Tăng cường công tác giáo dục chấp hành kỷ luật ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội

Trung tá Lê Việt Dũng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác giáo dục chấp hành kỷ luật quân đội là nội dung, nhiệm vụ then chốt để nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay. Để thực hiện tốt điều đó, các chủ thể, lực lượng cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp để giữ nghiêm kỷ luật, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong giai đoạn mới.
Ảnh minh họa (internet)
Tình hình hoạt động quản lý giáo dục kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở trong quân đội 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm thường xuyên đến việc giáo dục, rèn luyện kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Người đã chỉ rõ: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”1. Kỷ luật là một yếu tố quan trọng để xây dựng chính quy và tạo nên trình độ sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Nói đến vai trò của kỷ luật quân sự Người đã chỉ dạy: “Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật của quân đội. Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội”2. Việc tăng cường công tác giáo dục chấp hành kỷ luật ở các đơn vị cơ sở trong quân đội làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị đề cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, có ảnh hưởng tích cực đến hình thành, phát triển phẩm chất, nhân cách, xây dựng phương pháp tác phong công tác cho cán bộ, chiến sĩ góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Những năm qua, hoạt động quản lý giáo dục kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp trong toàn quân đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường các giải pháp, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, quản lý kỷ luật, tạo nhiều chuyển biến tiến bộ rõ nét, góp phần xây dựng chính quy ở đơn vị có nền nếp, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Hầu hết số cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, gắn bó xây dựng cơ quan, đơn vị; giải quyết hài hòa các mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng đội; trách nhiệm, ý thức tự giác trong chấp hành kỷ luật quân đội từng bước được nâng cao; nền nếp chính quy, chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập, công tác được duy trì chặt chẽ; việc bảo vệ chính trị nội bộ, bí mật quân sự được thực hiện nghiêm quy trình, bảo đảm đơn vị an toàn tuyệt đối… 

Tuy nhiên, tình hình chấp hành kỷ luật quân đội của một số cơ quan, đơn vị thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế. Một số cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị còn xem nhẹ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục kỷ luật; công tác thanh tra, kiểm tra chưa kiên quyết, xử lý chưa kịp thời; các vi phạm, như: việc mất an toàn khi tham gia giao thông, mất an toàn trong lao động, huấn luyện, diễn tập vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị; hiện tượng vi phạm kỷ luật nghiêm trọng dẫn đến chết người, phải xử lý hình sự vẫn còn xảy ra; một số cán bộ, chiến sĩ thiếu tu dưỡng rèn luyện, sống buông thả, việc chấp hành kỷ luật, pháp luật chưa tự giác, nghiêm minh… gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến phẩm chất người quân nhân cách mạng, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và danh dự, uy tín của quân đội. 

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là tranh chấp chủ quyền biển, đảo… tiếp tục diễn ra gay gắt hơn; các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, tội phạm, thiên tai, dịch bệnh… ngày càng phức tạp. 

Nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay

Quân đội tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đòi hỏi mỗi tổ chức, lực lượng, mọi quân nhân phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, thường xuyên rèn luyện nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, pháp luật của Nhà nước. 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định: “Tạo chuyến biển vững chắc về chấp hành pháp luật, kỷ luật; tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường hằng năm dưới 0,3%; hạn chế thấp nhất các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn trong huấn luyện”3. Quán triệt chủ trương đó, để xây dựng các cơ quan, đơn vị ở đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần xây dựng quân đội  tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều biện pháp tăng cường công tác giáo dục kỷ luật quân đội ở đơn vị cơ sở, trong đó tập trung thực hiện tốt các biện pháp cơ bản sau:

Một là, phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục kỷ luật ở đơn vị cơ sở hiện nay.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân, nhất là ở các đơn vị cơ sở cần thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của trên về phổ biến, giáo dục, chấp hành pháp luật, kỷ luật, nhất là Chỉ thị số 103/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ thị số 11/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện, cụ thể hóa thành chương trình hành động, coi đó là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các đối tượng, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tiểu đoàn, đại đội; tạo sự chuyển biến tích cực, vững chắc về nhận thức và hành động, phát huy và nêu cao tinh thần tự giác của học viên trong chấp hành kỷ luật, pháp luật, quy định. Thường xuyên thông báo, cập nhật tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật trong toàn quân đến mọi quân nhân để kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện tại đơn vị. 

Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục kỷ luật trong đơn vị; đánh giá đúng chất lượng, hiệu quả giáo dục kỷ luật của từng đơn vị. Qua đó, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm, làm cơ sở xác định các biện pháp khắc phục trong giáo dục kỷ luật trong đơn vị; đồng thời, có kế hoạch điều chỉnh nội dung chương trình, kế hoạch giáo dục kỷ luật cho học viên một cách phù họp, hiệu quả.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục kỷ luật; tăng cường các biện pháp quản lý, duy trì kỷ luật của các đơn vị cơ sở trong quân đội. 

Xác định đúng mục tiêu, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục có tác động rất lớn đến nhận thức, thái độ, hành vi kỷ luật của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, đảm bảo công tác giáo dục kỷ luật đạt được mục tiêu đã xác định. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần bám sát thực tiễn nhiệm vụ đơn vị, tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục kỷ luật phù hợp với mục tiêu, đối tượng ở đơn vị; lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đạt kết quả cao nhất. 

Cấp ủy, chỉ huy các tiểu đoàn, đại đội, trung đội ở đơn vị cơ sở thường xuyên nắm chắc, phân tích, đánh giá chính xác tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; xác định các biện pháp quản lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả; giải quyết vướng mắc nảy sinh ngay từ đầu, không để xảy ra vụ việc phức tạp, kéo dài; tránh tình trạng quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Chú trọng quản lý và duy trì kỷ luật thông qua hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và tổ chức quần chúng; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút đông đảo quân nhân tham gia, nhất là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Thường xuyên tổ chức các buổi trao đồi, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về chấp hành kỷ luật. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. 

Ba là, kết hợp giáo dục pháp luật với rèn luyện kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở trong quân đội. 

Giáo dục pháp luật gắn với rèn luyện kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ là yêu cầu rất quan trọng hiện nay; làm cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhận thức sâu sắc nội dung, yêu cầu, vai trò quan trọng của giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật; từ đó, tự điều chỉnh, tự rèn luyện, chấp hành nghiêm Hiến pháp và pháp luật, điều lệnh, điều lệ, các chế độ quy định của quân đội, của đơn vị, góp phần xây dựng chính quy, nâng cao chất lượng chấp hành kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các chủ thể cần kết hợp với nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của quân nhân, nhất là chiễn sĩ mới, kịp thời đề xuất biện pháp với lãnh đạo, chỉ huy các cấp xử lý những vướng mắc nảy sinh, làm cho các nội dung pháp luật thấm sâu vào từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác trong học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ.

Thực tế cho thấy, ở đơn vị cơ sở vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ còn có nhận thức, trách nhiệm chưa cao, coi nhẹ điều lệnh, điều lệ Quân đội, chế độ quy định của đơn vị, còn để đôn đốc, nhắc nhở. Để phát huy tính tích cực, tự giác của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự rèn, tự bồi dưỡng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở đơn vị cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình để giáo dục, quản lý bộ đội. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên trao đổi với cấp ủy, chính quyền địa phương, kết hợp với cơ quan quân sự địa phương làm tốt công tác tuyển quân. Khi xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tích cực phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình cùng với cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp giải quyết, xử lý vụ việc theo đúng quy định, không để tạo thành dư luận xấu. Chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chính trị tư tưởng, đối thoại dân chủ; phát huy vai trò của các tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trong đơn vị.

Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở cần phát huy tinh thần tự học tập, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm, tình cảm, niềm tin, ý thức chấp hành kỷ luật quân đội; tích cực tự giác rèn luyện lối sống trong sạch, lành mạnh, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, thực sự là tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người quân nhân cách mạng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 559.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 489.
3. Tổng cục Chính trị. Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. H. NXB Quân đội nhân dân, 2020, tr. 46. 
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 103/CT-BQP ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Chỉ thị số 11/CT-TM  ngày 12/03/2023 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật trong toàn quân.