Tiêu chí đánh giá hiệu quả và công bằng xã hội của mối quan hệ nhà nước – thị trường – xã hội

TS. Vũ Ngọc Thanh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong nỗ lực nghiên cứu tìm cách đo lường cũng như đánh giá mối quan hệ giữa nhà nước – thị trường – xã hội bằng các tiêu chí quan trọng ở phương diện phát triển kinh tế đến nay vẫn được trọng dụng, như: GDP bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm. Mặc dù không phản ánh được các mặt khác, như: công bằng xã hội trong thụ hưởng phúc lợi và tiếp cận nguồn lực sản xuất hay mối quan hệ giữa nhà nước – thị trường – xã hội. Song việc chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của GDP và các chỉ số có liên quan trong mối quan hệ giữa nhà nước – thị trường – xã hội cần được tiếp tục nghiên cứu và bổ sung các tiêu chí để đánh giá, đo lường hiệu quả.

Từ khoá: Mối quan hệ, nhà nước, thị trường, xã hội, tiêu chí đánh giá.

Ảnh minh hoạ: vietnamhoinhap.vn.

Cho đến nay, rất khó để đưa ra được một bộ các tiêu chí thống nhất cho đánh giá mối quan hệ giữa nhà nước – thị trường – xã hội mà có thể áp dụng rộng rãi ở mọi quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Các nước phát triển, với ưu thế đi trước có thể chế kinh tế thị trường hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh và năng lực cao trong việc tạo dựng, điều chỉnh, bổ sung thể chế kinh tế cho phù hợp với bối cảnh mới, trong khi các nước đang phát triển và kém phát triển hơn thì không có được những điều kể trên. Thực tế cho thấy, việc xác lập vị trí, vai trò của các chủ thể nhà nước – thị trường và xã hội, không những chỉ khác nhau giữa các nhóm nước kể trên mà còn không giống nhau ở mỗi nước, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể từng nước. Ở mức độ chung nhất, có một số điểm chính sau đây:

Thứ nhất, các nước phát triển như G7, trong điều kiện bình thường, thể chế phát triển kinh tế, xã hội theo hướng rõ ràng là giảm thiểu vai trò của nhà nước, tối đa vai trò của thị trường trong phân bổ các nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và hàng hoá dịch vụ tiêu dùng, đồng thời phát huy tối đa vai trò của các tổ chức xã hội trong chức năng giám sát các mục tiêu hiệu quả kinh tế và thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội; nhà nước thực hiện vai trò tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt động của thị trường và tổ chức xã hội bằng xây dựng hoàn chỉnh thể chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng vai trò, sự tham gia của các chủ thể trong nền kinh tế.

Thứ hai, ở nhóm các nước đang phát triển, ngoài G7 và thuộc G20, do thể chế kinh tế thị trường đã hiện hữu nhưng chưa đạt đến trình độ của nền kinh tế thị trường các nước thuộc G7, nên cần tiếp tục được hoàn chỉnh, vì thế trong mối quan hệ giữa nhà nước – thị trường và xã hội, vai trò và chức năng của ba chủ thể này có đặc điểm là thị trường rất được coi trọng và được phát huy cao nhất có thể, bên cạnh vai trò còn khá lớn của nhà nước, trong việc thực hiện các mục tiêu hiệu quả kinh tế, chủ yếu bao gồm phân bổ các nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và hàng hoá dịch vụ tiêu dùng. Bên cạnh đó, vai trò của nhà nước còn quan trọng trong việc cố gắng phát huy tối đa vai trò của các tổ chức xã hội ở chức năng giám sát các mục tiêu hiệu quả kinh tế và thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội; Nhà nước đảm nhận trọn vẹn vai trò mà không ai có thể thay thế được, đó là tạo lập môi trường thuận lợi cho thị trường và các tổ chức xã hội thực hiện tốt các chức năng của mình, trọng tâm là thể chế hoàn chỉnh và thực thi hiệu lực, hiệu quả các chính sách. 

