Một số kinh nghiệm trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh trong quân đội

Thiếu tá, ThS. Đoàn Văn Hiếu
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, trước tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh. Vì vậy, quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh giúp cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh về tư tưởng của hạ sĩ quan, binh sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bài viết trên cơ sở chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm; rút ra một số kinh nghiệm trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh trong quân đội.
Ảnh minh họa: qdnd.vn.
Đặt vấn đề

Quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ là một nội dung, biện pháp quan trọng của công tác tư tưởng nhằm nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, dự báo và xác định được các biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề về tư tưởng. Quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân. Đây là trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của lãnh đạo, người chỉ huy các cấp ở các trung đoàn bộ binh, góp phần trực tiếp giữ vững sự ổn định, thống nhất về tư tưởng, nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ quản lý, huấn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh.

Công tác tư tưởng là một nội dung quan trọng của hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, công tác tư tưởng đã có mặt thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi để kịp thời động viên, khen thưởng, cổ vũ cho tinh thần ý chí quyết tâm chiến đấu của con người. Nhờ vậy, sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giành độc lập, tự do cho đất nước của Nhân dân ta mới thắng lợi. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”2.

Làm tốt công tác tư tưởng trực tiếp góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại, rực rỡ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất non sông đất nước và trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác tư tưởng bám sát thời cuộc sẽ có những định hướng chỉ đạo đúng đắn, kịp thời để phát huy cao độ tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc để không ngừng khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi gian lao, thử thách để tồn tại và phát triển.

Công tác tư tưởng trong quân đội góp phần nâng cao sức chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam

Công tác tư tưởng của Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng để xác lập, xây dựng lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ khi được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Vì vậy, làm tốt công tác tư tưởng trong quân đội là góp phần nâng cao sức chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, bảo đảm cho quân đội luôn kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không bị động, bất ngờ, luôn ở trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Các trung đoàn bộ binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt thực hiện mọi nhiệm vụ của các sư đoàn, quân khu, quân đoàn, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, nhất là kết quả quản lý, huấn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ trực tiếp ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các trung đoàn bộ binh. Hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh có tuổi đời trẻ, sức khỏe, tâm lý khác nhau, trình độ nhận thức không đồng đều, yêu cầu cường độ huấn luyện, rèn luyện cao, tác động không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe và tư tưởng của hạ sĩ quan, binh sĩ. Do vậy, việc quản lý chặt chẽ tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh hiện nay là rất quan trọng và cấp thiết.

Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, trong những năm qua, đa số các chủ thể, lực lượng ở các trung đoàn bộ binh đã có nhận thức đúng, trách nhiệm cao trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ, có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tiễn; về cơ bản nội dung, hình thức, biện pháp quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ của các trung đoàn bộ binh đã được triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, mang lại hiệu quả tích cực; nhận thức, hành vi của đa số hạ sĩ quan, binh sĩ đã có chuyển biến rõ rệt, kết quả thực hiện nhiệm vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ và các trung đoàn bộ binh ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ của các trung đoàn bộ binh cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như: một số cấp ủy, cán bộ quản lý có thời điểm chưa quan tâm đúng mức đến quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ; sự phối hợp của một số tổ chức, lực lượng trong quản lý tư tưởng có lúc chưa thường xuyên. Có thời điểm việc thực hiện một số nội dung, hình thức, biện pháp quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ chưa khoa học, kịp thời, sát đối tượng. Một số hạ sĩ quan, binh sĩ nhận thức, hành vi còn hạn chế, có biểu hiện dao động về tư tưởng, kết quả học tập, rèn luyện chưa thật sự vững chắc.

Một số kinh nghiệm trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh trong quân đội

Một là, quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ phải bám sát thực tiễn, quán triệt và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các trung đoàn bộ binh.

Đây là kinh nghiệm quan trọng, bám sát tình hình thực tiễn của đơn vị, căn cứ vào nhiệm vụ từng giai đoạn huấn luyện, năm huấn luyện, nhiệm vụ chính trị, mới có cơ sở xác định hình thức, biện pháp tiến hành cho phù hợp, tránh chung chung, dàn trải trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ. Có bám sát nội dung, chương trình huấn luyện, nắm chắc kết quả thực hiện nhiệm vụ và mọi hoạt động của hạ sĩ quan, binh sĩ thì cấp ủy, chỉ huy các cấp mới đánh giá đúng nhận thức, trình độ năng lực và trách nhiệm của cán bộ, hạ sĩ quan, binh sĩ cũng như tình hình chung của đơn vị.

