TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Các nhà nước ở phương Đông cổ đại ra đời khá sớm và đều được tổ chức theo hình thức quân chủ chuyên chế. Đặc trưng của nhà nước kiểu này là mọi quyền lực cao nhất và chủ yếu (lập pháp, hành pháp, tư pháp) đều tập trung trong tay nhà vua. Vua được xác định là thiên tử, pháp luật là mệnh thiên, nhà nước là công cụ toàn năng của vua để trị nước, an dân. Những tư tưởng về nhà nước, pháp luật và cách thức tổ chức quyền lực được thể hiện rất phong phú trong các học thuyết chính trị – xã hội ở phương Đông. Những quan niệm về nhà nước pháp quyền của các học giả phương Đông có giá trị, ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Nhà nước pháp quyền, học thuyết chính trị phương Đông, pháp gia, thời kỳ cổ đại, giá trị tham khảo, Việt Nam.
Đặt vấn đề
Ngay từ thời cổ đại, trước sự lạm quyền, độc quyền của giai cấp thống trị đương thời, các nhà tư tưởng đã không ngừng tìm kiếm cách thức tổ chức quyền lực mới để bảo vệ quyền tự nhiên vốn có và phẩm giá của con người. Từ đó tư tưởng về pháp quyền, nhà nước pháp quyền bắt đầu xuất hiện và ngày càng phát triển. Nhà nước pháp quyền lấy mối liên hệ, tương tác giữa pháp luật và quyền lực nhà nước trong mối liên hệ với công dân làm nền tảng. Đó là nhà nước thượng tôn pháp luật, trong đó hệ thống pháp luật được xây dựng để quản lý xã hội.
Cho đến nay, các học thuyết về nhà nước pháp quyền trên thế giới đã trở nên rất phong phú và đa dạng. Mỗi quan điểm cũng như mỗi học thuyết đều có những giá trị riêng để có thể học hỏi và vận dụng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bài viết này sẽ tập trung khái quát quan niệm cơ bản về nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng chính trị phương Đông thời kỳ cổ đại, từ đó rút ra những giá trị tham khảo đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Quan niệm về nhà nước pháp quyền trong các học thuyết chính trị ở phương Đông
Ở phương Đông thời kỳ cổ đại, các nhà nước ra đời sớm và đều được tổ chức theo hình thức quân chủ chuyên chế. Đặc trưng của nhà nước kiểu này là mọi quyền lực cao nhất và chủ yếu (lập pháp, hành pháp, tư pháp) đều tập trung trong tay nhà vua. Vua được xác định là Thiên tử, pháp luật là mệnh thiên, nhà nước là công cụ toàn năng của vua để trị nước, an dân. Vì thế, những tư tưởng về nhà nước, pháp luật và cách thức tổ chức quyền lực cũng xuất hiện khá sớm và được thể hiện rất phong phú trong các học thuyết chính trị – xã hội ở phương Đông.
Nhà nước Ai Cập cổ đại là một trong những nhà nước xuất hiện sớm nhất trong lịch sử loài người (khoảng đầu thiên niên kỷ thứ IV tr.CN) mang tính chất tập trung chuyên chế. Người đứng đầu bộ máy nhà nước là Pharaông, có quyền sở hữu tối cao đối với toàn bộ đất đai trong cả nước và có quyền dùng ruộng đất đó cùng với của cải và nô lệ để ban tặng cho họ hàng, quan lại, tăng lữ cấp cao. Do đó, mọi mệnh lệnh của Pharaông đều trở thành pháp luật. Pharaông có quyền bổ nhiệm, bãi miễn hoặc trừng phạt bất cứ người nào. Ngoài chức năng cai trị thần dân, Pharaông còn kiêm chức năng thẩm phán tối cao, thống lĩnh quân đội và đứng đầu tăng lữ.