Thứ ba, ở nhóm các nước kém phát triển, còn gọi là các nước thuộc thế giới thứ 3, nơi không được công nhận có nền kinh tế thị trường, thấy rõ một số đặc trưng cơ bản của mối quan hệ giữa nhà nước – thị trường – xã hội là: vai trò của nhà nước vượt trội ở cả hai tiêu chí hiệu quả và công bằng xã hội trong việc thực hiện chức năng phân bổ các nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và phân phối tổng sản phẩm hàng hoá dịch vụ do nền kinh tế làm ra; vai trò của thị trường rất hạn chế; vai trò của các tổ chức xã hội, ở nhiều nơi còn được coi trọng hơn vai trò của thị trường và được chú trọng ở chức năng giám sát, cải thiện tiêu chí công bằng về phúc lợi kinh tế trong xã hội; nhà nước giữ vai trò độc tôn trong tạo dựng, điều chỉnh môi trường cho hoạt động của các chủ thể kinh tế bằng thể chế và chính sách.

(1) Tiêu chí hiệu quả kinh tế

Nói về hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tốc độ tăng GDP vẫn là các chỉ số được chú trọng, vì tiêu chí này trực tiếp cho thấy sức sản xuất của nền kinh tế, sâu hơn là chất lượng của sự tăng trưởng kinh tế, nguồn gốc thực sự của tăng sự tăng trưởng, yếu tố chính đóng góp cùng trình độ sử dụng các nguồn lực, vai trò của nhà nước và thị trường, qua đó cho thấy mối quan hệ giữa nhà nước – thị trường ở trình độ sản xuất hiện thời của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc sử dụng GDP không cho thấy được bất kỳ điều gì về sự thịnh vượng của xã hội, không cho thấy tình trạng của môi trường, không đo lường sức khỏe thể chất và tâm lý của người dân,… Do đó GDP là cần thiết nhưng không đủ; chúng ta cần phát triển các tiêu chí và chỉ số bổ sung để thấy rõ được tổng thể, toàn diện hơn về quá trình phát triển của xã hội. 

Trước những thay đổi to lớn hiện nay, môi trường và toàn cầu hoá kinh tế, nhiều người đặt câu hỏi liệu GDP có phải là một chỉ báo đầy đủ về phúc lợi của quốc gia và công dân của một nước? GDP bỏ qua biến động của cải, dòng thu nhập quốc tế, sản xuất hộ gia đình, hủy hoại môi trường và nhiều yếu tố quyết định hạnh phúc, như: chất lượng của các mối quan hệ xã hội, an ninh kinh tế và an toàn cá nhân, sức khỏe và tuổi thọ. Sự không phù hợp giữa tăng trưởng GDP và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng là một minh chứng về chênh lệch, khiến một số nhà phân tích nghi ngờ về tính hữu ích của GDP ở vai trò một thước đo phúc lợi kinh tế. Ngoài ra, một quốc gia có thể báo cáo tăng trưởng GDP trong khi nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng không suy giảm.

Để khắc phục những hạn chế của GDP như một chỉ số phản ánh tình trạng của một xã hội và cá nhân, thì ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo, người ủng hộ, tổ chức và cơ quan đề xuất các chỉ số thay thế và bổ sung cho GDP. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã phát triển Chỉ số Phát triển Con người (HDI), trong khi Liên minh Châu Âu nghiên cứu các chỉ số về bình đẳng giới đối với các nước phát triển.

GDP không cộng vào giá trị của các hoạt động được gọi là “việc nhà”- những khoản không được trả công cho công việc như chăm trẻ, chăm sóc người già, người tàn tật của các thành viên trong gia đình. Do đó, sáu lĩnh vực hoạt động kinh tế được đề xuất cần phải được tính vào GDP, như: hoạt động kinh tế hộ gia đình; hoạt động kinh tế cộng đồng không được trả lương; hoạt động kinh tế thị trường; hoạt động kinh tế không hợp pháp; hoạt động kinh tế nhà nước; hoạt động kinh tế tự nhiên.

GDP không nói lên chất lượng cuộc sống và phúc lợi của cá nhân, gia đình và các cộng đồng. Nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra một nghịch lý là sự giàu có tăng lên không làm cho các quốc gia hạnh phúc hơn. Cuộc sống ngày nay phức tạp hơn và các dịch vụ chiếm ưu thế; với tư cách là một xã hội, chúng ta cần đo lường hạnh phúc bản thân; số liệu thống kê chính thức của nhà nước nên kết hợp hài hòa dữ liệu khách quan và chủ quan; tính bền vững phải là một tiêu chí.

