Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trên thế giới: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

ThS. Phạm Tuyết Ngân 
Trường Đại học Công đoàn

(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học đã phát triển từ rất lâu và rất thịnh hành trong hệ thống giáo dục đại học của các nước tiên tiến trên thế giới. Bảo đảm chất lượng đã trở thành xu thế tất yếu toàn cầu, đi kèm với đó là sự ra đời của các tổ chức, đơn vị bảo đảm chất lượng và các công cụ bảo đảm chất lượng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nghiên cứu, tìm hiểu giới thiệu, phân tích một số mô hình bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, tổ chức bảo đảm chất lượng của giáo dục đại học trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho vấn đề này tại Việt Nam.

Từ khóa: Bảo đảm chất lượng, giáo dục đại học, kinh nghiệm thế giới, thực tiễn Việt Nam.

Ảnh minh hoạ: Internet.

Hiện nay, chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục đại học nói riêng luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của toàn xã hội vì tầm quan trọng của nó đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục nói chung và bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học nói riêng đã được đề cập đến từ những năm chuyển giao giữa thế kỷ XX – XXI và được đặc biệt quan tâm trong vòng 20 năm qua. Đã có nhiều mô hình bảo đảm chất lượng giáo dục đại học được triển khai ở nước ta. Tuy nhiên, công tác bảo đảm chất lượng ở các trường đại học hiện nay chưa được quan tâm đúng mức và chưa thành hệ thống; đa phần chỉ mới dừng lại ở hình thức kiểm soát chất lượng. Vì vậy, việc học hỏi mô hình kinh nghiệm trên thế giới trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là hết sức cần thiết.

Với sự ra đời của các hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trên thế giới, việc thống nhất những định nghĩa cho các thuật ngữ thường dùng trong các hoạt động bảo đảm chất lượng và trong nghiên cứu chuyên môn là rất quan trọng. Bảo đảm chất lượng thực sự là hiện tượng khá mới trong giáo dục đại học nếu so sánh với các lĩnh vực khác như công nghiệp hay kinh tế. Bảo đảm chất lượng trong giáo dục liên quan tới các chính sách, quy trình mang tính thực tiễn và đem lại hiệu quả cùng với chất lượng. Theo Harvey: “Bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học là tập hợp các chính sách, thủ tục, hệ thống và thực hành trong và ngoài tổ chức được thiết kế để đạt được, duy trì và nâng cao chất lượng”1

Như vậy, bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học là các quy trình quản lý và đánh giá một cách có hệ thống nhằm giám sát hoạt động của các trường/tổ chức giáo dục đại học, bảo đảm chất lượng đầu ra và cải tiến chất lượng. Theo định nghĩa của tổ chức SEAMEO, bảo đảm chất lượng giáo dục là những quan điểm, chủ trương, chính sách, mục tiêu, hành động, công cụ, quy trình, thủ tục mà thông qua sự hiện diện và sử dụng chúng có thể bảo đảm rằng sứ mạng và mục tiêu giáo dục được thực hiện, các chuẩn mực đang được duy trì và nâng cao2.

Hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học gồm các thành phần:

(1) Bảo đảm chất lượng bên trong là tổng thể các hệ thống, nguồn lực và thông tin được sử dụng để thiết lập, duy trì và cải tiến chất lượng cũng như các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Các cơ chế giám sát trong hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong được vận hành nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học3.

(2) Bảo đảm chất lượng bên ngoài là hoạt động do tổ chức bên ngoài cơ sở giáo dục triển khai. Tổ chức này thực hiện đánh giá hoạt động của cơ sở giáo dục/chương trình đào tạo để xác định cơ sở giáo dục/chương trình đào tạo có đáp ứng các tiêu chuẩn đã thống nhất, xác định từ trước hay không4.

Như vậy, hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học có thể được khái quát như sau: bảo đảm chất lượng bên trong bao gồm hoạt động giám sát, tự đánh giá và cải thiện chất lượng, trong khi đó, hình thức của bảo đảm chất lượng bên ngoài gồm việc thực hiện đối sánh, kiểm toán, đánh giá – kiểm định. Mặc dù có sự khác biệt trong hoạt động nhưng cả bảo đảm chất lượng bên trong và bảo đảm chất lượng bên ngoài đều cùng hướng đến mục tiêu chung là cải tiến liên tục và nâng cao chất lượng đào tạo. Cơ sở để triển khai các hoạt động này là sự lãnh đạo hiệu quả và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Hiện nay, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đã trở nên khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong số 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Mạng lưới quốc tế các tổ chức bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE), phần lớn đều triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp nhằm mục đích quản lý, giám sát và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục5.