Sau Ai Cập, nhà nước ở Lưỡng Hà cũng được hình thành. Người có công thống nhất cả khu vực Lưỡng Hà, xây dựng Vương triều Babilon thành quốc gia hùng mạnh là vua Hammurabi (1792 – 1750 tr.CN). Ông cũng là vị vua đầu tiên ở Lưỡng Hà chế định một bộ luật thành văn hoàn chỉnh và áp dụng thống nhất cho toàn khu vực Lưỡng Hà. “Luật Hammurabi với 282 điều khoản về hình sự, về quyền thừa kế tài sản, về gia đình, về nô lệ, về lĩnh canh ruộng đất… mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là việc bảo vệ quyền lợi của giai cấp hữu sản, công cụ để duy trì, củng cố bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền”1. Bộ luật của vua Hammurabi chính là bộ luật thành văn cổ lâu đời nhất trong lịch sử.
Xuất hiện sau nhà nước ở Ai Cập và Lưỡng Hà, Ấn Độ cổ đại có những bước tiến vượt bậc về quản lý nhà nước, trong đó đã đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các nhà vua, quan chức đối với nhân dân, về cách thức điều hành của bộ máy nhà nước… Những giá trị về nhân văn, về quyền lợi của con người đã được thể hiện khá rõ nét trong Kinh Vêđa, Kinh Upanishad, giáo lý Bàlamôn, triết lý đạo đức nhân sinh của Phật giáo, Bộ luật Manu và luận văn chính trị xã hội Athahatra của Caulia… nổi bật trong số này là luận văn chính trị xã hội Athahatra của Caulia. Trong nhà nước Ấn Độ cổ đại, pháp luật được dùng để bảo vệ các giáo sĩ Bàlamôn và trừng trị những kẻ xâm phạm đến chế độ sở hữu tư nhân.
Mặc dù ý thức được tầm quan trọng của pháp luật trong việc cai trị xã hội nhưng những tư tưởng về pháp quyền ở Ai Cập, Lưỡng Hà hay Ấn Độ cổ đại còn rất sơ khai và chủ yếu phục vụ cho việc trị vì đất nước của các nhà vua, còn quyền lợi của nhân dân thì vẫn chưa được tính đến. Nổi bật và có giá trị trong quan niệm về nhà nước pháp quyền ở phương Đông chính là các học thuyết chính trị – xã hội của Trung Quốc. Lịch sử xã hội chiếm hữu nô lệ nơi đây là lịch sử của những xung đột quyết liệt xung quanh việc chọn phương thức trị nước, an dân nhằm thiết lập lại trật tự xã hội của các trường phái tư tưởng khác nhau. Trong đó số, nhiều nội dung liên quan đến yếu tố pháp quyền đã được đưa ra và vẫn còn giá trị đến ngày nay. Có thể kể đến các học thuyết tiêu biểu là: Nho gia, Mặc gia, Đạo gia và Pháp gia.
Quan điểm nổi bật về trị nước của Nho gia là dùng “đức trị” kết hợp với “lễ” và “nhạc” để giáo dục và cảm hóa con người. Khổng Tử (người sáng lập ra Nho gia) chủ trương “nặng đức, nhẹ hình”. Nhưng ông cũng không phê phán, phủ nhận việc dùng pháp luật nói chung, kể cả việc dùng hình phạt nghiêm khắc khi cần thiết. Tuy nhiên, trong quan điểm của Khổng Tử thì pháp luật phải thể hiện được nhân đức, không ai được tùy tiệt đặt hay sửa luật. Cống hiến vĩ đại của Khổng Tử về lý thuyết nhà nước pháp quyền là ở chỗ: ông đã chỉ ra cái ưu thế, cái yếu thế, cái đủ và cái chưa đủ của đạo đức là pháp luật. Đường lối trị nước bằng đạo đức của Khổng Tử đã đem lại những hiệu quả nhất định trong giai đoạn đầu của chế độ phong kiến. Khổng Tử đã đưa ra yêu cầu và chuẩn mực đạo đức của người cầm quyền rất gần với yêu cầu về phẩm chất của đội ngũ cán bộ nhà nước trong các nhà nước hiện đại ngày nay.
Cùng thời với Khổng Tử là Lão Tử – “ông tổ của Đạo gia”. Điểm cốt lõi trong tư tưởng của Lão Tử là “đạo” và “vô vi”. Lão Tử quan niệm pháp luật là do vua tạo ra vì thế nó trái với quy luật của tự nhiên. Trong đời sống xã hội và trong phép trị nước, Lão Tử chủ trương cần phải bỏ hết những gì trái với tự nhiên, vượt quá bản tính, nhu cầu tự nhiên, cần thiết của con người; phải tuân thủ theo những quy luật của tự nhiên (“đạo”).
