Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc – kinh nghiệm đối với Việt Nam

NCS. Đinh Vũ Minh
Bộ Tài chính
(Quanlynhanuoc.vn) – Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc đã và đang thể hiện vai trò quan trọng là xương sống của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, ổn định xã hội. Tuy nhiên, với đặc điểm vốn mỏng, năng lực quản trị doanh nghiệp kém, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, để nâng cao năng lc cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát huy vai trò quan trọng của khu vực này đối với nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Bài viết phân tích các chính sách hỗ trợ của Trung Quốc đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó, kiến nghị chính sách đối với Việt Nam.
Ảnh minh hoạ: baodautu.vn.
Kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc

Trung Quốc có hơn 52 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế1, đóng góp 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, 60% GDP, hơn 70% thành tựu đổi mới về công nghệ và giải quyết hơn 80% lao động, 75% tổng số việc làm mới được tạo ra, 68% tổng kim ngạch xuất khẩu2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc đã và đang thể hiện vai trò quan trọng là xương sống của nền kinh tế, tạo động lực để Trung Quốc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, xây dựng nền kinh tế tự chủ bằng việc phát huy năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Với vai trò đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của Chính phủ Trung Quốc. Chính phủ đã có nhiều cải cách mạnh mẽ đối với khu vực này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Thể hiện ở sự hoàn thiện của chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế; cải thiện môi trường kinh doanh; đa dạng hóa các chính sách và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, công nghệ và pháp lý, như: tín dụng ưu đãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ huy động vốn trên thị trường tài chính, miễn hoặc giảm thuế nhằm thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ đổi mới khoa học – công nghệ….

Ngoài ra, trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, Trung Quốc cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khẩn cấp thông qua các gói kích cầu kinh tế, thực hiện giảm và giãn thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục ban hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đặt ra các chương trình nghị sự về các chính sách và quy định trong dài hạn liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nửa thập kỷ tới, tập trung vào khuyến khích đổi mới sáng tạo và hỗ trợ tài chính nhằm khắc phục những khó khăn gây ra bởi đại dịch Covid-19, đồng thời, nuôi dưỡng hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ “chuyên biệt, đặc biệt và mới” ở cấp quốc gia và thúc đẩy khoảng 100.000 doanh nghiệp có những đổi mới sáng tạo ở cấp tỉnh trong vòng 3 – 5 năm.

Theo đó, các khoản vay toàn diện đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng thương mại sẽ tăng hơn 30% trong năm 2021, đạt 1,45 nghìn tỷ nhân dân tệ. Song song với mở rộng quy mô cho vay, Trung Quốc cũng cắt giảm thuế, phí và giảm lãi suất cho vay chỉ còn 5,08%/năm để ngăn ngừa tình trạng gián đoạn thanh toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, sử dụng các quỹ tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả kinh doanh tốt, hướng dẫn các doanh nghiệp này niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các chính sách hỗ trợ gồm:

Một là, hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách các chính sách phát triển doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2016 – 2020. Thực tế cho thấy, thời gian trung bình để bắt đầu kinh doanh đã giảm từ hơn 30 ngày xuống còn dưới 4 ngày. Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ thực hiện một loạt biện pháp để thúc đẩy cải cách hệ thống kinh doanh và cung cấp cho các doanh nghiệp một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thuận tiện. Danh sách cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp được thí điểm thành công tại 18 khu phi thuế quan sẽ trở thành tiêu chuẩn quốc gia và sẽ được áp dụng trên toàn quốc.

Trung Quốc cũng tăng cường cải cách tại các khu thương mại tự do thí điểm để đáp ứng nhu cầu cải cách sâu rộng và xây dựng hệ thống thị trường tiêu chuẩn cao. Vào năm 2020, quốc gia này đã đẩy mạnh việc chống lại độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh, liên quan đến cả hoạt động trực tuyến và ngoại tuyến3.

Bên cạnh đó, môi trường chính sách dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Trung Quốc đã trải qua một sự chuyển đổi đáng kể. Ngoài việc giải quyết những khó khăn về tài chính, nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được Chính phủ Trung Quốc ưu tiên nguồn lực để thực hiện thông qua việc đẩy nhanh hệ thống hỗ trợ, hệ thống dịch vụ kết hợp dịch vụ công cộng, dịch vụ thị trường và dịch vụ phúc lợi công cộng xã hội. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, được đầu tư vốn để đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới và trình độ công nghệ, tận dụng vai trò của internet trong việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cải tiến hệ thống đăng ký thương mại của Chính phủ Trung Quốc khiến cho số doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập mỗi ngày cao kỷ lục (năm 2018, trước khi có dịch Covid-19, khoảng 18.000 doanh nghiệp được thành lập mỗi ngày).

Hai là, ban hành các chính sách ưu đãi thuế.

