Những yêu cầu về hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế

TS. Phùng Lê Dung
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định mô hình kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Những năm qua, sự thay đổi trong tình hình kinh tế, chính trị quốc tế đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải hoàn thiện thể chế kinh tế. Bài viết phân tích và đề xuất một số yêu cầu cần có nhằm xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.
Ảnh minh họa (internet).
Quan điểm về thể chế kinh tế của nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế

Khái quát về thể chế kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế

Thể chế là những quy tắc do con người lập nên, ràng buộc các ứng xử trong hoạt động tương tác của con người. Thể chế được chia sẻ trong cộng đồng với một loại chế tài nhất định. Nói cách khác, đó là sự vận động của hệ thống quy tắc, quy định do bộ máy tổ chức và những con người cụ thể thực hiện nhằm kết hợp các nguồn lực đầu vào để đạt mục tiêu của chủ thể đề ra thể chế. Như vậy, thể chế nào thiếu chế tài kèm theo thì đều vô dụng; ngược lại, thể chế với hệ thống chế tài đầy đủ là nhân tố quan trọng để khơi dậy, quy tụ các nguồn lực nhằm đạt mục tiêu xác định.

Từ đó, thể chế kinh tế có thể được hiểu là những quy tắc, quy định, luật lệ được đưa ra để điều chỉnh các hoạt động kinh tế nhất định theo những nguyên tắc cụ thể nhằm đạt được mục tiêu cụ thể nào đó. Do vậy, thể chế kinh tế là một khái niệm rộng, bao hàm mối quan hệ hai chiều giữa kinh tế và thể chế, liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế khác nhau trong một phạm vi thời gian và không gian. Theo nghĩa rộng nhất, thể chế kinh tế là hệ thống chính sách, pháp luật quy định, điều chỉnh tất cả các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế theo nguyên tắc cụ thể nhằm đạt mục tiêu kinh tế nhất định.

Trên cơ sở đó, hoàn thiện thể chế kinh tế chính là những biện pháp, cách thức bổ sung, phát triển, đổi mới, sáng tạo những quy tắc, quy định, luật lệ được đưa ra trong lĩnh vực kinh tế nhằm tạo ra lợi ích và hiệu quả cao nhất cho các chủ thể.

Nội hàm nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”1.

Với quan điểm này đã khẳng định: mô hình kinh tế ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủnghĩa xã hội là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đặc trưng là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Một là, sự kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại về sự phát triển của khoa học – công nghệ; sự hiện đại trong quản trị quốc gia, trong giao thương, trong phát triển nguồn nhân lực, trong tạo lập hạ tầng kinh tế – xã hội của đất nước; sự phù hợp với thông lệ quốc tế của thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; sự đồng bộ, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới của hệ thống các loại thị trường, yếu tố thị trường trong nền kinh tế… Bên cạnh đó, kinh tế thị trường hiện đại luôn khuyến khích đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển vững mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Tận dụng cơ hội phát triển, lợi thế nước đi sau trong việc xây dựng phát triển kinh tế thị trường, các yếu tố của thị trường, các loại thị trường đồng bộ và vận hành thông suốt, gắn với các nền kinh tế thế giới.

Hai là, quá trình hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới là một tất yếu khách quan trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể hơn, từng bước mở rộng hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế để tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Trong bối cảnh hiện nay, cục diện thế giới đang hình thành ngày một rõ nét hơn trật tự đa cực, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt; các nguy cơ về an ninh truyền thống và phi truyền thống phức tạp và diễn biến khó lường,… Do đó, Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng chính là để ngăn ngừa những âm mưu chính trị hóa, ngăn ngừa sự lôi kéo của các cường quốc trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược. Đồng thời, kết hợp có hiệu quả ngoại lực nhưng chú trọng nội lực; gắn hội nhập quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Hoàn thiện thể chế kinh tế chính là nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế ở Việt Nam thông qua: những phương pháp, cách thức bổ sung, phát triển, đổi mới, sáng tạo những quy tắc, quy định, luật lệ trên lĩnh vực kinh tế một cách trọn vẹn, đầy đủ, đồng bộ nhất để xây dựng một nền kinh tế mà ở đó thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm tính hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập quốc tế thành công trên cơ sở giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Yêu cầu về hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế

Yêu cầu về hoàn thiện thể chế pháp luật

Các luật lệ, quy tắc điều chỉnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bao gồm khung khổ pháp luật do nhà nước ban hành và các quy tắc, chuẩn mực xã hội khác như những quy định của các hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… Trong hệ thống quy tắc và chuẩn mực đó thì thể chế do Nhà nước ban hành đóng vai trò quyết định đến các hoạt động kinh tế của các chủ thể. Ngày nay, kinh tế thị trường phát triển làm này sinh các quan hệ kinh tế thị trường mới, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh tế thị trường: cần chú trọng nội dung bảo đảm sự bình đẳng cho các chủ thể kinh tế là thể chế hóa và thực thi có hiệu lực quyền tài sản. Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ với kinh tế số trở nên phổ biến và bao trùm thì bảo vệ quyền tài sản, trong đó vấn đề sở hữu trí tuệ và quyền tài sản về đất đai ở Việt Nam rất cần được lưu tâm để trở thành động lực cho phát triển, tránh cho những thất thóat về tài nguyên trí tuệ và tài nguyên đất đai.