Vì “đạo” là quy luật của tự nhiên, mọi sự sinh thành, biến hóa của vạn vật đều từ “đạo” mà ra nên cách trị nước hay nhất là “vô vi” (hành động theo lẽ tự nhiên, thuần phác, không hành động trái với bản tính tự nhiên). Kêu gọi trị nước bằng đạo “vô vi”, Lão Tử muốn đưa xã hội và cuộc sống của con người trở về với trạng thái tự nhiên, nguyên thủy, chất phác, không ham muốn, không dục vọng, không thể chế, không pháp luật, không bị ràng buộc bởi truyền thống đạo đức, không cầu tri thức, trí xảo, văn hóa, kỹ thuật mà theo bản tính, khả năng, sở thích tự nhiên của con người.
Mỗi người tự làm những việc mà mình cần phải làm một cách tự nhiên. Điểm tiến bộ trong quan niệm của Lão Tử là đã thấy sự tồn tại tất yếu của bản tính tự nhiên của con người và để bảo đảm cho sự tồn tại của bản tính đó thì cách tốt nhất là thuận theo tự nhiên. Tư tưởng này rất có giá trị đối với mô hình nhà nước pháp quyền thời hiện đại bởi việc nhận thức và bảo vệ các quyền tự nhiên của con người thông qua pháp luật chính là một trong những nội dung quan trọng của nhà nước pháp quyền hiện nay.
Trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc thời kỳ cổ đại thì tư tưởng về nhà nước pháp quyền được thể hiện một cách rõ nét nhất trong học thuyết của Pháp gia với đường lối trị nước bằng pháp luật. Người ta cho rằng, Quản Trọng (683 – 640 tr.CN) là người đầu tiên bàn về pháp luật như một cách trị nước và chủ trương cần phải công bố luật pháp rộng rãi cho dân chúng. Ông cho rằng, phép trị nước phải coi trọng: luật, hình, lệnh và chính. Luật là để định rõ danh phận cho mỗi người mà dân không tranh, lệnh là để dân biết việc mà làm, hình là để trừng trị những kẻ làm trái luật và lệnh đã ban hành, còn chính là sửa cho dân theo đường ngay, lẽ phải. Tư tưởng pháp trị của Quản Trọng thể hiện sự tôn trọng vua, vì vua là người đặt ra pháp luật. Còn vua phải yêu dân thì dân mới phục tùng. Pháp luật phải cân nhắc trước khi ban hành để ít bị thay đổi. Ông nói: “trời không vì vật mà thay đổi bốn mùa, Minh quân không vì vật (việc) mà thay đổi pháp luật”. Khi pháp luật đã được ban hành thì vua, tôi, trên, dưới, sang, hèn đều phải tuân thủ. Việc xét xử phải tuân theo pháp luật, “pháp bất vị thân”.
Sau này, tư tưởng về pháp trị được phát triển phong phú hơn bởi ba triết gia nổi tiếng thời chiến quốc là Thận Đáo, Thân Bất Hại và Thương Ưởng với chủ trương về “thế”, “thuật” và “pháp” trong đường lối trị nước.
Đến Hàn Phi Tử (khoảng 280 – 233 tr.CN) tư tưởng về pháp trị được phát triển đến đỉnh cao. Hàn Phi cho rằng, thời thế, hoàn cảnh đã thay đổi thì phép trị nước không thể viện dẫn theo “đạo đức” của Nho gia, “kiêm ái” của Mặc gia và “vô vi nhi trị” của Đạo gia như trước được. Ông phân tích: lịch sử xã hội luôn trong quá trình tiến hóa, trong mỗi thời kỳ lịch sử, xã hội sẽ có những đặc điểm, dấu ấn riêng. Do đó, không thể có một phương pháp cai trị vĩnh viễn cũng như không thể có một thứ pháp luật luôn đúng trong hệ thống chính trị tồn tại hàng ngàn năm. Trên cơ sở tổng hợp quan điểm về “thế”, “thuật”, “pháp”, Hàn Phi Tử đã xây dựng một học thuyết có tính hệ thống về đường lối pháp trị trên nền tảng “đạo” của Lão gia và “chính danh” của Nho gia. Học thuyết của ông đã được áp dụng và mang lại kết quả hữu hiệu trong việc thống nhất Trung Quốc dưới thời Tần Thủy Hoàng.
