Võ Thanh Tuấn
Sở Nội vụ tỉnh Long An
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng, những ưu điểm, hạn chế về các yếu tố tạo động lực làm việc cho đội ngũ công chức cấp xã trong hoạt động thực thi công vụ tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Trong đó, nghiên cứu khảo sát tại thị trấn Tân Trụ và 9 xã (Lạc Tấn, Bình Lãng, Bình Tịnh, Đức Tân, Nhựt Ninh, Tân Phước Tây, Bình Trinh Đông, Quê Mỹ Thạnh, Tân Bình) giai đoạn từ năm 2019 – 2023, trên cơ sở đó, bài viết đưa ra giải pháp tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Đặt vấn đề
Đội ngũ công chức cấp xã là lực lượng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai và thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Họ là cầu nối giữa chính quyền cơ sở và người dân, đồng thời là người trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ và phục vụ người dân trong nhiều lĩnh vực hành chính, tư pháp, giáo dục, y tế, an ninh trật tự và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Phẩm chất, năng lực và động lực làm việc trong xử lý công việc của công chức cấp xã không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của người dân vào chính quyền và mà còn bảo đảm sự ổn định về chính trị cũng như phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Chính vì vậy, bên cạnh các yếu tố khác, việc tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã là hết sức cần thiết. Khi công chức được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và có đủ động lực, họ sẽ làm việc với hiệu suất cao, sáng tạo và linh hoạt hơn trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp ở chính quyền cơ sở. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ công mà còn góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền cơ sở minh bạch, hiệu lực và hiệu quả. Ngược lại, nếu công chức cấp xã thiếu động lực có thể dẫn đến sự giảm sút trong hiệu suất làm việc, khiến họ thờ ơ, vô cảm hoặc rời bỏ công việc, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp…
Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng đó, những năm qua, chính quyền huyện Tân Trụ, tỉnh Long An và chính quyền các xã trên địa bàn huyện đã luôn tập trung nhiều giải pháp tạo động lực làm việc đối với công chức cấp xã. Tuy nhiên, qua khảo sát thực trạng hoạt động thực thi công vụ của đội ngũ công chức cấp xã trên địa bàn huyện Tân Trụ cho thấy, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong công tác tuyển dụng, chính sách ưu đãi thu hút trí thức trẻ, công chức có trình độ cao về công tác tại địa phương, về chế độ tiền lương, về đào tạo, bồi dưỡng… nên chưa thực sự tạo được động lực làm việc cho đội ngũ công chức cấp xã tại huyện Tân Trụ.
Thực trạng tạo động lực việc làm cho công chức cấp xã của huyện Tân Trụ, tỉnh Long An
Năm 2019, Tân Trụ có 76 công chức cấp xã, không có chức danh Trưởng Công an cấp xã do tỉnh Long An đã bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an cấp xã. Đến năm 2023, huyện đã tổ chức tuyển dụng, bố trí 82/88 công chức cấp xã, đạt 93% so với quy định đã cơ bản đáp ứng đủ số lượng thực hiện nhiệm vụ được giao, còn khuyết 6 chức danh công chức do tinh giản biên chế đều bố trí cán bộ kiêm nhiệm nhằm bảo đảm tất cả các lĩnh vực đều có người đảm nhiệm, trong đó: nữ là 34 người (tỷ lệ 41%), đảng viên là 63 người (tỷ lệ 77%), không có công chức là người dân tộc thiểu số và có tôn giáo. Việc chênh lệch giới tính không đáng kể. Số lượng công chức cấp xã có tuổi đời từ 30 đến dưới 50 tuổi chiếm tỷ lệ đa số (83%) – đây là nhóm tuổi đã có kinh nghiệm trong công tác và là lực lượng nòng cốt trong tổ chức. Đồng thời, tổ chức cũng có sự phân công hợp lý giữa các nhóm tuổi để có sự hỗ trợ, chia sẻ về công việc và kinh nghiệm trong công tác1.
Theo báo cáo đánh giá về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị đối với đội ngũ công chức cấp xã, nhìn chung, huyện Tân Trụ có đội ngũ công chức cấp xã cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn của từng chức danh theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức cấp xã ngày càng được nâng cao, phù hợp với chuyên môn, nghiệp của từng chức danh.
