Phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong thực tiễn cách mạng Việt Nam và bài học kinh nghiệm với hiện đại hóa quân đội hiện nay

ThS. Nguyễn Văn Hội
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) –  Chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ rõ: Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi “đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”1. Với yêu cầu hiện đại hóa quân đội hiện nay, nhiệm vụ của mỗi quốc gia không chỉ quan tâm đầu tư trang bị, vũ khí tiên tiến, mà cần phải coi trọng phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội. Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh với phương châm xây dựng quân đội “Người trước, súng sau”, đã phát huy cao nhất trí tuệ, phẩm chất, bản lĩnh của nguồn lực con người có chất lượng cao để chiến thắng quân đội nhà nghề với trang bị, vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Từ khóa: Phát triển, nhân lực quân sự chất lượng cao, cách mạng Việt Nam, bài học kinh nghiệm, hiện đại hóa quân đội.

Ảnh minh họa: qdnd.vn.
Ảnh minh họa: qdnd.vn.

Phát triển đó là quá trình biến đổi của sự vật, hiện tượng cả về lượng và chất theo chiều hướng tích cực “Từ ít đến nhiều, hẹp đến rộng, thấp đến cao”2. Con người với vai trò là chủ thể cải tạo tự nhiên, sáng tạo ra xã hội và tồn tại phát triển gắn với tổ chức, cộng đồng xã hội. Nên sự phát triển của con người không thể tách rời tổ chức, cộng đồng mà họ là một thành viên.

Với môi trường hoạt động quân sự đặc thù của Quân đội: phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao là quá trình tạo ra sự chuyển biến căn bản, toàn diện, đồng bộ trong tạo nguồn, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lực lượng này cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu và luôn gắn chặt, tương xứng với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, thực tiễn của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đồng thời tạo điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ trương hiện đại hóa Quân đội.

Phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong Quân đội là hoạt động có mục đích, có tổ chức, kế hoạch và chiến lược rõ ràng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và các bộ, ban, ngành có liên quan; trong đó chủ thể chính, trực tiếp của sự phát triển là Bộ Quốc phòng, các đơn vị, cơ quan chức năng trong toàn quân. Do đó, nhiệm vụ thu hút, tạo nguồn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ có vai trò đặc biệt quan trọng; sự phát triển diễn ra nhanh hay chậm, có đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa quân đội hay không chủ yếu phụ thuộc vào hiệu quả thực hiện những nhiệm vụ này. Vì vậy, hệ thống nhà trường quân sự có vai trò nòng cốt trong toàn bộ quá trình phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. Trong đó, việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao, chuẩn hóa mục tiêu, chương trình, nội dung, chất lượng huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… là những nhân tố quan trọng trực tiếp quyết định đến phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao; phát huy trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng. Thực tiễn trong lịch sử đã thu hút, đào luyện được nhiều người tài giỏi phục vụ quân đội, góp phần to lớn vào thắng lợi trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược giải phóng đất nước. 

Mục đích phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao phải bảo đảm tính toàn diện và tính đồng bộ nhằm gia tăng về số lượng, phát triển chất lượng và chuyển dịch cơ cấu hợp lý. Đây là nội dung căn bản có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau; trong đó sự gia tăng về số lượng là đòi hỏi khách quan, sự phát triển về chất lượng là yêu cầu then chốt và sự biến đổi hợp lý về cơ cấu sẽ là điều kiện bảo đảm. Chỉ khi nào chúng ta chuẩn bị và bảo đảm được các nguồn lực tốt nhất cho sự phát triển này thì mới có được nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội.

Phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao phải được thực hiện bằng tổng hợp các biện pháp, cách thức cụ thể: (1) Được tiến hành thông qua hệ thống giáo dục, đào tạo quốc gia, đặc biệt là hệ thống nhà trường quân sự. Phải coi việc đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan có vai trò quyết định đến phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. Bởi vì, đặc trưng cơ bản của nguồn nhân lực nói chung là dấu hiệu được đào tạo và bồi dưỡng. (2) Nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao được phát triển thông qua thực tiễn hoạt động quân sự ở từng đơn vị trong toàn quân. (3) Tạo cơ chế, chính sách và môi trường thuận lợi nhất để nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao tự phát triển có hiệu quả. (4)Xây dựng hành lang pháp lý để thu hút những người tài giỏi trở thành nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. (5) Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao.

Phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao nội dung bao gồm cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu:

Một là, phát triển về số lượng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao phải thực hiện và bám sát một số yêu cầu và nội dung đó là: công tác xây dựng nguồn để phát triển phải bảo đảm dồi dào, tạo ra sự cạnh tranh cao, khắc phục tình trạng khan hiếm. Công tác tạo nguồn phải được quan tâm cả nguồn trực tiếp và kế tiếp, nhất là nguồn cán bộ cao cấp, cán bộ khoa học, những chuyên gia đầu ngành. Trong đó, tập trung phát triển số lượng đội ngũ cán bộ khoa học quân sự; đội ngũ giảng viên trong hệ thống nhà trường, những chuyên gia đầu ngành ở các viện nghiên cứu. 

Phát triển đội ngũ cán bộ chính trị, chỉ huy, tham mưu các cấp (nhất là cấp chiến dịch, chiến lược) có chất lượng cao đủ về số lượng theo đúng yêu cầu của tổ chức biên chế trong quân đội. Gia tăng phù hợp đội ngũ cán bộ hậu cần – kỹ thuật, cán bộ kinh tế đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo chức trách. Chú trọng gia tăng lực lượng chuyên gia, đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao ở một số quân, binh chủng xây dựng hiện đại và các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho quân đội.

Hai là, phát triển về chất lượng cả về thể lực, trí lực và tâm lực.

Về thể lực, hoạt động quân sự là một loại lao động đòi hỏi yêu cầu cao về sức khỏe. Đối với nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao do đặc thù về công việc và độ tuổi nên thể lực thường không còn ở thời kỳ sung sức nên cần được quan tâm phát triển một cách hợp lý. Nguồn nhân lực này cần được rèn luyện sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, minh mẫn, có như vậy mới có thể chuyển tải hiệu quả cao nhất năng lực trí tuệ trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, tiêu chí về thể lực phát triển ở mức hợp lý là điều kiện tiền đề để phát triển về chất lượng của nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. 

Về trí lực, cần đặc biệt coi trọng gia tăng những người được đào tạo có trình độ cao trong hệ thống giáo dục quốc dân. Khi đảm nhiệm các nhiệm vụ trên cương vị chức trách được phân công phải được chuẩn hóa về chức danh đào tạo, có trí tuệ phát triển cao, có kỹ xảo, kỹ năng trong hoạt động quân sự, yêu nghề và đam mê công việc. Tập trung phát triển tính sáng tạo, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược sắc bén và khả năng phân tích, tổng hợp, nắm chắc lý luận, vận dụng tốt trong hoạt động thực tiễn. Cần hoàn thiện, củng cố, phát triển kỹ năng lãnh đạo, tổ chức và quản lý, chỉ huy bộ đội, khả năng thích ứng cao trong mọi công việc và tình huống quân sự. 

Về tâm lực, trong hoạt động quân sự, nhân tố hàng đầu tạo nên chất lượng con người chính là tinh thần yêu nước, kiên cường và niềm tin vào chính nghĩa. Bởi vì, trong chiến tranh, “nhân tố tinh thần, sự dũng cảm ở đây biến ngay thành sức mạnh vật chất”3 nên “đối với một tiểu đoàn tấn công dũng cảm”4 thì những loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại cũng không phải là nỗi nguy hiểm quá khủng khiếp; thực tiễn lịch sử các cuộc chiến tranh đã luôn chứng minh cho điều đó. 

Do vậy, phải giáo dục, rèn luyện để nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao thực sự là những con người có ý thức giác ngộ cao, lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, dám đương đầu với khó khăn thử thách và sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng. Tập trung phát triển về tâm lực cho nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao là vấn đề then chốt, nền tảng để tiến hành hiện đại hóa quân đội hiện nay.