Thứ hai, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thể chế pháp luật trong nền kinh tế thị trường. Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật được biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Theo chiều ngang, các hệ thống của cùng một cơ quan ban hành và cơ quan ngang cấp không được mâu thuẫn, chồng chéo với nhau. Theo chiều dọc, hệ thống của cơ quan cấp dưới không được mâu thuẫn, chồng chéo với hệ thống do cấp trên ban hành. Tính thống nhất được thể hiện ở chỗ cùng một lĩnh vực hay cùng một đối tượng điều chỉnh thì các quy phạm pháp luật phải thống nhất với nhau và không có mâu thuẫn giữa các quy phạm pháp luật đó trong một hệ thống. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải loại bỏ mâu thuẫn, trùng lặp hay chồng chéo ngay trong bản thân hệ thống, trong mỗi ngành luật, mỗi chế định pháp luật và giữa các quy phạm pháp luật với nhau.

Thứ ba, Bảo đảm tính công bằng và tính phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của quốc gia. Thực tế chỉ ra, chức năng điều chỉnh của pháp luật chỉ có thể được thực hiện khi luật pháp được xây dựng phù hợp với những điều kiện cụ thể của xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Do vậy, trình độ của hệ thống pháp luật không thể cao hơn hoặc thấp hơn trình độ phát triển của kinh tế – xã hội. Yêu cầu về tính công bằng đòi hỏi hệ thống pháp luật không thiên vị, các bên liên quan bình đẳng trước pháp luật, các bên có quyền và nghĩa vụ như nhau trước pháp luật. Yêu cầu này một mặt tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế vừa tạo động lực cho các chủ thể hoạt động.

Thứ tư, hệ thống pháp luật phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào sân chơi quốc tế, cụ thể qua việc tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra những yêu cầu về tiêu chuẩn điều kiện, môi trường làm việc của các doanh nghiệp, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động; về chi tiêu công, đầu tư chính phủ, mua sắm chính phủ… đòi hỏi hệ thống pháp luật trong nước phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định quốc tế. Đặc biệt, pháp luật quy định, điều chỉnh vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường.

Yêu cầu về hoàn thiện thể chế sở hữu, thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp

Một là, yêu cầu trong xác định đúng vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ thể tham gia các hoạt động kinh tế và chủ thể quản lý kinh tế.

Nhà nước đóng vai trò là chủ thể sở hữu tư liệu sản xuất và tham gia vào thị trường với tư cách chủ thể sản xuất (đặc biệt là cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công) và chủ thể tiêu dùng (mua sắm chính phủ…), người mua và bán các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Trong vai trò này, thành phần kinh tế nhà nước hoạt động phải tuân thủ đúng theo quy luật, tuân thủ quy chế thị trường, được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác hoạt động trên thị trường.

Mặt khác, khi nhà nước đóng vai trò là chủ thể quản lý nền kinh tế thì thực hiện các nhiệm vụ chính: ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức, tạo ra khung khổ pháp luật cho sự hình thành, hoạt động và định hướng cho hoạt động của các thị trường, các tổ chức xã hội; xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, Nhà nước sử dụng các lực lượng kinh tế của mình tham gia vào thị trường, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể kinh tế, các tổ chức xã hội để tác động, định hướng, điều chỉnh hoạt động của thị trường và các tổ chức xã hội. Đồng thời, việc phân bổ các nguồn lực kinh tế của Nhà nước (đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, tài sản của Nhà nước) và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự giám sát của nhân dân, các tổ chức xã hội, phải thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác..2

Hai là, yêu cầu trong bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế các loại hình doanh nghiệp.

Trong thời kỳ quá độ, sự không đồng đều của lực lượng sản xuất dẫn đến tất yếu tồn tại đa dạng các hình thức sở hữu: công hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể), tư hữu (sở hữu tư nhân của cá thể tiểu chủ, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn tư nhân….) và sở hữu hỗn hợp. Do đó, trong nền kinh tế thị trường đa dạng các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế thì thể chế kinh tế cần bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận nguồn lực và tổ chức các hoạt động kinh tế. Đồng thời, đặt ra một số yêu cầu sau:

(1) Xác định đúng vai trò của thành phần kinh tế nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước chỉ nên tham gia hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, theo nguyên tắc chỉ nên can thiệp vào nền kinh tế khi thị trường không hiệu quả và/hoặc bất bình đẳng và khi các can thiệp giúp cải thiện được kết quả và/hoặc sự công bằng. Theo đó, trong nền kinh tế thị trường, bộ phận doanh nghiệp nhà nước chỉ nên chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số các doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu tham gia vào các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ công ích hoặc các ngành có thâm dụng vốn (hạ tầng lớn) và phải thực sự hoạt động hiệu quả.

(2) Xác định đúng vai trò của kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật phải hướng tới tạo môi trường kinh doanh thông thóang, cởi bỏ các điểm nghẽn trong thủ tục đăng ký kinh doanh, hoạt động và giải thể doanh nghiệp, xây dựng thể chế thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ; hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến của thế giới, đóng vai trò dẫn dắt cho một ngành, một lĩnh vực kinh tế Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong tiếp cận các nguồn lực. Khuyến khích các chủ thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới…

Ba là, yêu cầu về hoàn thiện thể chế thị trường và các yếu tố thị trường.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém3. Vì vậy, vấn đề then chốt trong hoàn thiện thể chế ở Việt Nam là bảo đảm quyền tự do của các chủ thể trên thị trường.

(1) Quyền tự do cạnh tranh trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do trong gia nhập thị trường, tự do đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, là quyền tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Để bảo đảm quyền tự do cạnh tranh, yêu cầu một môi trường đầu tư tự do và mở tạo điều kiện kinh doanh tối đa và thúc đẩy việc mở rộng hoạt động kinh tế, nâng cao năng suất cũng như cơ hội việc làm; bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hỗ trợ cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, khuyến khích sự đổi mới và cạnh tranh. Tự do trong tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, khoa học – công nghệ… thông qua việc xây dựng và hoàn thiện các thị trường yếu tố đầu vào và thị trường hàng hóa, dịch vụ đầu ra. Trong lĩnh vực thương mại, phải bảo đảm mức độ tự do thương mại, giảm dần các rào cản thuế quan và phi thuế quan.

(2) Bảo đảm quyền tự do của người lao động trong tìm kiếm cơ hội việc làm và công việc. Tự do về thoả thuận mức lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của hai bên, chế độ đãi ngộ cho người lao động thông qua hợp đồng lao động. Từ đó, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hoà và ổn định.

(3) Bảo đảm sự ổn định của giá cả và tiền tệ. Trong nền kinh tế thị trường, luôn tồn tại một nhóm các doanh nghiệp độc quyền, có nguồn lực lớn, thống lĩnh thị trường sản xuất – kinh doanh. Vì vậy, thể chế kinh tế cần bảo đảm thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, kể cả các dịch vụ công cơ bản, thu hẹp những loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước quyết định giá.Hạn chế tối đa việc nhà nước can thiệp “thô bạo” vào nền kinh tế, gây méo mó hệ thống giá, dẫn tới sự điều chỉnh giá trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng tới quyết định sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế.

Yêu cầu về hoàn thiện thể chế kinh tế trên cơ sở giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội

Nền kinh tế thị trường không phải là mô hình kinh tế hoàn hảo, vì vậy sẽ có những mặt trái hay còn gọi là những thất bại của thị trường. Việc theo đuổi mục tiêu lợi nhuận sẽ dẫn tới những hệ quả về xã hội như gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng về thu nhập, thiếu quan tâm tới vấn đề môi trường, sử dụng cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường… Do đó, một nền kinh tế thị trường hiện đại ngoài việc bảo đảm điều kiện để các hoạt động sản xuất và trao đổi được diễn ra thuận lợi nhất còn cần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Vì vậy, thể chế kinh tế cũng cần quan tâm tới việc bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa con người, xã hội và tự nhiên.

Muốn vậy, đặt ra yêu cầu cần tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa. Trong đó, yêu cầu về một chế độ phân phối thu nhập, quy phạm trật tự phân phối thu nhập hoàn chỉnh; hoàn thiện chế độ tài chính công, thiết lập hệ thống phúc lợi hợp lý, chú ý thích đáng đến công tác xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững, đầu tư hiệu quả cho y tế, giáo dục, văn hóa, bảo đảm công ăn việc làm cho Nhân dân, xây dựng môi trường sinh thái lành mạnh, an toàn,… Hoàn thiện thể chế bảo đảm và cải thiện an sinh xã hội, chế độ bảo đảm xã hội, kiện toàn hệ thống bảo đảm công bằng phúc lợi xã hội trên cơ sở, lấy công bằng quyền lợi, công bằng cơ hội, công bằng phân phối là nội dung chủ yếu.

Chú thích:
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 128 – 129, 131 – 132, 131 – 132.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.