Theo Hàn Phi, pháp trị là tổng hợp giữa “pháp”, “thuật”, “thế”; trong đó “pháp” là nội dung của chính sách cai trị, “thế” và “thuật” như là phương tiện để thực hiện chính sách đó. Cả “pháp, thế và thuật đều là công cụ của đế vương”, nó thống nhất, không thể tách rời, không thể thiếu yếu tố nào, cái này gắn bó, phụ trợ cho cái kia.
“Pháp” là một phạm trù của triết học Trung Quốc cổ đại, được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa rộng, “pháp” được coi là thể chế, chế độ chính trị xã hội. Theo nghĩa hẹp “pháp” là quy định, luật lệ, hiến lệnh có tính chất khuôn mẫu mà mọi người trong xã hội phải tuân thủ. Kế thừa và phát triển tư tưởng của tiền nhân, Hàn Phi Tử cho rằng: “Pháp là hiến lệnh công bố của các công sở, thưởng hay phạt đều được dân tin chắc là thi hành, thưởng người cẩn thận, giữ pháp luật, phạt kẻ phạm pháp, như vậy, bề tôi sẽ theo Pháp”2.
Nội dung của pháp luật theo Hàn Phi Tử là thưởng và phạt, ông coi đó là hai đòn bẩy trong tay để vua giữ vững chính quyền. Khi xây dựng luật pháp, Hàn Phi yêu cầu luật pháp đặt ra thì cái lợi của nó phải lớn hơn cái hại; pháp luật phải phù hợp với thời thế. Đối với ông, không có một mô hình pháp luật tiên thiên để noi theo mà chỉ duy nhất có yêu cầu và tiêu chuẩn của thực tiễn. “Pháp luật thay đổi theo thời thì trị; việc cai trị thích hợp theo thời thì có công lao… Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn. Cho nên, bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà thay đổi và sự ngăn cấm theo khả năng mà thay đổi”3. Ngoài hai yêu cầu trên, theo Hàn Phi pháp luật còn phải bảo đảm tính ổn định, thống nhất; phù hợp với tình người, dễ biết, dễ làm; đơn giản mà đầy đủ; thưởng hậu, phạt nặng.
Về việc chấp pháp, Hàn Phi Tử đưa ra bốn nguyên tắc: một là, tăng cường giáo dục pháp chế (“dĩ pháp vi giáo”), hai là, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (“luật pháp không phân biệt sang hèn”, “hình phạt không kiêng dè bậc đại thần, tưởng thưởng không bỏ sót kẻ thất phu”), ba là, nghiêm khắc, cẩn thận, không được tùy ý thưởng cho người không có công, vô cớ sát hại người vô tội, và bốn là, dùng sức mạnh đạo đức hỗ trợ cho việc thi hành pháp luật.
Với những nội dung trên “Pháp” trong tư tưởng của Hàn Phi Tử chính là tiêu chuẩn, căn cứ khách quan để định rõ danh phận; vì thế “pháp” trở thành cái gốc của thiên hạ, là điều kiện tiên quyết để xây dựng nước mạnh. “Không có nước nào luôn luôn mạnh, cũng không có nước nào luôn luôn yếu. Hễ những người thi hành pháp luật mà mạnh thì nước mạnh, còn hễ những người thi hành pháp luật yếu thì nước yếu”4. Mặc dù đề cao vai trò của pháp luật, nhưng nhiều học giả sau này cho rằng, chủ thuyết của Hàn Phi là pháp trị, tức là dùng pháp luật để cai trị và sử dụng pháp luật như một công cụ để củng cố quyền lực của nhà cầm quyền, mà chưa thể hiện được trọn vẹn tư tưởng của pháp quyền là quyền lực tối tượng của pháp luật.
