Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, lãnh đạo phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới

Nguyễn Đình Luận 
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển công nghiệp và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Bài viết khái quát kết quả và một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua, trên cơ sở đó, xác định chủ trương, giải pháp phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Từ khóa: Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo; phát triển công nghiệp, kinh nghiệm.

Ảnh: baohatinh.vn
Đặt vấn đề

Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên gần 6.000 km2, dân số gần 1,3 triệu người, trong đó độ tuổi lao động chiếm 52,6%. Hà Tĩnh nằm trên trục giao thông huyết mạch, là cửa ngõ hướng ra biển, vùng đất giàu truyền thống văn hóa – cách mạng, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, các khu kinh tế động lực cùng nhiều dự án trọng điểm1. Đồng thời, tỉnh còn được biết đến là vùng đất giàu tài nguyên, khoáng sản, như: titan, vàng, mangan, granit, nước khoáng nóng… Vì vậy, Hà Tĩnh hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển kinh tế toàn diện, nhất là sản xuất công nghiệp. Xuất phát từ đặc điểm đó, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo tốt nhiệm vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Một số kết quả trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo phát triển công nghiệp giai đoạn 2015 – 2020

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 – 2020 nêu rõ phương hướng, mục tiêu: “xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đầu tư phát triển văn hóa – xã hội và hệ thống đô thị ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;… đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”2. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh xác định 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong đó có nhiệm vụ đột phá thứ nhất là: (1) Đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; (2) Xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế; (3) Phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, năm 2018, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 08 – NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh: phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với bảo đảm quốc phòng, an ninh và giải quyết các vấn đề xã hội. Phát triển công nghiệp, phải nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm (hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0); ưu tiên công nghệ hiện đại, tiên tiến, gắn chặt chẽ với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không thực hiện các dự án không bảo đảm môi trường và nằm trong tổng thể môi trường nền không bị ảnh hưởng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. 

Quán triệt chỉ đạo nêu trên, quá trình lãnh đạo phát triển công nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tế của tỉnh để phát triển công nghiệp. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp; chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển công nghiệp; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường… Hà Tĩnh ưu tiên phát triển các khu, cụm công nghiệp với tốc độ nhanh, chất lượng và bền vững; đặt ra mục tiêu xây dựng khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế động lực của quốc gia và khu vực; là hạt nhân trong phát triển công nghiệp của tỉnh và khu vực. Đồng thời, thu hút nhiều dự án đầu tư mới có quy mô lớn, công nghệ hiện đại vào ngành công nghiệp. Các dự án trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động phải hiệu quả, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Nhờ đó, đến hết năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh đã có 23 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 604,07 ha, trong đó có 18 cụm công nghiệp đã hoạt động với 179 dự án đi vào sản xuất – kinh doanh với số vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 4.700 lao động3. Trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều dự án lớn của các tập đoàn trong nước đã hoàn thành và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lượt lao động địa phương: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng, Nhà máy Bia Sài Gòn, tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót, Nhà máy Sản xuất gỗ MDF – HDF…

Cùng với đó, việc thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đã thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh phát triển và thực hiện đúng đường lối đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo hình ảnh tích cực đối với các nhà đầu tư. Hà Tĩnh xếp thứ 10 cả nước về thu hút FDI với các dự án lớn đã và đang triển khai như: Khu công nghiệp Phú Vinh, Dự án Khu bến Phoenix (bến cảng số 5, 6) cảng Vũng Áng, Khách sạn 5 sao và chung cư Hill Side,…

Kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới

Thứ nhất, coi trọng giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển công nghiệp trong xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói chung.

Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đồng chí tỉnh ủy viên, cấp ủy viên các cấp trong tình hình mới, đánh giá đúng khả năng, tiềm năng và ưu thế phát triển của địa phương. Từ đó, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của toàn đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ về phát triển công nghiệp.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp toàn diện, lựa chọn đúng khâu đột phá có tính chiến lược cao.

Các cấp ủy đã xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm, mấu chốt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp; lãnh đạo xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp một cách khoa học, bền vững. Thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp gắn với các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; có cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực công nghiệp.

Thứ ba, coi trọng công tác quản lý nhà nước và huy động đa dạng các nguồn lực trong phát triển công nghiệp.

Hà Tĩnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước; thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư bảo đảm sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ quy trình xả thải, xử lý môi trường trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển, không đánh đổi phát triển kinh tế với môi trường. Coi trọng huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trọng tâm là hạ tầng cảng Vũng Áng, Sơn Dương, hệ thống giao kết nối đường ven biển, các tuyến giao thông trọng yếu theo hướng hiện đại, đồng bộ tạo liên kết vùng. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm logistics tại khu kinh tế Vũng Áng, tạo nền tảng thu hút đầu tư, hình thành cụm ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hậu thép, sớm hình thành thành phố công nghiệp ven biển gắn với khu kinh tế Vũng Áng, trên cơ sở phát triển thị xã Kỳ Anh, tạo sức lan tỏa, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế trên địa bàn.

Thứ tư, phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp trong việc thực hiện các nghị quyết về công nghiệp.

Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phù hợp với thực tiễn địa phương; tuân theo quy hoạch, kế hoạch, định hướng; bố trí và quản lý, sử dụng các nguồn lực đầu tư; những khó khăn, vướng mắc và những điểm bất cập của các chủ trương, chính sách; đồng thời, nắm bắt những đề xuất, kiến nghị của cơ sở. Xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận và quyết tâm cao trong tập thể Ban Chấp hành và Ban Thường vụ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với chính quyền; không ngừng nâng cao dân chủ, tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp.

Kết luận

Phát triển công nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp phù hợp với đặc điểm và lợi thế của địa phương và đã đạt được những kết quả quan trọng đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh cơ cấu công nghiệp tỷ trọng thấp, từng bước vươn lên khẳng định tiềm năng, vị thế của vùng. Tuy nhiên, cạnh những thành tựu, kết quả trong lãnh đạo phát triển công nghiệp của tỉnh cũng còn những hạn chế nhất định. Trên cơ sở thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích trong lãnh đạo phát triển công nghiệp. Đồng thời, cũng là cơ sở để Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp đạt được những kết quả quan trọng hơn nữa trong thời gian tới.

Chú thích:
1, 2. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tr. 50, 51.
3. Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo.