Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch bền vững tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

TS. Nguyễn Giác Trí
Trường Đại học Đồng Tháp
(Quanlynhanuoc.vn) – Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch bền vững tại một số tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây đã có những bước phát triển mới, duy trì tốc độ tăng trưởng, từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống Nhân dân, mở rộng các mối quan hệ, hợp tác của tỉnh, làm thay đổi hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long trong nhận thức của bạn bè trong nước và quốc tế. Bài viết phân tích thực trạng, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp để khắc phục những khó khăn nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước của chính quyền địa phương một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững.
Đặt vấn đề

Ngày nay, trên thế giới du lịch trở thành hiện tượng kinh tế – xã hội phổ biến, là cầu nối tình hữu nghị, là phương tiện gìn giữ hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội. Ở Việt Nam, ngành Du lịch đã có nhiều khởi sắc, từng bước khẳng định, đóng góp tăng trưởng tài chính vào nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy giao lưu văn hóa, làm cho Nhân dân thế giới hiểu biết thêm về đất nước con người Việt Nam.

Hoạt động du lịch của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước phát triển mới. Lượng du khách đến đây duy trì tốc độ tăng trưởng khá, từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống Nhân dân, mở rộng các mối quan hệ, hợp tác của tỉnh, làm thay đổi hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long trong nhận thức của bạn bè trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế về tổ chức thực hiện, các chính sách liên quan hoạt động du lịch, quy hoạch và kế hoạch phát triển, quản lý tài nguyên và phát triển sản phẩm, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch,…

Thực trạng quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch bền vững tại một số tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động du lịch, cụ thể là: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2743/QĐ-TTg ngày 29/12/2011; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 xác định vùng đồng bằng sông Cửu Long (hay còn gọi là Tây Nam Bộ) là vùng du lịch quan trọng với các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Các định hướng phát triển cho vùng Tây Nam Bộ là du lịch sinh thái (miệt vườn, đất ngập nước), du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội.

Tiếp đến Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Quyết định nêu rõ, tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia, gồm: Thới Sơn nằm trong cụm Cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn – Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim – Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang). Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều chỉ thị để tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, như: (1) Chỉ thị số 18/CT- TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; (2) Chỉ thị số 14/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch, tập trung ngày 02/7/2015 khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch…

Từ các cơ sở và căn cứ nêu trên, có thể nhận thấy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đề ra các chính sách quản lý và phát triển du lịch bền vững, giúp cho ngành Du lịch nói chung và du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng phát triển không ngừng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thứ hai, xây dựng và công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch bền vững, cho thấy, Chiến lược phát triển du lịch bền vững của địa phương được đánh giá với điểm là 4,09. Trong đó, các tiêu chí, như: quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, chỉ tiêu kế hoạch phát triển và định hướng phát triển được đánh giá ở mức điểm đều từ 3,95 – 4,07 điểm trở lên.

Định hướng phát triển du lịch bền vững tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã được thể hiện trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, chiến lược phát triển du lịch bền vững các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mang định tính nhiều hơn, chưa xác định kế hoạch thời gian thực hiện những nội dung cụ thể trong từng giai đoạn, chưa xác định mục tiêu và kết quả cụ thể, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, thỏa mãn nhu cầu cho nhiều đối tượng khách; chưa xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên tham gia thực hiện, chưa xác định lịch trình thực hiện cụ thể, vì thế chưa thực sự tạo động lực để thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân cư địa phương trong những hoạt động vì du lịch và vì du khách1.

Kết quả khảo sát cơ quan quản lý nhà nước về thực trạng công tác quy hoạch của các địa phương đồng bằng sông Cửu Long có mức điểm trung bình là 3,56, tương ứng với mức khá đã khẳng định đây là một khâu tương đối được quan tâm của địa phương các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ ý kiến đánh giá ở mức tốt là 57,2%, trung bình 41,3%, kém 1,5%. Các chỉ tiêu cụ thể như việc xây dựng mô hình du lịch, phân khu dịch vụ du lịch; phân khu dịch vụ hỗ trợ và hệ thống tuyến điểm đều được đánh giá mức điểm từ 3,44 đến 3,65 điểm2.
Sở dĩ kết quả đánh giá thấp như trên là do chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch trước đây của các địa phương đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi, hoạt động du lịch diễn ra tự phát, lộn xộn, sản phẩm dịch vụ không có phong cách riêng, thị trường mục tiêu không rõ ràng, không tạo lập được nhiều giá trị hưởng thụ cho du khách. Quy hoạch mang nặng ý chí chủ quan, ít bám sát nhu cầu và xu hướng thị trường; quy trình lập quy hoạch tổng thể vùng được thực hiện từ trên xuống (top-down), gần như không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; phương pháp lập quy hoạch hiện đại (phương pháp bản đồ GIS) chưa được sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý; thiếu sự đúc rút kinh nghiệm từ các chuyên gia và từ các điểm đến thành công trên thế giới.