Vận dụng kinh nghiệm này, đòi hỏi, lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở các trung đoàn bộ binh cần thường xuyên bám sát đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ khác của đơn vị, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng của hạ sĩ quan, binh sĩ để xác định nội dung, hình thức, biện pháp quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ cho phù hợp, hiệu quả.

Quá trình quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ cần tăng cường công tác giáo dục về vai trò, ý nghĩa, nội dung nhiệm vụ của đơn vị phải thực hiện; nắm chắc đặc điểm tình hình, những thuận lợi, khó khăn; bám sát yêu cầu, chuyển hóa các nhiệm vụ của đơn vị thành các nội dung, chỉ tiêu thi đua, gắn với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức và chức trách, nhiệm vụ của các cá nhân. Khi đơn vị thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, khó khăn, vất vả, các chủ thể, lực lượng phải đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ.

Bên cạnh đó, cần quan tâm, chăm lo và bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần cho hạ sĩ quan, binh sĩ, nhất là khi đơn vị phải thực hiện các nhiệm vụ xa đơn vị trong điều kiện khó khăn, phức tạp. Đồng thời, chú trọng những hạ sĩ quan, binh sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, những quân nhân thường xuyên có biểu hiện vi phạm kỷ luật; kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, cổ động bằng khẩu hiệu, pano, áp phích, bảng tin, bảng ảnh, truyền thanh nội bộ… về nhiệm vụ của đơn vị.

Tổ chức đánh giá, bình xét khen thưởng bảo đảm đúng người, đúng việc đối với các cá nhân, tập thể hoàn thành tốt công tác chính trị của đơn vị, góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Hai là, quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh phải kết hợp chặt chẽ với nắm và định hướng dư luận quân nhân.

Vận dụng kinh nghiệm này, đòi hỏi các chủ thể, lực lượng phải tiến hành thường xuyên, liên tục trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ gắn với định hướng dư luận. Tiếp tục nắm chắc và cụ thể hóa các nội dung nắm bắt dư luận hạ sĩ quan, binh sĩ trong quá trình học tập, rèn luyện. Kết hợp chặt chẽ phương pháp trực tiếp và gián tiếp trong nắm bắt dư luận hạ sĩ quan, binh sĩ. Khi tiến hành định hướng dư luận cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, vận động, thuyết phục để tác động làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của hạ sĩ quan, binh sĩ theo hướng tích cực. Những sự kiện phức tạp, nhạy cảm, vụ việc có tính chất nghiêm trọng thu hút sự quan tâm, chú ý của số đông hạ sĩ quan, binh sĩ và dư luận xã hội… cần chủ động phân công cán bộ chủ trì, phối hợp thông tin định hướng dư luận.

Tăng cường cung cấp thông tin chính thống, tạo dư luận tích cực để định hướng tư tưởng, dư luận trong đơn vị. Chủ động kết hợp chặt chẽ giữa định hướng tư tưởng với phối hợp giải quyết dứt điểm những vấn đề làm nảy sinh tư tưởng tiêu cực của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Ba là, xác định đúng nội dung, vận dung linh hoạt hình thức, biện pháp quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh.

Với nội dung quản lý tư tưởng rất toàn diện, đối tượng quản lý rất phong phú vì vậy, phải thật sự đa dạng, linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng các hình thức, biện pháp quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ mới đạt hiệu quả cao. Hình thức, biện pháp quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ có thể thông qua gặp gỡ, nói chuyện, trao đổi trực tiếp với hạ sĩ quan, binh sĩ, qua đó để nắm và quản lý được các vấn đề trong học tập, rèn luyện để có cơ sở quản lý chính xác về nhận thức, thái độ, hành vi của hạ sĩ quan, binh sĩ. Tăng cường giao nhiệm vụ, quan sát hoạt động của hạ sĩ quan, binh sĩ trong quá trình sinh hoạt, học tập công tác.

Thực tiễn cho thấy, các biểu hiện về thái độ, ý thức, trách nhiệm của hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ được biểu hiện trong quá trình giao nhiệm vụ và thông qua các hoạt động của hạ sĩ quan, binh sĩ trong quá trình sinh hoạt, học tập. Do vậy, căn cứ vào tình hình nhiệm vụ, đặc điểm đối tượng để giao nhiệm vụ, thử thách cho phù hợp; quá trình giao nhiệm vụ cần làm tốt công tác giáo dục, động viên và quan sát thái độ, sắc thái biểu cảm của hạ sĩ quan, binh sĩ để nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề về tư tưởng. Thực hiện tốt việc phản ánh báo cáo của các tổ chức, lực lượng được phân công. Các tổ chức, lực lượng cần nhận thức đúng đắn về vai trò, nội dung, chế độ thực hiện báo cáo về tình hình tư tưởng.