Có một số ý kiến phê phán GDP và các chỉ số thường được sử dụng hơn so với các chỉ số khác nổi lên một số ý kiến sau đây:

+ Khi có những thay đổi lớn về bất bình đẳng (trong phân phối thu nhập), GDP hoặc bất kỳ tiêu chí/chỉ tiêu nào khác được tính toán dựa trên đầu người đều không thể đem đến sự đánh giá chính xác về tình hình thực tiễn. 

+ Các số liệu thống kê thường được sử dụng không phản ánh được một số thực trạng có tác động ngày càng tăng đến phúc lợi của người dân (ngoại ứng). 

+ Quan điểm vĩ mô về GDP của thế giới không ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Do đó, các quyết định chính sách dựa trên phân tích vĩ mô có thể không hiệu quả và đôi khi phản tác dụng.

+ Để đánh giá các giải pháp thay thế, bổ sung cho GDP, chúng ta xem xét về các bộ chỉ số có ý nghĩa vượt ra ngoài các chỉ số kinh tế vĩ mô truyền thống.

Các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo chính trị gần đây đã có những sự điều chỉnh chương trình nghị sự bàn về mục tiêu, định hướng phát triển xã hội theo hướng bảo đảm hạnh phúc, công bằng và tiến bộ xã hội. Theo đó, hướng tới các giải pháp mới trong khuôn khổ đo lường (ví dụ những khuôn khổ dựa trên hạnh phúc chủ quan), mặc dù rất nhiều công việc đã được thực hiện trên các phương diện cụ thể (chẳng hạn như nghèo đa chiều hoặc thống kê môi trường).

(2) Tiêu chí công bằng xã hội về kinh tế: thụ hưởng phúc lợi và tiếp cận nguồn lực sản xuất.

Trong khi GDP là một thước đo đã được minh chứng và thành công về hoạt động kinh tế, người ta thừa nhận khá rộng rãi rằng GDP không thể nào cung cấp được một cách đầy đủ và đánh giá được đầy đủ về tình trạng của một xã hội, bởi vì nó không tính đến điều kiện và hạnh phúc của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Hơn nữa, GDP không bao gồm các hoạt động kinh tế nằm ngoài thị trường như chăm lo cho người dân trong hộ gia đình, không phản ánh được sự phát triển của lực lượng lao động trong nền kinh tế.

Nói chung, các tiêu chí với các chỉ số phản ánh nhiều chiều và hệ thống phúc lợi do chính nhà nước/chính phủ phát triển, được các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác hưởng ứng, tham gia một cách tích cực, chủ động thì cách tiếp cận tập trung tích cực cho phép xem xét đồng thời nhiều loại hoặc khía cạnh.

Về phương diện phúc lợi xã hội, việc đánh giá mối quan hệ của nhà nước – thị trường – xã hội được tập trung vào các phương diện và chỉ số/chỉ tiêu sau đây:

1) Nghèo đói: chỉ số phản ánh thường đo tỷ lệ phần trăm của số dân sống dưới mức nghèo khổ theo chuẩn chung của thế giới và theo qui định cụ thể của mỗi quốc gia. 

2) Sức khỏe: các chỉ số thường được sử dụng phổ biến là dinh dưỡng và khả năng tiếp cận y tế/dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của người dân, nhất là trẻ em, người yếu thế.

3) Giáo dục: khía cạnh này thường được đo bằng khả năng đọc viết, đi học ghi danh và tỷ lệ bỏ học hoặc hoàn thành. Dữ liệu về biết chữ và tỷ lệ nhập học của cả phụ nữ và nam giới được thu thập thường xuyên và so. Danh mục này có thể được làm phong phú thêm bằng cách bổ sung các chỉ số về giáo dục của các nhóm nhân khẩu học khác nhau một cách độc lập và so sánh với các nhóm khác. 