Kết quả khảo sát cơ quan quản lý nhà nước cho thấy, chính sách phát triển du lịch bền vững của địa phương được đánh giá khá cao với điểm số là 4,26. Trong đó, các tiêu chí, như: chính sách quản lý phát triển du lịch, chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch, chính sách phát triển loại hình, sản phẩm du lịch, chính sách quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và du khách, Việc bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội đều đạt điểm 4 trở lên, riêng chỉ có chính sách tạo môi trường thu hút đầu tư và chính sách xúc tiến quảng bá du lịch chỉ đạt 3,97 và 3,863.
Nhằm thực hiện chủ trương tập trung cho phát triển du lịch, hằng năm ngân sách nhà nước đã dành một khoản để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch của các địa phương. Trên cơ sở đó, Nhà nước hỗ trợ cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch còn có những hạn chế, như: nhiều công trình đầu tư còn kéo dài, không hoàn thành đúng tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu là do: nguồn vốn trung ương hỗ trợ được cân đối hàng năm ít nhưng các địa phương bố trí nhiều công trình, năng lực của đơn vị thi công có những hạn chế nhất định, công tác giải tỏa mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đầu tư còn dàn trải, nhiều dự án triển khai cùng lúc nhưng không cân đối đủ vốn; còn cơ chế xin cho, chưa tập trung vào những dự án trọng điểm có tác động tích cực đến phát triển du lịch của các khu, điểm du lịch quan trọng4.

Thứ ba, về quản lý tài nguyên và phát triển sản phẩm du lịch bền vững. Thực tế, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ phát triển sản phẩm chủ yếu bằng việc khai thác những tiềm năng tài nguyên sẵn có “trời cho”, ít đầu tư chiều sâu. Hệ thống sản phẩm du lịch mang tính đại trà, hạng trung bình thấp, đơn điệu, thiếu tính độc đáo và sáng tạo; thiếu tính cạnh tranh; quy mô nhỏ, phân tán, tính liên kết chưa cao; chất lượng chưa làm hài lòng khách quốc tế, nhất là khách có khả năng thanh toán cao5.


Thứ tư, về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch. Nguồn nhân lực du lịch tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang bộc lộ một số điểm yếu cơ bản như sau: Cơ cấu lao động chưa hợp lý, thiếu lao động có chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao, lao động quản trị, giám sát viên có chuyên môn sâu theo yêu cầu của từng bộ phận dịch vụ để cung cấp cho các khu du lịch, các khách sạn cao cấp. Chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của từng nghề, năng suất lao động đạt thấp; ngoại ngữ còn thiếu và yếu. Kỹ năng, phong cách làm việc của người lao động chưa chuyên nghiệp; thậm chí trong nhiều trường hợp, họ đã được đào tạo và có đủ kiến thức để thực hiện tốt công việc nhưng họ vẫn không làm đúng như mô tả và yêu cầu của công việc. Hay nói cách khác, văn hóa dịch vụ còn nhiều yếu kém. Tỷ lệ khách phàn nàn về chất lượng dịch vụ và thái độ người cung cấp dịch vụ còn khá cao6.

Thứ năm, về thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch và xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch, công tác quản lý còn nảy sinh nhiều bất cập, nhiều nơi còn bị buông lỏng, thiếu sự quản lý thống nhất, đồng bộ và còn có sự chồng chéo giữa quản lý ngành và quản lý lãnh thổ giữa các ngành, các cấp. Nhiều vấn đề còn lẫn lộn, chưa phân định rõ giữa quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh. Việc cải tiến các thủ tục hành chính còn chậm, nhiều cửa, nhiều cấp, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhất là trong việc thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh khách sạn, nhà khách, nhà trọ và vận chuyển khách du lịch, các thủ tục xin xác lập quyền sử dụng nhà, đất, mặt nước và cảnh quan du lịch.

Một số hạn chế, bất cập trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về du lịch cho người dân và việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội, mặc dù được chính quyền tỉnh thực hiện, song hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Hai là, việc cụ thể hoá và ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để quản lý, điều hành phát triển du lịch từng lúc còn chậm, nội dung chưa sát hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển du lịch ở tỉnh và chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch. Thủ tục hành chính đối với kinh doanh nói chung và phát triển du lịch nói riêng mặc dù được cải thiện nhưng nhìn chung còn phức tạp, gây phiền hà cho các nhà đầu tư.

