc; phát triển những ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, logistics, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng; ứng dụng tri thức trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện văn bản quy định pháp luật về kinh tế. Ra đời và phát triển cùng với nền kinh tế tri thức, quản lý tri thức là vấn đề của các tổ chức kinh tế và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong công tác quản lý kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. 

Chú thích: 
1,3,4. Kimiz Dalkir. Knowledge Management in Theory and Practice – Boston, MA: Elsevier Butterworth – Heinemann, 2005, tr. 356.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo trình Triết học Mác – Lênin. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
5. Tổng cục Thống kê. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2023.
Tài liệu tham khảo: 
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Phạm Quốc Trung. Giáo trình Quản lý tri thức. H. NXB Xây dựng, 2016.