“Thế” được hiểu là địa vị, thế lực, quyền uy của người đứng đầu chính thể. Địa vị đó phải được coi là độc tôn, (“tôn quân quyền”). Hàn Phi cho rằng, muốn thi hành được pháp lệnh tất phải có “thế”, do đó, “thế” thậm chí quan trọng đến mức có thể thay cho vai trò của bậc hiền nhân. “Chỉ có bậc hiền trí không đủ trị dân, mà địa vị quyền thế lại đủ đóng vai trò của bậc hiền vậy”5. Ông phân tích: “Kiệt làm Thiên tử, chế ngự được thiên hạ không phải vì hiền mà vì có quyền thế. Nghiêu thất phu không trị nổi ba nhà không phải vì hiền, mà vì địa vị thấp”6. Vì vậy, theo quan điểm của Hàn Phi Tử, “thế” chính là uy quyền của ông vua, là điểm tựa, là cái nền để ông vua trị nước. Trong thực thi pháp luật, vua là người duy nhất nằm quyền thưởng phạt, tuyệt đối không chia sẻ cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên, mặc dù vua có vị thế, nhưng để có thể điều khiển được dân khắp nước thực hiện nghiêm minh pháp luật đã ban thì theo Hàn Phi Tử vua cần phải dùng “thuật”. “Thuật” là phương pháp, thủ thuật, cách thức, mưu lược điều khiển việc, khiến bề tôi triệt để, tận tâm thực hiện hiến lệnh của vua mà không hiểu vua dùng họ như thế nào. Nếu như “pháp” được công bố rộng rãi trong dân thì “thuật” là cơ trí ngầm, là thủ đoạn của vua. Theo “thuật”, để trị dân, vua phải có bộ máy quan lại và phải có cách sử dụng, điều khiển bộ máy đó trực tiếp làm nhiệm vụ trị dân theo pháp lệnh đã ban (“minh chủ trị lại, bất trị dân”). Như vậy, nói đến “thuật” là hướng đến bầy tôi và công việc của họ nên có thể hiểu “thuật” bao gồm hai nội dung cơ bản: thuật xét đoán, sử dụng con người – chọn người mà giao việc và thuật xét đoán công việc. “Thuật” chú trọng vào công dụng, kết quả thực tế, lấy kết quả làm thước đo năng lực. Với nguyên tắc dùng người và xét việc như vậy, “thuật” của Hàn Phi thực sự hữu dụng trong việc xây dựng một bộ máy quan lại chặt chẽ, tập trung và tất cả đều nằm trong sự kiểm soát của nhà vua.
Như vậy, “pháp”, “thế”, “thuật” nằm trong mối liên hệ không thể tách rời nhau. Điểm tích cực trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi là duy trì được trật tự xã hội một cách công bằng, khách quan. Bởi, khi vua dùng pháp luật để cai trị đất nước thì việc cai trị của vua sẽ trở nên khách quan và công bằng hơn bởi chính vua cũng không thể tùy tiện sửa chữa những quy định của mình. Tuy nhiên, điểm hạn chế của Hàn Phi là “nặng hình, nhẹ đức” – đề cao việc trừng trị bằng hình phạt nặng nề, coi nhẹ đạo đức. Vì thế người dân thời Chiến quốc không vi phạm pháp luật là do sợ hãi hình phạt chứ không phải do tự giác tuân thủ pháp luật. Mặc dù có những hạn chế nhưng tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử vẫn có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng những chuẩn mực cơ bản của luật pháp, để lại những bài học quý báu trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.