Nghiên cứu về thực trạng tạo động lực cho đội ngũ công chức cấp xã trên địa bàn huyện Tân Trụ, từ hai nhóm khách thể với tổng số 102 phiếu, trong đó: khảo sát đối với công chức cấp xã là 82 phiếu và khảo sát đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, cấp xã là 20 phiếu tại thị trấn Tân Trụ và 9 xã (Lạc Tấn, Bình Lãng, Bình Tịnh, Đức Tân, Nhựt Ninh, Tân Phước Tây, Bình Trinh Đông, Quê Mỹ Thạnh, Tân Bình) giai đoạn từ năm 2019 – 2023 cho thấy2:
Thứ nhất, quan điểm, nhận thức của UBND huyện Tân Trụ về tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã.
Trong đó có sự tác động từ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND cấp xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức và giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảmđúng người, đúng việc; đặc biệt là chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiện nay trên cả nước nói chung theo quy định của Trung ương cũng tác động nhất định đến động lực làm việc của công chức cấp xã trên địa bàn huyện Tân Trụ.
Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 thì huyện Tân Trụ thuộc diện phải sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025 do không đủ tiêu chuẩn trên 70% cả hai tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Với chủ trương nêu trên đã có những ảnh hưởng nhất định đến động lực làm việc đối với công chức cấp xã, tạo tâm lý trông chờ, không an tâm công tác do không biết bản thân có thuộc diện phải tinh giản biên chế hay không hoặc có thuộc diện phải điều động sang công tác ở đơn vị hành chính mới.
Thứ hai, tạo động lực làm việc bằng chính sách tài chính đối với công chức cấp xã.
Hiện nay, thu nhập chính của công chức cấp xã là tiền lương. Công thức tính tiền lương cho công chức cấp xã đang được áp dụng là: mức lương cơ sở (hiện nay là 1.800.000 đồng) nhân với hệ số lương theo ngạch công chức hành chính hiện hưởng cộng với phụ cấp công vụ 25%. Bên cạnh đó, tùy tình hình sử dụng ngân sách địa phương và nguồn cải cách tiền lương, đơn vị sẽ hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho công chức cấp xã. Ngoài ra, còn các nguồn thu khác từ các hoạt động khác của đơn vị mà công chức cấp xã có thể nhận được theo định kỳ hằng quý hoặc cuối năm. Tuy nhiên, so với điều kiện, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của công chức cấp xã còn hạn chế do phần lớn đơn vị hành chính cấp xã là thuần nông.
Từ kết quả khảo sát cho thấy, có tới 43% công chức chưa hài lòng với mức lương hiện nay, 49% công chức cho rằng thu nhập hiện tại chưa bảo đảm cho cuộc sống của nên họ phải làm thêm các công việc ngoài giờ và sẽ không thể toàn tâm toàn ý đến công việc của cơ quan. Việc trả lương cho công chức cấp xã hiện nay còn dựa vào hệ thống thang bảng lương ngạch công chức hành chính do Chính phủ quy định, không thực hiện trả lương theo kết quả thực hiện công việc của công chức. Khi được hỏi về mức độ và kết quả hoàn thành công việc của bản thân thì có 33/82, tỷ lệ 40% công chức cấp xã làm việc chưa có sự tích cực và nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao3. Với chính sách tiền lương, phụ cấp như hiện nay cũng sẽ làm mất đi động lực làm việc của công chức cấp xã, không khuyến khích công chức cấp xã làm việc tận tâm, làm việc hết mình.
Thứ ba, tạo động lực làm việc qua phân công công việc hợp lý cho công chức cấp xã.
Thực hiện Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì công chức cấp xã phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức cấp xã được đảm nhiệm do UBND tỉnh Long An quy định tại Quyết định số 38/2020/QĐ-UBND ngày 27/8/2020 về phân cấp quản lý đối với công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An, huyện Tân Trụ thực hiện nghiêm từ khâu tuyển dụng đến khâu phân công công việc theo quy định, như xã Lạc Tấn đã tạo điều kiện cho 5 công chức, xã Nhựt Ninh đã tạo điều kiện cho 3 công chức, thị trấn Tân Trụ đã tạo điều kiện cho 4 công chức tham gia đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trong giai đoạn 2019 – 2023.
Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh công chức cấp xã quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNV, UBND huyện Tân Trụ đã chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện phân công nhiệm vụ đối với các chức danh công chức cấp xã có 2 người đảm nhiệm trở lên bảo đảm phù hợp, rõ ràng, không chồng chéo, đồng đều trong thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng được xem là giải pháp để tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã.
Ngoài ra, tại UBND huyện Tân Trụ đã thực hiện đánh giá tổng thể đối với từng chức danh công chức cấp xã như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, mức độ hoàn thành công việc từng năm,… để thực hiện phân công công việc theo những nguyên tắc nhất định nhằm tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã như sau: (1) Công chức cấp xã phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh đang đảm nhiệm; (2) Giao những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng thực hiện, thực hiện nhiệm vụ được giao trên phần mềm quản lý văn bản trình cho Lãnh đạo UBND cấp xã thay vì những công việc mang nặng tính giấy tờ, hành chính, thủ tục; (3) Tạo cơ hội thách thức trong công việc, tuyệt đối giải quyết công việc nhanh chóng, không để trễ hẹn thủ tục hành chính cho người dânđể công chức có thêm động lực hướng đến việc làm mới thể hiện năng lực bản thân hơn; (4) Xây dựng cơ chế theo dõi kết quả thực hiện công việc, phản hồi thông tin nhanh chóng; (5) Mạnh dạn bố trí công chức có năng lực, kỹ năng, sáng tạo kiêm nhiệm các chức danh công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách cấp xã khác để góp phần thu nhập cho công chức cấp xã.
Theo đó, mức độ hài lòng trong phân công công việc của công chức cấp xã ở huyện Tân Trụ: có 95% công chức cấp xã rất hài lòng và hài lòng4. Còn lại là do chưa hài lòng với sự phân công công việc bố trí 2 người đảm nhiệm vị trí công chức Văn phòng – thống kê, công chức Văn hóa – xã hội, công chức Tư pháp – hộ tịch. Việc phân công nhiệm vụ còn chồng chéo, phân công công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ của chức danh công chức khác do tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhưng không được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm, gây khó khăn trong công tác đánh giá, xếp loại công chức cấp xã hằng năm… Đặc biệt, công chức cấp xã hằng ngày phải đối mặt với nhiều áp lực khác nhau, từ áp lực phải hoàn thành công việc theo đúng thời gian quy định thủ tục hành chính, chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp trên và áp lực phục vụ Nhân dân ngày càng cao. Cùng với tiền lương và đặc điểm công việc của công chức cấp xã hiện nay chưa đủ để tạo ra động lực làm việc tích cực, toàn tâm, toàn ý vì công việc.
Thứ tư, tạo động lực làm việc qua công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch và sắp xếp vị trí việc làm.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, UBND huyện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức xã nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế – xã hội theo chức danh. Công chức cấp xã sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 1376/KH-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh Long An về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện Tân Trụ đã xây dựng kế hoạch cử công chức cấp xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ hằng năm (gồm bồi dưỡng về đạo đức công vụ, văn hóa công sở và kỹ năng hành chính; hội nhập quốc tế về kinh tế; kỹ năng quản lý và hướng dẫn các hoạt động thông tin, tuyên truyền, cổ động, khánh tiết cho công chức văn hóa – xã hội; kỹ năng tham mưu, tổng hợp cho Hội đồng nhân dân và UBND xã cho công chức Văn phòng – Thống kê) và chương trình bồi dưỡng chuyên sâu các chức danh công chức.
Hiện nay, hầu hết công chức cấp xã trên địa bàn huyện Tân Trụ hiện nay đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh đảm nhiệm, do đó, qua kết quả khảo sát có 78/82 (tỷ lệ 95%) công chức cấp xã rất hài lòng và hài lòng về công việc đang đảm nhiệm và có 66/82 (tỷ lệ 80%) công chức cấp xã vận dụng chương trình được đào tạo, bồi dưỡng cho công việc hiện tại rất hiệu quả và hiệu quả; công chức cảm thấy hài lòng với chính sách đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch của cơ quan (98%)5. UBND huyện cũng đã tổ chức cử công chức trẻ kế cận có nhiệt huyết, tiềm năng làm nguồn quy hoạch sau này, tạo động lực cho công chức an tâm học tập để đạt kết quả cao.