Mô hình bảo đảm chất lượng bên trong của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) gồm các thành tố: công cụ kiểm tra; công cụ đánh giá; quy trình bảo đảm chất lượng cho các hoạt động cụ thể; công cụ bảo đảm chất lượng cụ thể; và các hoạt động liên tục cải thiện chất lượng. Đối với AUN, bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tất cả các lĩnh vực công tác của nhà trường và cung cấp định nghĩa bảo đảm chất lượng bên trong như sau: “tổng thể các hệ thống, nguồn lực và thông tin dành cho việc thiết lập, duy trì và cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn của hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Đó là một hệ thống mà dưới sự tác động của nó, các nhà quản lý và nhân viên hài lòng với cơ chế kiểm soát đang hoạt động để duy trì và nâng cao chất lượng trong giáo dục đại học6.

Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của các nước trên thế giới khá đa dạng về mặt sở hữu (nhà nước, các hiệp hội hay các tổ chức, cá nhân), về đối tượng kiểm định (trường, chương trình, tất cả các cấp học hay chỉ giáo dục đại học…), về tính phụ thuộc hay độc lập với nhà nước (độc lập hoàn toàn với nhà nước, độc lập trong việc đưa ra các quyết định chuyên môn nhưng vẫn nhận kinh phí của nhà nước hay phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước).

Ở Hoa Kỳ hiện nay, tất cả các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đều không trực thuộc nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của các nước khác đều do nhà nước thành lập và nhận kinh phí hỗ trợ của nhà nước. 

Mô hình thứ nhất, bao gồm một số tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập với nhau, có nhiệm vụ triển khai các hoạt động đánh giá ngoài và có thẩm quyền công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Mô hình này cần có một tổ chức mang tính hiệp hội để liên kết và đại diện cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, qua đó, tạo diễn đàn để các tổ chức này có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Tuy nhiên, theo mô hình này, sự liên kết giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khá lỏng lẻo và nhà nước khó quản lý. Ngoài Hoa Kỳ và Canada, không nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mô hình này.

Mô hình thứ hai, tập trung cho một hoặc một vài cấp học, thí dụ: tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông… Phần lớn các quốc gia sử dụng mô hình này.

Mô hình thứ ba, tập trung cho tất cả các cấp học, thí dụ: tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng các trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học với sự hỗ trợ của hệ thống các đơn vị đánh giá ngoài. Văn phòng chuẩn quốc gia đánh giá chất lượng giáo dục (ONESQA) của Thái Lan là một thí dụ điển hình cho mô hình này.

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của các quốc gia cũng không giống nhau. Một số quốc gia chỉ kiểm định trường, một số khác chỉ kiểm định chương trình, nhưng cũng có những quốc gia đồng thời sử dụng cả hai hình thức trên. Đặc biệt, có tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không trực tiếp kiểm định các cơ sở giáo dục mà chỉ đi kiểm định các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khác, như Hội đồng kiểm định giáo dục đại học (CHEA) của Hoa Kỳ và cấp phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khác như Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (US Department of Education) hay Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục của Đức7.

Mô hình bảo đảm chất lượng giáo dục ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều nước trên thế giới có kinh nghiệm triển khai các hoạt động này. Trong quá trình tiếp cận với nhiều mô hình bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục trên thế giới, mô hình bảo đảm chất lượng giáo dục ở Việt Nam đang từng bước được hình thành, phù hợp với mô hình bảo đảm chất lượng của nhiều nước trên thế giới, nhất là mô hình của châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương, AUN, những mô hình được tiếp tục phát triển trên mô hình chung của châu Âu. Mô hình bảo đảm chất lượng giáo dục của Việt Nam, gồm:

(1) Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của nhà trường.

(2) Hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài nhà trường (hệ thống đánh giá ngoài bao gồm các chủ trương, quy trình và công cụ đánh giá)

(3) Hệ thống các tổ chức bảo đảm chất lượng (các tổ chức đánh giá ngoài và các tổ chức kiểm định độc lập).

Nội dung dưới đây được trình bày theo 3 cấu phần trên.

Một là, triển khai xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục; cải tiến chất lượng và xây dựng văn hóa chất lượng. Hiện nay, đã có 110 trường đại học có trung tâm và đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng đã được thành lập, trong đó có 5 trung tâm do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ thành lập và triển khai hoạt động trong 3 năm qua. Các hoạt động đánh giá chất lượng giảng dạy, đánh giá chương trình, kiểm toán nội bộ đang được triển khai thực hiện và mở rộng quy mô áp dụng.