Quản lý chặt chẽ hồ sơ và các mối quan hệ xã hội của hạ sĩ quan, binh sĩ hoặc qua gia đình, bạn bè, người thân, qua Nhân dân trên địa bàn đóng quân. Tổ chức bảo quản chặt chẽ các loại hồ sơ, sổ sách; phân loại cụ thể các loại sổ sách để tiện trong quá trình quản lý. Nghiên cứu nắm chắc hồ sơ, lý lịch chính trị của các hạ sĩ quan, binh sĩ, nắm chắc về trình độ, nhận thức, dân tộc, tôn giáo, quê quán, hoàn cảnh gia đình để xác định các biện pháp quản lý cho phù hợp.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh.

Công tác kiểm tra có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tư tưởng ở đơn vị. Vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra của cán bộ các cấp trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các đơn vị. Thông qua công tác kiểm tra để phát hiện những bất cập trong quy trình quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ và tiếp tục chỉ đạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý tư tưởng cho cấp dưới đồng thời rút ra những kinh nghiệm trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh hiện nay.

Do vậy, cần xác định cụ thể nội dung và vận dung linh hoạt hình thức, phương pháp kiểm tra. Tập trung kiểm tra vào những thời điểm nhạy cảm, diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Đối với công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm phải được chuẩn bị chặt chẽ chu đáo cụ thể, xác định rõ nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành. Trong đánh giá phải tiến hành thu thập, phân tích, xử lý tài liệu, lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, lực lượng trong đơn vị để đánh giá đúng thực chất tư tưởng của hạ sĩ quan, binh sĩ. Nội dung sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cần có số liệu minh chứng rõ ràng, chính xác, đánh giá đúng thực trạng và chỉ ra phương hướng quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian tiếp theo. Tăng cường tổ chức tốt các hoạt động trao đổi, rút kinh nghiệm giữa các đơn vị.

Sau mỗi đợt sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần tiếp tục xây dựng kế hoạch hoạt động tiếp theo; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp về kiến thức, kỹ năng trong quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ. Tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ phải bảo đảm khách quan, dân chủ, đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, tránh việc làm chiếu lệ, hình thức, áp đặt chủ quan. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh cần khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không để những mâu thuẫn, bất đồng tồn tại lâu trong đơn vị.

Làm tốt việc biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, cố gắng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, bám nắm mọi hoạt động của hạ sĩ quan, binh sĩ để định hướng, giải quyết ngay những tâm tư, nguyện vọng của mỗi cá nhân, tạo sự đoàn kết, ổn định, thống nhất trong toàn đơn vị. Việc biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đúng người, đúng việc, nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất của vấn đề, không tô hồng, bôi đen, có như vậy, mới tạo sự kính trọng, nể phục, cổ vũ, động viên, khích lệ những người xung quanh nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của đơn vị.

Kết luận

Quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh là hoạt động có mục đích, có tổ chức của cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp; là tổng thể các biện pháp nắm, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng và định hướng, điều khiển, giải quyết các vấn đề tư tưởng của hạ sĩ quan, binh sĩ nhằm phát huy những tư tưởng tích cực, tiến bộ; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những tư tưởng tiêu cực, lạc hậu, bảo đảm sự thống nhất, đồng thuận về nhận thức tư tưởng của hạ sĩ quan, binh sĩ. Thời gian qua, việc quản lý tư tưởng hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc quản lý tư tưởng tốt hạ sĩ quan, binh sĩ ở các trung đoàn bộ binh có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.

Chú thích:
1. V.I. Lênin. Toàn tập. Tập 41. H. NXB Tiến bộ, 1977, tr. 147.
2. Hồ Chí Minh.Toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 289.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 2423-CT/QUTW ngày 19/11/2023 của Quân ủy Trung ương về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong giai đoạn mới.
2. Quy chế công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam (kèm theo Quyết định số 775/QĐ-CT ngày 12/5/2022 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam).
3. Tổng cục Chính trị. Dấu hiệu nhận biết hành vi vi phạm kỷ luật, mất an toàn và gợi ý biện pháp xử lý của cán bộ cơ sở đối với những tình huống tư tưởng có thể nảy sinh. Tập 3. H. NXB Quân đội nhân dân, 2022.