Nguồn ngân sách địa phương hạn chế nên hầu hết kinh phí đều do công chức tự túc khi tham gia đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cơ quan chỉ hỗ trợ một phần kinh phí hỗ trợ sinh hoạt và tạo điều kiện về mặt thời gian. Một bộ phận công chức cấp xã phải tham gia trực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính nên hạn chế về thời gian đã khiến việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc sử dụng công chức cấp xã sau đào tạo còn hạn chế, còn chưa sử dụng đúng chuyên môn lại bị điều động, luân chuyển, bố trí nhiệm vụ khác.
Thứ năm, tạo động lực làm việc qua công tác đánh giá, thi đua khen thưởng, đề bạt, thăng tiến vịt rí công tác của công chức cấp xã.
Trong quá trình làm việc, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn cao, có ý chí phấn đấu, có năng lực lãnh đạo, điều hành, có phẩm chất, đạo đức tốt sẽ được quy hoạch vào chức vụ cán bộ cấp xã. Đến thời điểm thích hợp, những công chức trong diện quy hoạch sẽ được xem xét đề bạc, thăng tiến để thực hiện quy trình bầu cử giữ các chức vụ cán bộ cấp xã. Do đó, công chức cấp xã được đưa vào danh sách quy hoạch, có cơ hội phát triển trong nghề nghiệp sẽ tạo ra động lực làm việc cho công chức cấp xã.
Qua kết quả khảo sát cho thấy, có 75/82 (tỷ lệ 91%) công chức cấp xã rất hài lòng và hài lòng đối với công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị và 74/82 (tỷ lệ 90%) công chức cấp xã rất hài lòng và hài lòng đối với việc đề bạt, thăng tiến trong quản lý. Bên cạnh đó, có 75/82 (tỷ lệ 91%) công chức cấp xã đánh giá về mối quan hệ, sự quan tâm của người lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị rất quan tâm và quan tâm6. Như vậy, đa số công chức cấp xã nhận thức được cơ hội thăng tiến của bản thân và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan đang công tác. Sự thăng tiến đó là nhu cầu chính đáng của công chức cấp xã, đồng thời nó làm tăng uy tín của công chức, nâng cao vị thế của công chức trong nền công vụ cũng như ngoài xã hội. Điều này luôn có ảnh hưởng đến động lực làm việc của công chức. Do đó, nội dung, tiêu chí đánh giá cần phải được thống nhất, cụ thể, bảo đảm đánh giá đúng thực chất và khuyến khích, động viên cán bộ làm việc có chất lượng, hiệu quả.
Việc đánh giá, xếp loại cán bộ cấp xã làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức cấp xã ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm, còn nể nang, hình thức; chưa mạnh dạn thay thế, chuyển đổi cán bộ làm việc yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu cơ quan. Chính sách thi đua, khen thưởng còn mang nặng hình thức do chưa đánh giá hiệu quả công tác dựa trên kết quả thực hiện công việc của công chức cấp xã so với kế hoạch đề ra, chỉ tiêu khen thưởng còn phân bổ bình quân, chưa có sự khuyến khích kịp thời cho công chức cấp xã có thành tích vượt trội.
Thứ sáu, tạo động lực làm việc qua cải tiến môi trường làm việc và điều kiện làm việc.
Môi trường làm việc của đơn vị luôn được công chức cấp xã quan tâm và coi trọng trong quá trình dự tuyển vào chức danh công chức cấp xã vì đây là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, hành động, quá trình làm việc của công chức trong thực thi công vụ. Môi trường làm việc bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, văn hóa công sở, bầu không khí làm việc… Việc tạo nên một môi trường làm việc thuận lợi, tạo cơ hội cho công chức cấp xã cảm thấy thoải mái, hứng thú trong thực hiện nhiệm vụ là một biện pháp, một nghệ thuật trong điều hành của nhà lãnh đạo, quản lý.