Phát triển những phẩm chất, năng lực tiêu biểu của từng lực lượng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao theo nhiệm vụ, chức trách đảm nhiệm đối với đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và giáo viên quân sự. Ngoài những yêu cầu phát triển chung của nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao cần có cơ chế, chính sách nhằm phát triển những phẩm chất tiêu biểu của lực lượng này. Nguồn tuyển chọn đòi hỏi phải thu hút được những người thực sự có năng lực, khả năng nghiên cứu để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển. Về trình độ phải được chuẩn hóa có trình độ từ thạc sỹ và tương đương trở lên, trí tuệ phát triển ở mức cao, giàu tính sáng tạo và sáng tạo không ngừng. Tập trung phát triển vào khả năng phát hiện vấn đề, khả năng sáng tạo ra những tri thức và nghệ thuật quân sự mới đặc sắc. Đào luyện đội ngũ nhà khoa học có bản lĩnh, trung thực trong nghiên cứu, có ý tưởng sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, khái quát ở chiều sâu. Kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo quân sự có trí tuệ, kinh nghiệm, tâm huyết và năng lực sư phạm tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong quân đội.

Đối với đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy tham mưu, quản lý các cấp (nhất là cấp chiến dịch – chiến lược) trong quân đội: để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, đội ngũ này phải được phát triển toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng đến kỹ năng lãnh đạo, chỉ huy, huấn luyện, quản lý và thực hành tác chiến. Cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng tạo nguồn, nhất là đối với nguồn đào tạo cấp chiến dịch, chiến lược. Lực lượng này cần rèn luyện đạt thể lực tốt, được đào tạo cơ bản, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có tư duy và tầm nhìn chiến lược. Có kỷ luật và tính nguyên tắc cao, đồng thời có sự linh hoạt, thích ứng mau lẹ. Có khả năng phân tích và tổng hợp tốt, có kỹ năng lãnh đạo và chỉ huy, khả năng vận dụng nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn quân sự; có chiều sâu văn hóa và tính nhân văn cao, là hạt nhân đoàn kết, tập trung của trí tuệ, là chỗ dựa tinh thần cho toàn đơn vị.

Đối với đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, cán bộ chủ chốt ở các đơn vị kinh tế: đây là một trong những lực lượng quan trọng góp phần to lớn vào nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện nay. Với lực lượng này việc tạo nguồn cần bảo đảm đa dạng, phong phú, chú trọng nâng cao chất lượng theo yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật; có lòng yêu nghề, trung thực, không tham ô, lãng phí. Tập trung phát triển kỹ năng sáng tạo, cải tiến, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, giàu tinh thần phục vụ. Đối với lực lượng sản xuất, kinh doanh phải được đào tạo có tư duy kinh tế thị trường sâu sắc, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Ba là, chuyển dịch về cơ cấu: phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao có cơ cấu hợp lý bảo đảm chủ trương hiện đại hóa quân đội vừa đạt tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm. Những nội dung cơ bản trong biến đổi cơ cấu nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao gồm: cơ cấu “nguồn” phải thể hiện sự chủ động, hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển về số lượng và chất lượng. Ưu tiên gia tăng tỷ lệ cán bộ khoa học, các chuyên gia và đội ngũ giảng viên trong quân đội, từ đó từng bước khắc phục được tình trạng thiếu hụt về số lượng, hẫng hụt về nguồn kế cận. Tập trung phát triển toàn diện đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy có tài năng, chất lượng cao trong toàn quân, nhất là ở một số đơn vị trọng điểm. Ưu tiên hợp lý để phát triển đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch – chiến lược. Tăng tỷ lệ cán bộ, nhân viên có chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, hậu cần – kỹ thuật, bảo đảm có cơ cấu hợp lý, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ huấn luyện, chiến đấu, đối ngoại quân sự và phát triển kinh tế.

Như vậy, phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao là một nội dung tổng hợp của các yếu tố về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Đây là những nội dung cơ bản có quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó phát triển về chất lượng là mục đích, chi phối đến các nội dung khác, còn phát triển về số lượng là cơ sở tiền đề và sự chuyển dịch hợp lý về cơ cấu là điều kiện để phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. 

Một là, phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát huy cao độ sức mạnh của cả dân tộc ta chống thực dân Pháp. Bước vào cuộc kháng chiến, dân tộc ta đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, phải xây dựng lực lượng quân đội từ đầu trong điều kiện kinh tế khó khăn, không có sự viện trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Một quân đội được trang bị tầm vông, giáo mác, vũ khí thô sơ phải đối mặt với một quân đội nhà nghề được trang bị hiện đại khiến chúng ta ở vào thế “châu chấu đá xe” song quân và dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh thắng thực dân Pháp, lập nên trận Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Quá trình chuẩn bị và thu hút nguồn nhân lực vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được phát huy cao độ đã phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, không kể đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, hễ là người Việt Nam đều đã đứng lên đánh giặc cứu nước. Vì thế, ngoài nhà nhà, người người tham gia kháng chiến, chúng ta còn thu hút được rất nhiều người con Việt kiều ưu tú, thậm chí cả người nước ngoài tham gia đánh giặc.