Hai là, triển khai các hoạt động đánh giá ngoài. Có 20 trường đại học và 4 chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng đã được đánh giá ngoài. Trong số các trường đại học đó, có 12 trường do tổ chức HBO raad (Hà Lan) đánh giá và 8 trường do tổ chức EST và CQAIE (Hoa kỳ) cùng các chuyên gia Việt Nam đánh giá. Các trường đại học này đã được hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định và đề nghị Bộ trưởng công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. 

Ba là, chuẩn bị cho việc hình thành hệ thống các tổ chức kiểm định độc lập để triển khai các hoạt động đánh giá khách quan. Bộ đang khẩn trương hoàn thiện văn bản quy định về điều kiện thành lập chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổ kiểm định chất lượng giáo dục độc lập để có thể sớm thành lập các cơ quan kiểm định độc lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương xây dựng và củng cố hệ thống các đơn vị làm công tác đánh giá tại các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo; đẩy nhanh tiến độ thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập.

Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, toàn quốc đã có hơn 1.200 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận. Trong đó, hơn 860 chương trình đào tạo được các tổ chức trong nước kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước và khoảng 400 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định nước ngoài kiểm định; có hơn 180 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước, 9 cơ sở được tổ chức kiểm định nước ngoài kiểm định; 11 trường cao đẳng sư phạm và 4 chương trình giáo dục mầm non, trình độ cao đẳng đã được kiểm định8.

Để bảo đảm việc xây dựng hệ thống các tổ chức kiểm định đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hình thành “mạng lưới” theo Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020, thời gian qua, Cục Quản lý chất lượng đã phối hợp xây dựng nội dung quy định liên quan tổ chức kiểm định công lập, tiếp tục tham mưu để công nhận hoạt động đối với ba tổ chức kiểm định nước ngoài tại Việt Nam, gồm: Tổ chức ASEAN University Network-Quality Assurance (AUN-QA); Tổ chức High Council for Evaluation of Research and Higher Education (Hcéres) và Tổ chức The Quality Assurance Agency for Higher Education (QAA) trong năm 2022. Hiện Cục cũng đã tiếp nhận và đang thẩm định hồ sơ của 4 tổ chức kiểm định nước ngoài khác đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Thực tế cho thấy, với khối lượng công việc chuyên môn khổng lồ, trong bối cảnh nhân lực tham gia công tác kiểm định còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện quy định mới về bồi dưỡng kiểm định viên theo quy định tại Thông tư số 14/2022/TT-BGDĐT ngày 10/10/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả là, năm học 2022 – 2023 đã có thêm 3 tổ chức kiểm định chất lượng tư thục được tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (trong tổng số bảy tổ chức kiểm định của cả nước), nâng tổng số đơn vị tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên lên 6 đơn vị.

Trên cơ sở đó, so các năm trước, năm học 2022-2023 được đánh giá là một bước nhảy vọt, khi có tới 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities); sang năm 2023, có thêm 2 cơ sở (tổng là năm cơ sở) có tên trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023; 10 cơ sở trong bảng xếp hạng Webometrics và 5 cơ sở giáo dục trong bảng xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (The Emerging Economies University Rankings 2021)…9.

Theo công bố mới nhất của Times Higher Education (THE), Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học lọt bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024 (THE WUR 2024). Trong đó, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng nằm trong nhóm 601 – 800 thế giới, tiếp tục dẫn đầu các trường đại học Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng ở nhóm 1.201-1.500. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Huế cùng xếp thứ 1.501+, giữ nguyên thứ hạng, so với năm ngoái. Đáng chú ý, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh lần đầu vào bảng xếp hạng đại học thế giới này nhưng với trạng thái “reporter” (nhóm được báo cáo)10.

Để có được những kết quả trên, cùng với công tác kiểm định chất lượng (đánh giá ngoài), là sự nỗ lực của chính các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) với những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa quan tâm và chú trọng xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhà trường do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, chưa chú trọng đến công tác tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở vật chất.

