Tây Ninh tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Hương
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là mục tiêu hướng đến và cũng là tinh thần của Nghị quyết số 18NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Tây Ninh đã và đang tiếp tục thực hiện, quán triệt tinh thần Nghị quyết vào thực tiễn phù hợp với điều kiện của địa phương trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện (2017 – 2021) và triển khai kế hoạch giai đoạn 2022 – 2026 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ảnh minh họa (tayninh.gov.vn).
Kết quả triển khai công tác sắp xếp và tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị giai đoạn 2017 – 2021

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Kết luận số 34-KL/TW, ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 65-KH/TU ngày 15/3/2018, trong đó xác định rõ mục tiêu chung của tỉnh là đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Kết quả, sau 5 năm sắp xếp tổ chức bộ máy1, hiện nay, số lượng cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh vẫn giữ nguyên là 20 cơ quan, tổ chức (18 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và 2 cơ quan hành chính cấp tỉnh), theo đó, tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan đã được tinh gọn lại 150 phòng, ban, chi cục và tương đương (năm 2017) sắp xếp còn 110 phòng, ban, chi cục và tương đương, giảm 40 (tính đến tháng 6/2022).

(1) Đối với cấp huyện, hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện), có 108 cơ quan chuyên môn trực thuộc (mỗi huyện có 12 phòng chuyên môn). Đến tháng 6/2022, sắp xếp giảm còn 99 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện, bảo đảm số lượng theo đúng quy định tại Nghị định số 108/2020/NĐ-CP (9/9 UBND huyện, thị xã, thành phố đã giải thể phòng y tế, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực y tế về Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND huyện).

(2) Đối với cấp xã, hiện có 94 đơn vị hành chính cấp xã (71 xã, 17 phường và 6 thị trấn); giảm 1 xã (do thực hiện sáp nhập xã Phước Lưu và xã Bình Thạnh thành xã Phước Bình); có 75 xã phân loại đơn vị hành chính I; 19 xã phân loại đơn vị hành chính II (không có xã loại III).

(3) Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đã giảm 114/740 đơn vị (tỷ lệ giảm 15,41%) so với thời điểm năm 2017. Hiện UBND huyện, thị xã, thành phố đã giải thể phòng y tế, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực y tế về Văn phòng HĐND và UBND.

Trong quá trình thực hiện quy định của Trung ương về cắt giảm biên chế, giai đoạn 2015 -2021, tỉnh cũng đã thực hiện cắt giảm đạt chỉ tiêu Trung ương đề ra là giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015; cắt giảm 204 biên chế công chức trên tổng số 2.010 biên chế công chức được giao năm 2015 (đạt tỷ lệ 10,15%). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 2.124 người trên tổng số 19.289 người được giao năm 2015 (đạt tỷ lệ 11,01%). Đồng thời, đã thực hiện giảm 92 lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính cấp tỉnh, 21 lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính cấp huyện, giảm 228 lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, sắp xếp kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý (Bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch HĐND tỉnh; bí thư huyện ủy kiêm chủ tịch HĐND huyện ở một số huyện; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp xã…).

Việc bố trí kiêm nhiệm chức danh cán bộ giúp giảm đầu mối, tiết kiệm ngân sách nhà nước và giúp các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng chủ động hơn trong thực hiện chuyên môn, bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy và hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; là bước đột phá trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Nhìn chung, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 65-KH/TU, tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, như: việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy tại các cơ quan, đơn vị, địa phương mới chỉ giảm đầu mối về tổ chức bộ máy, chưa thực sự gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; khi sáp nhập và triển khai sắp xếp, bố trí đối với số cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban dôi dư và công chức, viên chức thuộc các phòng, ban đó còn lúng túng, chậm tiến độ. Chế độ, chính sách đối với cán bộ trong thực hiện kiêm nhiệm các chức danh người đứng đầu chưa tương xứng trách nhiệm công việc phải thực hiện…

Mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu thực hiện kế hoạch đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong thời gian tới

Từ thực trạng nêu trên, để tiếp tục quán triệt việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và trên tinh thần phân công cụ thể cho các ban, ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ, các hoạt động và thời gian thực hiện, thời hạn hoàn thành, trong những năm tới, tỉnh Tây Ninh cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện theo lộ trình để từ đó xây dựng và triển khai kế hoạch; đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Hai là, về nhiệm vụ thực hiện kế hoạch, cần chú trọng đến việc nghiên cứu lý luận, thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các mô hình về tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ quan, đơn vị; nhân rộng việc thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, thanh tra của chính quyền các cấp; giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, trong kế hoạch nhấn mạnh việc sơ kết, đánh giá việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm2 (bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND, bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã…); tham mưu ban hành bảng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị tỉnh; rà soát, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bảo đảm phù hợp với quy định, hướng dẫn của trung ương làm cơ sở để xác định biên chế; quản lý biên chế theo vị trí việc làm;  rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức bảo đảm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp; đồng thời, tăng cường công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân trong trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, cán bộ, công chức, viên chức.

Bốn là, thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia các bồi dưỡng ngắn hạn và chuyên sâu mang tính ứng dụng cao); đổi mới chế độ đãi ngộ về khen thưởng tương xứng với thành tích đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến các cơ quan, đơn vị và người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ứng dụng mạng xã hội.

Kết luận

Tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW (giai đoạn 2017 – 2021), đặc biệt là Kế hoạch số 164-KH/TU ngày 19/6/2023, tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện nghiêm túc kế hoạch theo tiến độ và công việc được phân công, bảo đảm tính hệ thống trong công tác chỉ đạo; công tác truyền thông, thông tin kịp thời để chuyển tải đúng tinh thần của kế hoạch, các chính sách… và điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc từ thực tiễn; sơ kết các mô hình đã triển khai, khắc phục những hạn chế. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, cần làm tốt về công tác tư tưởng, tạo điều kiện và vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để hoạt động luôn được thông suốt, hiệu quả.

Chú thích:
1. 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW: giảm nhiều đầu mối, biên chế. https://sonoivu.tayninh.gov.vn, ngày 17/11/2022.
2. Đánh giá, tổng kết một số mô hình sau sáp nhập, kiêm nhiệm chức danh. https://baotayninh.vn, ngày 26/6/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch 164-KH/TU ngày 19/6/2023 của Tỉnh ủy Tây Ninh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương tại tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2026.
2. Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.