Tích cực, chủ động chuẩn bị và phát huy cao độ nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong cuộc kháng chiến. Ngay từ thời kỳ chưa thành lập Đảng, với tầm nhìn chiến lược Nguyễn Ái Quốc đã chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ cách mạng nói chung, cán bộ quân sự có chất lượng cao nói riêng. Trong khoảng 2 năm (1925 – 1927) Nguyễn Ái Quốc đã mở trên 10 khóa học với hơn 200 cán bộ được đào tạo, trong đó phần lớn là cán bộ quân sự. Nhiều đồng chí được lựa chọn đi học tại trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) và sau này trở thành những tướng lĩnh tài ba, những cán bộ chủ chốt của cách mạng5

Hai là, phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, để đánh bại kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần thì nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao có vai trò đặc biệt quan trọng. Chúng ta đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng với phong trào “Cả nước lên đường ra trận”; “Ra ngõ gặp anh hùng”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” … để làm nòng cốt tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân. Ta đã cử nhiều cán bộ ra nước ngoài học tập nhằm chuẩn bị nguồn có chất lượng cao trở về làm nòng cốt xây dựng các quân, binh chủng hiện đại như: Phòng không, Không quân, Ra đa, Tên lửa, Hải quân… Quân đội đã chủ động phát triển nguồn nhân lực quân sự tiến hành nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 thành công. 

Cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam được huấn luyện, rèn luyện và trở thành quân đội cách mạng hết sức tinh nhuệ. Lực lượng Phòng không – Không quân với những phi công xuất sắc, những xạ thủ tài ba đã lập nên nhiều chiến công oanh liệt mà đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, 05 chiếc F111, bắt sống hàng chục phi công Mỹ6, buộc kẻ thù phải tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện và ngồi vào bàn đàm phán. Lực lượng Hải quân nhân dân với những cán bộ mưu trí, sáng tạo từng làm cho Hải quân Mỹ với tàu khu trục, hạm đội hiện đại phải bỏ chạy. Với những chất lượng con người đặc biệt cao, quân và dân ta đã xây dựng con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển góp phần quan trọng vào giải phóng miền Nam. Bộ đội Đặc công là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ với cách đánh “xuất quỷ, nhập thần” hết sức độc đáo làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. 

Một là, tích cực, chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đã đúc kết bài học kinh nghiệm quý báu là phải tích cực, chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực tốt nhất đáp ứng yêu cầu chiến tranh. Dự báo cuộc chiến tranh trong tương lai đối với nhân dân ta sẽ là cuộc chiến tranh hiện đại sử dụng vũ khí công nghệ cao và vẫn có sự chênh lệch về lực lượng, vũ khí, trang thiết bị quân sự. Vì vậy, chúng ta càng cần phải kế thừa bài học “Hễ có quốc gia là phải có võ bị”7 để chuẩn bị lực lượng đối phó với họa ngoại xâm. Vì vậy, ngày nay chúng ta vẫn rất cần nghiên cứu, kế thừa, vận dụng và phát triển kế sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tịnh vi dân”, “Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”8

Hai là, huy động, huấn luyện và phát huy cao độ nguồn nhân lực quân sự để xây dựng quân đội tinh nhuệ, bách chiến, bách thắng.

Tư tưởng “cả nước chung sức đánh giặc, khi cần trăm họ đều là binh” là một nét đặc sắc của cha ông ta đã được vận dụng và phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Kinh nghiệm lịch sử trong tuyển chọn, huấn luyện, rèn luyện nên những chiến sĩ, những đội quân, đơn vị đặc biệt tinh nhuệ làm nòng cốt để toàn dân đánh giặc còn giữ nguyên giá trị. 

Hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân để đối phó với các cuộc chiến tranh địch có sử dụng vũ khí công nghệ cao trong tương lai. Cần phải tiến hành tổ chức, huấn luyện và xây dựng quân đội thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, với những nội dung, cách thức phù hợp, sáng tạo trong đó yếu tố con người được lựa chọn là khâu đột phá.