Về phương diện giáo dục, việc đo lường thường được thực hiện ở góc độ tiếp cận với các cấp độ giáo dục phổ cập cho toàn dân miễn phí hoặc tài trợ của nhà nước, mà cụ thể là đo bằng tỷ lệ người dân biết đọc, viết; tỷ lệ hoàn thành bậc học phổ cập; tỷ lệ bỏ học hoặc hoàn thành bậc học phổ cập và các cấp cao hơn. 

4) Việc làm: thường được coi là một chỉ báo về tiến bộ kinh tế và xã hội, được đo lường cơ bản thông qua chỉ số tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ số lượng người dân tham gia lực lượng lao động. Hạn chế của các chỉ số này nằm ở chỗ nó không cho thấy được lao động nhiệt huyết, có tâm và không tính đến những công việc không được trả lương.

5) Thu nhập và của cải: phương diện này được thể hiện bằng các chỉ số so sánh thu nhập nhưng thường chỉ giữa các nhóm thu nhập (ví dụ: 5% GDP thuộc về bao nhiêu % dân số hiện có; hay thu nhập hoặc tài sản của số dân có mức thu nhập dưới mức thu nhập bình quân chiếm bao nhiêu % của GDP). Cũng cần có chỉ số về quyền sở hữu tài sản hoặc kiểm soát tài sản và tỷ lệ sở hữu để so sánh giữa nhóm có thu nhập/tài sản ở tầng lớp trên và tầng lớp dưới trong xã hội, giữa nữ và nam giới, giữa các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm khác. Các chỉ tiêu phản ánh mức độ tiếp cận các hình thức phúc lợi xã hội như lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, cứu trợ ốm đau, bệnh tật vẫn còn chưa đạt đến mức độ thể hiện bằng chỉ số cụ thể.

6) Nơi cư trú: các chỉ số chính thể hiện là tỷ lệ sở hữu nhà, tiếp cận được dịch vụ cư trú hàng ngày như thuê hay ở nhà ở xã hội; còn chỉ số về định mức diện tích cho mỗi người, tình trạng chất lượng nhà ở; chỉ số phản ánh hiện trạng dân số cư trú tại các khu định cư không chính thức (khu ổ chuột) ở bất kỳ quốc gia nào.

7) Môi trường thiên nhiên: là lĩnh vực ngày càng có nhiều sự quan tâm, đề cao ý thức trách nhiệm, cấp bách trước thực trạng của môi trường sinh thái tự nhiên. Hiện trạng môi trường được đánh giá thông qua các chỉ tiêu như chất lượng môi trường; ảnh hưởng đến sức khỏe con người; tình trạng suy kiệt và các hệ sinh thái bị tàn phá. Thước đo năng lực và khả năng sẵn sàng ứng phó với thảm họa môi trường rất cần phải có nhưng hiện còn thiếu.

8) Tham gia vào chính trị: các chỉ số thể hiện sự tham gia vào chính trị bao gồm: tỷ lệ đi bầu cử; các quyền hợp pháp được pháp luật bảo đảm, bảo vệ; tỷ lệ dân số được phép và sẵn sàng tham gia vào một hoạt động chính trị. Chính trị ngày càng được chú trọng ở sự tham gia của phụ nữ với các chỉ số như tỷ lệ nữ so với nam giới chia sẻ số ghế quốc hội, trở thành nguyên thủ quốc gia. Ngoài ra, chỉ số thể hiện sự tham gia chính trị của các nhóm dân cư khác như các nhóm người dân tộc thiểu số, người nhập cư, người yếu thế phải được tính đến vì họ thường không có tiếng nói chính trị.

9) Xã hội dân sự: ở phương diện này các chỉ số về hiệp hội, tổ chức xã hội dân sự tự nguyện, ví như tỷ lệ số dân là thành viên của các tổ chức xã hội dân sự trong nước và số lượng thành viên của các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế. Ngoài ra còn bao gồm các chỉ số khác như tỷ lệ người không phản đối vấn đề người nhập cư, người lao động nước ngoài, các nhóm thiểu số khác; tỷ lệ dân số tin tưởng vào nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội khác.