Hiện tại, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Trụ bố trí mỗi đơn vị hành chính cấp xã khoảng 50 máy tính bàn, 20 máy in, 6 máy photo. Hệ thống internet, mạng wifi được lắp đặt đầy đủ, kết nối tới từng máy tính, bảo đảm đường truyền luôn được thông suốt, đáp ứng yều cầu công việc.Theo kết quả khảo sát, có trên 90% công chức cảm thấy rất hài lòng, hài lòng về môi trường và điều kiện làm việc hiện tại 7. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ công chức chưa cảm thấy hài lòng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vì chưa đáp ứng được yêu cầu mới hiện nay nên ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả công việc. Do vậy, cần tạo được tâm lý thoải mái, phấn khởi, khuyến khích công chức cấp xã làm việc tích cực, sáng tạo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến mối quan hệ đồngnghiệp trong cơ quan được hòa đồng, thân thiện, cởi mở,… đây cũng là một trong những nhân tố tạo động lực làm việc đối với công chức cấp xã.
Thứ tám, tạo động lực làm việc qua phong cách của nhà lãnh đạo, quản lý.
Trong một tổ chức, phong cách của người lãnh đạo, quản lý đóng vai trò quan trọng, quyết định đến kết quả hoạt động của tổ chức đó. Phong cách của người lãnh đạo, quản lý tác động tích cực đến động lực làm việc của công chức cấp xã có các biểu hiện như sau: dân chủ, công bằng, khách quan, quan tâm, giúp đỡ cấp dưới, tạo điều kiện cho cấp dưới phát triển, thăng tiến trong sự nghiệp,… sẽ khuyến khích công chức cấp xã nỗ lực làm việc, cống hiến hết mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua kết quả khảo sát, có 92% công chức rất hài lòng và hài lòng với phong cách làm việc của nhà lãnh đạo, quản lý; chỉ có 8% công chức cảm thấy chưa hài lòng với lý do đôi khi họ chưa được thực sự quan tâm, thiếu sự lắng nghe, thấu hiểu và ghi nhận những ý kiến, đóng góp của họ8. Điều này có thể làm giảm đi tâm huyết và động lực làm việc của công chức.
Một số giải pháp tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã trên địa bàn huyện Tân Trụ
Để cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Tân Trụ quan tâm hơn nữa đến nhu cầu, đời sống của công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng, góp phần tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã hiện nay trên địa bàn huyện Tân Trụ, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, vai trò của Tỉnh ủy Long An, Huyện ủy Tân Trụ, chính quyền địa phương các cấp trong việc tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã. Trong đó, đẩy mạnh cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc. Thực hiện chặt chẽ công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan. Với mục tiêu xây dựng huyện Nông thôn nâng cao vào năm 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên động viên, khuyến khích mỗi cán bộ, công chức phải ý thức được trách nhiệm của bản thân để luôn nỗ lực phấn đấu góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống từng cán bộ, công chức, viên chức để có phương án sắp xếp, bố trí cho phù hợp hoặc kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt chuẩn, vi phạm khuyết điểm, không có ý chí phấn đấu,… nhằm góp phần giúp cho công chức cấp xã luôn nỗ lực phấn đấu tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm đạt chuẩn chức danh quy định, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để được tiếp tục bố trí, quy hoạch vào các chức vụ cao hơn trong tương lai.
Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện thăng tiến. Đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã phải xuất phát từ yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc với từng chức danh công chức cấp xã theo quy định mới của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, cần tiếp tục tạo cơ hội thăng tiến cho công chức cấp xã, từ đó công chức phát triển nghề nghiệp và gắn bó hơn với tổ chức, có ý thức phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn trong thực thi công vụ.
Ba là, quy hoạch, bố trí, sử dụng công chức cấp xã hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Điều này đòi hỏi cấp có thẩm quyền phải không ngừng hoàn thiện pháp luật, chính sách đối với từng chức danh công chức cấp xã như xác định khung năng lực, vị trí việc làm, xây dựng bảng mô tả công việc cụ thể, cạnh tranh trong công tác tuyển dụng, khắc phục tình trạng nơi thì nhiều người ít việc, nơi thì nhiều việc ít người… để lựa chọn, bố trí sử dụng đúng người, đúng việc theo đúng tiêu chuẩn, có đủ khả năng đảm nhận và hoàn thành mọi công việc được giao trước yêu cầu ngày càng cao của địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đó còn là căn cứ đổi mới cơ chế tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức một cách công bằng, khách quan, dân chủ, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng làm việc hiệu quả.