Chính phủ Trung Quốc xem chính sách thuế là một trong những công cụ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế sẽ giảm tải gánh nặng cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu để doanh nghiệp đầu tư vào cải tiến công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, cụ thể như: Áp dụng chính sách thuế đặc thù đối với doanh nghiệp bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Theo đó, thuế suất thuế thu nhập sẽ điều chỉnh tăng, giảm tùy thuộc vào quy mô lợi nhuận của doanh nghiệp, song giảm nhiều hơn so với mức 33% trước đó.

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25%, doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 – 2017, để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế thấp còn được ưu đãi nhiều hơn như áp dụng thuế suất 10% từ ngày 01/01/2015 – 31/12/2017 cho doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế nhỏ hơn 200.000 CNY và mức 20% từ ngày 01/01/2015 – 30/9/2015, 10% từ ngày 01/10/2015 – 31/12/2017 cho doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 200.000 – 300.000 CNY. Ngày 17/1/2019, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thuế nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng thuế cho các DN có quy mô nhỏ áp dụng từ 1/1/2019 – 31/12/2021.

Hiện nay, các DN đủ điều kiện sẽ chỉ phải nộp thuế ở mức 5% đối với 1 triệu Nhân dân tệ thu nhập tính thuế đầu tiên và 10% cho 2 triệu Nhân dân tệ thu nhập tính thuế tiếp theo4. Tương tự, thuế suất thuế giá trị gia tăng cũng được giảm tương ứng đối với doanh thu, giảm từ 6% xuống 4% cho các doanh nghiệp có doanh thu hằng năm dưới 0,2 triệu USD. Ngưỡng thuế hằng tháng đối với doanh số bán hàng đã được tăng từ 100.000 RMB lên 150.000 RMB. Điều này làm giảm gánh nặng thuế đối với những người nộp thuế ở quy mô nhỏ một cách hiệu quả, do đó, tạo cho họ nhiều cơ hội hơn để tăng trưởng và mở rộng. Chính sách thuế nhằm thúc đẩy việc làm: đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập, tạo việc làm cho lao động thành thị có thể được miễn giảm thuế kinh doanh trong 3 năm. Đối với các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ được miễn thuế bảo trì và xây dựng đô thị.

Áp dụng chính sách thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp công nghệ cao nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất – kinh doanh. Bên cạnh thuế suất thuế thu nhập ưu đãi 15% cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp của Nhà nước.

Ba là, hỗ trợ thông qua cải cách các chính sách tài chính, tín dụng.

Cũng giống như doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các quốc gia đang phát triển khác, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc luôn gặp phải chính là sự thiếu hụt nguồn vốn sản xuất – kinh doanh do quy mô doanh nghiệp nhỏ, khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ Chính phủ và các ngân hàng thương mại hạn chế do không đáp ứng các điều kiện cần thiết để vay vốn. Điều này càng bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh doanh nghiệp chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19.

Để khắc phục khó khăn, mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn, Chính phủ Trung Quốc thông qua Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đã ban hành các chính sách tài chính, ưu đãi tín dụng nhằm khơi thông nguồn vốn. PBC ban hành các hướng dẫn cụ thể về các điều kiện hỗ trợ tín dụng, cơ cấu tín dụng, lãi suất tín dụng ưu đãi và các biện pháp cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Tài chính ban hành quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh tín dụng và thiết lập các chính sách pháp lý có lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà Chính phủ đặt ra và cũng là sự tăng trưởng thấp thứ 2 kể từ năm 1976. Nền kinh tế suy thoái khiến cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, dẫn đến suy giảm lợi nhuận ròng. Chính sách giảm thuế và hỗ trợ tài chính, đặc biệt là hỗ trợ SMEs chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Các doanh nghiệp đủ điều kiện cũng được gia hạn trả nợ và hỗ trợ tín dụng. Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào năm 2020, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đăng ký vay vốn ngay cả khi chủ doanh nghiệp không thể đưa ra bảo lãnh. Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách miễn đóng góp của người sử dụng lao động cho bảo hiểm xã hội và tài sản của người lao động nhằm giảm bớt gánh nặng cho họ. Những động thái này giúp phục hồi chuỗi cung ứng5.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Trung Quốc còn thiết lập hệ thống tổ chức bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với hơn 4.000 tổ chức dựa trên nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong huy động vốn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng khá phát triển, hàng loạt cải cách chính sách đã hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường vốn thuận lợi hơn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phép kết nối với một ngân hàng hay một doanh nghiệp uy tín đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu6.