Thực tiễn xã hội phương Đông cổ đại cho thấy, quản lý xã hội theo kiểu pháp trị hay đức trị một cách cực đoan đều sẽ dẫn đến sự bế tắc, thậm chí là bóp nghẹt sự phát triển của xã hội. Theo kiểu “đức trị” thì nhân đạo, ôn hòa nhưng không tạo ra được động lực phát triển mạnh mẽ; còn theo kiểu “pháp trị” hà khắc thì khó có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển của các xã hội có giai cấp ở phương Đông cổ đại cũng đã đặt ra vấn đề về sự cần thiết phải có một nhà nước vững mạnh, quản lý xã hội bằng pháp luật. Còn nội dung của pháp luật như thế nào, cách thức tổ chức quyền lực trong nhà nước pháp quyền ra sao thì cần được thay đổi, bổ sung bởi các nhà tư tưởng về sau.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, song quan niệm về nhà nước pháp quyền trong các học thuyết chính trị – xã hội phương Đông vẫn có những giá trị tham khảo nhất định về mặt lý luận cũng như thực tiễn đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Giá trị tham khảo đối với Việt Nam hiện nay
Xây dựng nhà nước pháp quyền là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, tuy nhiên, mỗi một quốc gia sẽ có những mô hình nhà nước pháp quyền cụ thể, phù hợp với với điều kiện của đất nước. Ở Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả và phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Tổng kết 35 đổi mới đất nước, Đảng ta xác định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lức gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương của trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”7.
Thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng còn tồn tại những hạn chế, bất cập: hệ thống pháp luật còn có một số quy định chưa thống nhất, thiếu tính thực tiễn, chồng chéo và có kẽ hở; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân còn hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật của công dân chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm kỷ luật chưa kịp thời, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Bên cạnh đó, cải cách hành chính, tư pháp chưa theo kịp thực tiễn phát triển của đất nước; phẩm chất, năng lực của một bộ phận cán bộ, viên chức còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ.
Do vậy, nghiên cứu tư tưởng về nhà nước pháp quyền trong các học thuyết chính trị – xã hội ở phương Đông sẽ cung cấp cho chúng ta những giá trị tham khảo nhất định trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Cụ thể:
Một là, trong hoạt động lập pháp, việc soạn thảo, ban hành pháp luật phải bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu giúp người dân dễ tiếp cận và thực thi. Pháp luật phải thống nhất, ổn định, ít biến đổi nhưng cần phù hợp với với tính chất, đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế – xã hội cũng như trình độ dân trí, điều kiện quốc tế và xu hướng phát triển của thời đại. Có như vậy, pháp luật mới trở thành công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản, là khuôn mẫu hành vi mang tính chuẩn mực, những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung mà mọi cá nhân và tổ chức phải tuân theo. Pháp luật phải trở thành phương tiện có hiệu lực để điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản giữa người với người, các nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp xã hội khác nhau, bảo vệ trật tự xã hội cộng đồng… theo hướng tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của đất nước, đem lại lợi ích tối đa cho xã hội.
Hai là, trong hoạt động hành pháp, cần cải cách thể chế hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ viên chức có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của công việc. Chính phủ và bộ máy hành chính nhà nước thống nhất quản lý xã hội bằng pháp luật. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện thể chế; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra trong việc xử lý các vi phạm pháp luật.
Ba là, hoạt động tư pháp phải tuân thủ trình tự pháp luật, tôn trọng pháp luật. Bởi trong nhà nước pháp quyền thì pháp luật phải ở vị trí tối thượng và là chuẩn mực cho mọi hành vi trong xã hội. Do đó, các tổ chức, cá nhân phải gương mẫu thực thi pháp luật trên tinh thần “pháp bất vị thân”. Quá trình thực thi pháp luật cần bảo đảm tính công khai, minh bạch mới thể hiện được sức mạnh giáo dục và cưỡng chế của luật pháp. Điều này đã được Hàn Phi Tử lưu ý: nếu pháp luật và người thực thi pháp luật (vua) không nghiêm, không công bằng thì bề tôi sẽ gian dối, lộng quyền. Mà pháp luật không nghiêm thì xã hội tất loạn.
Bốn là, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong xã hội. Các nhà tư tưởng phương Đông đặc biệt rất quan tâm đến vấn đề này. Họ cho rằng, muốn cai trị xã hội bằng pháp luật, trước hết phải tuyên tuyền, phổ biến pháp luật trong dân chúng; giáo dục pháp luật sẽ đem lại hiệu quả rất lớn trong việc bình ổn xã hội. Nếu người dân được giáo dục pháp luật đầy đủ, thông suốt sẽ giúp họ không phạm phải những điều pháp luật cấm.