Ba là, công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch nói chung, trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nói riêng, từng lúc, từng nơi chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số quy hoạch đã có dấu hiệu lạc hậu, bất cập, chồng chéo có nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường và hủy hoại tài nguyên du lịch.

Bốn là, công tác quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn còn chồng chéo.

Năm là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra và hiệu quả thấp.

Sáu là, công tác tạo lập sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương khác trong nước và nước ngoài tuy được thực hiện nhưng nhìn chung mới dừng ở khâu ký kết và hoàn thiện các văn bản về hợp tác.

Bảy là, công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, chưa khắc phục được những bất cập trong công tác đào tạo nghiệp vụ du lịch trước yêu cầu phát triển hiện nay cũng như tình trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu đội ngũ lao động tay nghề cao, chất lượng phục vụ chưa đồng đều và thiếu tính chuyên nghiệp.

Tám là, công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch và xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch mặc dù được chính quyền tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhưng nhìn chung còn nhiều bất cập, hiệu quả mang lại không cao, công tác xử lý sau kiểm tra, thanh tra từng lúc, từng nơi chưa dứt khoát, còn để kéo dài, việc tố cáo, khiếu nại trong lĩnh vực du lịch còn diễn biến phức tạp.

Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của đồng bằng sông Cửu Long. Đề xuất các quy định pháp luật, các chính sách phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật và tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách, pháp luật về du lịch cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cán bộ, nhân dân trong địa phương.

Thứ hai, hoàn thiện quy hoạch, chính sách, tập trung đầu tư có trọng điểm và thu hút đầu tư để phát triển du lịch. Tập trung hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2025-2030 phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới, trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng và bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch cụ thể các khu, điểm du lịch trọng điểm, bảo đảm chất lượng và tính khả thi cao để thu hút đầu tư. Việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của từng địa phương, tập trung vào hai nội dung: quy hoạch không gian du lịch và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch. Xây dựng và phát triển các khu, điểm du lịch ở các địa bàn có tiềm năng.

Thứ ba, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, nghiên cứu hình thành các thể chế quản lý phát triển du lịch bền vững hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững. Hoạt động quản lý nhà nước chỉ có thể được thực hiện tốt khi chúng ta có một bộ máy quản lý nhà nước được tổ chức tốt và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có năng lực và trách nhiệm.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức cho bản thân người lao động làm du lịch về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hoạt động du lịch đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân lực du lịch. Để làm được điều đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần có định hướng đúng đắn cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch. Bảo đảm tính hợp lý trong cơ cấu đào tạo, chú trọng đào tạo đồng bộ từ nhân viên phục vụ đến cán bộ quản lý kinh doanh, cán bộ khoa học-công nghệ, tránh tình trạng chỉ tập trung đào tạo ở bậc đại học mà ít quan tâm đến việc đào tạo ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề; cần đào tạo đồng bộ ở tất cả các khâu như tiếp thị, phục vụ, thuyết minh viên,…

Thứ năm, tăng cường xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các hoạt động xúc tiến du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Để thực hiện được điều này, tỉnh cần tập trung làm tốt những công việc chủ yếu sau: (1) Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, xây dựng phong cách hoạt động chuyên nghiệp. Đổi mới quan điểm và phương pháp xúc tiến, quảng bá du lịch; đổi mới cách xây dựng ấn phẩm, sản phẩm quảng bá du lịch; xúc tiến xây dựng thư viện ảnh, ngân hàng dữ liệu của tỉnh phục vụ xây dựng ấn phẩm. (2) Đẩy mạnh khai thác các phương tiện và công nghệ truyền thông trong và ngoài nước, tăng cường tham gia các sự kiện du lịch mang tính tuyên truyền cao như hội chợ, lễ hội, các sự kiện thể thao lớn… (3) Hoàn thiện hệ thống thông tin về tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của địa phương; các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch. Cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của Chính phủ về tăng cường quản lý công tác trật tự trị an, bảo vệ môi trường tại các điểm tham quan du lịch, tình hình thực hiện quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác thẩm định các cơ sở lưu trú; thực hiện nghiêm túc việc xét, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh việc giáo dục ý thức pháp luật cho Nhân dân, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về du lịch; tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên, của tỉnh cho các doanh nghiệp; xây dựng môi trường hoạt động kinh doanh lành mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch.

Kết luận

Để hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch bền vững tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện quy hoạch, chính sách, tập trung đầu tư có trọng điểm và thu hút đầu tư để phát triển du lịch; củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, nghiên cứu hình thành các thể chế quản lý phát triển du lịch bền vững, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch… là những giải pháp cần thiết và cấp bách.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Du lịch năm 2018.
2. Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
5. Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.