10) Tham gia kinh tế: các chỉ số phản ánh điều kiện để tất cả các thành viên trong xã hội đều có cơ hội trở thành chủ thể kinh tế trong nền kinh tế quốc gia. Các chỉ số cho thấy địa vị của phụ nữ trong các tổ chức được trả lương, ví như tỷ lệ nữ so với nam tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ nữ giới so với nam giới trong các ngành nghề khác nhau, các cá lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Tuy vậy, hiện vẫn còn thiếu các chỉ số thể hiện sự tham gia kinh tế của các nhóm thiểu số và các nhóm yếu thế khác. 

11) Quyền con người: các chỉ số thể hiện mức độ mà các quyền cơ bản và các quyền tự do dành cho các nhóm khác nhau cùng sống trong một quốc gia trong đó gồm: các chỉ số xếp hạng nhân quyền, tình trạng của tù nhân (chẳng hạn như số tù nhân bị kết án tử hình theo sắc tộc), số tù nhân bị hành quyết bởi chính quyền dân sự; số lượng người đi tị nạn, rời đất nước do thiếu các quyền công dân cơ bản trong xã hội dân sự; các chỉ số về các quyền công dân và pháp lý bảo vệ phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số, ví như sự thất bại của một nhà nước trong việc ban hành, thực thi luật bảo vệ trẻ em gáin và phụ nữ khỏi bạo lực, bạo hành; bảo vệ người đồng tính, song tính và chuyển giới, cũng như tôn giáo và nhóm sắc tộc.

12) Bảo vệ đất nước phát triển bền vững: các chỉ số phản ánh mức độ rủi ro, thách thức đối với nền kinh tế trong đó bao gồm sự ổn định về chính trị, kinh tế và xã hội, những yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng chung; các chỉ số xem xét các vấn đề như gia tăng áp lực nhân khẩu; phát triển kinh tế không đồng đều theo giới, dân tộc, giai cấp; ngừng hoặc áp dụng tùy tiện các quy định của pháp luật; an ninh quốc gia.

13) Hạnh phúc gia đình và xã hội: các chỉ số phản ánh tình trạng của khối đoàn kết xây dựng hạnh phúc của gia đình và cả xã hội, xem xét các yếu tố như quy mô gia đình và thành phần, trẻ em trong gia đình và cuộc sống của trẻ em. Ngoài ra, các chỉ số đo khác bao gồm mức sinh (tỷ sinh, tuổi trung bình của mẹ sinh con đầu lòng, tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân, sinh con ở tuổi vị thành niên, và không có con) và tình trạng hôn nhân và bạn đời; thời giờ làm việc và thời giờ chăm sóc con cái của cha mẹ trong đó bao gồm (làm việc hàng tuần giờ giữa phụ nữ và nam giới; phân bổ giờ làm việc giữa các gia đình có cha hoặc mẹ đơn thân; và nơi làm việc thân thiện với gia đình thực tiễn). Hiện nay, thực tế cho thấy còn thiếu chỉ số phản án sự hỗ trợ của nhà nước cho cha mẹ để chăm sóc trẻ và các chính sách hỗ trợ gia đình khi nghỉ thai sản.

14) Hạnh phúc cá nhân: là cấp độ vi mô, các chỉ số đánh giá tổng thể về sức khỏe tinh thần và thể chất của một người. Bên cạnh đó, xem xét đến khả năng, hoạt động cá nhân, các mối quan hệ xã hội và ý thức về an toàn của bản thân trong xã hội. Như vậy, có thể thấy rằng các mặt phúc lợi kể trên bổ sung cho chỉ số GDP, tốc độ tăng GDP bằng cách bổ sung các chỉ số đánh giá toàn diện về phúc lợi của một quốc gia, gia đình và cá nhân. Dù vậy, phải thừa nhận rằng có những thách thức trong thực tế áp dụng các chỉ số thể hiện tiêu chí phúc lợi vì không phải tất cả các quốc gia đều có đủ khả năng đo lường hết các chỉ số này. Trong một số trường hợp, nhà nước có thể không định lượng được. Giá trị và sự đa dạng của các chỉ số đòi hỏi các thông tin khác nhau cần được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ cho việc tiêu chuẩn hóa.