Ba là, xây dựng chiến lược tổng thể trong phát triển nguồn nhân lực quân sự.

Các nước trên thế giới cũng rất coi trọng xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực quân sự. Các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc đã sớm xây dựng chiến lược phát triển nhân tài quân sự thế hệ mới vừa đạt trình độ tiến tiến, vừa đặc sắc đáp ứng được yêu cầu của một quân đội hiện đại. Một số nước ASEAN phát triển nguồn nhân lực quân sự theo hướng hợp tác. Họ coi trọng hợp tác quốc tế trong đào tạo sĩ quan, chú trọng các cuộc tập trận, diễn tập chung để rèn luyện, phát triển các kỹ năng tác chiến cho cán bộ và binh sĩ. Do vậy, với Việt Nam cũng cần phải xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. Xác định mục tiêu, lộ trình, nội dung, yêu cầu phát triển; gắn quy hoạch chiến lược phát triển nguồn nhân lực quân sự vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, cần hướng xây dựng đội ngũ nhân tài quân sự là khâu then chốt. 

Bốn là, xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng đối với nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. 

Thực tế cho thấy, không thể phát huy nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao nếu không có những chính sách, cơ chế hợp lý, đồng bộ. Về vấn đề này, quân đội Trung Quốc, Nga và một số nước khác đã gặt hái được nhiều thành quả. Đây là những kinh nghiệm gợi mở giúp Việt Nam đi tìm lời giải cho “bài toán” về phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao. Hiện nay Trung Quốc, Nga, Anh… đã thực hiện tương đối thành công một số chính sách có tính đột phá về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh người tài. Trong đó, phần nhiều các chính sách đó đều tập trung vào nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, tạo môi trường cơ chế làm việc tốt nhất để nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao phát huy hết tài năng của mình. Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội, Việt Nam cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm này để lựa chọn xây dựng các chính sách và cơ chế một cách phù hợp nhất.

Năm là, kiện toàn, đổi mới hệ thống nhà trường quân sự, thực hiện đào tạo lưỡng dụng nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao.

Hiện nay, các quốc gia đều tập trung hướng tới xây dựng mạng lưới nhà trường quân sự tinh gọn, hiện đại, phù hợp với điều kiện mới. Các trường được xây dựng theo quy hoạch tổng thể, có cơ sở vật chất hiện đại. Hầu hết nội dung huấn luyện đều được dạy theo phương pháp tình huống và sử dụng công nghệ mô phỏng. Đây là bài học rất đáng quan tâm khi hệ thống nhà trường quân sự nước ta đang cần được quy hoạch, sắp xếp, đổi mới theo hướng hiện đại. Mặt khác, Việt Nam cũng cần tham khảo cách làm của một số quốc gia về đào tạo lưỡng dụng trong các nhà trường quân sự. Cách làm này sẽ chuẩn bị được nguồn nhân lực dồi dào, khi cần có thể huy động nhanh nhất cho quân đội trong tình huống chiến tranh xảy ra. 

Thực tiễn cho thấy, bất kỳ quốc gia nào cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực quân sự ở mức độ nhất định để thực hiện các mục đích khác nhau. Ở Việt Nam tuy đã có những chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao song vẫn chưa đủ tạo ra sự đột phá. Vì vậy, chúng ta cần tiếp thu những kinh nghiệm thực tiễn của các nước về vấn đề này; có tư duy, tầm nhìn, quyết tâm và lộ trình thực hiện một cách khoa học để phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao phù hợp với thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội.

Chú thích:
1. Lênin. Toàn tập. Tập 41. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2005, tr.147.
2. Viện Ngôn ngữ học. Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng, 2004, tr.769.
3. C.Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1994, tr.387.
4. C.Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1994, tr.278.
5. Bộ Giáo dục Đào tạo. Lịch sử 12Tập 2. H. NXB Giáo dục, 2003, tr.16.
6. Đặng Việt Thuỷ. Hỏi đáp về các quân chủng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. H. NXB Quân đội nhân dân, 2009, tr.102.
7. Lê Đức Tiết. Lê Thánh Tông vị vua anh minh và canh tân xuất sắc. H. NXB Quân đội nhân dân, 1997, tr.145.
8. Hà Văn Thư. Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, trích trong Đại Việt sử ký toàn thư. Tập 2. H. NXB Văn hóa thông tin, 2001, tr.145.