Bộ Tài chính Trung Quốc đã thành lập nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như Quỹ Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Đổi mới công nghệ, Quỹ thương mại hoá nghiên cứu nông nghiệp. Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa liên tục đa dạng hoá các nguồn tài chính nhằm tài trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa (từ quy mô tài trợ tăng qua các năm, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận nguồn tài chính của Chính phủ cũng tăng lên, minh bạch các điều kiện nhận tài trợ và đơn giản hóa các thủ tục). Quỹ đổi mới dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ với hàng chục nghìn chương trình đổi mới. Quỹ thương mại hóa các nghiên cứu nông nghiệp cho phép chuyển giao các kiến thức và ứng dụng công nghệ cao cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài những hoạt động hỗ trợ ở cấp trung ương, Chính phủ còn khuyến khích, tạo điều kiện cho chính quyền các địa phương thành lập các quỹ hỗ trợ từ nguồn vốn của địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừađang hoạt động ở các địa phương bằng các hình thức bảo lãnh tín dụng, trợ cấp và thăm dò thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng dự kiến phân bổ hơn 10 tỷ NDT (tương đương 1,55 tỷ USD) từ 2021 – 2025 để hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực đổi mới công nghệ có khả năng cạnh tranh cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giúp họ làm chủ về công nghệ, khẳng định vai trò mắt xích quan trọng trong toàn bộ chuỗi công nghiệp. Dự kiến trong Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ 14, đến cuối năm 2023, Trung Quốc sẽ phát triển hơn 150.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo và hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tham gia sản xuất, chuyên về một thị trường thích hợp và có công nghệ tiên tiến7.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Tính đến ngày 31/12/2022, có hơn 1.048 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 25 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, chiếm trên 97% số doanh nghiệp cả nước, giải quyết việc làm khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo ra doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu thuần của khối doanh nghiệp và đóng góp khoảng 60% GDP8.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã có bước phát triển về quy mô, năng lực sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, tỷ lệ giải thể, chưa hoạt động còn cao, hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực vốn, đất đai để phát triển sản xuất – kinh doanh, đặc biệt trước tác động của Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy đã hoàn thiện hơn, song khi triển khai trên thực tế còn nặng về hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa giải được bài toán về vốn, công nghệ và thị trường đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều phiền hà trong thực hiện các chính sách thuế, tiếp cận đất đai vẫn là các điểm nghẽn lớn. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng) rất hạn chế, Quỹ hoạt động chưa hiệu quả trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về vốn ưu đãi là rất lớn.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, những đóng góp tích cực của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với thị trường tài chính và giải quyết việc làm trong giai đoạn từ 2016 đến nay, phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chính sách và cải cách khác nhau.

Thứ nhất, Trung Quốc có chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tương xứng với vị trí, vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với thị trường tài chính và giải quyết việc làm. Xác định rõ vai trò “xương sống” của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như những khó khăn, hạn chế trong tiếp cận nguồn lực, vì thế, trong chương trình cải cách kinh tế, Trung Quốc đã tích hợp các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội từng giai đoạn. Điều này không chỉ khẳng định trụ cột quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xem là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế.

Thứ hai, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường và phát triển, Chính phủ Trung Quốc tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng, thuận tiện không phân biệt giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và nước ngoài.

Thứ ba, Trung Quốc ban hành hệ thống chính sách tài chính và ưu đãi tín dụng, bảo lãnh tín dụng để mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn lực vốn. Đây là một trong các biện pháp hỗ trợ hiệu quả giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn do quy mô vốn được mở rộng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm bắt các cơ hội, mở rộng sản xuất – kinh doanh. Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng. Từ tài trợ ngân hàng đến trợ cấp của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sẵn các hạn mức tín dụng cho họ. Các điều khoản tín dụng thích hợp với các loại hình kinh doanh, điều này cho phép hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập và phát triển.

Thứ, các quỹ hỗ trợ được Chính phủ thành lập có tính đến lĩnh vực sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: quỹ hỗ trợ tài chính, quỹ đổi mới công nghệ, quỹ thương mại hóa nghiên cứu nông nghiệp. Điều này hướng đến phát triển toàn diện doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ năm, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ thuế và hỗ trợ mặt bằng sản xuất trong các khu công nghiệp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư cải tiến công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chú thích:
1. Trends and growth of smes china. https://www.msadvisory.com.
2. Smes in china 2023 policy environment report. https://www.eusmecentre.org.cn/publications.
3. Trung Quốc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới. https://hanoimoi.vn, ngày 10/01/2021.
4. Nhiều nước duy trì thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao. https://thoibaotaichinhvietnam.vn, truy cập ngày 19/12/2023.
5. Innovative SMEs to get policy boost in financing. http://english.scio.gov.cn.
6. Kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện thể chế huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. https://tapchitaichinh.vn, ngày 21/10/2023.
7. China issues 15 measures to help SMEs stabilize growth, adjust structure. https://www.globaltimes.cn.
8. Tổng Điều tra kinh tế năm 2021 của Tổng cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn, truy cập ngày 19/12/2023.