Tuy nhiên, vẫn cần có một cách tiếp cận có hệ thống dựa trên các chỉ số chính về hạnh phúc bên cạnh GDP giúp hình thành một bộ công cụ đánh giá toàn diện, hữu ích hơn, được tiêu chuẩn hóa để chỉ số được chấp nhận rộng rãi từ định nghĩa dữ liệu, quy trình thu thập, phương pháp phân tích và báo cáo định dạng. Dữ liệu được thu thập tốt, được sử dụng đúng cách có thể mở rộng tầm nhìn và có ảnh hưởng đến các chính sách công trên thế giới.

Hiện nay, việc khuyến khích các sáng kiến đo lường tiến bộ xã hội thông qua các chỉ số thống kê đã được đưa ra ở một số quốc gia. Mặc dù những sáng kiến này dựa trên các phương pháp, mô hình văn hóa và trí tuệ, mức độ tham gia của các bên liên quan hữu cơ, thì một sự đồng thuận mới nổi về sự cần thiết phải thực hiện việc đo lường sự tiến bộ xã hội trong mọi quốc gia, vượt ra ngoài các chỉ số kinh tế thông thường như GDP bình quân đầu người.

Về phương diện tiếp cận các nguồn lực xã hội cho sản xuất, kinh doanh, các chỉ tiêu phản ánh chủ yếu tập trung vào khả năng tiếp cận các nguồn lực như đất đai, hạ tầng cơ sở, vốn tín dụng, sức lao động, những hỗ trợ như thuế, phí,… ưu tiên của nhà nước, trên cơ sở các quyền và quyền lợi theo quy định pháp luật trên thực tế của các chủ thể kinh tế như các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các chỉ số phản ánh được thể hiện ở số lượng các quyền và quyền lợi mà mỗi chủ thể kinh tế được xác lập; mức độ thụ hưởng và ưu đãi, hỗ trợ; điều kiện tiền đề; điều kiện ràng buộc.

(3) Tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện về thể chế, chính sách cho hoạt động của nhà nước – thị trường – xã hội

Đánh giá theo tiêu chí hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các chủ thể thuộc nhà nước, thị trường và xã hội gồm có nhiều chỉ tiêu khác nhau, khá đa dạng. Sự hoàn thiện của thể chế, chính sách thể hiện ở việc xác lập được đúng, đủ, phù hợp thực tiễn, khả thi và hiệu lực về vai trò, chức năng, vị trí của mỗi chủ thể thuộc nhà nước, thị trường và xã hội trong thực tế.

Có thể thấy các chỉ tiêu/chỉ số phản ánh cơ bản hội tụ ở việc thể hiện, phản ánh những mặt/vấn đề sau đây:

Một là, xác định rõ ràng về các quyền hạn, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác lập cho các chủ thể gồm nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức xã hội.

Hai là, phạm vi và giới hạn của quyền hạn và trách nhiệm, mức độ quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi chủ thể trong xã hội.

Ba là, các điều kiện yêu cầu được xác lập cho mỗi chủ thể để bảo đảm cho hoạt động đúng, đủ, công bằng và bình đẳng trước pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội.

Bốn là, các công cụ đòn bẩy, hạn chế được thiếp lập cho mỗi chủ thể để bảo đảm việc quản trị hoạt động của mỗi chủ thể ấy được hiệu quả, khả thi và hiệu lực. 

Năm là, số lượng các qui định được bổ sung, sửa đổi cho việc tạo ra mức độ thuận lợi cao hơn, giảm thiểu những rào cản, rủi ro cho mỗi chủ thể trong xã hội được ban hành và thực hiện.

Tài liệu tham khảo:
1. Dobrescu, P. and Durach, F. “Rethinking the state-market relations in the New Age of development”, Management & Marketing. Challenges for the Knowledge Society, Vol. 13, No. 4, pp. 1276-1288. DOI: 10.2478/mmcks-2018-0036.
2. Enrico Giovannini: “Measuring Society’s Progress: A key issue for policy making and democratic governance”. Chief Statistician and Director, OECD.
3. Erwin de Leon and Elizabeth T. Boris (2010): “The State of Society
Measuring Economic Success and Human Well-Being
”. The Urban Institute, Center on nonprofits and philanthropy.
4. Niels Hermes and Wiemer Salverda (1999): “State, Society and Development: Lessons for Africa?”, CDS Research Report No. 7, ISSN 1385-9218.