Năm là, chú trọng xây dựng phẩm chất liêm chính của đội ngũ cán bộ nhà nước. Trong những năm gần đây, thuật ngữ “chính phủ liêm chính”, “nhà nước liêm chính” được nhắc đến khá nhiều với hàm ý là xây dựng một nhà nước áp dụng tiêu chuẩn cao về phẩm chất cán bộ. Đây cũng đã từng là vấn đề mà Khổng Tử cũng như Hàn Phi Tử rất quan tâm. Khổng Tử đặt ra vấn đề “chính danh” (tức là “làm mọi việc cho ngay thẳng”) bởi “nếu không chính danh thì lời nói sẽ không đúng đắn, lời nói không đúng đắn sẽ dẫn tới thi hành sai… Cho nên nhà cầm quyền xưng danh thì đúng với phận với nghĩa; đã xưng đúng với danh phận, thì phải tùy theo đó mà làm” (Luận Ngữ, Tử Lộ, 3). Trong lý luận về “thuật”, Hàn Phi Tử cũng lý giải sâu sắc về vấn đề tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ quan lại một cách có hiệu quả vì đây là cánh tay đắc lực của nhà vua, giúp vua cai quản xã hội. Hàn Phi đã xây dựng nhiều cơ chế để giúp vua có được một đội ngũ quan lại vừa tài giỏi lại vừa trung thành như: tuyển dụng quan lại bằng thi cử, giao chức bằng thử việc, quyền lực phù hợp với nhiệm vụ để tránh lạm quyền…
Ở Việt Nam hiện nay, để xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính cần tập trung vào một số vấn đề sau:
(1) Trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí cán bộ trước hết phải xét đến năng lực, phẩm chất đạo đức của người đó, bởi “cán bộ là gốc của mọi việc”. Để lựa chọn được người tài đức, có đủ năng lực gánh vác công việc thì ngay từ khâu tuyển dụng phải được thực hiện kỹ lưỡng.
(2) Chú trọng công tác nhận diện, ngăn ngừa sớm các biểu hiện suy thoái đạo đức trong đội ngũ cán bộ, viên chức. Quy tắc “tham nghiệm” (căn cứ vào lời nói để đánh giá tính trung thực, thẳng thắn, căn vứ vào việc làm để đánh giá tâm tư trong sáng hay tham lam, căn cứ vào thái độ để đánh giá tính chính trực…) của Pháp gia cũng là một gợi ý quan trọng để nhận diện và ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái đạo đức trong công tác cán bộ ở nước ta hiện nay.
(3) Xây dựng cơ chế giám sát đối với đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay bởi nó không những có tác dụng răn đe, phòng ngừa tiêu cực trong thực thi công vụ mà còn là biện pháp hữu hiệu để xử lý các cán bộ suy thoái đạo đức, ảnh hưởng đến sự liêm chính của bộ máy nhà nước. Việc giám sát phải được thực hiện toàn diện (mọi lúc, mọi nơi, mọi việc) và cần lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Kết luận
Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển các tư tưởng về nhà nước pháp quyền ở phương Đông cho thấy: thực tiễn chính là mảnh đất hiện thực cho sự ra đời của các quan điểm lý luận về nhà nước, về pháp luật; song cũng chính thực tiễn là nơi để kiểm nghiệm, sàng lọc các quan điểm, tư tưởng đó để đi đến sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn của lịch sử. Do vậy, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu tư tưởng, quan điểm về nhà nước pháp quyền trong các học thuyết chính trị – xã hội trong lịch sử là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Qua đó, chúng ta có thể chắt lọc được những tinh hoa mà người xưa đã để lại, sáng tạo và cải biến nó cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện thời, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chú thích:
1. Lương Ninh (chủ biên). Lịch sử thế giới cổ đại. H. NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 76.
2. Doãn Chính. Đại cương triết học Trung Quốc. H. NXB Chính trị quốc gia, 1997, tr. 346.
3, 4. Phan Ngọc. Hàn Phi Tử. H. NXB Văn học, 2001, tr. 588, 55.
5, 6. Vũ Ngọc Pha, Nguyễn Ngọc Long, Nguyễn Hữu Vui. Triết học. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1993, tr. 167.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 118.