Bên cạnh đó, phát huy năng lực của chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã trong công tác quản lý công chức cấp xã theo năng lực và theo kết quả để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ, phân công công việc phù hợp với năng lực của từng cá nhân, tạo động lực hiệu quả trong thực thi công vụ.
Bốn là, đổi mới công tác đánh giá, thi đua, khen thưởng kịp thời đối với công chức cấp xã. Khi đánh giá công chức cấp xã, bên cạnh các tiêu chí chung cũng cần quan tâm đến các tiêu chí đặc thù, đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá kết quả thực thi công vụ của công chức nhằm bảo đảm tính kịp thời, thường xuyên, bảo đảm sử dụng kết quả đánh giá trong quản lý, quy hoạch, sử dụng và tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã.
Năm là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công chức cấp xã. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tăng thu nhập cho công chức cấp xã cuối năm, bảo đảm tổng mức thu nhập phải tương đương với mức thu nhập khá ở khu vực ngoài công lập. Cần trao thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã được quyền quyết định mức tiền thưởng đột xuất cho công chức cấp xã khi được đánh giá và xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công vụ phù hợp với tình hình ngân sách địa phương. Ngoài ngân sách nhà nước, UBND huyện Tân Trụ cần có chính sách gia tăng quỹ lương của mình bằng các hình thức mở rộng các hoạt động có thu, kết hợp xã hội hóa trong việc trang bị các điều kiện, cơ sở vật chất làm việc, từ đó phân phối hợp lý đến công chức cấp bảo đảm tính minh bạch, công bằng, khách quan.
Sáu là, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho công chức cấp xã. Công chức cấp xã hiện nay không chỉ đơn thuần làm việc trên giấy tờ mà còn làm việc trên hệ thống thông tin điện tử, Phần mềm quản lý văn bản nội bộ. Do đó, cần phải bảo đảm điều kiện làm việc cho công chức cấp xã một cách tốt nhất thông qua các trang bị phương tiện, công cụ trợ giúp, như: phòng làm việc, máy tính, máy in, điện thoại, mạng lưới internet,… Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ nhằm phục vụ công chức cấp xã thực thi công vụ có hiệu quả nhất như các hệ thống thông tin nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, sự kết nối với hệ thống văn bản, các dữ liệu trên cơ sở kế thừa mô hình “một cửa điện tử” đã và đang áp dụng tại địa phương, nâng cấp mạng lưới internet đảm bảo thông suốt,…
Môi trường làm việc cần được chú trọng đến việc môi trường văn hóa công sở – là môi trường để công chức thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ trong quá trình thực thi công vụ. Cần nâng cao vai trò gương mẫu, nêu gương của cán bộ cấp xã và công chức cấp xã trong các mối quan hệ và ứng xử trong công việc, từ đó xây dựng được nhân cách, uy tín, phong cách làm việc của nhà lãnh đạo để có ảnh hưởng tích cực tới động lực làm việc của công chức cấp xã, trong đó có phát huy tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt hành động vì lợi ích chung…
Bảy là, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của cấp có thẩm quyền, thực hiện tinh giản biên chế cán bộ, công chức cấp xã chưa bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Chủ động rà soát, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, đánh giá, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý, sử dụng cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã phù hợp với yêu cầu các đơn vị hành chínhvới lộ trình cụ thể bảo đảm hoàn thành việc sắp xếp, tinh giản biên chế cán bộ, công chức cấp xã có hạn chế, khuyết điểm, không đạt điều kiện, tiêu chuẩn chức danh, bị lỷ luật,… nhằm tạo động lực công chức cấp xã chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao góp phần nâng cao chất lượng công chức cấp xã trên địa bàn huyện Tân Trụ.
Kết luận
Huyện Tân Trụ đã thành công trong việc tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã góp phần xây dựng huyện nông thôn mới năm 2020 và đang vận dụng một số kinh nghiệm để xây dựng lộ trình đạt chuẩn huyện Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, trong đó huyện Tân Trụ đã mạnh dạn, đột phá trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, vực dậy tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên đối với nhiệm vụ được giao; đồng thời đẩy mạnh việc đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài… từ đó góp phần tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã trên địa bàn huyện ngày càng rõ nét và có những đóng góp tích cực xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới trước lộ trình dự kiến.