Việc xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng quốc gia, đặc biệt là thiết kế của hệ thống từ việc sử dụng các công cụ bảo đảm chất lượng, chức năng và nhiệm vụ của các tổ chức bảo đảm chất lượng đến vai trò của các bên tham gia, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Dựa trên mô hình bảo đảm chất lượng trên thế giới và hiện trạng bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, kinh nghiệm rút ra ở đây là:

Một là, cần khuyến khích và thường xuyên thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực của các trường đại học, cao đẳng thông qua tăng cường sự tham gia của các tổ chức hiệp hội vào hoạt động bảo đảm chất lượng ngoài. Các hiệp hội có thể là Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (mới thành lập) hoặc Hiệp hội bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và Hiệp hội kiểm định chất lượng giáo dục đại học (chưa tồn tại, cần thành lập).

Hai là, kết hợp sử dụng đa dạng nhiều công cụ bảo đảm chất lượng nhằm đa dạng hoá hoạt động bảo đảm chất lượng, khai thác tối đa các thế mạnh của các công cụ khác nhau để công tác bảo đảm chất lượng toàn diện hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Việc sử dụng kết hợp nhiều công cụ khác nhau cũng nhằm bảo đảm công tác này bao trùm được nhiều mặt và khía cạnh của chất lượng trong giáo dục đại học. Đối với những nền giáo dục đại học kém phát triển trong đó bảo đảm chất lượng chủ yếu chỉ dựa vào kiểm định chất lượng như Việt Nam, bảo đảm chất lượng chỉ được hiểu một cách hạn chế và nhầm lẫn với kiểm định chất lượng. Việc đa dạng hoá các công cụ còn hỗ trợ thay đổi nhận thức này.

Ba là, thúc đẩy, hỗ trợ phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ trong các trường đại học, cao đẳng. Thẩm định nội bộ (Internal Audit), đánh giá đồng cấp và đối sánh là những công cụ bảo đảm chất lượng nội bộ cần được thúc đẩy sử dụng tại các trường đại học, cao đẳng.

Bốn là, nâng cao tính thực chất của các hoạt động và công cụ bảo đảm chất lượng. Trước hết, nhất thiết phải có cơ chế xác nhận thong tin công khai của các trường đại học, cao đẳng, có thể qua một tổ chức độc lập như một cơ quan thống kê giáo dục hoặc có thể sử dụng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Năm là, cần thiết lập cơ chế quản lý, quy định pháp lý và quy tắc nghề nghiệp phù hợp và chặt chẽ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia bảo đảm chất lượng. Do năng lực bảo đảm chất lượng ở các trường đại học, cao đẳng còn hạn chế, nhu cầu được tư vấn về công tác này là rất lớn. Cần phải có cơ chế quản lý hiệu quả, phù hợp và khung pháp lý thuận lợi để một mặt tạo môi trường lành mạnh và bảo đảm tính liêm chính trong các hoạt động chuyên môn, mặt khác hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và tiêu cực xảy ra trong đánh giá chất lượng.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điều đó đỏi hỏi phải có bước đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước11. Trong đó không thể thiếu hoạt động bảo đảm chất lượng, hoạt động giúp duy trì, bảo đảm, cải tiến và nâng cao chất lượng trong giáo dục đại học. Hình thành, hoạt động, duy trì và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng là công việc quan trọng, cần thiết với bất kỳ trường đại học nào. Việc nghiên cứu mô hình bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học của các nước giúp Việt Nam đúc kết được những kinh nghiệm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của đất nước, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chú thích:
1. Harvey L. Analytic quality glossary. Quality Research International. Retrieved on January 22, 2015.
2. SEAMEO. Quality Assurance for Higher Education in Asia and the Pacific, Bankok: SEAMEO Regional Centre for Higher Education and Development, 1999.
3,5. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Tài liệu hướng dẫn Đánh giá chất lượng cấp chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA – phiên bản 3.0. H. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2016.
4. Sanyal, B. C., Martin, M. Quality assurance and the role of accreditation: An overview. Report: Higher Education in the World 2007: Accreditation for Quality Assurance: What is at Stake.
6,8,9. Hà Thân. Siết kiểm định, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Https://nhandan.vn, đăng ngày ngày 29/9/2023.
7. AUN Secretariat. Guide to AUN Actual Quality Assessment At Programme Level – Version No. 2.0, 2011.
10. Bài 1: Những con số phát triển của giáo dục đại học Việt Nam. Https://daibieunhandan.vn, ngày 01/11/2023.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Tiến Dũng. Hoạt động khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục trong cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Lý luận chính trị số 9/2016.
2. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Tài liệu hướng dẫn Đánh giá chất lượng cấp chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA – phiên bản 3.0. H. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2016.
3. “Mạng lưới quốc tế các tổ chức bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE)”, www.inqaahe.org.